April 25, 2024, 8:53 pm

Dừng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Giải pháp an toàn cho nền kinh tế

 

Chiều 22-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc dừng thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Cuối giờ chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ (VPCP) cũng đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về vấn đề này với sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ ngành, Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội.

Thông tin từ buổi họp báo nhanh chóng trở thành tâm điểm của dư luận xã hội. Đặc biệt, trên hầu hết diễn đàn báo chí chính thống đều có những bài viết với dòng tiêu đề chủ đạo: “Dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vì lý do kinh tế”, đi kèm với đó là một loạt thông tin dẫn nguồn từ buổi họp báo. Xét về tổng thể, đây chính là việc làm cần thiết, thể hiện sự minh bạch thông tin của Chính phủ trước người dân và sự thống nhất cao giữa Chính phủ - Quốc hội trước những vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo

Dừng dự án khi thấy không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại và nguồn lực kinh tế của đất nước là lý do hoàn toàn chính đáng và có thể chấp nhận được. Hiện nợ công của Việt Nam đang tiệm cận ngưỡng mất an toàn, và Chính phủ đã buộc phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “thắt lưng buộc bụng” thông qua hàng loạt các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển sản xuất. Cùng với đó là quyết tâm đầy lùi lạm phát, tiết giảm chi tiêu công và tấn công tổng lực vào vấn nạn tham nhũng. Thông điệp của người đứng đầu Chính phủ là xây dựng “Chính phủ kiến tạo, hành động, và liêm chính” đã thực sự thổi làn gió mới trong toàn hệ thống chính trị- xã hội. Những tuyên bố đó là rất quan trọng, người dân cảm nhận ở đó có một khí thế mới, tinh thần mới. Đơn cử như chuyện quán cà phê Xin Chào, có người bảo “việc bé bằng cái móng tay" sao Thủ tướng cũng phải chỉ đạo giải quyết thì Thủ tướng chỉ hỏi lại một câu: "Nếu đó là việc nhà anh thì có nhỏ không?" Câu hỏi ấy đủ trả lời là lớn hay nhỏ. Hay nói cách khác, cứ cho là việc nhỏ đi, Chính phủ không làm được việc nhỏ thì sao làm được việc lớn. Cách làm của Thủ tướng đã cho xã hội thấy rằng, những việc dù nhỏ nhưng là của dân, chính quyền vẫn phải làm cho đến cùng. Và gần đây nhất là vụ xả thải của Formosa, gắn với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ vừa rồi đã tạo niềm tin cho nhân dân, chứng tỏ với dân Chính phủ không buông trôi  mà làm đến nơi đến chốn.

Cùng với Chính phủ hành động, một Quốc hội chuyển từ tham vấn sang thảo luận, tranh luận đã tạo nên một diện mạo mới không chỉ cho Quốc hội khóa XIV mà còn là thông điệp của sự lắng nghe, trách nhiệm, chấp nhận ý kiến trái chiều để đi đến  tận cùng là cái đích của sự thống nhất có lợi cho dân, cho nước. Và kết quả, người dân đã có thể yên lòng với Fomosa, và với điện hạt nhân Ninh Thuận.

Không vì lý do công nghệ, cũng không vì áp lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mà chỉ đơn thuần là kinh tế. Chính phủ, Quốc hội muốn giành nguồn lực để phục vụ những mục tiêu phát  triển kinh tế xã hội khác, cần thiết hơn, phụ vụ dân sinh nhiều hơn.  Mà theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, do tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặt khác, nước ta đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như Sân bay quốc tế Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam (cần số vốn trên 200.000 tỷ đồng), đường sắt cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển  cũng như nguồn vốn để giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu… Đây mới là những việc làm trước mắt song lại có tầm quan trọng cho sinh kế lâu dài của người dân cũng như sự phồn thịnh của đất nước.

Tính đến thời điểm hiện tại, một số việc chính của Dự án đã được triển khai, trong đó có hệ thống cấp điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và văn phòng làm việc của Ban quản lý Dự án hiện đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện. Đã hoàn hành công tác khảo sát, thiết kế các khu tái định cư. Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã cử 381 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên bang Nga; đã thực hiện 242 lượt thực tập nước ngoài 3 tháng cho giáo viên, giảng viên các trường đại học về điện hạt nhân. Ngoài ra, EVN đã cử 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân ở Liên bang Nga, Pháp và 33 kỹ sư đi đào tạo cán bộ khung vận hành nhà máy tại Nhật Bản. Việc dừng thực hiện Dự án đã được Chính phủ Việt Nam trao đổi với các đối tác Nga, Nhật Bản cùng thời điểm báo cáo Quốc hội xin chủ trương dừng thực hiện Dự án và đều nhận được sự  ủng hộ từ đối tác.

Công việc còn lại của Chính phủ, chính là đưa ra những quyết sách phù hợp với hạ tầng kỹ thuật dự án. Và về lâu về dài, giấc mơ về một quốc gia gắn với thế mạnh về năng lượng nguyên tử cũng sẽ không còn là quá khó đối với Việt Nam chúng ta.

 


Có thể bạn quan tâm