April 20, 2024, 1:58 pm

Đưa nước sạch về với người dân rốn lũ Quảng Bình

Để tiếp đón Công ty Cổ phần Công Nghệ và Môi trường TECOM ở Thành phố Hồ Chí Minh ra Quảng Bình cứu trợ 40 bộ máy lọc nước sạch theo công nghệ Nano, vận hành bằng tay, cho người dân vùng lũ; chúng tôi phải có mặt tại điểm tiếp đón xe cứu trợ, thuộc thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

 

Người dân thôn Lệ Bình đang uống thử nước máy vừa lọc

 

Chúng tôi đến thôn Mai Hạ vào lúc 11 giờ 50 phút, ngày 22/10/2020. Trời nắng gắt, những ngọn gió biển thổi vào làm mặt nước nổi lên những đợt sóng nối nhau chạy dài vỗ vào bờ oàm oạp. Đây là điểm tập kết trên con đường nhựa, nên nhiều đoàn xe tải chở hàng từ các tỉnh đổ về tiếp tế cho người dân vùng lụt phía Nam huyện Lệ Thủy đang xếp hàng đợi ở đây chờ đến lượt lội qua đoạn đường gần 6 km sang thị trấn Kiến Giang, trung tâm của huyện để cứu trợ. Nước trên con đường ngăn cách hai bên bờ này còn cao làm các xe ô tô con gầm thấp không qua sông được. Vì vậy, những người đi xe bán tải phải nhảy xuống xe tải để qua.

Mấy chiếc ca nô vừa cập bến, một số hàng hóa cứu trợ được bốc lên. Thấy hai chị thanh nữ nói giọng Nghệ An leo lên, ông chủ ca nô liền ngăn lại vì sợ bị say sóng; nhưng trước sự cương quyết của hai chị, cuối cùng, ông cũng cho hai chị lên. Khi chiếc ca nô vừa rời bến khoảng 80 mét thì dừng lại, sóng biển đẩy ca nô trôi theo dòng nước. Trong bờ, hàng nghìn người dõi mắt trông theo lo lắng. Gió càng thổi mạnh, sóng càng dâng cao làm chiếc ca nô chòng chành và xa dần... Bỗng có tiếng reo: “Ca nô chạy được rồi”, làm không khí trên bờ thêm sôi động. Chiếc ca nô tăng ga chạy sang xã An Thủy, một xã bị ngập lụt sâu nhất và là xã nằm xa nhất của huyện Lệ Thủy, nơi 4 ngày nay nhiều người dân phải ngâm mình dưới nước chịu rét, chịu cơn đói dày vò…

Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Công an xã Mai Thủy cho biết, đơn vị Công an xã Mai Thủy gồm 15 đồng chí, mấy ngày này, cả đơn vị tập trung cho đợt chống lũ, lụt. Trước khi lũ dâng cao, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã lái ca nô đến từng gia đình vận động dân di dời... “Bây giờ, cả xã có đến 50% số nhà bị ngập lụt, mấy ngày nay chúng tôi đã di dời dân đến chỗ an toàn. Hiện nay, để đảm bảo trật tự, trị an và hướng dẫn phân tuyến luồng chở hàng cứu trợ đến đúng điểm dân cần, anh em chúng tôi phải trúc trực ở đây…”. Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Đứng cạnh tôi là anh Mai Duy Tân, thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy, nguyên là Thiếu tá bộ đội về nghỉ hưu. Anh tự nguyện bám đường, bám bến, hướng dẫn cho các tuyến ca nô và giữ an ninh, trật tự tại điểm tập kết. Anh Tân kể: “Hôm qua nghe tin có chủ thuyền nào đó chặt, chém đoàn cứu hộ chở hàng hóa, tôi rất giận nên sáng nay 5 giờ tôi đã có mặt ở đây để giữ gìn trật tự điểm tập kết, đồng thời giám sát các thuyền máy của các hộ gia đình, không để chặt chém tiền vận chuyển… Nghĩ cũng tức, trong khi các thuyền máy mấy ngày nay đều chở hàng miễn phí, nhưng trên mạng xã hội lại đưa trường hợp có chủ thuyền chở hàng cho đoàn cứu trợ lấy hết 5 triệu đồng, tức lắm anh ạ…”. Nhìn thấy đằng sau, phía bên mé đường, những thùng hàng từ chiếc xe ô tô tải của tỉnh Nghệ An chuyển xuống chiếc thuyền máy của gia đình, anh Tân nói với tôi: “Muốn biết rõ hơn, anh đến đó thuê thuyền chở sang sông xem”.

Trong vai người đi cứu trợ, tôi đến thuyền và hỏi cô thanh nữ mặc áo ấm màu đen, đầu đội mũ phớt màu trắng, là chủ thuyền máy: “Em cho anh thuê chiếc thuyền này chở ít hàng sang thị trấn Kiến Giang, giá bao nhiêu cũng được, vì bên kia người nhà anh đang cần”. Vừa dứt lời, cô nói một tràng dài, như pháo nổ quất vào mặt tôi: “Em không chở hàng lấy tiền, anh đừng có đến đây thuê. Em của em nhà ở Dương Thủy, trên đó không ngập lụt nên mấy ngày nay xuống đây cùng anh chị em chở các đoàn cứu trợ đi các thôn ở các xã không lấy một đồng tiền công… Nhưng hôm nay về tại đây, nghe người ta phàn nàn có chủ thuyền lấy tiền chở hàng 5 triệu đồng, bọn em tức điên lên đây…”. Nói xong, cô ta chạy tới kéo tay anh thanh niên mặc áo len phía trong có sọc ngang nhiều màu - “Đoàn Nghệ An của chúng em gồm 8 chiếc xe ô tô tải chở hàng chủ yếu bánh, kẹo, bánh chưng, những thứ ăn uống là chính, tổng giá trị hàng hóa gần 100 triệu đồng. Đoàn em đã liên hệ với chị này để chuyển hàng đến tận người cứu trợ mà không tốn tiền vận chuyển anh ạ…”. Anh Võ Quang Hải, sốt sắng cho tôi biết.

Hóa ra đa số người dân Quảng Bình đều bức xúc trước hành vi của chủ thuyền nào đó, ngày hôm qua đã để một con sâu làm rầu nồi canh. Nên kể từ đây, mọi người đều quyết tâm ngăn chặn, không để tình trạng đó tái diễn, để lấy lại niềm tin về sự thân thiện, mến khách của người dân Quảng Bình đối với các đoàn đến cứu trợ trong trận lũ, lụt lịch sử này.

Sau hơn một giờ chờ đợi, đoàn cứu trợ của Công Ty Cổ Phần Công Nghệ và Môi Trường TECOM đã đến. Sau cái bắt tay ấm áp, các anh kỹ thuật viên của Công Ty đã nhanh chóng lắp các thiết bị của bộ phận máy lọc nước. Khi máy đã lắp xong, anh Hà - kỹ thuật viên của Công Ty, lấy nước bẩn đọng lại ở vũng bên đường đổ vào bình bơm có dung tích 10 lít và dùng tay đẩy cần pít tông bơm bình chứa nước để thị phạm. Sau 6 phút, từ trong ống nhựa tuôn ra dòng nước trong suốt. Nhiều người đến uống, đều nhận xét: nước trong sạch, ngọt, không mùi…

Theo sự chỉ dẫn của anh Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung, vào lúc 15 giờ 45 phút đoàn chúng tôi đến trụ sở làm việc UBND xã Sơn Thủy. Anh thanh niên mặc áo phông màu ghi, niềm nở bắt tay chúng tôi và nói: “Báo cáo các anh, anh Nguyễn Văn Thục, Chủ tịch UBND xã chiều nay lên huyện họp để tiếp thu tinh thần chống cơn bão số 08 sắp đổ bộ. Em là Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch xã Sơn Thủy xin tiếp các anh: có gì các anh cứ trình bày, em sẽ giải quyết ạ”. Sau 10 phút thảo luận, đoàn chúng tôi chia làm hai đoàn. Đoàn thứ nhất, do anh Nguyễn Văn Dương dẫn đi; cùng đi với đoàn có anh Hạ Viết Thiều – Giám đốc và 2 kỹ thuật viên của Công ty là anh Vũ Tiến Hùng và cô Nguyễn Thị Minh. Đoàn thứ hai, là anh Trung Kiên và anh Trần Quyết cùng hai kỹ thuật viên của Công ty là anh Đỗ Quang Hà và anh Trần Miệt Kiếm. Nhiệm vụ của đoàn thứ nhất, là bắt 12 máy lọc nước cho 6 thôn: Ngô Bắc, Vinh Quang, Mỹ Hòa, Ngô Xá, Lại Xá, Hoàng Đàm. Đoàn thứ hai sẽ gặp ông Nguyễn Minh Thảo, là cậu ruột của anh Trung Kiên và sẽ chỉ dẫn đoàn đến các điểm ráp máy. Sau đó, hai đoàn khẩn trương thực hiện theo nhiệm vụ đã phân công. Trên đường đi, tôi không khỏi băn khoăn, không biết tối nay máy lọc nước có đến được với người dân ngập lũ không? Nhưng sau khi dò hỏi, tôi mới vững tin hơn là máy sẽ đến tận người dân bị ngập lũ, khi biết được cậu ruột của Trung Kiên là người hùng của huyện Quảng Ninh trong đợt lũ lịch sử này. Ông ta đã cứu sống 18 người, là người già và trẻ em, di dời hơn 60 người đến nơi an toàn trong lũ dữ; đặc biệt đã và đang cho ăn, ở miễn phí trên 60 người lánh nạn hơn tuần nay.

Đoàn chúng tôi đến khách sạn Huy Hoàng, vào lúc 16 giờ 43 phút. Anh Nguyễn Minh Thảo, là cậu ruột của anh Trung Kiên, chủ khách sạn Huy Hoàng vui vẻ bắt tay, tiếp đón chúng tôi. Sau đó, anh Thảo rút điện thoại gọi anh Trần Văn Thành, là người lái thuyền máy; khi đó anh Thành còn ở thành phố Đồng Hới. Hai anh Đỗ Quang Hà và Trần Miệt Kiếm nhanh nhẹn lấy các thiết bị từ trên xe xuống và bắt các ống dẫn nước lắp vào 12 máy. Anh Thành về khách sạn Huy Hoàng, chúng tôi vội lên xe đến bến thuyền. Sau 15 phút lội qua vũng nước ngập ngụa bùn đất, chúng tôi đã chuyển xong 12 máy lọc nước và lên thuyền. Chiếc thuyền nổ máy, rẽ nước xuôi theo dòng sông Long Đại. Càng về tối, gió càng thổi mạnh, những cơn sóng nước liên hồi vỗ mạnh vào mạn thuyền làm nước bắn lên rơi vãi khắp mặt thuyền. Chạy được 55 phút thì thuyền rẽ về  tay phải, luồn qua dãy cây bần chạy vào đoạn sông Nhật Lệ. Màn đêm phủ xuống, trên bầu trời mặt trăng khuyết một nửa đang ló ra khỏi đám mây treo chênh chếch trên đỉnh đầu. Bỗng chiếc thuyền chao mạnh, mạn thuyền nghiêng mạnh sang một bên, cần tay lái rung lên kèm theo là tiếng rít của máy. Anh Thành cố cầm chắc tay lái, khoảng 7 phút sau, chiếc thuyền lại chạy bình thường. Tuy vậy, chiếc thuyền lùi lại ra xa. Anh Thành liền nhấc cần lái lên, mọi người cùng cười vang khi nhìn thấy chân vịt của máy không còn nữa. Gió càng thổi mạnh, đẩy thuyền ra xa, trôi dạt giữa biển nước mênh mông. 

Tiếng kêu cứu thất thanh: cứu, cứu với, có ai không cứu với... Trong đêm đen thanh tịnh, giữa biển nước mênh mông, không có tiếng trả lời. Anh Thành và anh Trần Quyết đứng đầu mũi thuyền, nhào người lên phía trước, khoát cái chầm vào mặt nước, thở dốc, mồ hôi ứa ra, đẩy con thuyền lao về phía trước hướng vào bờ. Trước đầu thuyền, những chóp mái của lăng mộ hiện ra lờ mờ; xa xa, phía trước mặt, có ánh đèn pin từ chiếc thuyền của ai đó quét rọi xuống. Anh Thảo chuyển từ tiếng: cứu, cứu với... thành thuyền đang cứu trợ nay cần cứu hộ, cứu với... Bổng chiếc thuyền máy kia chạy đến thuyền của chúng tôi. Chủ thuyền là anh Nguyễn Văn Hùng ở Hoa Thủy, xuống đây thả lưới bắt cá. Anh Hùng buộc thuyền của chúng tôi vào thuyền anh và kéo vào nghĩa địa của làng Hành Vinh, xã An Ninh, thì đã 20 giờ 46 phút.

Với quyết tâm bắt được máy lọc nước tối nay cho người dân, anh Thảo liền gọi anh Long, nhân viên khách sạn đi tìm mua chân vịt mới và đưa lên gấp. Sau khi chân vịt mới được lắp xong thì đồng hồ đã điểm 21 giờ 25 phút. Theo sự chỉ dẫn của anh Hùng, thuyền chúng tôi nổ máy nhằm vào một phần ba khoảng tối giữa hai ánh đèn lấp ló trước mặt, để đến thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh. Khoảng hơn 30 phút sau, thuyền của chúng tôi lạc vào khu nghĩa địa đã bị lũ nhấn chìm, chỉ còn nóc mái lăng thách thức với trời. Trước đầu mũi thuyền xuất hiện nhà văn hóa thôn Hữu Tân bị nước lũ làm ngập lên cửa sổ. Chúng tôi chèo đến nhà hai tầng của ông Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, anh Hà bám vào tường hàng rào và leo lên cổng cửa ngõ để đến tầng hai, bắt máy lọc nước phục vụ cho 40 người của 9 gia đình đang lánh nạn. Cùng lúc đó, chiếc thuyền máy của thanh niên trong thôn đến, anh Trung Kiên chuyển 5 máy lọc nước sang thuyền đi đến các nhà cao tầng khác... Cứ như vậy, đến 22 giờ 13 phút cả hai đoàn đã lắp xong 12 máy lọc nước cho bà con trong thôn.

Nước ngập tràn dâng cao cả hàng rào, nên chúng tôi không nhận ra con đường để về. Vì vậy, phải nhờ thuyền nhỏ của thanh niên, dẫn đường ra khỏi thôn và chỉ dẫn đường cho đoàn chúng tôi về nhà. Theo sự chỉ dẫn, anh Thành lái thuyền thẳng ánh đèn nhiều màu sắc của cầu Nhật Lệ II, để qua đoạn sông Nhật Lệ. Chạy được 30 phút, đến rặng cây bần thì luồn qua hàng cây bần và rẽ trái theo con sông Long Đại chạy luồn qua cầu Trung Quán về xã Xuân Ninh, nơi đó có nhiều người của Công ty và người thân đang trong đợi. 

Trước đầu mũi thuyền, mặt trăng khuyết đã gần gác đỉnh núi, bao quanh là một vòng tròn tỏa ánh sáng vàng nhạt, báo hiệu sẽ có nhiều cơn bão, lũ sắp đổ về. Tuy mọi người chưa ăn tối, bụng dạ đều cồn cào, nhưng chúng tôi mỉm cười, vui sướng vì đã đưa nước sạch đến tận người dân rốn lũ Quảng Bình.

Nguồn Văn nghệ số 45/2020


Có thể bạn quan tâm