April 25, 2024, 10:39 pm

“Dòng sông nổi giận” hay là sự công bằng của quy luật sống

Từ xa xưa người ta thường nói: “Lành như đất, hiền như sông” để nói về cái sự lành hiền trong trời đất và kiếp nhân sinh. Vậy nên khi cầm cuốn truyện ngắn Dòng sông nổi giận của Vũ Đảm tôi đã có ý băn khoăn: ai đã làm gì đến mức để sông phải nổi giận? và đọc đủ 18 truyện ngắn trong đó.

Câu trả lời là: quan! Gần vài chục ông quan từ cấp vụ viện trung ương đến các quan hàng tỉnh hàng xã kèm theo một loạt doanh nhân chi phối theo kiểu mafia. Đọc xong mà thất kinh. Thì ra những gì mình viết từ xưa đến giờ cũng chỉ là gãi ngứa bên ngoài so với những gì mà thực tế đang diễn ra. Nó khủng khiếp hơn nhiều, nó dữ dội hơn nhiều, nó tinh quái hơn nhiều. Và tự nhiên thấy công việc đốt lò diệt quan tham trả lại sự thanh sạch cho xã hội do Tổng Bí thư phát động là việc làm hợp lòng dân.

Vũ Đảm không vơ đũa cả nắm. Không phải tất cả các vị quan chức được tác giả kể trong tập sách này đều tha hoá biến chất. Trong 18 truyện ngắn ta có gặp những cán bộ hết lòng vì dân. Nhưng không nhiều. Có lẽ đó là sự thật. Và sự thật ấy minh chứng cho những gì tốt đẹp vẫn đang hiển hiện trong đời sống. Hơn nữa những điều tốt đẹp ấy, những cán bộ thực sự vì dân như thế như là một mẫu số chung để người đọc thiết lập sự so sánh và bày tỏ thái độ công phẫn với những quan chức tham nhũng, đặc quyền đặc lợi chen lấn với người tốt, làm khổ dân lành.

 “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” là tiêu chí, là điều kiện để đi đến thành công. Tức là người ta chỉ có thể thành công trong điều kiện xã hội cho phép, với các điều kiện đầy đủ và thực sự được mọi người tín phục. Thiếu một trong ba điều kiện ấy đều dẫn đến thất bại. Ông Công Quan (trong Dòng sông nổi giận) với nhiệm kỳ 5 năm giữ chức của mình làm được hai việc lớn một xây và một lấp. Một xây là xây dựng nên cái quảng trường vô tích sự làm chỗ cho bọn nghiện hút và gái mãi dâm lấy chỗ hành nghề. Và một lấp là lấn lấp con sông Xanh vốn hiền hoà cấp nước ngọt quanh năm và oằn mình chở lũ vào mùa mưa che chắn cho thành phố... cốt để tiếp tay cho dự án xây biệt thự của tay trùm bất động sản Đại Ngôn.  Xây và Lấp tưởng là vì quốc kế dân sinh nhưng thực ra nó là phương tiện để trục lợi. Chỉ riêng quả “xây” ông bỏ túi hàng ngàn tỷ đồng và việc “lấp” ông cũng dự tính kiếm vài chục triệu đô la làm vốn dưỡng già. Một ông quan đầu tỉnh với nhõn hai công trình đã có hàng vài ba ngàn tỷ đồng thì quả là con số khủng. Để phấn đấu cho được mục tiêu ấy ông ta bỏ qua hiểm hoạ mà dòng sông khi bị lấn gây ra cho thành phố, bỏ ngoài tai sự phản đối của người dân. Cái yếu tố thiên thời, địa lợi bị bỏ qua và yếu tố nhân hoà không được xét đến và tất yếu phải gánh hậu quả.

Một ông quan nữa thất nhân thất đức tới mức người ta không thể tưởng tượng nổi đó là Động (trong Sông sâu còn có kẻ dò). Y được lên viện trưởng nhờ sự bao dung nâng đỡ của Viện trưởng Hưng. Ấy thế mà khi cầm tờ quyết định trong tay thì y đã tống cổ Viện trưởng cũ ra khỏi phòng làm việc khi chưa kịp bàn giao. Âu cũng là sự trả giá cho cái gọi là lòng lành của viện trưởng Hưng. Chỉ đáng tiếc là viện trưởng Hưng sẽ không bao giờ có thể sửa chữa được từ bài học ấy mà chỉ biết ngậm đắng nuốt cay để mà than thở “sông sâu còn có kẻ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Hay anh chàng Văn Tiến cùng cô bồ Diễm Tình (Quả báo) tự lột mặt nạ trong gian lận phiếu bầu Ban Chấp Hành ở Đại hội công nhân viên chức và đĩ bợm trong phòng ngủ... Rồi ông cán bộ lão thành Tuý và quý tử là Bành (Hàng xóm) vì cần hợp phong thuỷ cho chức Chủ tịch tỉnh sắp tới của mình mà Bành cùng ông bố giở đủ trò để lấn đất nhà ông giáo già tên là Thụ. Nào là dùng chức quyền của mình tự làm ra cái bản đồ khống vu cho nhà ông giáo lấn đất, nào là ngang nhiên làm hàng rào chắn giữa ao nhà người ta và cuối cùng bỉ ổi hơn cả là dám vu vạ cho ông giáo Thụ có hành vi giết người. Việc một số các quan chức tham lam đến mức không từ thủ đoạn nào kể cả thủ đoạn bỉ ổi nhất để đạt mục đích đã thành hồi chuông báo động về sự tha hoá của cán bộ có chức quyền.

Con người ta dù là quan chức thì cũng phải biết điều trong mọi mối quan hệ. Đó là quan hệ đạo đức với người thân, với xóm làng, với đồng nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Đảm xây dựng được một hình mẫu “Kẻ đứng lom khom” của những “Người sang trọng”. Chốn quan trường đầy rấy thủ đoạn tính toan đan cài xu nịnh và phản bội, lọc lừa và ích kỷ. Thậm chí có những tính toan mà người đời không dám nghĩ tới như Đa và Thuần (Áo dài bay trong gió) một kẻ dám ra giá, kẻ kia dám chấp nhận dâng vợ cho quan trên để đổi lấy chức vụ. Chỉ có thể nhận xét: kinh khủng quá, bỉ ổi quá. Vì những chuyện như thế này chỉ ngày xưa Ngô Tất Tố mới dám phơi bày để tố cáo chế độ thực dân phong kiến thối nát. Thế mà bây giờ nó vẫn hiển hiện trong hiện trạng cuộc sống mới hôm nay.

Còn nhiều lắm những hình mẫu quan chức tha hoá biến chất. Nhưng tác giả không chỉ dừng ở tố cáo. Tất cả các vấn đề đưa ra đều được giải quyết một cách hợp lý. Tay Viện trưởng Động (Sông sâu còn có kẻ dò) vì hung hăng đuổi ông Viện trưởng cũ nên bị cái bàn thờ mà y dựng lên rơi trúng đầu biến thành kiếp sống nhặt lá đá ống bơ. Ông Công Quan (Dòng sông nổi giận) bị chính cái dòng sông Xanh cuốn đi, dù được sống sót nhưng ám ảnh kinh hoàng đến thành ngớ ngẩn. Anh chàng Văn Tiến cùng cô Diễm Quỳnh (Quả báo) thì suýt chết tai nạn ô tô, tay Bành cùng ông bố cán bộ lão thành tên Tuý (Hàng xóm) bị người ta bóc mẽ đến mức sống không bằng chết. “Người sang trọng” Trần Thoải bị đấm cho vêu mặt. Riêng lão quan tên Đa và anh chàng tên Thuần (Áo dài bay trong gió) bị người vợ hiền thục là giáo viên Thắm cho bài học, tưởng cũng chả nên sống làm người. Kết thúc các truyện, tất cả bọn quan tham đều bị trừng trị đích đáng khiến người đọc hả hê thoải mái. Thì ra những cái ác cái xấu không thể tồn tại và phải bị trừng trị theo đúng luật nhân quả. Âu đó cũng là sự công bằng của quy luật của cuộc sống con người.

Tôi thích dừng lại ở những trang viết đằm thắm tin yêu của Vũ Đảm khi anh viết về những con người bình thường nhưng rất đỗi trong sạch trong nếp sống và tận tuỵ với nhiệm vụ. Đó là bác sĩ Lê Hải, bác sĩ Hồng trong truyện ngắn Bác sĩ nơi tâm dịch. Chỉ một cái chi tiết ông bác sĩ đi lại như con thoi trong đêm ở khu bệnh viện dã chiến giữa Sài gòn vùng tâm dịch covid để chăm sóc bệnh nhân khi mà nhiều đồng nghiệp đã quỵ ngã. Chi tiết ấy được nhà văn khắc hoạ trong bộ quần áo kín mít từ đầu đến chân thì “cái bỉm đã nặng trĩu vướng víu khó chịu... mà chỉ được thay khi hết ca... mà mỗi ca kéo dài từ 8 đến 12 tiếng liên tục... kéo khoá ra là phải thay bộ mới. Thay bỉm đồng nghĩa với thay bộ mới trong khi ngành y tế đang khó khăn”. Điều này mấy người biết được. Khi đọc thì mới xót xa…         

Cũng là quan nhưng là quan rất nhỏ, chị Hồng (Thợ mỏ) chỉ một lòng một dạ chăm lo cho công nhân. Là Phó Chủ tịch Công đoàn nhưng người phụ nữ ấy xót xa trước tai nạn của người lao động nên kiên quyết giã từ phòng làm việc với máy lạnh và tiện nghi để xuống hầm lò tìm nguyên nhân để phòng tránh. Từ những nghiên cứu qua việc cùng ăn, cùng làm việc với thợ lò, người cán bộ nữ ấy đã mở lớp huấn luyện an toàn lao đông cho công nhân... Trong một sự cố mìn nổ, để cứu đồng nghiệp, chị Hồng đã mất bàn tay trái. Tuy nhiên chị vân không từ bỏ nhiệm vụ giúp người công nhân được an toàn trong lao động mặc dù cấp trên và gia đình có ý định cất nhắc chức vụ cao hơn, sắp xếp công việc tốt hơn, nhàn hạ hơn.

Với cách kể chuyện dung dị thật thà, không làm duyên làm điệu, lại kể theo trật tự thời gian tuyến tính nên các câu chuyện trong tập sách này dễ hiểu, được người đọc tiếp nhận một cách tự nhiên. Có những trường đoạn khai thác tâm lý khá đắt như đoạn suy nghĩ tính toán giữa cái mất cái được của Thuần khi chuẩn bị dâng hiến vợ hay đoạn ông quan tên là Đa suy tính thủ đoạn sau khi được ngủ với cô giáo Thắm thì phải làm tiếp những công đoạn gì để có thể vẫn được tình mà chỉ mất ít tiền. Có nhiều đoạn như vậy lắm trong các truyện ngắn khác. Tác giả đã cố gắng bóc trần sự thật đằng sau những lời hoa mỹ, những mưu mô của bọn quan chức hủ bại để người đọc ám ảnh. Đồng thời từ đó tạo dư luận cho con người không thể thờ ơ mạnh dạn lên án cái xấu cái ác. Và hơn nữa người ta còn được cảnh tỉnh các ác cái xấu luôn bị trừng trị đích đáng để không nghĩ đến chuyện làm ác làm xấu. Bên cạnh những tha hoá ta vẫn thấy ngời lên hình ảnh những con người thực sự vì nhân dân, vì cuộc sống. Những điều đó làm nên giá trị nhân văn của tập truyện này.

Tuy nhiên cũng phải nói rất thật có những điều chưa được thoả mãn. Những người tốt, những việc tốt không nhiều và chưa được tưởng thưởng một cách xứng đáng. Và hơn nữa các điều xấu, điều ác thì chỉ bị trừng phạt theo nhân quả hết sức ngẫu nhiên hoặc do các nhân vật tích cực đấu tranh để trừng phạt mà chưa thấy sức mạnh pháp luật tác động. Phải chăng đó là điều tác giả còn trăn trở. Bởi như cách viết cách lý giải thì đó không hề là chuyện vụn vặt. Đó cũng là một câu hỏi với mỗi người, cho hôm nay.   

Nguồn Văn nghệ số 41/2022


Có thể bạn quan tâm