April 26, 2024, 4:42 am

Đời thường và trang viết

Miền Nam giải phóng được mấy hôm. Bữa ấy tôi gặp nhà văn Lê Lựu ở 150 Trần Hưng Đạo, quận 1. Dãy nhà 5 tầng, vốn là khách sạn Metropole được tạm thời làm trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng. Rời căn cứ vùng rừng Lộc Ninh theo đoàn quân chiến thắng, cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng tiếp quản khu nhà này với hàng chục căn phòng còn nguyên giường tủ, điều hòa. Từ đây xuống Quận 5, lên dinh Độc lập, chợ Bến Thành hay tới bến phà Thủ Thiêm rất tiện, có thể đi bộ được.

Các anh ngoài Tạp chí Văn nghệ Quân đội Hà Nội khi vào Nam công tác bao giờ cũng ghé đây trước rồi đi đâu mới tính. Có người lấy đó làm nơi tá túc những ngày làm việc, cũng có người ngồi chơi một lúc rồi đi luôn. Bởi thế tôi đã được gặp những nhà văn, nhà thơ tên tuổi từng ngưỡng mộ như Vũ Cao, Hữu Mai, Hải Hồ, Phạm Ngọc Cảnh, Hồ Phương, Xuân Thiều… Với một người mới tập tọng viết lách, mà lại ở tít trong rừng miền Đông, thì đấy là một diễm phúc. Dạo ấy Lê Lựu đang là cây bút nổi tiếng và sung sức trên văn đàn. Trước khi diện kiến, tôi đã biết tên tuổi anh qua các tác phẩm Người cầm súng, Phía mặt trời... và được xem bộ phim truyện Người về đồng cói chuyển thể từ truyện vừa cùng tên của anh nữa. Sau này anh còn xuất bản nhiều sách trong đó có cuốn Thời xa vắng đã làm nên “cơn sốt” với bạn đọc. Tôi vẫn hình dung một Lê Lựu dáng người cao ráo, nước da trắng, gương mặt nhẹ nhõm gắn đôi kính cận rất trí thức. Và nhất là trong cách nói năng giao tiếp thì nhỏ nhẹ, thậm chí hơi kiểu cách. Văn là người mà, tôi vẫn nghe người ta bảo thế. Những trang văn mượt mà đằm thắm và lối kể chuyện dí dỏm hấp dẫn như có ma lực của anh chẳng đã lôi cuốn tôi đến ngẩn ngơ đó sao? Nhưng khi Lê Lựu xuất hiện thì sự mường tượng ấy hoàn toàn bị đảo lộn. Đôi bàn tay thô tháp, bước đi nặng nề lúc nào cũng vội vàng hấp hoảng với tấm lưng dày đúc lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi và giọng nói đặc quánh hương vị thuốc lào, nước chè tươi, thêm nụ cười nhọc nhằn, Lê Lựu là bức chân dung đích thực của một nông dân của vùng đồng bãi bắc bộ, đông con, chạy ăn từng bữa. Xởi lởi, bình dân, Lê Lựu cho tôi ngay từ đầu cảm giác dễ thân, gần, dễ tin cậy.

Lê Lựu cho tôi biết chuyến đi thực tế này của anh là để nắm bắt không khí miền Nam sau ngày giải phóng, tâm trạng người dân trước một đổi thay có tính chất bước ngoặt và cách vận hành của bộ máy công quyền mới. Dĩ nhiên, anh nói, đấy chỉ là những ghi chép làm tư liệu cho sau này, chứ muốn viết tiểu thuyết thì cần phải có sự lắng và độ lùi thời gian. Cái bề nổi hiện tại chỉ thích hợp với bút ký, phóng sự. Trao đổi qua loa bên bàn trà, nhưng đấy là bài học kinh nghiệm Lê Lựu đã tích lũy mà anh muốn truyền đạt lại cho tôi….

Vượt qua chặng đường gần hai nghìn cây số, mấy ngày vật vã lăn lóc trên ô tô, tàu hỏa, vậy mà chiều hôm ấy anh đã khoác ba lô hỏi đường, bám xe đò đi xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Một tuần sau, một hôm khi thành phố lên đèn, một người xe ôm đã đưa Lê Lựu trở về 150 Trần Hưng Đạo, khi ấy mấy anh em cơ quan cũng vừa ngồi vào mâm cơm. Lê Lựu bảo tôi, mấy ngày vừa qua anh đi được khá nhiều nơi, tài liệu thu thập đầy 2 quyển sổ, nhưng điều thú vị nhất với anh là đã được tiếp xúc trực tiếp với người dân Nam bộ, bước đầu hiểu được tình cảm của họ với cách mạng, và anh sẽ còn trở lại vùng đất ấy nhiều lần nữa. Sáng hôm sau ăn sáng xong Lê Lựu vào phòng tôi, uống chưa tàn ấm trà, chẳng cần rào đón ý tứ, anh bảo, việc công xong rồi, giờ đến việc tư. Bây giờ ông đưa tôi ra chợ đồ cũ mua mấy thứ, nhiệm vụ vợ giao, còn quan trọng hơn thủ trưởng cơ quan. Anh thật thà, mình chỉ đáng dùng đồ cũ thôi, ít tiền mà. Ngoài Bắc thiếu thốn đủ thứ, phân phối từ cái bát ăn cơm đến cây kim sợi chỉ, có chút nhuận bút tích cóp giờ mới đem ra dùng. Thấy anh nói có lý, vả, mấy khi được đi với nhà văn nổi tiếng, thế là tôi xuống đường cùng anh. Chợ trời đồ cũ Huỳnh Thúc Kháng có đủ mọi thứ thượng vàng hạ cám. Điện tử, điện cơ, điện lạnh, phụ tùng… lớn là tủ lạnh, đàn piano, nhỏ như cái bàn cạo râu cánh cụp cánh xoè, bộ dũa móng tay móng chân phụ nữ… Tôi ngồi đợi đầu chợ, để một mình Lê Lựu khoác túi len vào. Chừng hơn tiếng đồng hồ, từ trong đám người chen lấn với xô bồ hàng hóa, Lê Lựu đi ra, vẻ mặt hí hửng như người nhặt được của, tay xách nách mang, nào quạt điện, cát sét, máy xay sinh tố… Người đầm đìa mồ hôi, nhưng dường như anh không quan tâm đến điều đó. Uống chưa kịp hết cốc nước sinh tố rau má, Lê Lựu đã rối rít giục về. Anh không thể “hoãn được sự sung sướng” đang thôi thúc.

Mở vội cửa ào vào nhà, Lê Lựu cắm cắm, bật bật. Chiếc quạt bàn hiệu Hitachi chạy vù vù, từ máy cát sét giọng ca Khánh Ly với bài hát Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn vang lên làm căn phòng bỗng chốc trở nên đầy sinh khí, rồi máy xay sinh tố… tất cả đều được khởi động an toàn, không có trục trặc gì. Lê Lựu lúc này như khác hẳn Lê Lựu trước đấy. Anh như trẻ ra, náo hoạt, xăng xái hẳn lên. Nở nụ cười đầy mãn nguyện với “thành quả” đã đạt được…

Mua hàng mặc cả khi trả tiền, điều này tôi chỉ gặp ở những bà nội trợ, nghĩ cho cùng, đó cũng là một nghệ thuật trong giao tiếp. Đám công chức, trí thức thành thị đa phần mắc “bệnh sĩ”, người bán nói bao nhiêu mua bấy nhiêu, thế nên nhiều khi mua đắt gấp ba, bốn lần mà không biết. Lê Lựu thì không, anh cứ chân chỉ hột bột, tiếp thu cái “nghệ thuật” đó một cách thành công. Đang mạch hưng phấn, Lê Lựu như khoe: “Rất nhiều thứ ông à, cái gì cũng muốn, nhưng… mai còn phải đi mua cái nồi cơm điện, bàn là nữa. Vợ giao nhiệm vụ không hoàn thành về không cho vào nhà ấy chứ…”. Tôi chợt nghĩ Lê Lựu không phải là con người đại khái đơn giản chỉ viết văn hay, mà anh còn tỉ mỉ, biết lo toan cân đong đo đếm cho gia đình như một người nội trợ đảm đang. Đằng sau cái lấp lánh văn chương của một nhà văn có tài, trong anh còn có bóng dáng một phụ nữ nông thôn tảo tần, chịu thương chịu khó cả đời vì chồng vì con, chưa khi nào nghĩ tới ăn ngon mặc đẹp cho riêng mình. Giữa Sài Gòn, một bước ra khỏi nhà chỗ nào cũng hiệu ăn, quán uống, bình dân có, sang trọng không thiếu, ai cũng nghĩ anh có quyền “tự thưởng” cho mình mỗi sáng một tô hủ tiếu nặng tay, hay một chầu cà phê, thuốc lá thơm ở những cửa hàng mặt phố sầm uất. Nhưng Lê Lựu chẳng để ý, vẫn hàng ngày trung thành với bữa cơm tập thể đạm bạc ở cơ quan, ngay cả đi xe lam, xích lô cũng không, với chủ trương tiết kiệm dành tiền mua sắm đồ dùng cho gia đình.

Dãy nhà 150 Trần Hưng Đạo có một hành lang chạy giữa, phòng ở hai bên. Thường, phòng của các anh Tạp chí Văn nghệ Quân đội ít khi mở cửa vì đi vắng cả ngày. Lê Lựu cũng không ngoại lệ, khi nào thấy cửa phòng mở là y như rằng anh vừa đi “săn hàng” về. Không giấu giếm, mua được cái gì anh đem khoe ngay. Biết tính anh, có hôm tôi đùa, chuyến này về Hà Nội chắc anh Lựu sẽ cho ra tiểu thuyết “săn hàng” đây. Lê Lựu không tự ái, chẳng thế anh còn bảo tôi là đồ dở hơi, văn chương có phải lúc nào cũng ngồi viết được đâu. Trong bối cảnh giao thời cũ mới, mọi thứ chưa định hình, chưa bộc lộ hết, giờ là thời điểm của báo chí, nhà văn nếu có, chỉ là gặp gỡ nhân chứng, lấy tài liệu, càng nhiều càng tốt, đóng cửa ngồi trong phòng là bỏ phí thời gian vàng ngọc. Sau này ngẫm lại mới thấy những điều anh nói là có lý.

Một hôm đang giữa trưa, Lê Lựu chạy vội về, anh lao ngay vào phòng tôi thông báo một tin “quan trọng”: Ngoài cửa hàng Lê Lai bán áo thun theo giấy giới thiệu, người ta đang chen nhau mua. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, anh nhắc lại như đinh đóng cột, rằng anh đã đến tận nơi, hỏi trực tiếp mậu dịch viên, mỗi giấy giới thiệu được mua hai chiếc áo. Anh hối tôi đi cùng anh đến chỗ anh Hoài Vũ xin giấy. Nhà thơ Hoài Vũ lúc ấy là Tổng biên tập báo Văn nghệ Giải phóng. Tôi đang chần chừ, Lê Lựu giục, đi nhanh không hết hàng, nếu ông không cần thì mua hộ tôi… Ngày đó ngoài Bắc vào rất thích áo thun. Để tránh đầu cơ mua đi bán lại, các cửa hàng thỉnh thoảng lại tung ra một đợt bán theo giấy giới thiệu cơ quan. Lê Lựu đang sốt ruột về chuyện này nên dù ngại nắng tôi cũng không nỡ từ chối anh… Cầm hai cái giấy giới thiệu đóng dấu báo Văn nghệ Giải phóng đỏ chót, Lê Lựu tự tin kéo tôi lại phía quầy hàng. Xem giấy xong, cô nhân viên chừng ngoài 20 tuổi, lịch sự hỏi nhà văn, thưa… chú cần cỡ nào ạ? - Em cho xem mấy loại cả nữ và nam nhé, giọng Lê Lựu thoáng chút hồi hộp. Đặt những chiếc áo kích cỡ, màu sắc khác nhau lên mặt quầy kính, cô gái lại nhỏ nhẹ: Chú lựa đi. Cầm những chiếc áo, Lê Lựu ngắm nghía, lộn trái, lộn phải, xem nhãn mác rồi gật đầu nói, mặc thử cái đã. Rất tự nhiên, Lê Lựu khuỳnh tay định cởi cái áo sơ mi cộc tay màu cháo lòng ướt đẫm mồ hôi trên người. Tôi vội nhắc anh, lúc đó nhà văn như mới chợt nhớ và đi lại phòng thử đồ. Đứng trước chiếc gương lớn, Lê Lựu quay sau, ngắm trước, hỏi có vừa không. Đoạn anh nói, không biết với tôi hay với những người có mặt ở đấy: Áo quần là cứ phải vừa vặn, không là như đồ đi mượn, mặc vào thêm xấu hổ… Rồi anh “diện” luôn chiếc áo đó, không cởi ra nữa…

Chiều đó tôi lại “tháp tùng” nhà văn đi chợ Bến Thành. Anh cần mua vài thứ nữa để tối đóng gói chuẩn bị về Bắc. Đã có chủ định từ nhà, vào chợ anh sà ngay đến chỗ bán đậu xanh, gạo thơm. Những thứ này ngoài mình phải có tem phiếu mới mua được, anh nói, mà đâu ngon thế này. Tôi hiểu đây là lúc anh nghĩ tới đứa con nhỏ ở nhà. Máy xay sinh tố có rồi, đậu xanh, gạo ngon nấu cháo xay nhuyễn, thêm chút đường kính vào, sẽ là món quà ngon trên cả tuyệt vời cho con…

Mấy ngày đi với Lê Lựu, tôi chưa thấy nhà văn mua sắm cái gì cho riêng mình, toàn cho vợ con và bếp núc, nhỏ nhặt như cái xay hạt tiêu, con dao thái sắc lẹm bằng inos, lớn hơn là bình đun nước, nồi cơm điện.v.v… Anh vừa viết văn hay lại đảm đang việc nhà, đức tính này không phải văn nhân nào cũng có. Đường phố Sài Gòn giữa trưa nắng như đổ lửa, không mũ nón, nhiều hôm thấy tôi ái ngại cho anh, anh cười cười: Cái số mình nó vất vả thế đấy ông à.

Đọc Lê Lựu, nhiều người cứ tưởng rằng mỗi khi anh đặt bút xuống là văn chương sẽ ào ạt chảy tràn trên trang giấy, nhưng không, anh viết một cách vất vả, chật vật như thợ cày thợ đấu. Anh đánh vật với trang giấy đến mức kiệt sức, vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng, chút sức lực cuối cùng. Vậy nhưng không phải lúc nào cũng thành, viết rồi xé, xé rồi lại viết, đến mức thuộc lòng những trang viết. Anh có thể đọc làu làu không vấp váp, cũng chẳng sai một dấu chấm, dấu phảy cả một chương tiểu thuyết dài, hoặc một thiên truyện ngắn. Với hơn 20 đầu sách đã đưa anh tới vinh quang của nghề cầm bút, được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2007) như Thời xa vắng, Mở rừng (tiểu thuyết), Người cầm súng (truyện ngắn). Nổi tiếng trong văn chương, nhưng ngoài đời Lê Lựu lại giản dị, thân thiện dễ gần. Trong quan hệ giao tiếp, có lẽ anh không biết giận ai, và cũng chẳng ai có thể giận anh dù cuộc sống có lúc này lúc khác. Lần đầu tiếp xúc với Lê Lựu tôi đã mến anh bởi sự xởi lởi, chân thực, không màu mè khách sáo, thế nên những ngày ấy đi đâu, giữa trưa nắng  hay chiều tối, lội phố đến rạc chân, tôi luôn tự nguyện và thấy hãnh diện được làm “cái bóng” của anh…

Nhiều năm nay Lê Lựu đau ốm nằm một chỗ, văn hay, khỏe mạnh là thế mà bây giờ phải có người thường xuyên bên cạnh giúp đỡ. Trong văn chương anh sắc sảo tinh nhạy bao nhiêu thì giữa đời thường anh lại thật thà đến ngây thơ bấy nhiêu. Và nó cũng chẳng giúp gì được cho anh trước những toan tính của con người mà anh đã dành trọn yêu thương, để rồi cuối đời sống trong bệnh tật, cô đơn... Phải chăng cái câu “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen” đã ứng vào anh?...

Thế đấy, con người ta không ai nói trước được điều gì…

Nguồn Văn nghệ số 29/2020


Có thể bạn quan tâm