April 25, 2024, 2:10 pm

Đồi thông hai mộ - sức sống mới của một hình thức cũ

 

Rất tiếc, cho đến ngày hôm nay, một câu chuyện tưởng như quen thuộc như vậy vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Nói là quen, bởi chúng ta đã có một thống kê về những gì liên quan đến tên Đồi thông hai mộ như: một địa danh có tên gọi như thế ở bên hồ Than Thở tại Đà Lạt - Lâm Đồng với hai nhân vật: Vũ Minh Tâm và Lê Thị Thảo; một bài thơ không rõ tên tác giả, một ca khúc của tác giả Hồng Vân… chưa kể đến một vài truyện ngắn có tên tương tự. Nhưng thật tiếc, cho đến nhưng ngày cuối năm 2018, chúng tôi mới có trên tay cuốn Đồi thông hai mộ của Tùng Giang - Vũ Đình Trung (do Nhà xuất bản Yên Sơn ấn hành, in tại nhà in Vũ Hùng năm 1952). Có thể coi đây là một căn cứ đầy đủ, thuyết phục nhất cả về niên đại và sự cố định của văn bản (được xuất bản, thẩm định, trao tặng thưởng).

Trước hết, đây là một cuốn sách với đầy đủ thông tin từ các thể văn được in ấn trong sách, số lượng câu từ, tặng thưởng, lời phê bình, khen ngợi, hình ảnh minh họa (phụ bản)… như các sách được xuất bản trong thời kỳ này. Hơn nữa, đây lại là cuốn sách được nhà xuất bản giữ bản quyền. Trong phần nội dung, ngoài lời tựa của nữ sĩ Như Băng, lời dẫn giải của tác giả (Mấy dòng tản cư kí sự, mấy trang tình sử bi hùng) và phần kịch để soạn cho sân khấu là khoảng 1.000 câu song thất lục bát chia làm 3 chương: Huyết thư nhòa lệ, Tâm vọng phi thường, Hồn mơ công lý.  Bản thân phần dẫn giải và nội dung đã gợi cho chúng tôi một vài nhận định ban đầu từ góc độ văn bản nghệ thuật (xin không bàn tới tính logic của sự kiện ở đây).

 

1. Một truyện thơ quốc ngữ xuất hiện muộn, không sử dụng chữ Nôm

Kế từ Tứ thời khúc vịnh của Hoàng Sĩ Khải (viết vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII) cho đến đầu thế kỉ XX, các truyện thơ đều sử dụng chữ Nôm để ghi âm. Có lẽ vì thế, ngay trong Từ điển thuật ngữ văn học¹ không có mục từ truyện thơ, mà chỉ có mục từ truyện Nôm: “Thể loại tự sự bằng thơ dài rất tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, do viết bằng tiếng Việt, ghi bằng chữ Nôm nên được gọi là truyện Nôm” (tr.110). Bên cạnh đó, các thể sử dụng quốc âm có dung lượng lớn còn được gọi là ngâm khúc với các đặc điểm: kể về số phận và tâm trạng của chủ thể trữ tình theo lối “hồi cố bi ai”, song hành giữa hiện tại-quá khứ, hiện tại-tương lai, thời gian có tính chất mơ hồ, ước lệ tượng trưng…

Có thể, khi đọc những dòng này của nữ sĩ Tương Phố khóc chồng, ta nhận ra những nét tương đồng ở nàng Quách Mỵ Dung của Tùng Giang-Vũ Đình Trung.

Canh khuya, tỉnh giấc hai hàng lệ

Vừa năm kia, mắt lệ chưa khuây

Áo khăn tang tóc còn đây

Chưa xong tang mẹ, lại ngay tang chồng!

Nỗi đau đớn, riêng lòng này biết,

Khóc lên cho thảm thiết vang trời;

Trời làm chi hỡi trời ơi!

Nỡ đem sinh tử não người thế gian (…) [313; 5]

Có thể thấy sau Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, được xuất bản năm 1889, ở sự xuất hiện rộng rãi, chúng ta chỉ còn bắt gặp những bài thơ giàu chất tự sự của Tản Đà như Thề non nước hay bài thơ kể trên của Tương Phố là sử dụng thể lục bát, tạo ra điệu ngâm. Trong khi, các bài thơ lục bát của Nguyễn Bính đã gần với ngữ điệu nói và loại bỏ rất nhiều cú pháp, biểu tượng, điển cố của văn học Trung đại. Việc xuất hiện Đồi thông hai mộ theo thể ngâm khúc độc đáo ở sự nối dài một thể loại nhưng cũng bộc lộ những ưu nhược điểm khá rõ nét, từ đó tạo nên một hiệu ứng với độc giả, được họ lưu giữ trong trí nhớ ngót một thế kỉ.

 

2. Một truyện thơ có nhiều yếu tố độc đáo

2.1. Niềm tin của nhân vật nữ vào nghĩa lớn.

Mặc dù mang hơi hướng người chinh phụ (trong Chinh phụ ngâm, nguyên tác Đặng Trần Côn, dịch giả Đoàn Thị Điểm), có lúc lại khá giống người cung nữ (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều) ở sự phản kháng lại những mặt tiêu cực của lễ giáo phong kiến ở việc săp đặt hôn sự. Tuy nhiên, trong một bối cảnh xã hội khác được đặt ra trong tác phẩm, Đinh Lăng đã có một cuộc ra đi vì nghĩa lớn, chúng ta có thể tìm ra những minh chứng ấy trong lời của nàng Quách Mỵ Dung:

Anh đi, luyện trí gan bền bỉ

Em về, chờ tri kỷ thành danh

Hay:

Nhưng nàng muốn chàng đi vì nước

Chí riêng chàng sở ước từ lâu

Giang san tổ quốc làm đầu

Nhà tan nước mất còn đâu thân mình

Thời gian Đinh Lăng biệt cố hương dài đến “chín thu” (ba lần Mỵ Dung bị ép duyên) được lý giải là khoảng thời gian Đinh Lăng học tại Y khoa, Học viện Đông Kinh (Tokyo) cùng với nàng Thiên Hương (phiên âm tên gọi một cô gái Nhật Bản). Vì đem lòng yêu thương nhưng không được Đinh Lăng đáp lại, Thiên Hương đã quyên sinh dẫn đến việc chàng bị hàm oan và bị nhà chức trách bắt bớ, giam cầm:

Lý do gì, vì đâu không rõ

Nhà cầm quyền tầm nã bắt anh

Đem anh xử trước tòa hình

Ghép vào tội nặng vì tình sát nhân.

Mỵ Dung em anh mơ hay tỉnh?

Nỗi mừng vui chung đỉnh nào tày

Sổ lồng chim thỏa chí bay

Đường về cố quốc mong ngay trùng phùng.

 Việc tìm về “cố quốc” càng khẳng định về độ chính xác trong “chín thu” ở xứ người. Tuy nhiên, theo những tài liệu ghi chép, mới thấy du học sinh của phong trào Đông du tham gia học các trường ở mọi cấp học: Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin), Tiểu học Kosshikawa, trường Anh Ngữ Seisoku Sigoga, trường quân sự Chấn Võ học hiệu (Simbu Gakku), trường Trung học Thành Thành (Seijo), trường Lịch Xuyên (Rekisen)… chứ không nhắc đến Học viện Đông Kinh, đây  là điều chúng tôi chưa thể lý giải mà chỉ có thể suy đoán: “đường về cố quốc” cũng chỉ là một ước lệ chứ không có cuộc xuất dương sang Nhật Bản. Tuy nhiên, với Mỵ Dung, dù Đinh Lăng chỉ theo học Y Khoa của Đại học Đông Dương (Thăng Long còn có tên gọi khác là Đông Kinh kéo dài từ năm1430 tới năm 1831) thì vẫn coi đó là cuộc ra đi để tìm đến luồng tư tưởng tân tiến, đả phá lại hủ tục, lễ giáo phong kiến mà một cô gái có học thức như nàng mong mỏi.

 

2.2. Thủ pháp đòn bẩy ca ngơi chữ trinh, ngợi ca Quách Mỵ Dung hay Đinh Lăng?

Nhắc đến mối tình Đinh Lăng - Quách Mỵ Dung, đến tấm lòng thủy chung tuẫn thân để thủ tiết, chúng ta ngỡ đó là một mô típ quen thuộc trong xã hội phong kiến và cận hiện đại. Bắt đầu từ những Kim-Kiều, Lục Vân Tiên-Kiều Nguyệt Nga và phảng phất cho đến Đạm Thủy-Tố Tâm của Song An-Hoàng Ngọc Phách…  Cũng như các nhân vật nữ chung chinh, Quách Mỵ Dung đã quyên sinh:

Trời vừa tối gặp cơ hội tốt

Sẵn tiên đan nàng nuốt một liều

Giờ sau phách lạc hồn siêu

Tiệc hoa tan vỡ người kêu gọi rầm.

Trong khi, Đinh Lăng không phải kẻ hai lòng, “tham vàng, bỏ ngãi”, cũng không dừng ở mức độ như những nhân vật nam khác là khước từ lương duyên với nhà quyền quý mà chính chàng cũng mắc vào hai khổ lụy. Thứ nhất, vì không được chàng đáp lại mà nàng Thiên Hương (người Nhật Bản) đã tự sát và chàng bị hàm oan là sát nhân. Thứ hai, sau khi trở về quê hương biết Quách Mỵ Dung đã mất, chàng xung phong ra trận đánh giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, vì chàng lại một lần nữa được nàng Cầm Bích Liên yêu thương nên bằng hữu Kỳ Lân đem lòng đố kị mà lập mưu sát hại chàng. Như vậy, Đinh Lăng không chỉ là hồng nhan tri kỷ (Người mà em quý, em tin/ Mối manh đủ lễ bao phen chẳng thành) để Quách Mỵ Dung thủ tiết cả đời mà chính chàng cũng hai lần phải thủ tiết vì nàng và phải cái giá rất đắt: Một lần nhận án chung thân (sau được ân xá), một lần bị đoạt mạng. Vẫn biết, từ nhan đề của tác phẩm và những lời thơ mang tính khái quát cuối thiên truyện: “Cầu Lăng-Dung thanh cao an giấc/ Trăm ngàn năm người mất, danh còn/ Trăm ngày năm bia dù mòn/ Đồi thông hai mộ sống hồn Lăng-Dung”, nhằm ca ngợi đôi trai tài gái sắc xứng đôi. Chữ trinh lâu nay vẫn gắn cho người phụ nữ.  Tuy nhiên, việc có một chàng Đinh Lăng được khắc họa đậm nét với hai lần khước từ tình yêu, hai lần phải nhận về hiểm họa đó khiến chúng ta ngẫm ra: Quách Mỵ Dung có thể dũng cảm đấu tranh lại lễ giáo phong kiến nhờ có Đinh Lăng hay chính vì có Quách Mỵ Dung mà chàng làm được những điều đó. Ca ngợi Quách Mỵ Dung nhưng cũng là đòn bẩy để tôn Đinh Lăng chăng? Một mũi tên trúng nhiều đích hay cách mà người viết ca ngợi mẫu hình người nam nhân của thời đại dân chủ mới? Trước đây, chữ trinh không gắn với nhân vật nam trong một xã hội chấp nhận người đàn ông có “năm thê, bảy thiếp”, bởi thế, dù Kim Trọng đã hợp hôn với Thúy Vân nhưng vẫn có màn Kim-Kiều tái hợp trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

 

2.3. Màu sắc tiểu thuyết và phóng sự

Đồi thông hai mộ được Đông Trì - Hoàng Huân Trung (Cố Hội trưởng Việt Nam văn hóa hiệp hội Bắc Việt) gọi là “tiểu thuyết” dù được viết bằng văn vần xong thất lục bát quả cũng có một lý lẽ riêng. Trong các khúc ngâm truyền thống, nhân vật nữ thường đặt ra những câu hỏi cho người vắng mặt, câu hỏi không có ai trả lời, hay nói cách khác là một dạng câu hỏi tuyệt vọng, kiểu như:

- Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

(Chinh phụ ngâm)

- Vì ai nên nỗi dở dang?

- Ai bày trò bãi bể nương dâu?

- Phận hẩm hiu nhường ấy vì đâu?

(Cung oán ngâm)

- Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?

- Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?

- Mối sầu riêng ai ngỡ cho xong?

(Ai tư vãn)

- Sao kiếp này để mãi gian truân?

- Gông ba thước ai bày nên nợ?

- Hoa kia có biết đoạn trường này chăng?

(Tự tình khúc)

- Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

- Nén hương giọt nước biết tìm về đâu?

- Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

(Văn chiêu hồn)

Trong Đồi thông hai mộ, nàng Quách Mỵ Dung cũng có những câu hỏi cật vất, các câu được tổ chức khác nhau nhưng tựu chung lại chỉ xoanh quanh nhân vật nam, kiêu như:

- Anh Đinh Lăng! Giờ đây đâu nhỉ?

- Đinh Lăng, anh Đinh Lăng đi mãi     

- Anh Đinh Lăng! say mê đâu đó?     

Dựa trên hệ thống câu hỏi, ta có thể thấy nó không hướng đến sự chất vấn không lối thoát dẫn tới thở than tê tái mà chủ yếu bộc lộ những diễn biến tâm trạng của nàng Mỵ Dung. Đặt trong lớp vỏ từ ngữ, sử dụng kiểu câu thơ truyền thống, trữ tình điệu ngâm nhưng tâm trạng nhân vật có sự biến động, gần với các nhân vật trong tiêu thuyết đầu thế kỉ XX theo kiểu bình cũ rượu mới.                                                                                                                                                                                 

Ôi mộng đẹp gối kề chăn ấm

Sao lại riêng ngăn cấm duyên ta

Thế rồi! sau chín thu qua,

Vẫn không yên sống để mà nhớ thương                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

Hay:

Nếu anh phải anh hùng nam tử

Trót lỗi lầm bỏ dở bình sinh

Trót lầm lấy nhục làm vinh

Mồ em làm đích để anh cải hồi.

Trong nghệ thuật kể (dù ở hình thức khúc ngâm), tác giả luôn có sự thay đổi điểm nhìn. Từ lúc mở đầu là tâm trạng Mỵ Dung cho đến trang 59, bắt đầu từ câu “ngày cưới Dung rợp trời náo nhiệt”, điểm nhìn lại được đặt vào nhân vật kể. Tương tự, nhân vật Đinh Lăng lên tiếng ở chương hai (Tâm vọng phi thường) nhưng đên trang 84, bắt đầu từ câu “Lăng lại đi mười ba thu chẵn”, điểm nhìn lại chuyển sang người kể. Đặc biệt, trong chương ba, đoạn miêu tả Cầm Bích Liên lập mưu tra tội danh Kỳ Lân, tác giả có những đoạn miêu tả khá chân thực, sinh động:

Rồi Lân kể công trình, kế hoạch     

Và mưu sâu rành mạch hại Lăng

Hại Lăng tình thắng, chức thăng

Chiếm Liên chiếm đủ cao sang thỏa tình

 

Quân mật- sai hiện hình trước mặt

Trong bụi lau ghi nhặt từng lời

Xích tay lân hết kêu trời

Lười trời màu nhiệm người đời phải tin.

                           (Đồi thông hai mộ)

Đoạn thơ này có nhiều tình tiết được xây dựng nhưng nhịp kể nhanh, khác hẳn với đoạn thơ tả hành động trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đỉnh Chiểu:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô.

Kêu rằng: "Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân".

 (Lục Vân Tiên)

Nếu Nguyễn Đình Chiểu vẫn chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết chương hồi, chủ yếu miêu tả hành động thì Tùng Giang - Vũ Đình Trung có lối tường thuật tinh tế hơn, khái quát ý nghĩa hành động (như: “Rồi Lân kể công trình, kế hoạch/ Và mưu sâu rành mạch hại Lăng”, “Lưới trời màu nhiệm người đời phải tin”) gần với cách viết phóng sự-một thể loại phản ánh xã hội lần đầu xuất hiện ở đầu thế kỉ XX và có sự tác động ít nhiều đến cả các thể loại văn học truyền thống như thơ Nôm.

Mặc dù không tránh khỏi nhưng hạn chế nhất định như những mẫu câu ước lệ đã thành mòn sáo trong văn chương trung đại, không tránh khỏi sự ảnh hưởng của thơ ngôn chí (nói chí), kết hợp giữa văn, triết tạo nên giọng giáo huấn hay tụng ca nhưng Đồi thông hai mộ vẫn là một sáng tác độc đáo bởi có lẽ là khúc ngâm đầu tiên và duy nhất (theo hiểu biết của người viết) sử dụng chữ quốc ngữ. Việc sáng tạo được 1.000 câu song thất lục bát, phóng tác theo cốt truyện và có thể đã sáng tác ở hình thức mới và có thể đã tạo ra một kết cấu chặt chẽ và ý tứ thăng hoa như lời bộc bạch của tác giả: “Nơi tha hương hiu quạnh, trong gian phòng “thảo giã” phong quang tại làng “Đồng núi”, bên đĩa đèn dầu lạc le lói tỏ mờ, tâm hồn tôi đồng vọng với tâm hồn toàn nhân dân nhất trí mong mỏi đợi chờ “Độc lập vinh quang” tôi phấn khởi viết xong mau chóng cuốn  Đồi thông hai mộ.

Chuyện tình cảm động cũng là một ẩn dụ về sự chuyển mình của dân tộc từ những đâu sót, bi thương đến một cái kết đầy hy vọng, ít nhiều tác giả cũng đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng của niềm lạc quan vào thời đại mà mình đang sống, vào vận hội lịch sử thời điểm đó. Có lẽ điều đó đã giúp Đồi thông hai mộ được nhiều người phụ nữ của buổi canh tân thuộc lòng, khắc ghi trong tâm khảm như một “báu vật” của cuộc đời mình                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                           

 

 (1) “Từ điển thuật ngữ văn hoc” do PGS. Lê Bá Hán, GS. TS. Trần Đình Sử, GS. Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (bản in năm 2004 của Nhà xuất bản Giáo dục là bản in đã được sửa chữa, bổ sung, là bản cập nhật nhất)

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

Nguồn Văn Nghệ số 34/2019

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm