April 24, 2024, 10:49 am

Đừng chỉ quan tâm mà phải lên tiếng

 

Trong mấy ngày gần đây, mạng truyền thông liên tục đăng tải những ý kiến lo ngại của các cơ quan chức nặng, cụ thể ở đây là Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) và Bộ Y tế về tình trạng người lao động đồng loạt xin nghỉ hưu sớm để “né” thời điểm 1/1/2018 - thời điểm được coi là sẽ có nhiều thay đổi áp dụng cho đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Thậm chí Bộ Y tế còn soạn hẳn một văn bản chỉ đạo các bệnh việc “siết” chặt công tác giám định sức khỏe.v.v… Cũng thông tin trên mạng truyền thông, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội đang soạn thảo và sắp sửa trình thủ tướng chương trình việc làm giành cho người cao tuổi. Theo Bộ này, thì đây là việc làm cấp bách nhằm ứng phó với tình trạng già hóa dân số của Việt Nam trong tương lai gần (tức năm 2050)… Và cũng từ mạng truyền thông cho biết, hàng nghìn lao động Việt Nam bị mất việc làm tại các khu công nghiệp đang ở độ tuổi sung sức nhất, chín muồi nhất cả về thể lực và trí lực (độ tuổi 35-40).

 

Doanh nghiệp sa thải công nhân ở độ tuổi 35 - 40 đang làm nóng các diễn đàn xã hội. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Xót xa, thông cảm và thậm chí phẫn nộ chính là những cảm xúc có thật đang diễn ra trong xã hội hiện nay. Thông cảm ở chỗ, tâm lý muốn được nghỉ ngơi (dù với bất kỳ lý do gì) sau những tháng năm tận tụy cống hiến cho công việc là có thể chấp nhận được. Thậm chí việc kết thúc của người này lại chính là cơ hội cho người khác được cho là hoàn toàn phù hợp với quy luật cuộc sống. Và ở một góc độ nào đó, họ còn được đánh giá cao hơn không ít cá nhân vẫn muốn kéo dài thời gian công tác để tiếp tục thụ hưởng những đặc quyền, đặc lợi từ cơ chế, từ lỗ hổng của chính sách cán bộ. Đã có thời, dư luận cả nước lên án gay gắt tình trạng công chức, viên chức trong bộ máy hành chính sự nghiệp “sáng cắp ô đi, tôi cắp ô về” để rồi một Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính được xây dựng, chính thức cáo chung cho lối làm ăn bao cấp, sân sau cùng nhau trục lợi của “nhóm lợi ích”. Những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm đã tạo lên một diện mạo mới cho thể chế, chính trị xã hội hiện nay. Nhưng nghịch cảnh người muốn có việc nhưng bị mất việc, người cố bám víu lại được bám víu bởi chính sách có quá nhiều kẽ hở đang dần phá vỡ chủ trương xây dựng việc làm bền vững cho người lao động của Đảng, Nhà nước ta.

Mất việc ở độ tuổi chín muồi là điều không ai muốn và càng không thể chấp nhận được với lý do chủ lao động không muốn trả lương cao, không muốn phải tăng chi phí khi tham gia các điều khoản an sinh xã hội bắt buộc đối với người lao động. Theo nhiều chuyên gia lao động, nếu không có những giải pháp cụ thể thì  việc “sa thải” người lao động có tính chất dây chuyền này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách an sinh xã hội nói chung và tâm lý người lao động nói riêng. Chỉ có điều những giải pháp cấp bách ấy là gì? là xây dựng hệ thống pháp lý đủ chặt để buộc nhà đầu tư - chủ sử dụng lao động phải tuân thủ trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định cấp phép đầu tư? hay chỉ đơn thuần là yêu cầu họ đảm bảo việc làm và có trách nhiệm với người lao động như Luật Lao động của chúng ta hiện nay?

Rõ ràng những điều khoản trên là cần thiết nhằm hạn chế tối đa doanh nghiệp sa thải công nhân, nhưng nếu chỉ nói như ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, là “tình trạng sa thải rất đáng quan tâm” thì hẳn là chưa đủ mà cần phải lên tiếng. Cần phải hành động quyết liệt, cần sự công bằng, thậm chí “không có vùng cấm” đối với doanh nghiệp sử dụng lao động. Khung pháp lý đủ chặt hẳn là điểu cần phải có để bảo vệ người lao động và tạo sự công bằng trong xã hội hiện nay.

 


Có thể bạn quan tâm