April 18, 2024, 12:29 pm

Du miền kí ức

 

  1.  

Khi tôi sinh ra, làng Đan Hà quê hương vốn hẻo lánh, dân số thưa thớt. May có con đường sắt Hà Nội-Lào Cai chạy qua được xây dựng xong năm 1906, thời kỳ Việt Nam thuộc Pháp... Khi ấy, tôi mới được ba tuổi, còn bé xíu. Nhưng ký ức vẫn lưu lại hình ảnh con tầu đầu máy hơi nước, phun khói trắng khói đen đầy trời, uốn mình ậm ạch lượn qua khúc quanh trước cửa nhà. Tôi hỏi mẹ, con tầu ấy từ đâu tới và chạy tới đâu? Mẹ tôi, một người nông dân biết chữ chỉ đủ viết tên mình khi phải ký gì đó đáp rằng, nó đi từ nơi xa lắm và đến nơi cũng xa lắm lắm. Xa xa lắm là một bí ẩn, và tôi bỗng ước ao được đi xa và khám phá.

Cuối năm 1977 tôi có quyết định chuyển về công tác tại Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân cho đến khi chuyển ngành năm 1989. Trong ngần ấy năm trời, với tư cách là phóng viên tôi đã có cơ hội đi rộng khắp đất nước và cả vùng Bán đảo Đông Dương. Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn ham đi và vẫn mơ những chuyến đi. Có những nơi tôi đến, khi đi tự hẹn lòng nhất định sẽ trở lại, nhưng chẳng và chắc sẽ chẳng có dịp nào trở lại. Nhưng có những nơi tôi đã trở đi trở lại không ít lần… Một người bạn bảo, ông là kẻ ngộ du lịch. Tôi ngộ du lịch ư? Ồ, không. Ở tuổi này, tôi du miền ký ức.

2.

Nửa đầu năm 2018, tôi bắt đầu trở về miền ký ức từ vòng cung Tây Bắc. Đây là một chuyến đi bè bạn. Vòng cung Hòa Bình-Sơn La-Điện Biên-Lai Châu-Lào Cai gần như được làm mới hoàn toàn, không còn dấu vết ngày xưa chúng tôi đã đi trên chiếc xe Gát 69 ậm ạch, phải ngủ đỗ ở dọc đường. Chúng tôi đã đi qua thung lũng Mường Thanh có hầm đầu hàng của tướng Đờ Cát cùng với những đồi A, đồi C, đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên, chìm đắm trong khói hương của lịch sử. Chúng tôi đi qua Mường Lay được xây lại sau những cơn lũ quét, đi qua Đồi Cao nơi xưa đóng cơ quan đầu não của tỉnh Lai Châu cũ (gồm Điện Biên và Lai Châu ngày nay). Con đường 127 ngày nay xe chạy thênh thang, đi từ thị trấn Mường Lay đến thị trấn Mường Tè dài khoảng 100km dự là chỉ mấy hơn 2 giờ, nhưng ngày ấy từ đồi Cao lên Mường Tè chúng tôi phải đi mất hai ngày. Ở nơi này năm 1980 tiếng súng chiến tranh biên giới khu vực Lai Châu đã im, nhưng cuộc chiến ở những vùng khác vẫn còn dai dẳng. Tôi ngủ đêm ở nhà xã đội trưởng người Hà Nhì ở Hua Bum, ăn bữa cơm, uống rượu sắn với cá suối. Dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam không nhiều, chỉ khoảng trên dưới hai vạn, riêng Lai Châu cỡ ngót vạn tư. Ở Trung Quốc, dân tọc này sống tập trung ở châu Hồng Hà tự trị, tỉnh Vân Nam. Tôi có một bạn thơ người Hà Nhì tên là Ge Bu, Chủ tịch Hội nhà văn châu Hồng Hà. Ge Bu là một trong số rất ít các nhà văn người dân tộc ở Trung Quốc vẫn sáng tác bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Tôi quen anh nhân cùng đi dự một hội nghị quốc tế ở thủ phủ tỉnh Vân Nam. Một vài năm sau, gặp lại nhau ở Nam Ninh, anh ôm lấy tôi xem như bạn cũ thân thiết. Năm ngoái anh sang Hà Nội nhận giải thưởng Văn học sông Mê Kông, gặp lại, anh nói anh yêu Việt Nam. Anh làm tôi nhớ lại cảm giác tin cậy khi ngủ đêm ở nhà xã đội trưởng người Hà Nhì xã Hua Bum, với những câu thơ rất Hà Nhì: Cứ mỗi khi chợp mắt/ Tôi lại thấy một con đường/ Cựa quậy lượn uốn ẩn hiện trong sương.

Tây Bắc là vùng đất giống như chiếc nôi của sư đoàn 316. Những tên đất như Ma Ly Pho, Pa Nậm Cúm, Mù San, ngã ba Phong Thổ hay dốc đứng Pa Tần, Dào San… cứ được nhắc đi nhắc lại trong câu chuyện chiến đấu của trung đoàn 98 sư 316 sát cánh với trung đoàn 46 sư 326 thời chiến tranh biên giới tháng 2 năm 1979. Cuộc chiến xẩy ra bất ngờ đối với tất cả chúng tôi. Sự tráo trở và lắt léo của chính trị bị chi phối bởi những lợi ích đã biến bạn thành thù hoặc ngược lại chỉ trong một cái lật bàn tay… Nhắc lại những trận đánh giành và bảo vệ các cao điểm được đánh số trên bản đồ tác chiến 805, 551 hay 553. Xe tăng quân giặc tiến vào Phong Thổ ngày 17 tháng 12, nhưng đến ngày 3 tháng 3 chúng mới chiếm được thị trấn và ngày 5 tháng 3 mới chiếm được Dào San… Những người cựu binh mắt tối lại như nhìn thấy cảnh hỗn loạn của người dân chạy giặc, nhìn thấy những đồng đội ngã xuống trên chiến hào ngày đó… Và trên con đường được thảm nhựa phẳng lì mà chúng ta đang đi đây, biết đâu vẫn còn hài cốt của liệt sĩ vô danh nằm sâu bên dưới…

Trong sổ tay phóng viên của tôi còn ghi: Ngày 17/2 quân đội Trung Quốc bắt đầu tấn công vào các điểm cao 1562 Mù San, 1112 Ma Ly Pho, Hoàng Thểm, Khao Chải, điểm cao 262… cùng một số vị trí khác do Trung đoàn 741 và 193, Tiểu đoàn 2 Sìn Hồ, đồn biên phòng Ma Lù Thàng, Si Lờ Lầu, A Pa Chải bảo vệ. Ngày 19-2 giặc tiến xuống ngã ba Nậm Cáy, Mô Sy Câu, ngã ba Pa So và bắc Pa Tần. Ta chống giữ được đến 24/2. Ngày 10-3, trên mặt trận Lai Châu, địch rút về bên kia biên giới chậm hơn bên phía Quảng Ninh 5 ngày.

 

3.

Chúng tôi kết thúc chuyến đi vòng cung Tây Bắc ở Lào Cai. Thành phố đô thị loại 2 thành lập năm 2004, được sáp nhập từ thị xã Lào Cai và thị trấn Cam Đường mở rộng ra phía hữu ngạn sông Hồng, đón đường cao tốc từ Hà Nội lên. Ngày 5/3, khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố rút quân, tôi được cử lên Lào Cai cùng các nhà báo Nguyễn Trần Thiết, Ngọc Thông, Vương Trí Nhàn. Ở hướng này, quân Trung Quốc tiến sâu xuống đến Phố Lu, cách Lào Cai hơn 30 km. Ở Phố Lu, mọi công sở bị phá sập. Mỏ aptit Cam Đường bị san phẳng, mọi thiết bị máy móc mới nhập từ Liên Xô về bị cướp sạch. Cầu sắt nối thị xã Lào Cai và Kim Tân bị đánh bay. Chúng tôi ngồi uống bia bên bờ sông Hồng, nhắc lại những trận chiến đấu ở Sa Pa chặn giặc tiến xuống Bình Lư. Tôi nhớ lại chuyến đi cùng nhà văn Hồng Diệu lên Mường Khương, quân báo ta bắt được một lính Trung Quốc tên Ngọc. Ngọc là một người lính có văn hóa, học hết cao trung (THPT), nói phản chiến nên chạy sang Việt Nam. Tôi không biết có nhiều lính Trung Quốc phản chiến không, nhưng tôi có đọc một tài liệu của Trung Quốc nói về một phi công Trung Quốc phản chiến. Người phi công này đóng ở sân bay Mông Tự, đã lập kế hoạch cướp máy bay, bay sang Việt Nam. Anh ta đã chiếm được máy bay, bay sang Việt Nam, bị đuổi rát, do thiếu xăng nên rơi xuống một vùng núi sát với biên giới nước ta…

Nói: đối với nhân loại chiến tranh luôn luôn là thảm họa. Mục tiêu của chiến tranh xét cho cùng là giành giật quyền lực. Có quyền lực trong tay thì có quyền thống trị người dân. Cuối cùng người dân gánh đủ mọi sự. Quả không sai…

 

4.

Sau đó, chúng tôi lại hành quân đi Hoàng Su Phì và Xín Mần, miền núi đất phía tây Hà Giang. Chuyến đi ấy, tôi viết bài thơ Tây Côn Lĩnh. Đoạn kết như sau: Cổng trời mở ra một trời khác/ Ta đắm vào hương chạm tính người/ Chạm vào linh khí Tây Côn Lĩnh/ Muốn hát muôn trùng tổ quốc tôi. Tôi đưa bài thơ lên mạng. Một người em, gọi điện cho tôi, rủ rê, đi lại Hà Giang, lên Đồng Văn, Lũng Cú. Tôi liền đồng ý ngay. Cứ nói đến đi Hà Giang là tôi sẵn sàng. Hà Giang có gì làm tôi say mê? Miền cực bắc Tổ quốc, cao nguyên đá hùng vĩ, những giai thoại chợ tình, mùa tam giác mạch? Tất cả đều hấp dẫn. Nhưng Hà Giang làm cho tôi nắc nỏm, khắc khoải ấy chính là tôi đã gửi ở đó một phần tuổi trẻ của tôi.

Ngày 16/3/1979, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành việc rút quân ra khỏi biên giới Việt Nam, nhưng cuộc chiến tranh biên giới đã diễn ra dai dẳng, kéo dài. Riêng Hà Giang, cuộc chiến tàn khốc, núi xương sông máu đến tận 1991 mới chấm dứt. Ngày đó đất nước vừa sống trong Hòa Bình, vừa có chiến tranh. Tôi đã làm nhiều chuyến công tác lên mặt trận Vị Xuyên, lên ngả Đồng Văn-Mèo Vạc. Ở Mèo Vạc chúng tôi đã vượt sông Nho Quế sang ba xã bên kia. Ở đấy tôi đã kết nghĩa với một thượng úy tiểu đoàn trưởng, và trong một lần ra chốt, tôi trèo lên bờ hào đã bị lính Trung Quốc nã sang một tràng súng 12,7mm, đạn veo véo qua đầu. Tôi đã đi với các đơn vị công binh mở đường và đào hầm, đi lên đài quan sát pháo binh và rơi vào túi pháo khi bất ngờ cụm pháo giặc bắn sang. Theo một số thống kê, Trung Quốc bắn sang biên giới nước ta cỡ trên một triệu quả đạn pháo, thì riêng Vị Xuyên hứng chịu hơn tám mươi vạn. Mặt trận Vị Xuyên nhức nhối hơn mười năm. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang mới đây đã sưu tầm, cho in lại nhiều bài báo viết tại chiến trường, thơ ca và hồi ký của các tướng lĩnh và binh nhì, trong đó có bài thơ Bài hát đỏ của tôi, in báo ngày đó, nhưng do thời gian quá dài nên quên mất...  

Con đường lên Hà Giang bây giờ được sửa chữa, nâng cấp thảm nhựa phẳng lì, có thể đi thẳng từ Yên Minh lên Mèo Vạc. Thời chiến tranh, chưa có con đường này, chúng tôi phải đi lên Đồng Văn, ngược đỉnh Mã Pì Lèng, theo đường Hạnh Phúc mới mở như một kỳ quan, xuống Mèo Vạc. Đường Hạnh Phúc là kết tủa mồ hôi, công sức của hàng vạn thanh niên con em các dân tộc, bám vào các sườn núi đá, men theo dọc sông Nho Quế sâu hút và ngoằn ngòeo như một một sơi lanh, xuyên kết các ngọn núi, nhưng nằm trong tầm pháo cối của đám giặc phía bên kia. Dọc đường ngược lên cực bắc, những cánh đồng tam giác mạch được sự vun quén nghệ thuật của con người, tím hồng như những dải mây khoác lên các sườn núi, mời gọi. Khách lên Lũng Cú thi nhau chụp ảnh. Chiến tranh dường như đã lùi xa, đã là quá vãng. Nhưng với tôi thì không. Dường như loạt đạn 12,7mm vẫn vang bên tai.

Cuộc chiến tháng 2/1979, hướng Hà Tuyên là hướng phối hợp, địch không tiến công lớn mà chỉ sử dụng lực lượng biên phòng, dân binh tỉnh Vân Nam đánh vào các chốt của ta ở xã Thượng Phùng, Lũng Làn (Mèo Vạc), Lũng Cú, Ma Ly (Đồng Văn), Nghĩa Thuận (Quản Bạ), Thanh Thủy, Lao Chải (Vị Xuyên), Bản Păng, Bản Máy (Xìn Mần), Na Khê (Yên Minh). Nhưng đến ngày 4/3, để hỗ trợ cho các hướng chính Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn và Lai Châu, địch đẩy mạnh các hoạt động tiến công cấp đại đội, tiểu đoàn nhằm vào các đồn biên phòng và các xã biên giới. Ngày 8 và 9/3 chúng đánh Phó Bảng (Đồng Văn); ngày 11/3 tiến công khu vực Lao Chải (Vị Xuyên). Đến năm 1984, Trung quốc mở chiến dịch lấn chiếm biên giới Vị Xuyên với quy mô lớn, đánh chiếm các quả đồi từ bình độ 1800 ở phía tây đến bình độ 1200 ở phía đông mà họ gọi là Lão Sơn, tạo ra một “lò vôi thế kỷ”… Ngày ấy, mỗi khi lên mặt trận, chúng tôi phải đi từ lúc 3 giờ sáng, xe chỉ được bật đèn gầm bò sao cho kịp đến làng Pinh trước khi mặt trời mọc. Nhưng người lính chốt giữ Vị Xuyên hàng tháng không cắt tóc, hàng năm không thấy một bóng thiếu nữ, làm ra một thứ chè chốt uống đầy dư vị và đắng ngắt lòng. Những cái chết vì mảnh đạn pháo, vì đạn bắn tỉa, vì mưa nhiều trượt đất, thật không kể xiết. Nghĩa trang liệt sĩ ở Vị Xuyên bia mộ trắng xóa như rừng. Năm 1999, sau khi Việt Nam và Trung quốc bình thường hóa quan hệ, tôi được cử tháp tùng một đoàn nhà văn Trung Quốc đi thăm đền Hùng, trong đó có lão nhà thơ Lưu Trương. Ông tặng tôi tập thơ tựa là Thơ cha và con, in mỗi người khoảng 30 bài, nói con ông bị thương ở mặt trận Lão Sơn. Tôi đọc phần thơ của con trai ông, thấy chủ yếu mô tả về cái chết, về những chiếc quan tài, về thời tiết khắc nghiệt. Tình cảnh của người lính ở đâu thì cũng vậy.

 

5.

Ngày 2/1/2019, chuyến đi mở đầu năm mới dương lịch, tôi đi với một đoàn nhà văn lên Lạng Sơn. Một chuyến đi kết thêm nhiều bạn mới. Nhưng phải nói ngay rằng, với Lạng Sơn tôi là một người cũ… Thành cổ Lạng Sơn nay đã thu nhỏ lại, không chỉ do thị xã tiến lên thành phố, mà do công năng của nó không còn như cũ nữa. Ngày 4/3/1979, khi quân xâm lược Trung Quốc tiến vào thị xã thì tôi đang ở một hướng khác. Không thể tin được rằng, quân Trung Quốc đã vượt sông Kỳ Cùng, đã chiếm sân bay Mai Pha, đã bắn chết nhà báo Nhật Bản Tacano.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đoàn Thị Hậu bố trí để chúng tôi đi Tràng Định, Lộc Bình đi đến các đồn biên phòng Pò Mã và Chi Ma. Sư đoàn 437 phòng ngự ở Tràng Định, trong thế tựa lưng vào sông Kỳ Cùng, nghĩa trang của sư đoàn ghi danh đúng 437 liệt sĩ. Chốt biên phòng ở điểm cao 820 lập miếu thờ các liệt sĩ thuộc biên chế của đồn. Đêm lạnh 10 độ C nằm ở nhà khách ủy ban huyện nghe gió bắc rú rít, như nghe đội ngũ núi tuần tra đường biên, lòng không khỏi rợn sóng ngàn lau trắng, đọc một tin nhắn từ Lạng Sơn gửi lên, không khỏi rưng rưng. Đồn biên phòng Chi Ma trên chốt 840 cũng có dựng miếu thờ, 11 liệt sĩ rất trẻ tuổi đều 19, 20. Đứng trên chốt này nhìn thấy toàn cảnh thị trấn Ái Điếm của Trung Quốc. Chi Ma được hai bên thương thảo đưa lên cấp cửa khẩu quốc gia. Mọi cơ sở vật chất kĩ thuật đã xây dựng xong, phía Trung Quốc cũng đã dựng hàng ngàn mét rào biên giới. Nhưng cửa khẩu chưa thông thương, còn phải chờ phía bên nước bạn…


Nguồn Văn nghệ số 8/2019


Có thể bạn quan tâm