April 19, 2024, 5:54 am

Đôi vai kẽo kẹt nợ đời

Nghĩ ngợi mãi tôi mới đặt được cái tít để cho bài viết về ông - nhà văn Phù Ninh một con người lặng lẽ, âm thầm suốt đời cặm cụi trên trang viết. Nhớ ngày mới ở bộ đội chuyển ngành về ty văn hóa ở trên Hà Giang, có lần đến phòng ông chơi, thấy ông như cái bộ xương bên trang viết tôi cười bảo: Chỉ có da bọc xương mà bác cứ cắm mặt xuống giấy, đi lúc nào ai hay. Ông cười rồi nghẹn ngào:  “Mình xấu mã, lại gầy còm, giao du ngại, thôi thì lấy trang viết để mọi người biết đến vả cái nghiệp này nó như cái nợ bám mình, viết mãi mà chả thành văn...”.

Nhà văn Phù Ninh

Nỗi niềm ông than thở không biết tại sao cứ ám ảnh tôi hoài. Mãi đến khi thấy những trang viết của ông xuất hiện trên báo Văn nghệ như truyện ngắn Tết cữ gió, Dấu chân con ngựa, Người ở lại thác Hốc, Sau ba mùa lê... bút ký Trên cao nguyên tuyết rơi... thì thấy người qua lại tìm ông, hỏi han tâm đắc về ông nhiều hơn. Chắc ông vui nhưng vẫn kín đáo ngày ngày ngồi trong căn phòng đọc và viết. Đi công tác hay về qua nhà ông thường bám càng lãnh đạo nhờ. Cứ quyển sách, tờ báo với cái túi nải ông ra ngồi gốc cây chỗ km số 9 đường Tuyên Quang – Hà Giang chờ. Có lần nhỡ vì các lãnh đạo quên vọt qua thế là ông lại bắt xe đò chứ không bỏ lỡ kế hoạch. Nhiều người bảo giời đày ông, ông nghe mà kệ, việc mình, mình tự lo thôi. Ông sống như thế, làm việc như thế, cần mẫn ngày ngày. Nhớ có lần ngồi tán phễu về ông. Cố họa sĩ Quốc Kứu vừa chẹp chẹp miệng vừa nói: “Ờ, ờ các bố cứ việc ngồi mà bôi bác nó đi, hôm nay nó chờ xe đi nhờ, rồi mai đây sẽ có xe phải đến tận nhà mà rước nó chứ chả đùa...”.

Quả lời “tiên tri” của cố Họa sĩ Quốc Kứu thế mà thành hiện thực. Năm 1988 Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên lần thứ nhất thành công ông được bầu làm chủ tịch hội rồi được bầu vào đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh. Ngựa thẳng dây cương rồi cứ thế ông dong. Năm 1991 hai tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang tái lập, ông được cất nhắc chuyển sang làm giám đốc sở văn hóa Tuyên Quang, kiêm chủ tịch hội rồi vô cấp ủy làm Tổng biên tập báo Tuyên Quang, chủ tịch Hội Nhà báo Tuyên Quang, chánh văn phòng tỉnh ủy. Năm 2003 ông về nghỉ hưu.

 Suốt trặng đường ấy biết bao nhiêu công việc của chính quyền đè lên đôi vai. Có chức sắc thì phải nghe trên, lựa dưới, nhiều người bảo ông cầu lợi nhưng thực tế ông luôn vì anh em, làm kiêm chủ tịch thật nhưng ông thường khôn khéo tranh thủ cấp trên để tạo điều kiện cho hoặt động của hội phát triển, ông tận tụy hết khả năng của mình mặc người khen, kẻ trách. Ông lặng lẽ làm việc và lặng lẽ viết. Năm 2000 thì ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Kết quả này càng hiện hữu ông là người viết, người thủy chung chọn đời với văn chương mà không bỏ bê công việc được giao phó vậy mới dành mấy dòng chữ: Đôi - Vai - Kẽo - Kẹt - Nợ - Đời tặng cho ông.

Ông sinh năm 1942, quê gốc ở làng Hạ Giáp - huyện Phù Ninh - tỉnh Phú Thọ, nhưng gia quyến đã chuyển lên làng Sao Vang xã Lâm Xuyên huyện Sơn Dương nay là thôn Phú Thịnh - xã Trường Sinh - huyện Sơn Dương - Tuyên Quang. Lúc ấy ông mới ba, bốn tuổi. Nghĩa là tuổi thơ và cuộc đời ông gắn bó với đất Tuyên. Tôi và ông cùng đi trên con đường làng đến trường tìm cái chữ. Lứa ông đi học xã nhà chưa có trường phải lên Khổng Xuyên học, ngày ngày ông phải luồn rừng, lội suối qua Cần Cối lên Khổng học chữ. Còn lứa tôi thì xã nhà đã mở trường, việc học hành thuận lợi hơn. Ấy thế mà cái việc học của ông lại quang đường thẳm tắp một mạch tới trường Đại học tổng hợp còn tôi thì như cái chạc đứt nối trăm mối mà chả được tích sự gì nhưng anh em cùng có chung điểm tìm về là cái chữ thật của văn chương vậy nên khi gặp lại nhau rất tâm đầu hợp ý. Chuyện riêng chung mấy dòng vậy là đủ rồi. Bây giờ nói sang chuyện văn chương của ông. Đúng như ông nói: “Cái nghiệp này như nợ bám mình...”. Đúng thế thật, không là nợ thì bận gì ông phải thức khuya dậy sớm vì nó, có ai bắt ông đâu vả khi đã có quyền, có chức thì thiếu gì thứ để đam mê ấy thế mà ông cứ lặng lẽ viết, viết như ai bắt nợ mình. Ông viết nhiều thể loại. Truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ, sưu tầm văn học dân gian, làm câu đối, rồi viết sử địa phương... thể loại nào cũng để lại dấu ấn nhưng thôi tôi chỉ nói truyện ngắn và tiểu thuyết của ông bởi hai thể loại này chiếm đa số nhưng trang viết của ông suốt trặng đường qua.

Thứ nhất nói về truyện ngắn. Thể loại này ông viết nhiều, bạn đọc Tuyên Quang quen cái tên Phù Ninh, Đinh Công Diệp từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Ông viết đều đặn nhưng chỉ tuyển chọn in có hai tập là Người ở lại thác HốcTrước làng Có Xoi Rù Rì. Hai tập truyện này hiện rất rõ phong cách của Phù Ninh bởi các truyện đều có kết cục ân nghĩa, sau trước vẹn tròn. Cốt truyện giản dị, cấu trúc mỗi truyện đậm tính truyền thống, câu chuyện nào cũng giống như một bài văn phổ thông có mở bài, thân bài và kết luận. Câu chữ đồng hành cùng tính cách các nhân vật, mạch truyện thuần, tình tiết truyện ấm áp, đôi khi có ánh lửa nhòe lên tỏa sáng cái chốc lát của truyện tạo sự ngỡ ngàng cho người đọc. Xem lại truyện Tết cữ gióNgười ở lại thác Hốc thấy hiện hữu điều vừa nói.

Ở truyện Tết cữ gió. Đọc thấy như một bài văn tròn trịa, cốt của câu chuyện được hiện hình từ chuyến trở lại xã Sinh Long của nhân vật tên là Ninh kể lại cho một người bạn cùng đồng hành lên đó để làm nhiệm vụ củng cố phát triển giáo dục ở miền núi. Khi gặp lại cô giáo Phiền Chang thì chuyện cũ bày ra ấy là việc xưa nơi này còn có tục lệ cấm kỵ là trong ngày cữ gió thì tuyệt dân bản ai ở tại nhà đó không được ra đường, ra đường là phạm vào điều cấm kỵ, thần gió bão sẽ làm hại dân bản, không ai sống được. ai mà phạm điều đó thì đến cả khi chết mọi người vẫn xa lánh. Cô giáo Phiền Chang vì yêu nghề dạy học, muốn con trẻ biết chữ đã phá điều cấm kỵ này, giữa tuần cữ gió cô đã đánh kẻng gọi các em đến lớp, khi học sinh đông đủ thì bà Thào Phạ đến lôi con gái Thao Nạ về, không cho học bà làm ầm ỹ cả lớp học nhưng các em vẫn bám quanh cô giáo... Với lòng yêu dạy trẻ, lớp học được tồn tại, mưa bão qua, cái điều cấm kỵ ấy mờ dần và được xóa bỏ. Cô giáo Phiền Chang ở lại Sinh Long dạy học và trở thành dâu con của bà Thào Phạ...

Nếu lướt đọc thì thấy đây là một truyện ngắn đơn giản, chỉ có nội dung tuyên truyền nhưng ta cứ bám cái cốt như cái cọc mờ ảo trong sương ấy lần theo mạch chuyện giống như những sợi tơ vấn vào cái cột mờ sương ấy leo ngược và nhờ những tình tiết chuyện bất ngờ (Thể hiện ở kết câu chuyện ông mưu tả trong bữa cơm tại nhà bà Thào Phạ mọi người nhận ra Phiền Chang lại là dâu con của bà)... Tự thấy Phiền Chang như một nhành hoa xòe nở trên cái cộc mờ trong sương ấy. Lúc này người đọc cũng tự à lên: ra thế.

Sang truyện Người ở lại thác Hốc thấy kết cấu và cốt truyện cũng tương tự nhưng kết cục câu truyện lại nhòe sáng phẩm chất và sự hy sinh thầm lặng của người cán bộ thủy văn ở trạm Thác Hốc là một tấm gương sáng, buộc thế hệ lãnh đạo kế cận phải hủy bỏ cái kết luận Thảo chết là do tai nạn lao động mà phải phong danh là anh hùng liệt sĩ. Hơn thế nữa nó còn làm cho Hạ (người từng gắn bó với Thảo suốt đời ở cái trạm này thay đổi nhận thức về những nhỏ hẹp, định kiến của người trong quá khứ và gắn bó hơn với trạm khi nó đã chuyển sang thủy văn của vùng lòng hồ lớn. Khi câu chuyện đặt cái dấu chấm hết thì người đọc cũng òa ra mọi nhẽ.

Qua hai truyện này thấy Phù Ninh là người biết kể chuyện, có nghề làm truyện ngắn dẫu truyện của ông chỉ như người quen mặc áo cũ nhưng ông biết lựa dịp để nhân vật thay áo mới dù chỉ chút síu nhưng nhờ biết lựa dịp đúng lúc nên người gặp lại dù vẫn nhân vật ấy, con người cũ ấy lại tự thấy mới, thấy đẹp. Chứng tỏ ông đã tìm được cái Mô măng (moment) nghĩa là cái chốc lát của truyện nên truyện ngắn của ông vừa đáp ứng tính thời cuộc hiện hữu vừa giàu tính nhân văn bền bỉ. Có lẽ đây là điểm lạ, không lẫn với người khác của truyện ngắn Phù Ninh mà tôi ngẫm thấy.

Giờ nói sang tiểu thuyết của ông. Ở thể loại này ông công phu hơn, ông viết tiểu thuyết từ lúc tôi còn rọc rạch trong vài cái truyện ngắn còn chưa vỡ bọng cứt nhưng nhờ sức trẻ lại phải quăng quật với thực tiễn đời thường tôi chạy nhanh hơn. Thấy tôi chút síu có tiếng tăm ông bảo: Chú đi sau nhưng đến sớm, mừng lắm. Tôi cười: “Sớm muộn quan trọng gì bác, văn chương có duyên thôi. Bác vẫn nói với bọn em. Được thua là chuyện thường, vấn đề là mình còn viết và viết thật cái mình có...”

Ông nói thế và cần mẫn làm thế thật, nhiều người chê ông khô khan trong văn chương nhưng đọc tiểu thuyết của ông lại thấy trái ngược điều này. Tôi đã bỏ công đọc rất kỹ năm cuốn tiểu thuyết của ông: Tân Trào rạng ngày Độc lập, Trần Nhật Duật, Người con gái Thăng Long, Khúc sông bên bồi, Đầm mộ, Lầm lạc.

Ở ba cuốn tiểu thuyết lịch sử Tân Trào rạng ngày Độc lập, Trần Nhật Duật, Người con gái Thăng Long, ông đã dũng cảm dùng cái khô khan, mộc mạc vốn bản của văn mình để bám vào đề tài này và ở đây ông đã vận động hết những hiểu biết của người học sử, Kiến thức lịch sử mà ông đã tich thu được rồi dựa trên văn bản, sự kiện lịch sử có thật ông tái hiện lại và nhờ có giọng văn mộc mạc, chân thành lại bố chí được lớp lang hợp lý với từng sự kiện sử, con người lịch sử, có hiểu biết văn hóa các dân tộc Việt mỗi thời nên các hình tượng nhân vật trong các tiểu thuyết ấy hiện lên có đậm màu sắc của thời ấy từ thiên nhiên, con người và cá tính mỗi nhân vật sống tại thời ấy giúp cho người đọc thấy như thật chứ không phải bị mắc lừa. Theo tôi đây cũng là thành công của người viết tiểu thuyết lịch sử. Có lần tâm tình với ông tôi nửa đùa, nửa thật: Về tiểu thuyết lịch sử thì bọn em cúi lạy bác. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường khi đọc xong tiểu thuyết Tân Trào rạng ngày Độc lập cũng nói gọn một dòng: Văn Phù Ninh rất com lê, đọc hết cả quyển sách mà chả thấy có nhân vật nào cười nhưng hay vì rất thật, tạng hắn hợp với thể loại văn học này...”.

Ông ngẩn người nhìn tôi rồi bảo: “Ờ phải, lịch sử có thế mình phải viết thế, mình chỉ dùng văn để sâu chuỗi lại những sự kiện lịch sử làm cho nó có tình tiết, có hình ảnh như là thức dậy toàn cảnh sự thật thời ấy để giúp cho người đọc dễ nhận biết và hiểu thấu đáo lịch sử hơn thôi...”. Qua những cuốn tiểu thuyết lịch sử của ông tôi thấy điều ông nói là thật. Vậy nên những cuốn tiểu thuyết kể trên khi được trình làng đến nay vẫn nhiều người tìm đọc và báo chí cũng nhắc đến. Điều này chứng tỏ ông có thế mạnh viết về đề tài lịch sử.

Là người cần mẫn, bên cạnh những trang viết về quá khứ lịch sử mà ông hiểu biết ôm ấp, đã hiển hiện thành tác phẩm trình làng, văn ông vẫn thường xuyên thao thức với nhịp thở của đời sống đương đại về nhân tình, thế thái. Ông vẫn viết truyện ngắn, bút ký in đều đặn trên báo nhà và gần đây ông đã hoàn thành hai tập tiểu thuyết khá dày dặn. Khúc sông bên bồiĐầm mộ. Cuốn Đầm mộ đã được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2017, còn Khúc sông bên bồi chưa in nhưng ông đã nhờ tôi đọc trước. Công tâm từ một bạn đọc nghiêm túc tôi thấy hai cuốn tiểu thuyết này rất khá. Rất nóng hổi bởi những vấn đề thời cuộc xẩy ra ngay trong trung tâm đầu não của những vùng, miền khắp nơi trên đất nước mà ta coi là “miền sáng” xưa nay vẫn tưởng là êm đềm nhưng cũng đầy những hỗn chiến tranh giành phe phái được ngòi bút của ông mưu tả rất sống động và chân thực. Đọc xong tôi nghĩ ông có được những trang viết này cũng chính là cái duyên giời dáng ông vào vị chí, chức vụ bấy nay ông từng đảm nhiệm để ông cảm, nhận và đổi mới tạo ra những trang viết bề thế hơn. Tin rằng ngoài Khúc sông bên bồiĐầm mộ ông sẽ còn nhiều trang viết lý thú hơn về mảng đề tài này bởi ông được sống, được đồng hành suốt thời gian chức sắc mà ông đảm nhiệm.

Gánh nặng trên đôi vai dọc đời ông những trang viết ở hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết ông còn làm thơ, viết kịch, làm báo, sưu tầm văn học dân gian, viết sử sách địa phương... lĩnh vực nào ông để tâm đến đều có tác phẩm để lại. Về thơ có tập Hoa Gạo tháng ba, sưu tầm có Huyền thoại Nà Hang, rồi cuốn Di tích lịch sử Tuyên Quang... những tác phẩm này rất có ích, các cháu học sinh trong tỉnh luôn tìm đọc.

Năm tháng gắn bó với ông nhìn từ tấm thân gầy còm, da bao xương thế mà ngoài công việc công chức nhà nước với các chức sắc được đảm nhiệm đã hoàn thành ông còn xuất bản gần hai chục đầu sách trên các thể loại. Điều này tự nói ông đã cần mẫn một đời sống lao động quên mình. Vậy đắn đo mãi tôi mới đặt bút viết mấy chữ: Phù Ninh - Đôi Vai Kẽo Kẹt Nợ Đời.

Nguồn Văn nghệ số 39/2022


Có thể bạn quan tâm