April 18, 2024, 7:20 pm

Dự thảo Hoạt động triển lãm: Đã lấp đầy khoảng trống trong công tác quản lý?

 

Tổ chức triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng không thể thiếu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể thao. Đây vừa là kênh quảng bá hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến, phục vụ nhiệm vụ chính trị qua giới thiệu thông tin, hình ảnh, tư liệu, vừa phản ánh tiến trình đổi mới, xây dựng phát triển đất nước… Tuy nhiên, hiện nay các mô hình, nội dung, hình thức triển lãm rất đa dạng đòi hỏi phải có những quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao do Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trực tiếp giải trình tại phiên họp thứ 29 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, hiện được kỳ vọng sẽ khắc phục được các khoảng trống này.

Cần sự thống nhất trong cấp phép hoạt động triển lãm

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, hiện nay, triển lãm là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức. Theo thống kê sơ bộ của riêng ngành văn hóa, năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm về Văn hoá, nghệ thuật; năm 2014 là 589 cuộc triển lãm;  năm 2015 là 594 cuộc (số liệu thống kê của 44/63 tỉnh, thành phố); năm 2016 có 385 cuộc triển lãm (thống kê 27/63 tỉnh, thành phố). Đây hầu hết là những triển lãm đảm bảo về chất lượng lẫn nội dung và được dư luận xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của hoạt động  triển lãm, thì vẫn còn không ít bất cập nảy sinh, do cơ chế quản lý thiếu thống nhất và thiếu những công cụ pháp lý hữu hiệu trở thành khung, sườn cho hoạt động triển lãm đi đúng hướng và không lệch chuẩn, thế nên trong một chừng mực nhất định, những triển lãm phản cảm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục vẫn được diễn ra, khiến dư luận xã hội đi từ thất vọng đến phẫn nộ.

Dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm gồm 4 chương 20 điều. Trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị định, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch đã báo cáo Chính phủ 2 phương án. Theo đó, 25/26 thành viên Chính phủ đồng ý lựa chọn phương án 1, đó là: Phạm vi điều chỉnh của Nghị định bao gồm các hoạt động triển lãm không vì mục đích xúc tiến thương mại của mọi lĩnh vực (trừ các hoạt động triển lãm đã được điều chỉnh bởi Luật và Nghị định chuyên ngành khác)

Có thể kể ra đây triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh Niên thành  phố Hồ Chí Minh hồi tháng 6 vừa qua là một ví dụ điển hình trong sự thiếu thống nhất trong công tác kiểm duyệt và cấp phép triển lãm. Trong khi Hà Nội từ chối với Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người thì Thành phố Hồ Chí Minh lại đồng ý cấp phép. Triển lãm diễn ra trong vòng nửa tháng mới bị Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) tuýt còi, buộc đóng cửa. Mặc dù chỉ diễn ra trong vòng nửa tháng thay vì hai tháng như đã định, công ty tổ chức sự kiện cũng đã kịp thu về một khoản tiền không  nhỏ từ bán vé vào xem triển lãm. Còn người dân thì từ tò mò chuyển sang kinh sợ khi tận mắt chứng  kiến 131 mẫu vật cơ thể người thật được nhựa hóa vô cùng sống động .

Ranh giới giữa nghệ thuật và thương mại một lần nữa lại được đặt ra không chỉ với nhà quản lý mà với hầu hết những người hoạt động trong giới nghệ thuật. Trong khi triển lãm là để giới thiệu những cái hay, cái đẹp, những đứa con tinh thần của cá nhân, tổ chức mong muốn được triển lãm, thì có hay không chỗ đứng cho yếu tổ thương mại và nhu cầu thương mại hoá triển lãm.

Không phủ nhận mong muốn sẽ có những hợp đồng kinh tế, những giao dịch được thực hiện thành công sau mỗi phiên triển lãm, nhưng cần có sự tách bạch giữa triển lãm nghệ thuật với triển lãm thương mại, khoa học, công nghệ. Và cần có quy định rõ ràng khi triển lãm do cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thực hiện tại Việt Nam

Khung pháp lý hoàn thiện

Khẳng định việc xây dựng quy định chặt chẽ hơn về hoạt động triển lãm là cần thiết , tuy nhiên, trong đời sống văn hoá - xã hội đang trên đà hội nhập hiện nay thì  việc quản lý các hoạt động triển lãm vẫn còn là bài toán khó đối với các cơ quan quản lý. Trong đó, việc kiểm duyệt, cấp phép các hoạt động triển lãm  mang  tính tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các nội dung chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội lại càng khó hơn bao giờ hết. Bởi quản thế nào để không bỏ “lọt” những sản phẩm mang danh văn hoá nhưng độc hại, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, chống phá Đảng, Nhà nước, mà vẫn không làm hạn chế nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân…, đã đến lúc cơ quan quản lý phải nghĩ khác, làm khác chứ không thể theo kiểu cực chẳng đã “quản không được thì cấm”.

Tại phiên giải trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã thừa nhận  “Những quy định về quản lý hoạt động triển lãm ban hành trước đây  mới chỉ dừng ở phạm vi triển lãm, hội chợ thương mại, triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh mà chưa bao quát được toàn bộ hoạt động triển lãm với nhiều loại hình, nội dung triển lãm khác. Nếu không bổ sung, ban hành văn bản quy định về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức và quản lý lĩnh vực này sẽ gặp nhiều khó khăn”. Đó là cách nghĩ, cách nhìn của người làm chính sách, là phải tiên lượng những xu hướng mới, những  vấn đề nảy sinh của hoạt động triển lãm trong vòng 5, 10 năm thậm chí 20, 30 năm nữa để có thể đưa ra những chính sách mềm dẻo, linh hoạt. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động triển lãm vừa có những bước phát triển, vừa nảy sinh nhiều vấn đề mới, nên trong dự thảo Nghị định Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch  thấy rằng cần phải xác định lại phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Và theo đó, Nghị định không áp dụng  cho các hoạt động triển lãm không vì mục đích xúc tiến thương mại của mọi lĩnh vực (trừ các hoạt động triển lãm đã được điều chỉnh bởi Luật và Nghị định chuyên ngành khác).

Mặc dù đã phân định ranh giới và đưa ra phạm vi điều chỉnh cho hoạt động triển lãm, nhưng những băn khoặc về việc cấp phép cho hoạt động triển lãm trong linh vực nghệ thuật chưa hẳn đã hết. Đơn cử,  trường phái body painting, muốn xin được cấp phép mở triển lãm vẫn là chuyện không mấy dễ dàng bởi với người Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung, body painting vẫn còn là một cái gì đó rất mới nó khiến người đã tha hồ tưởng tượng, suy diễn.

Tính đến thời điểm hiện tại chưa có một cá nhân hoạ sĩ theo trường phải body painting  xin giấy phép mở triển lãm. Không phải họ không đủ tự tin vào những đưa con tinh thần của mình, mà vì những quy định trong cấp phép. Hoạ sĩ Ngô Lực Muốn triển lãm, họa sĩ phải mang tác phẩm thật của mình đến xin phép các cơ quan quản lý văn hóa. Không lẽ mình phải “bê” 5-7 cô người mẫu mình đã vẽ đến cơ quan chức năng, rồi họ phải… thoát y để duyệt (!?). Chuyện này gần như là viễn tưởng". Thế nhưng, đại diện  cơ quan quản lý, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch) cho biết, nếu họa sĩ thực sự tự tin với tác phẩm nghệ thuật của mình thì có thể mang ảnh chụp các tác phẩm của mình đến Cục, Cục sẽ duyệt, kể cả là cô người mẫu đó nude hoàn toàn trong khi vẽ và đâu phải cứ cởi hết ra mới là nghệ thuật và không phải tác phẩm body painting nào cũng cần thiết nude hoàn toàn.

Trên thực tế, việc xét duyệt một cuộc triển lãm Body painting phải làm một cách kỹ lưỡng, các họa sĩ phải đảm bảo được tác phẩm của mình đưa tới công chúng mang tính nghệ thuật không còn sự dung tục trong tác phẩm. Và tháng 7 vừa qua, triển lãm ảnh nude nghệ thuật đầu tiên đã diễn ra tại Hà Nội. Khỏi phải nói, để có cuộc triển lãm này, cơ quan quản lý, các hoạ sĩ góp mặt trong triển lãm đã phải trải qua những kiểm duyệt hết sức nghiêm túc, sao cho những tác phẩm dự triển lãm mang yếu tố nghệ thuật cao nhất, không gợi dục và làm tầm thường hoá thị hiếu người xem.

Sự cởi trới trong nghệ thuật, sự thông thoáng trong cấp phépcác hoạt động triển lãm là một nhu cầu tất yếu của đời sống văn hoá nghệ thuật nói riêng, lĩnh vực hội hoạ, nhiếp ảnh nói chung. Nhưng nói gì thì nói, mọi sự cởi trói, thông thoáng cũng cần có những quy chuẩn để giới hạn sự phá cách không lành mạnh trong nghệ thuật. Vẫn biết ranh giới đó là rất khó để xác định, nhưng khó không phải là không làm được và những nghị định với những quy chuẩn rõ ràng nói trên sẽ thêm một công cụ để không lọt lưới những hạt sạn mang danh nghệ thuật nhưng mục đích lại là thương mại như Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người

Nguồn Văn nghệ số 51/2018

 

 


Có thể bạn quan tâm