April 20, 2024, 7:35 am

Đồng hành cùng tiểu huyết Việt Nam đương đại

 

Bùi Việt Thắng là người bám sát đời sống văn chương đương đại, sống và viết vì nó. Lâu nay anh đã trở thành người đồng hành thân thuộc của giới sáng tác nói chung và của các tiểu thuyết gia nói riêng.

Bên cạnh các chuyên luận và tiểu luận - phê bình truyện ngắn, Bùi Việt Thắng đã tìm thấy tiểu thuyết ngày càng chiếm ưu thế trong các thể loại văn chương và đã chọn nó làm đối tượng tiếp cận và nghiên cứu lâu dài của mình. Các công trình về tiểu thuyết của Bùi Việt Thắng đã ra mắt bạn đọc: Bàn về tiểu thuyết (Biên soạn, Nxb Văn hóa thông tin, 2000), Tiểu thuyết đương đại (Tiểu luận – Phê bình, Nxb Quân đội nhân dân, 2005, tái bản 2006, 2009) và mới nhất Thi pháp tiểu thuyết hiện đại (Nxb Thanh niên, 2019). Thi pháp tiểu thuyết hiện đại là sự tiếp nối Tiểu thuyết đương đại. Từ đó đến nay, Bùi Việt Thắng vẫn “chung thân” với thể loại được xem là “máy cái” của văn học.

          Thi pháp tiểu thuyết hiện đại gồm ba phần: Phần thứ nhất: Cảnh quan và vấn đề của tiểu thuyết đương đại. Phần thứ hai: Tiểu thuyết và những cách đọc khác. Phần thứ ba: Tác phẩm và dư luận. Đọc kỹ, dễ nhận ra hai phần đầu là trọng lực của cuốn sách. Nếu như ở Tiểu thuyết đương đại trước đó, cấu trúc được chia thành hai mảng rõ rệt: một là, những bài nghiên cứu mang tính khát quát; hai là những bài phê bình các tác phẩm và tác giả cụ thể thì ở Thi pháp tiểu thuyết hiện đại đã mở rộng “biên độ” các vấn đề của tiểu thuyết đương đại, biến hóa hơn về cách thức tiếp cận.   Tôi thấy, nếu như ở các tập tiểu luận - phê bình của đồng nghiệp khác thường đan xen các thể loại văn xuôi, thơ, kịch thì ở Thi pháp tiểu thuyết hiện đại của Bùi Việt Thắng thể hiện sự “chuyên môn hóa” triệt để một đối tượng tiếp cận, đó là tiểu thuyết, thể loại đã và đang chứng tỏ sự trưởng thành của một nền văn chương.

         Phần Cảnh quan và vấn đề của tiểu thuyết đương đại gồm 20 bài, là một tập hợp và hệ thống các tiểu luận sắc bén và chuyên sâu về diện mạo, về những vấn đề của tiểu thuyết, đặt chúng trong ngữ cảnh đổi mới và hội nhập văn chương thế giới. Ở đây, từ góc nhìn thể loại, Bùi Việt Thắng với cách lập luận khoa học, với những quan sát tường tận, cập nhật đời sống thể loại đã nhận ra những vấn đề mới nẩy sinh ở văn chương nói chung, tiểu thuyết nói riêng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trong tiểu luận Về dòng tiểu thuyết “thân xác” trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI, gạt lại đằng sau những định kiến chật hẹp, những quan niệm lỗi thời về con người trong văn chương lâu nay, tác giả nhấn mạnh: “Viết hay về thân xác là viết về con người trong toàn bộ tính phức tạp, đa dạng và phong phú của nó. “Thân xác” con người mãi mãi là một bí ẩn thách gọi nhà văn khám phá và thể hiện trên tinh thần Chân - Thiện - Mỹ” (tr.51). Trong tiểu luận Văn chương và thế giới tâm linh khi soi chiếu vào những tiểu thuyết mang tính đại diện Cơ hội của chúa, Và khi tro bụi, Cách trở âm dương, Đội gạo lên chùa, Ngược mặt trời, Hoang tâm, Nhân gian, Chân trần , Tưởng tượng và dấu vết, Mình và họ… tác giả cho thấy, sau một thời gian dài bị lãng quên, những năm gần đây văn hóa tâm linh như đã “phục sinh” trong tâm thức cộng đồng và tạo mỹ cảm trong tiếp nhận của người đọc: “Trở về với tâm linh có thể là một “liệu pháp tinh thần” để con người sống hài hòa hơn (trước hết là với tự nhiên), đức độ hơn, có ý nghĩa người hơn” (t.76). Là người sống với văn chương cùng thời, luôn dõi theo những vấn đề của tiểu thuyết, Bùi Việt Thắng quan tâm đến Tiểu thuyết ngắn nhìn từ góc độ kinh tế và cơ chế đọc, không phủ nhận thành tựu của các tiểu thuyết hàng nghìn trang song nhà phê bình luôn cổ súy cho tiểu thuyết ngắn (khoảng trên dưới 300 trang), với những lập thuyết dựa trên căn nguyên kinh tế và văn hóa tác động đến tâm lý sáng tác và tiếp nhận, “viết cho ai đọc ?” và “viết như thế nào?”. Theo nhà phê bình: “Văn học, trong đó có tiểu thuyết, phải tính toán về sự hợp lý của mình để không bị đẩy ra ngoại biên của môi trường văn hóa. Viết ngắn, theo tôi, là một cách tự vệ và là một cách tồn tại của tiểu thuyết trong bối cảnh hiện nay” (tr.106). Là người bám sát thực tiễn sáng tác, Bùi Việt Thắng ghi nhận sự trở lại cùng những đổi mới trong cảm hứng và lối viết của nhà văn về đề tài chiến tranh, về vị thế của văn chương tư liệu về chiến tranh qua trường hợp Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 của Trần Mai Hạnh, về đề tài lịch sử trong các tiểu thuyết xuất hiện những năm đầu của thế kỷ mới. Luận bàn về những vấn đề của tiểu thuyết trong những tiểu luận nói trên cũng là cách Bùi Việt Thắng phục dựng diện mạo và đặc trưng thi pháp tiểu thuyết với cái nhìn bao quát, mang ý  nghĩa tổng kết, vừa khẳng định thành tựu, vừa chỉ ra giới hạn của thể loại dài hơi này trong Chặng đường 30 năm (1986-2016) đổi mới tiểu thuyết Việt Nam - những bài học nghệ thuật, Phía trước của tiểu thuyết, Tiểu thuyết đi về đâu, Tương lai của tiểu thuyết, Văn xuôi hôm nay: diện mạo - thành tựu - vấn đề. Chùm bài viết về Cảnh quan và vấn đề của tiểu thuyết đương đại đã cho thấy sức đọc cùng vốn liếng chuyên ngành của tác giả trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn văn chương, trong việc tiếp thu và vận dụng lý luận tiểu thuyết của M.Bakhtin và M.Kundera vào nghiên cứu tiểu thuyết đương đại Việt Nam, theo tác giả: “Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin toàn cầu, thời đại mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế, thời kỳ sân chơi có tầm thế giới thì việc tiếp nhận thành tựu của nhân loại là một phần tất yếu trên con đường đi tới thành công của chúng ta trong tất cả các lĩnh vực đời sống tinh thần, trong đó có văn học” (tr. 24). Và điều đáng nói ở đây là, anh tiếp thu và vận dụng lý thuyết một cách mức độ, thỏa đáng, không bị lý thuyết lôi kéo, áp đặt mà luôn dựa vào thực tiễn sống động của thể loại để quan sát và phát hiện vấn đề, tìm ra những yếu tố mới của tiểu thuyết nước nhà đang trên tiến trình đổi mới và hội nhập văn hóa thế giới. Trên cơ sở đó, tác giả đã giúp người đọc hình dung một cách hệ thống bức tranh toàn cảnh về tiểu thuyết Việt Nam qua nhiều “kênh”, nhiều góc nhìn từ tham luận khoa học, tiểu luận, phê bình, đến trả lời phỏng vấn, đối thoại - tranh luận, tránh được sự khuôn thước, đơn điệu hay quá hàn lâm trong các bài viết của mình.

         Phần thứ hai Tiểu thuyết và những cách đọc khác gồm 42 bài, là những nẻo lối tiếp cận tiểu thuyết hay các hiện tượng tác giả không những làm rõ sự đổi mới tư duy tiểu thuyết của các tiểu thuyết gia mà của cả chính nhà phê bình. Bởi thế, không ngạc nhiên khi anh gần như quen mặt hầu hết các nhà văn, đặc biệt các tiểu thuyết gia thuộc các thế hệ, lứa tuổi, cứ vào “tầm ngắm” của mình là đọc và theo dõi quá trình sáng tác, “đường đi nước bước”  của họ một cách thành tâm không chỉ vì chính họ mà vì cả những người nghiên cứu phê bình và điều quan trọng là vì sinh thể tiểu thuyết - chỉ số đo “sức vóc” của văn chương nước nhà. Một trong những cách đọc khác của Bùi Việt Thắng là vận dụng thuật ngữ “canon” và “khảo cổ học văn chương” trong công trình Tiêu chuẩn đánh giá nhà văn và tác phẩm của Paul Lauter (giáo sư trường Đại học Trinyty, Hoa kỳ) đề xuất để tiếp cận tác giả và tác phẩm quá khứ theo “tính xã hội học của văn học hơn là nghiên cứu có tính phê bình - lý luận về tác phẩm văn học và tác giả” trong tiểu thuyết của Đạm Phương nữ sử và tiểu thuyết Nguyên Hồng trước 1945; từ đó rút ra kết luận các tiểu thuyết ít trang của Đạm Phương nữ sử và Nguyên Hồng cùng các tác giả đương thời thường có độ dài vừa phải, là dấu hiệu hình thức thể loại của tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã cung cấp cho các nhà văn hôm nay những “kinh nghiệm nghệ thuật quý giá khi bắt tay viết tiểu thuyết ngắn”. Song tập trung hơn ở phần viết này là đi sâu vào thế giới tiểu thuyết của các cây bút đương đại, những người cùng thời với tác giả. Đây là những tác giả mà Bùi Việt Thắng tỏ ra am hiểu không chỉ tác phẩm mà cả quá trình sáng tác và tiểu sử của họ, các yếu tố này đan xen, phối trộn khá nhuần nhuyễn thiết tạo nên cách viết kỹ lưỡng, sâu sắc, với những phân tích và đánh giá bộc lộ chính kiến cá nhân một cách điềm đạm mà thuyết phục. Những phê bình Triết luận về kiếp người bằng ngôn ngữ tiểu thuyết (Đọc Xác phàm của Nguyễn Đình Tú), Lính trận và hành trình tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh, Nhà văn Lê Lựu đóng góp vào văn chương nước nhà bằng tiểu thuyết, Tiếp cận tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ phương diện kết cấu thể loại, Những giọt nước mắt đỏ trong tiểu thuyết của Trần Huy Quang, Nước mắt đổ vào dòng sông Mía (Một chặng đường tiểu thuyết của Đào Thắng), Làm người là khó (Đọc Anh thợ mộc và tấm ván thiên, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng), Bi kịch lạc quan (Đọc Gã Tép Riu của Nguyễn Bắc Sơn), Theo vết chân trần trong tiểu thuyết của Thùy Dương, Huyết ngọc và dòng văn học trinh thám (Đọc Huyết ngọc, tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân), Tiểu thuyết trinh thám Việt Nam trường hợp Di Ly và Trại Hoa Đỏ, Xã hội ba đào ký (Tản mạn về Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký, tiểu thuyết Trần Nhương), Mưa đỏ như một dấu mốc sáng tác tiểu thuyết của Chu Lai, Chiến thắng của văn hóa (Tiểu thuyết Đỉnh cao hoang vắng, của Khuất Quang Thụy), Tiểu thuyết Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam, Quyền uy của tư liệu nhìn từ hiện tượng Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 của Trần Mai Hạnh, Cái nhìn lập thể đời sống (Tiểu thuyết con chim Joong bay từ A đến Z của Đỗ Tiến Thụy), Tiểu thuyết Mộng đế vương của Nguyễn Trường, Tiểu thuyết Trong vô tận của Vĩnh Quyền, Thức ăn tinh thần cho con người là bao nhiêu? (Ấn tượng về Mùa khát, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến, 2018) v.v… thực sự mang một cách diễn ngôn khác, mới hơn so với tập tiểu luận phê bình Tiểu thuyết đương đại trước đó của chính tác giả. Một diễn ngôn nghiên cứu phê bình chắc chắn, tự tin mà đầy ẩn dụ, khơi gợi đồng liên tưởng nơi người đọc thể hiện từ nhan đề đến cấu trúc nội tại trong các bài viết.

        Phần thư ba của cuốn sách là hai trong số khá nhiều bài viết giới thiệu và phê bình Tiểu thuyết đương đại (2005) của Bùi Việt Thắng như một ký ức được nhớ lại, dẫn dụ người đọc đến với Thi pháp tiểu thuyết hiện đại trên một tầng nấc mới.

       Khép lại trang cuối cùng của cuốn tiểu luận – phê bình đầy đặn của Bùi Việt Thắng, tôi ngẫm thấy một sự “tương phản”, tác giả rất “chuộng” tiểu thuyết ngắn mà lại ra mắt một cuốn sách “tốn” không ít thời gian của người đọc. Giá như nén chặt hơn thì cuốn sách sẽ gọn và nét hơn. Tuy nhiên đó là một đòi hỏi có tính lý tưởng./.

     Nguồn Văn nghệ số 44/2019                                                                                                      


Có thể bạn quan tâm