April 20, 2024, 2:14 am

Đưa nhạc kịch đến gần với công chúng

Sau hành trình phiêu lưu tại nhiều quốc gia trên thế giới, đầu tháng 10 vừa qua cô bé Alice đã đến Nhà hát Lớn Hà Nội trong vở nhạc kịch Alice in wonderland. Vở diễn thực sự là một bữa tiệc nghệ thuật ấn tượng đối với công chúng thủ đô. Chương trình nằm trong dự án sân khấu nhạc kịch cho giới trẻ của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Hàng trình của Alice bước ra khỏi trang sách

Một hình ảnh của đêm diễn

Năm 1865, tiểu thuyết giả tưởng dành cho thiếu nhi Alice’s Adventures in Wonderland của tác giả người Anh Charles Lutwidge Dodgson dưới bút danh Lewis Carroll ra mắt độc giả. Bản dịch cuốn sách sang tiếng Việt có các tên gọi như Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên, Alice ở xứ sở thần tiên, Alice lạc vào Xứ Thần Tiên… Cuốn sách sau đó đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, vượt ra ngoài biên giới nước Anh nhờ sự yêu thích của độc giả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả dành cho cuốn sách đã khiến các nhà làm phim và các đạo diễn sân khấu lập tức nghĩ ngay đến việc cần chuyển thể tác phẩm này sang nhiều loại hình khác nhau để đáp ứng sự mến mộ của công chúng. Năm 1886 tác phẩm được chuyển thể thành nhạc kịch và công diễn tại hàng loạt các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Australia… Năm 1903, tác phẩm đã có phiên bản phim hoạt hình câm đầu tiên, sau đó là các loạt các nhà sản xuất phim hoạt hình vào cuộc, trong đó có hãng Disney. Các loại hình khác như kịch, điện ảnh, phim truyền hình,… cũng “bắt sóng”, nhanh chóng chuyển thể Alice’s Adventures in Wonderland dưới nhiều phiên bản khác nhau, trong đó có những tác phẩm đã gặt hái doanh thu khủng cũng như nhiều giải thưởng danh giá. Tiêu biểu có thể kể đến bộ phim Alice in Wonderland của điện ảnh Mỹ do Tim Burton làm đạo diễn, ra mắt năm 2010, với sự tham gia diễn xuất của nhiều ngôi sao như: Johnny Depp, Anne Hathaway, Helena Bonham… Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 83, bộ phim đã đoạt các giải thưởng: Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất, Thiết kế trang phục đẹp nhất, và được đề cử giải hiệu ứng kỹ xảo xuất sắc nhất. Đồng thời bộ phim cũng lọt vào danh sách phim điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại.

Alice đến Việt Nam

Tại Việt Nam, ngày 3 và 4/10 vừa qua ở Nhà hát Lớn Hà Nội, vở nhạc kịch Alice in wonderland lần đầu được ra mắt công chúng. Chương trình là sự hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam với Tập đoàn Pacific Ocean Partners và Viện Âm nhạc quốc gia Australia (Australian Institute of Music- AIM). Điều đặc biệt của vở diễn đó là các diễn viên tham gia đa số đều không chuyên, được tuyển chọn từ các trường phổ thông, đại học, trường đào tạo nghệ thuật... Thay vì diễn bằng ngôn ngữ tiếng Việt như nhiều vở diễn lâu nay thì nhạc kịch Alice in wonderland dùng ngôn ngữ tiếng Anh, điều này đồng nghĩa với việc khả năng ngoại ngữ là một trong những yêu cầu bắt buộc với các diễn viên, bên cạnh những yêu cầu về chuyên môn như diễn xuất, khả năng thanh nhạc, vũ đạo,… Đồng thời các diễn viên người Việt được tham gia diễn xuất cùng các diễn viên Australia. Chính vì vậy quá trình luyện tập cho vở diễn đối với các nghệ sĩ đòi hỏi sự chuyên nghiệp và phải thực hiện những yêu cầu vô cùng khắt khe, đảm bảo đúng tiến độ trong khoảng thời gian 2 tháng kể từ lúc thử vai đến khi công diễn. Đây thực sự là một thách thức lớn, nhất là với những diễn viên không chuyên, có tuổi đời còn trẻ (người nhỏ tuổi nhất mới 14 tuổi) trong lần đầu bước chân lên một sâu khấu đẳng cấp quốc tế. Diễn viên chính Alice do Nguyễn Ngọc Anh (19 tuổi) hiện đang là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đảm nhiệm hiện. Cô tâm sự đây là vai diễn vượt quá sức tưởng tượng của mình, và cô chưa từng nhận một trọng trách nào cao hơn thế.

Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, Chỉ đạo nghệ thuật của vở, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc cho biết: “Nhiều bạn đăng ký tham gia vai diễn chỉ vì tò mò, thậm chí có những bạn đến vì liều lĩnh và cho đến nay họ vẫn chưa hoàn toàn tin rằng họ đã thể hiện được trên sân khấu. Và chúng tôi, những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp đã chắp cánh cho những ước mơ của họ... Để có được một vở diễn này, ê kíp sản xuất đã phải làm việc cực kì nỗ lực, vất vả từ việc tạo tiền đề, lên kế hoạch, casting cho đến dàn dựng…”.

Biên đạo múa Lê Minh Anh mới 16 tuổi là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của ekip. Thử thách làm một vở diễn lớn cũng là cơ hội cho cô tỏa sáng. Minh Anh tâm sự: “Ở mỗi đất nước khác nhau sẽ được học những kỹ năng múa, hát khác nhau. Đối với những kiến thức tôi học được ở Úc và dạy lại cho các bạn thì được họ cho vào bài nhảy, nhưng ở đó có những yếu tố riêng của các bạn và không thấy ở nước nào khác”.

Nghệ sĩ Nicholas Gentile đến từ Viện Âm nhạc quốc gia Australia - Cố vấn nghệ thuật của vở kịch đánh giá: “Các diễn viên rất tuyệt vời. Dù phải tập duyệt cả ngày nay, nhưng các bạn ấy vẫn vượt cả kỳ vọng của chúng tôi. Đầy năng lượng, trí tưởng tượng tuyệt vời. Chắc chắn vở nhạc kịch này rất đáng mong chờ”.

Đêm diễn thăng hoa

Tối 3 và 4/10, khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội thực sự bùng nổ bởi những tràng vỗ tay vang dội dành cho các nghệ sĩ sau mỗi phân đoạn. Bên cạnh diễn xuất ăn ý, xuất thần của các diễn viên, âm nhạc hòa quyện tinh tế thì thiết kế chương trình của như trang phục của các nhân vật thực sự là một điểm nhấn ấn tượng của vở nhạc kịch Alice in wonderland. Các nhân vật xuất hiện trong những bộ trang phục rực rỡ mầu sắc, thiết kế độc đáo khiến khán giả dễ dàng nhận diện. Như mèo Cheshire với bộ lông mầu hồng rực rỡ; người bán mũ điên với chiếc mũ hình lồng chim ngộ nghĩnh; con sâu bướm với thân hình mập lù, xanh lè; nữa hoàng Đỏ với bộ váy như chuẩn bị bốc cháy… Có thể nói các yếu tố từ phục trang, ánh sáng, sân khấu… đều hoà quyện với nhau, tôn vinh nhau, góp phần giúp các nghệ sĩ thực sự cháy hết mình với đêm diễn. Nghệ sĩ ưu tú Đặng Châu Anh nhận xét: vở kịch là “bữa tiệc” kích thích mọi giác quan của khán giả.

Trên thế giới loại hình nhạc kịch lâu nay đã trở nên quên thuộc với công chúng, thậm chí nhiều sân khấu nhạc kịch đã trở thành một địa chỉ văn hóa thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Tuy nhiên tại Việt Nam, nhạc kịch vẫn còn khá mới mẻ, thậm chí xa lạ với nhiều người. Thời gian gần đây, một số đơn vị nghệ thuật, tiêu biểu là nhà hát Tuổi trẻ với mục tiêu hướng đến công chúng trẻ tuổi, đã dàn dựng một số vở nhạc kịch thuần Việt như: Trại hoa vàng, Rồi con sẽ lớn, Sóng… Song khán giả vẫn chưa được thưởng thức một sân khấu nhạc kịch tiệm cận với thế giới. Phải đến vở nhạc kịch Alice in Wonderland – mua bản quyền của nước ngoài, diễn hoàn toàn bằng tiếng Anh, mang phong cách nhạc kịch Broadway, kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa các nghệ sĩ hai nước Việt Nam – Australia thực sự mở ra một bữa tiệc nghệ thuật ấn tượng, đẳng cấp quốc tế để phục vụ công chúng. Đây cũng là một hướng đi mới cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật để tiếp cận một thế hệ công chúng mới. Được biết sau hai đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ biểu diễn miễn phí cho đối tượng khách mời đặc biệt là các thầy cô giáo ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, góp phần phát triển nghệ thuật cho giới trẻ.

Nguồn Văn nghệ số 42/2022


Có thể bạn quan tâm