March 29, 2024, 6:14 pm

Đừng biến giờ dạy văn thành giáo điều, khô khan, cứng nhắc

 

Ở tỉnh Quảng Bình, giai đoạn những năm 1970-1980, mọi người truyền nhau câu “văn Cán, toán Trình”, nghĩa là dạy văn hay như thầy Cán, dạy toán giỏi như thầy Trình.

Học sinh nào được học văn với thầy Lương Duy Cán (nhà thơ Hà Nhật) thì được xem như là một hồng phúc. Những thầy dạy văn có tiếng như thầy Cán thường có lực hấp dẫn đặc biệt. Học sinh không chỉ say mê khi nghe thầy giảng mà còn ngưỡng mộ cách sống thoải mái, phong thái ung dung, tâm hồn lãng mạn… của thầy. Một số học sinh của thầy Lương Duy Cán sau này trở thành những nhà thơ tên tuổi, như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Ngô Minh… Gần nửa thế kỷ sau, họ vẫn nhắc đến thầy với sự trân trọng và ngưỡng mộ.

Ảnh minh hoạ bài viết. Nguồn Internet

Hiện nay, ở bậc phổ thông rất khó tìm thấy những thầy dạy văn hay có lực hấp dẫn đặc biệt như thầy Cán và rất hiếm những học sinh say mê môn Văn như Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Kỳ, Ngô Minh… Thậm chí rất nhiều học sinh còn tỏ thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, chán ghét môn Văn. Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng trên. Trong bài trao đổi này, tôi chỉ xin nêu ra một trong những nguyên nhân dẫn đến môn Văn không còn được yêu thích như thời chúng tôi còn là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Dạy văn là dạy cái hay, cái đẹp; là truyền cái hay cái đẹp của văn chương cho học sinh. Tôi không biết vì lý do gì và do ai đề xướng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi tên môn Văn thành môn Ngữ Văn. Thêm “ngữ” vào trước “văn” là vô tình thu hẹp đặc trưng, chức năng và lợi thế của môn Văn. Cách ghép từ trong tiếng Việt có khác với tiếng Trung. Nếu ghép đẳng lập thì từ quan trọng hơn thường đứng trước; nếu ghép chính phụ thì từ chính luôn đứng trước (chẳng hạn ta vẫn gọi hoa đào, còn người Trung Quốc gọi ngược lại đào hoa). Việc đặt chữ “ngữ” đứng trước chữ “văn” dẫn đến định hướng sai lầm là coi trọng dạy “ngữ” hơn dạy “văn”. Thực ra thì trong văn đã có ngữ, nhưng xu hướng hiện nay biến những giờ dạy văn thành dạy từ ngữ đã góp phần giết chết môn Văn. Trước khi nghỉ hưu vào năm 2009, tôi từng dự một số giờ dạy văn theo phương pháp mới, thấy phần lớn thầy cô chủ yếu phân tích từ ngữ, rất ít chú trọng khai thác chất văn. Tác phẩm văn chương bị băm nát bởi một loạt câu hỏi vụn vặt. Chẳng hạn dạy bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương, có giáo viên đặt các câu hỏi: “Miếng trầu hôi” là miếng trầu thế nào? Em hãy giải thích nghĩa của từ “quệt”! Vì sao “Có phải duyên nhau thì thắm lại”? Ở câu cuối tác giả sử dụng biện pháp tu từ gì?... Và thế là học sinh trả lời ê a, ngắc ngứ, loanh quanh… chẳng còn thời gian để giáo viên bình giảng cái hay cái đẹp, cái ẩn ý sâu xa của bài thơ. Giờ học văn trôi qua một cách hết sức khô khan, tẻ nhạt.

Dạy văn như một cách “cơ học” như trên mà học sinh không chán môn Văn mới lạ! Cũng bài thơ Mời trầu, trước đây tôi từng nghe thầy Nguyễn Trung Hiếu (Khoa văn, Đại học Sư phạm Vinh) bình giảng rất hay. Thầy đưa dị bản bài thơ Mời trầu để sinh viên so sánh hai cụm từ “mới quệt rồi” và “đã quệt rồi”. Sinh viên có những cách trả lời khác nhau. Thầy trình bày cách lý giải của mình. Thầy không đồng tình với việc cho rằng Xuân Hương “mời trầu” sao cho hấp dẫn khách như bao cô gái bình thường khác. Nghĩa là bà không hề che giấu cái thân phận hẩm hiu của mình: “quả cau” thì “nho nhỏ”, “miếng trầu” thì “hôi” và “đã quệt rồi” chứ không phải  “mới quệt”… Giờ giảng văn nhờ thế mà hết sức sôi nổi, sinh động….

Xu hướng biến giờ dạy văn thành giờ phân tích từ ngữ như hiện nay sẽ còn dẫn đến một số hệ lụy khác. Vì vậy, tôi khẩn thiết đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo nên trả lại tên cho bộ môn Văn. Tôi cũng hết sức ngạc nhiên với cái chủ trương “lấy học sinh làm trung tâm” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ô hay, đi dạy mà không lấy “học sinh làm trung tâm” thì chẳng lẽ lấy cái bảng làm trung tâm? Nhà trường đâu chỉ có học sinh, trong nhà trường việc dạy và học đều phải được đặt lên hàng đầu. Quá chú trọng học sinh mà coi nhẹ vai trò của thầy cô giáo cũng là một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Tôi đồng tình với việc trong quá trình giảng dạy phải “phát huy tính chủ động tích cực, năng lực sáng tạo của học sinh”, nhưng tôi không đồng tình với việc xem giáo viên chỉ quan sát, hướng dẫn, uốn nắn… nhất là đối với những giờ dạy văn. Không ít giáo viên lợi dụng điều này để biến giờ dạy văn thành một buổi thi vấn đáp không hơn không kém. Thầy cô chỉ nêu câu hỏi và làm trọng tài phân xử. Đối với các bộ môn khác dạy như thế là tốt, nhưng môn Văn vốn có đặc thù riêng. Thầy cô giáo dạy văn chẳng khác gì những nghệ sĩ trên sân khấu. Câu hỏi trong giờ dạy văn phải là những câu hỏi khơi gợi óc phán đoán, chứ không phải những câu hỏi kiểm tra kiến thức thông thường. Khi dạy tiểu sử nhà thơ Tố Hữu, từng có giáo viên đặt câu hỏi như sau: Em nào biết nhà thơ Tố Hữu sinh năm nào? Quê quán ở đâu? Ông giữ những chức vụ quan trọng gì? Ông xuất bản được mấy tác phẩm, gồm những tác phẩm nào? v.v… Như thế, học sinh chỉ cần nhìn vào sách giáo khoa và trả lời như con vẹt. Thậm chí, đề thi tốt nghiệp phổ thông cũng có những câu hỏi tương tự như vậy. Lẽ ra, với phần tiểu sử nhà thơ Tố Hữu, chỉ cần tóm lược nội dung đã được trình bày trong sách giáo khoa, rồi nêu một câu hỏi “Qua đó, em thấy Tố Hữu là người thế nào?” để học sinh tự mình tìm câu trả lời. Thầy giáo dành ít phút kể vắn tắt vài giai thoại về nhà thơ (như xuất xứ bút danh Tố Hữu, Bác Hồ nhận xét thơ Tố Hữu v.v…), như vậy sẽ làm cho giờ giảng tăng phần hấp dẫn, gây được hứng thú cho học sinh.

Thêm nữa, thầy cô giáo dạy văn phải có tài ăn nói. Khi dạy, thầy cô dạy văn không chỉ đọc và nói diễn cảm “lên bổng, xuống trầm” bằng ngữ điệu mà còn phải “nói” bằng cả ánh mắt, dáng điệu, cử chỉ… Những lời thuyết giảng hay của thầy cô không chỉ thu hút sự chú ý của học sinh mà còn khắc sâu vào trí nhớ, trở thành hành trang theo suốt cuộc đời các em. Mới đây, trong buổi Hội ngộ các lớp Chuyên Văn thời tỉnh Bình Trị Thiên (1979-1989), có em học sinh cũ đã nhắc lại gần như trọn vẹn lời bình giảng của tôi khi dạy bài Thương vợ của Trần Tế Xương… Tôi xem đó là món quà vô giá trong quãng đời 40 năm dạy văn của mình.

Dạy được một giờ văn hay phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Một trong những yếu tố theo tôi hết sức quan trọng là tạo được sự đồng cảm giữa thầy và trò. Nhưng để tạo được sự đồng cảm giữa thầy và trò trong giờ dạy văn không hề dễ. Hơn bất cứ thầy cô dạy bộ môn nào, thầy cô dạy văn phải nắm được tâm sinh lý, hoàn cảnh, giới tính… của học sinh lớp mình giảng dạy. Phải tìm cách “gãi đúng chỗ ngứa” của các em, phải gần gũi, tiếp xúc với các em trong cuộc sống thường ngày. Thầy cô dạy văn không chỉ dạy trên lớp mà còn dạy ngoài giờ. Những chuyến đi dã ngoại với học sinh đối với thầy cô dạy văn rất bổ ích. Nhờ những cuộc đi dã ngoại với các em lên đồi Thiên An,  núi Bạch Mã,  đèo Hải Vân, chùa Túy Vân, biển Thuận An… mà tôi gần gũi các em hơn, các em cũng cảm mến tôi hơn. Những giờ dạy của tôi nhờ thế mà được tạo được sự đồng cảm khá dễ dàng. Còn nhớ, thời tôi mới vào Huế dạy ở trường Quốc học (1979), trong lớp có em học sinh gương mặt rất khả ái nhưng có vẻ lạnh lung. Tìm hiểu, tôi được biết bố em là sĩ quan trong quân đội VNCH vừa đi cải tạo về. Tôi hạ quyết tâm phải giúp em xóa bỏ mặc cảm. Có một số tiết dạy, tôi kín đáo thông qua những tác phẩm văn học giàu tính nhân văn như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Chiến tranh và hòa bình… để thông cảm với những hoàn cảnh như gia đình em. Một thời gian không lâu, em học sinh nọ đã bớt mặc cảm, sống chan hòa cùng các bạn trong lớp hơn.

Với tôi, hạnh phúc nhất là được nhiều thế hệ học sinh yêu thích một số giờ giảng văn tâm huyết  về thơ Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử....  Đặc biệt là Nguyễn Du và Truyện Kiều! Tôi say Truyện Kiều từ khi còn là một học sinh phổ thông. Lên đại học, những giờ giảng về Nguyễn Du và Truyện Kiều rất hay của thầy giáo Lê Kinh Khiên (khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh) khiến tôi không thể nào quên. Mỗi khi lên lớp dạy Nguyễn Du và Truyện Kiều, tôi say sưa truyền đạt cho học sinh những điều tôi tâm đắc. Thời dạy ở Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình, tôi may mắn gặp được một lứa sinh viên rất đỗi tài hoa, Mặc dù lúc đó lớp học chỉ là mái tranh vách đất, bữa ăn toàn hạt bo bo với canh “toàn quốc” (toàn nước) nhưng các em học hành rất chăm chỉ. Cứ mỗi lần giảng đến đoạn nàng Kiều bị Mã Giám Sinh làm nhục là tôi không sao cầm được nước mắt. Các thế hệ sinh viên Trường Sư phạm 10+3 Quảng Bình (nay là Đại học Quảng Bình) vẫn chép truyền nhau bài thơ Nghe thầy giảng Kiều của Lê Thanh Hải viết tặng tôi: Giờ học sáng nay thầy giảng Truyện Kiều/ Thầy đã khóc và chúng em đã khóc/ Thầy nghẹn ngào đọc trong tiếng nức/ Đất trời, cây cỏ rưng rưng…

Để trở thành thầy giáo dạy văn hay, thầy cô giáo phải có lòng yêu nghề, lòng say mê, khả năng cảm thụ, truyền thụ và phải có cả môi trường giáo dục thật thông thoáng nữa. Cha ông nói “không thầy đố mày làm nên”. Điều đó đặc biệt đúng với bộ môn Văn. Muốn chấn hưng bộ môn Văn, lãnh đạo ngành Giáo dục phải tạo điều kiện cho các thầy cô dạy đúng với đặc trưng bộ môn, vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy; không rập khuôn, máy móc; không biến những giờ dạy văn thành những giờ dạy đạo đức hay dạy từ ngữ một cách giáo điều, khô khan, cứng nhắc…

----------

 

Nhà thơ, nhà giáo Mai Văn Hoan, Cựu giáo viên môn văn trường Quốc học Huế.     

Nguồn Văn nghệ số 49/2019                                                                           


Có thể bạn quan tâm