March 29, 2024, 5:50 pm

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi Giải bài toán giữa công và tư

 

Nếu như chưa đầy một tháng trước, Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, đưa ra những quan điểm trái chiều: nên hay không giải thể các trường Đại học cấp vùng, thì ngày 7/9 mới đây, tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề này lại tiếp tục nóng lên khi đa số ý kiến của đại biểu đều đặt trọng tâm vào chất lượng giáo dục, về sự phân biệt hệ thống giáo dục công - tư .v.v…nhất là khi Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học vẫn chưa được chỉnh lý để có thể đi đến hoàn tất

 

Đại học công - vị trí đầu tàu?

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học và khái niệm Đại học. Loại ý kiến thứ nhất (của cơ quan thẩm tra) đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có Trường đại học và Đại học (hệ thống các trường đại học). Loại ý kiến thứ hai (của cơ quan soạn thảo) đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.

Trên thực tế,việc phân mô hình tổ chức đại học (như 2 loại ý kiến nói trên) sẽ gây khó khăn cho việc hội nhập vì khi dịch ra tiếng Anh chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là “University”. Và như vậy, công bằng mà mói, quy định về mô hình đại học thể hiện trong dự thảo luật hiện chưa phù hợp nếu như không muốn nói là chưa thể giải quyết được các vấn đề vướng mắc đã và đang bộc lộ trong giáo dục đại học, nhất là giai đoạn giáo dục hội nhập hiện nay. Chưa kể vấn đề đánh giá năng lực và chất lượng giáo dục đại học vẫn còn nhiều tranh cãi.

Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Phạm Tất Dong cho rằng, Có một số trường không tài nào đào tạo được nghiên cứu sinh, không đào tạo tốt bậc đại học thì những trường đó nên thôi. Đi lên của chúng ta chủ yếu dựa vào những "đầu tầu" của đại học chứ không phải ở những toa sau. Hiện Việt Nam đang duy trì mô hình tổ chức 2 Đại học Quốc gia cũng như 3 Đại học vùng được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây vốn  là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường đại học lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, cũng đã bộc lộ những điểm bất cập. Đó là sự chồng chéo trong một số ngành nghề, việc bó cứng mô hình đào tạo đã khiến cho các trường thành viên mất đi cơ hội đào tạo đa lĩnh vực, thậm chí hình thành nên các tổ hợp đào tạo sao cho phù hợp và bắt kịp xu hướng giáo dục đại học của thế giới.

 

Đại học không vì lợi nhuận?

Chuyên gia Trần Xuân Nhĩ băn khoăn về định nghĩa trường tư thục không vì lợi nhuận. Bởi, nếu theo định nghĩa này thì cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư cam kết thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, đặc biệt không hưởng lợi tức phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung... Sự lo ngại về quyền lợi của cả người dạy và người học, được chuyên gia đặt ra không phải không có lý, nhất là trong thời điểm hiện tại đã và đang có rất nhiều trường đại học tư thục đã phải đóng cửa thậm chí buộc phải sáp nhập hoặc giải thể vì không có người theo học. Bên cạnh đó là một lượng cử nhân thất nghiệp sau đào tạo năm sau cao hơn năm trước, đang tạo sức ép rất lớn cho an sinh xã hội. Câu hỏi đặt ra hiện nay chính là nguồn vốn, là cơ cấu điều hành và chất lượng giáo dục, đào tạo để đảm bảo nguồn nhân lực sau đào tạo đạt chất lượng cao và được thị trường lao động chấp nhận mới là thước đo trước khi bàn đến lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ được coi là tạo điều kiện cho cơ sở tư nhân có quyền hoạt động lợi nhuận hay phi lợi nhuận. Nghị quyết cũng cho phép nếu hoạt động phi lợi nhuận thì được quyền chia cổ tức cho nhà đầu tư nhưng ở một mức nhất định, còn phần không chia đó thì được miễn đóng thuế vì đó là phần để tái đầu tư trở lại phát triển hoạt động giáo dục. Nghị quyết 05 cũng nói thêm là Nhà nước khuyến khích phát triển loại hình không vì lợi nhuận. Song dù khuyến khích như thế nào, bằng những ưu đãi gì thì vẫn chưa có quy định một cách cụ thể.

Hồi tháng 5 vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã trao quyết định thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chào đón trường Đại học tư thục danh tiếng của thế giới, và tại thời điểm đó, mạng xã hội và truyền thông đã không ngần ngại đánh giá cho rằng, việc mở ra tương lai đào tạo nhân tài cho sự phát triển đất nước và xu thế phát triển tất yếu của phương thức Đại học tư thục không vì lợi nhuận. Song tới thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có quy chế về đại học không vì mục tiêu lợi nhuận. Vì vậy tất cả các trường Đại học tư thục đều được quản lý như thể  hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận tức tựa như một công ty tư nhân. Và điều này đã phần nào chứng minh sự khác biệt giữa mô hình đại học tư thục thế giới và Việt Nam như tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đã chỉ ra ba yếu tố khác khau giữa đại học tư thục vì lợi nhuận và đại học tư thục không vì lợi nhuận, thể hiện qua ba câu hỏi: Ai là nhà đầu tư, ai là người sở hữu, thặng dư của trường sử dụng như thế nào?

 

Hiện yêu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các trường đại học phải năng động, cạnh tranh hơn, mức độ cạnh tranh thậm chí phải với cả quốc tế. Do đó, cần phải nhìn vào thực lực, vào nhu cầu của đất nước và của người học. Sai lầm trong việc tổ chức, phân loại là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học sẽ kéo lùi bậc đào tạo được cho là quan trọng nhất nhì trong hệ thống đào tạo giáo dục quốc dân. Và do đó cũng cần phải mạnh tay trước những mô hình đào tạo lệch chuẩn không phân biệt giữa công và tư để giáo dục đại học có được một cơ thể khỏe mạnh, tự tin hội nhập thế giới.

 


Có thể bạn quan tâm