April 26, 2024, 2:11 am

Dòng thơ xuân vẫn chảy

Ừ nhỉ, đã mười bảy Nguyên tiêu gắn với ngày hội thi ca đất nước. Rằm tháng Giêng đồng hành cùng Ngày thơ Việt Nam, một sinh hoạt văn hóa có thể nói đã trở nên quen thuộc với những thi nhân và người yêu thơ. Đâu dễ quên cái không gian đậm chất thi ca từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội đến các vùng miền gần xa trong cả nước; người người nao nức đến Ngày thơ, để được bâng khuâng đắm đuối trong những rộn ràng, vang vọng, sâu lắng của những câu chuyện, những ký ức, những âm điệu tâm hồn trong thi ca. Thơ là nơi lưu giữ bền vững nhất tâm hồn dân tộc Việt. Ai đã nói điều đó nhỉ hay là điều đó đã từng cất lên trong trái tim ta. Như một minh định, như một nhắc nhở và cao hơn là như một ấn tượng không dễ mờ phai trong tâm hồn. Nhớ, bắt đầu vào cuộc, sau màn trống hội truyền thống rộn vang là bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh được ngâm lên bằng cả nguyên tác chữ Hán và Quốc ngữ: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. Dịch thơ: Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền (Bản dịch của Xuân Thủy). Nhớ, những giọng đọc thơ của các thi nhân đất Việt và có những năm thêm bạn bè quốc tế. Thơ trở thành cầu nối kỳ diệu của những ngôn ngữ, những nền văn hóa, văn chương khác nhau, từ Đông sang Tây. Ánh sáng từ ngọn lửa thi ca chiếu tỏa, sưởi ấm lòng người, dẫn dắt những đam mê, những thăng hoa lại bên nhau, kết nối nhà thơ với công chúng, từ một, từ ít đến nhiều trong tình yêu đất nước, dân tộc và nhân loại. Thời kỹ trị được như thế là mừng, mừng lắm, càng minh chứng điều này: còn ngôn ngữ thì còn thi ca; thi ca tự biết lo liệu cho bản thân mình. Nhớ, màn thả thơ cuốn hút, những câu thơ chọn được thả lên trời với ý nghĩ thiện lành: thơ hòa vào bát ngát non sông. Cái thông điệp gửi vào mùa xuân: Đồng hành cùng đất nước luôn xuyên chuỗi trong các Ngày thơ Việt Nam. Chẳng lấy làm lạ khi nhiều tác giả, nhiều bài thơ, câu thơ hay từ xưa đến nay đã được tôn vinh ở các Ngày thơ. Có lẽ, đấy là nguyên do chủ yếu và quan trọng bậc nhất để tạo nên sức hút với công chúng đến với ngày hội thi ca trang nhã này.

Trước Rằm tháng Giêng Canh Tý 2020, mọi sự chuẩn bị cho Ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 xem như đã hoàn tất. Hội Nhà văn Việt Nam mà cụ thể là Ban tổ chức Ngày thơ đã hoạch định một kế hoạch, một chương trình có thể nói là phong phú và hoàn hảo. Chủ đề: Đồng hành cùng đất nước được sự nhất trí cao của các thành viên. Năm nay, không phải Liên hoan Thơ quốc tế nhưng nhờ tiếng lành đồn xa nên vẫn có 7 nước và vùng lãnh thổ muốn tham gia ngày hội thi ca với Việt Nam. Mừng cho Ngày thơ Việt Nam lắm chứ! 90 nhà thơ cùng 90 bài thơ thuộc thế hệ kháng chiến đánh Pháp, chống Mỹ và sau năm 1975 đã được chọn lọc kỹ càng để làm pano triển lãm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ. Một Vườn Thi nhân như thế sẽ xuất hiện ở nơi được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. 50 câu thơ hay cũng đã được chọn nhưng có cái mới là năm nay không thả lên trời nữa mà sẽ treo vào Cây thơ. Thêm điều mới mẻ này nữa, trong khuôn viên Di tích lịch sử đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ trưng bày 100 câu ca dao đặc sắc của các dân tộc anh em đang chung sống trên non sông Việt Nam. Kho tàng ca dao Việt Nam có những câu hay lắm, như Thương anh da diết, diết da/ Áo em hai vạt trải ra anh nằm...Tất cả đã được khẩn trương chuẩn bị, tất cả đã sẵn sàng cho một Ngày thơ ấn tượng do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, được tổ chức ở hai nơi là thủ đô Hà Nội và cố đô Huế.

Thế mà, chẳng ai ngờ được, chỉ còn một tuần nữa đến ngày khai hội thì đại dịch vi rút Corona khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã lan nhanh ra nhiều nước trong đó có Việt Nam với tốc độ chóng mặt và mức nguy hiểm chưa lường hết được. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch nCoV với thông điệp phát ra mạnh mẽ chống dịch như chống giặc. Từ Bắc chí Nam nhiều lễ hội lớn, các hoạt động văn hóa tụ tập đông người phải dừng lại trong đó có Ngày thơ Việt Nam. Mỗi ngày nhìn dòng chữ chạy trên ti vi thông báo việc tạm dừng Ngày thơ Việt Nam năm nay lòng tôi có chút xao xác, bâng lâng dù biết quyết định của Ban tổ chức là rất đúng. Và, thầm nghĩ, dù Ngày thơ Việt Nam năm nay có tạm dừng thì dòng thơ xuân trên đất Việt vẫn vằng vặc chảy. Như là một phần văn hóa chưa bao giờ mất, không thể mất của dân tộc sinh ra những Lý Thường Kiệt, Mãn Giác thiền sư, Trần Nhân Tông, Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... cũng nhiều ngôi sao thi ca khác. Thơ vẫn tồn tại trong lòng dân tộc ta như cuộc sống vốn chứa đựng bao thăng trầm, giông bão vẫn ánh xạ những rung động tâm hồn nhân hậu cao đẹp có tên gọi Việt Nam. Những vần thơ về đất nước, quê hương, về biên cương hải đảo, về tình yêu và hạnh phúc, về sẻ chia và thấu cảm vẫn được đọc lên trong từng nhóm bạn bè, trong mỗi gia đình khi Nguyên tiêu đến. Thơ là vậy, không cần nhiều lễ nghi sang trọng, những sân khấu sàn diễn chấp chới lung linh, những xưng tụng ồn ào. Thơ là tâm hồn người, là chiều sâu cuộc sống, vẫn lặng lẽ để thấm tháp như lửa bắt vào lửa, như nước hòa vào nước. Thơ chia sẻ nỗi đau, ân cần che chở trước những tai ương của đồng bào, của nhân loại. Thơ làm lành lại những vết thương, vá lại những lỗ thủng cuộc đời. Trong đại dịch nguy hiểm này, biết đâu thơ ca sẽ là điểm tựa tinh thần cho chúng ta, như ngàn năm trước Mãn Giác thiền sư ở thi phẩm Cáo tật thị chúng (Cáo bệnh bảo mọi người) đã viết: Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Dịch thơ: Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân tới trăm hoa tươi/ Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu, già đến rồi/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một cành mai.

Trong hoàn cảnh nào, chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh, dân tộc ta đều biết khẳng định bản lĩnh vững vàng và tâm hồn cao đẹp. Thế đó, sau Yên ba thâm xứ đàm quân sự, là Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. Ánh trăng thơ trong kháng chiến của Hồ Chí Minh sẽ còn tỏa sáng rất lâu nếu không muốn nói là mãi mãi. Hạnh phúc thay, thơ đã lưu tải điều đó, vậy thì chẳng có lý gì dòng thơ xuân lại không vằng vặc sáng dẫu giêng hai này chúng ta đang phải bận đánh lũ giặc có tên gọi vi rút Corona.

Nguồn Văn nghệ số 6/2020


Có thể bạn quan tâm