April 19, 2024, 3:29 pm

Đồi thông Hai mộ những điều phải nói lại

* Kiệt tác thế kỷ XX?

* Có đúng truyền thuyết dân tộc Mường?

* Chuyện văn chương ngày ấy, mục đích gì, hôm nay…?

 

LTS. Văn nghệ vừa nhận được bài viết dưới đây về một tác phẩm văn học hẳn có người còn nhớ: Tiểu thuyết Đồi Thông Hai Mộ nợ nước nợ tình, xuất bản trong thời gian Hà Nội bị quân Pháp tạm chiếm 1947-1954. Trong văn chương ý kiến khác nhau là chuyện bình thường.

Nhà văn Lê Văn Ba tác giả bài viết dưới đây là chiến sĩ cách mạng hoạt động nội thành, đã từng bị Pháp bắt giam trong nhà tù Hỏa Lò một năm (1952-1953). Ngày ấy ông đã có nhiều bài báo, truyện ngắn đăng trên các báo Tia Sáng, Liên Hiệp, Cải Tạo… và sau này nhận giải thưởng văn học với các tác phẩm Nhà Văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược, và Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Văn nghệ

 

70 năm trước, ai còn nhớ?

Anh bạn thay ấm trà mới, rót mời tôi rồi vồn vã hỏi:

- Những năm 1950 hoạt động trong Hà Nội tạm chiếm bác còn nhớ một tiểu thuyết nổi tiếng có tên Đồi Thông Hai Mộ nợ nước nợ tình?

Tôi gật đầu, cười tủm:

- Nhớ! Cái tên truyện rất mùi mẫn, được vua Bảo Đại tặng giải văn chương danh dự, nghe nói người viết là nhà giáo, cũng giỏi đấy chứ!

- Thế thì bác hơi thiếu thông tin đấy, tác giả Tùng Giang Vũ Đình Trung là một văn sĩ đa tài.

Tôi gật đầu:

- Ngày ấy chúng tôi không quan tâm lắm nên chỉ đọc lướt, quên ngay nội dung, quên cả tên tác giả. Đồi Thông Hai Mộ… một truyện tình ủy mị, nhạt nhẽo…

- Đang có một đơn vị dựa vào kiệt tác văn chương này, đầu tư xây dựng khu du lịch Đồi Thông hấp dẫn.

Tôi chăm chú nghe anh bạn say sưa giới thiệu. Như thấy hiện ra trước mắt giữa vùng rừng núi hoang sơ bản mường thưa thớt mấy nóc nhà sàn, trên một đồi cao thấp thoáng tòa Song Thần Miếu cổ kính với hai mộ táng bên nhau dưới hàng thông reo vi vút, dòng suối uốn quanh… Tuyệt vời khu du lịch tâm linh, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hai tuần sau, đúng hẹn anh bạn mang đến cho tôi quyển truyện Đồi Thông Hai Mộ nợ nước nợ tình chụp từ bản gốc năm 1952 trong Hà Nội tạm bị quân Pháp chiếm đóng và bài viết khá dài về sự lận đận của tác phẩm được gọi là “Cảo thơm” này trên một tờ báo xuất bản tại Hà Nội ra gần đây. Được biết còn có cuộc hội thảo về đề tài này tại tỉnh miền núi Hòa Bình.

Trở về nhà tôi chăm chú đọc những ấn phẩm mình vừa được tặng, giật mình đối chiếu với những tư liệu qua nhiều năm còn lưu giữ.

Trước hết xin tóm tắt nội dung Đồi Thông Hai Mộ nợ nước nợ tình: Chàng Đinh Lăng và nàng Quách Mỹ Dung tha thiết yêu nhau, dưới đồi thông đã thề nguyền suốt đời sống bên nhau. Trong thời gian Đinh Lăng du học Học viện Y khoa Nhật Bản, Mỹ Dung ở nhà bị cha mẹ ép gả người khác nhưng quyết chung tình nên đã tự tử. Đinh Lăng (chưa tốt nghiệp, cũng vì nỗi oan vướng “nợ tình” với một cô gái Phù Tang) trở về thăm mộ người yêu rồi tham gia quân đội, có công, được phong chức trưởng vệ. Trong trận chiến cuối cùng, Đinh Lăng trúng tên độc (của phó tướng bắn lén vì ghen tức và ghen tuông) còn kịp trăng trối đem xác mình về chôn cạnh mộ Mỹ Dung. Cốt truyện hấp dẫn với những cuộc tình say đắm mà dang dở, chết vì chung tình, phụ tình, thất tình. Khung cảnh núi rừng hùng vĩ, người đẹp với tráng sĩ, xa xưa mà hiện đại (du học Học viện Y khoa Nhật Bản) và đoạn kết đẫm nước mắt hai mộ bên nhau dưới hàng thông reo vi vút… Cuốn truyện đã được hoàng đế quốc trưởng Bảo Đại “tặng thưởng cho Tùng Giang số tiền khá lớn 5.000 đồng Đông Dương tương đương nhiều cơ ngơi đồ sộ

Tất nhiên lúc ấy, nhiều người đã hết lời khen ngợi Đồi thông Hai Mộ và hôm nay người viết bài báo nói về cuốn “Cảo thơm” nói trên cũng không tiếc lời tâng bốc cuốn truyện thơ này là “Kiệt tác”, “Một bản tình ca day dứt, đẫm nước mắt, giàu nhạc điệu và hàm ẩn những thông điệp nhân sinh thuyết phục. … Có thể nói truyện thơ song thất lục bát xuất sắc nhất thế kỷ XX này đã làm dậy sóng văn đàn cả nước trong khoảng thời gian ngót 10 năm (1948-1957) và dư ba của nó còn ngấm sâu, lan xa cả trong Nam ngoài Bắc… Chúng ta ngày nay đang sống trong môi trường tiếng Việt hiện đại mà thậm chí vẫn có thể ngẩn ngơ với những câu thơ đẹp tươi của 70 năm về trước…

Mời các bạn cùng đọc

Mở đầu truyện thơ:

Anh Đinh Lăng giờ đây đâu nhỉ

Anh của em yêu quý nhất đời

Anh đi mù mịt xa khơi

Phượng hoàng tung cánh, phương trời mải bay.

Nỗi niềm em anh hay chăng nhỉ

Vẫn chờ anh bóng lẻ phòng không

Xa trông mây nước mịt mùng

Lệ sầu thấm ố chăn hồng đêm đông…

Ngợi ca tình yêu đôi lứa Lăng - Dung:

… Núi ơi núi! Thiên nhiên hùng vĩ,

Che chở ta bền bỉ trường thành

Tình ta vững với trời xanh

Núi xanh xanh mãi mộng tình dài lâu

Rừng ơi rừng xa đâu mà lạ

Với đồi thông từng đã quen lâu

Thâm u huyền bí nhiệm màu

Tình duyên ta lỡ, ta cầu rừng thiêng…

Nỗi lòng Đinh Lăng khi đứng trước mồ Mỹ Dung:

Thất vọng tình không liều nản chí

Thất vọng tình không phí tuổi xanh

Để người tình chết, chết vinh

Để người tình sống, sống danh anh hùng

 

Hồn em thiêng sống cùng non nước

Đợi hồn anh vẹn ước trọn thề

Sau ngày thỏa nguyện quay về

Hai mồ hai xác đề huề chôn đây…

Ôi! Thơ này mà dám suy tôn kiệt tác thế kỷ XX và người thế kỷ XXI đọc vẫn phải ngẩn ngơ!!!

Còn nhớ ngay từ những năm 1950 ấy trên các báo Tia Sáng, Liên Hiệp, Giang Sơn xuất bản hàng ngày tại Hà Nội đã có không ít bài công khai phê bình Đồi Thông Hai Mộ là nhạt nhẽo. Trên nhật báo Chánh Đạo, tháng 11/1952 kịch tác gia Sỹ Tiến viết bài đăng ba kỳ liền có đoạn vuốt mặt chẳng nể mũi: “Từ cốt truyện cho đến lời thơ đều hết sức tầm thường, riêng về đoạn văn xuôi thì không một chút giá trị gì cho đáng đọc...

Những cây bút kháng chiến trong nội thành thì… im lặng. Sự bỏ qua, chẳng hề nhắc đến cũng là biểu lộ một thái độ: Không giá trị văn chương thì khỏi tốn giấy mực!

(Những cây bút kháng chiến trong nội thành: chỉ chung các nhà văn, nhà thơ Lương Danh Hiền (Lê Tám) Hoàng Công Khanh, Thạch Anh (Lê Văn Ba), Giang Quân, Hoài Việt, Thy Ngọc… hoạt động dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Bắc, ủy viên Ban cán sự Đảng Hà Nội, phụ trách trí thức vận. Sau giải phóng thủ đô 1954 anh Nguyễn Bắc là giám đốc sở Văn hóa thông tin. Trong các cuốn sách Viết Trong Hà Nội (Nxb Văn Học, 2014) Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 (Nxb Hội Nhà Văn 2017) các tác giả cũng chỉ viết dòng chữ nhỏ in trong phần chú thích: Đồi Thông Hai Mộ, giải thưởng văn học 1950 do quốc trưởng Bảo Đại trao tặng, giới văn nghệ Hà Nội gọi đây là “văn chương nước máy”).

Nhưng cũng phải khách quan nhìn lại hoàn cảnh lịch sử Hà Nội những năm 1950. Ngày ấy, quân Pháp đang ra sức ổn định các vùng tái chiếm, khá đông người từ các nơi bị dồn về Hà Nội qua các cuộc càn quét, lập tề. Họ đang lúc tâm trạng buồn, hoang mang, và nhiều người nếu có cơ hội tìm đến văn chương thì khẩu vị của họ vẫn là văn vần dễ thuộc dễ nhớ. Có thể truyện thơ song thất lục bát Đồi Thông Hai Mộ kiếm được số ít độc giả trong lớp người này. Mặt khác phải thấy Hà Nội đang trong quá trình tái thiết, đô thị hóa theo kịp lối sống hiện đại tây phương. Lớp thị dân mới, lớp trẻ học sinh sinh viên tìm đọc Phượng ơi mùa dĩ vãng (truyện của Băng Hồ), Hoàng tử của lòng em (tiểu thuyết lãng mạn của Nguyễn Minh Lang), Lối Duyên (thơ tình của Nguyễn Quốc Trinh)… Họ còn bị lôi cuốn tới các rạp chiếu phim thán phục người hùng Clác-gáp, nữ minh tinh thân hình bốc lửa Ét-te Vi-li-am và mê mẩn xem phim thần thoại La Mã Chàng Sam-sung và nàng Đa-li-la… Không khí văn chương, hoạt động văn hóa văn nghệ ở Hà Nội những năm 1950 là thế. Cho dù được nhà cầm quyền nâng đỡ, Truyện thơ Đồi Thông Hai Mộ đâu như hôm nay có người tưởng tượng “Hơn một nghìn câu thơ của Đồi Thông Hai Mộ đã thực sự chinh phục hầu hết các từng lớp độc giả thời ấy”… Ca ngợi quá mức, rồi chính tác giả bài báo cũng hoài nghi: “Nhưng nói cho ngọn ngành thì không ai biết,.. thậm chí trên mạng xã hội, thậm chí nhiều nhà nghiên cứu gạo cội khi được hỏi cũng chỉ nói “Tôi có nghe...” Trong khi đó mọi người vẫn truyền tụng một Đồi Thông Hai Mộ ở xứ Đà Lạt mộng mơ đôi uyên ương (chết 8 năm sau) với bài hát có phần lời não nề , u ám đến mức vàng vọt”…

Tác giả là ai, và tác phẩm có phải truyền thuyết dân tộc Mường?

Mở đầu cuốn truyện thơ Đồi Thông Hai  Mộ nợ nước nợ tình (Nxb Yên Sơn, Hà Nội) ông Tùng Giang Vũ Đình Trung có một chương văn xuôi “Mấy dòng tản cư ký sự” kể rằng: “Cuối năm 1946 cuộc chiến tranh Việt Pháp bùng nổ… Tôi, một thương gia phải tản cư đến miền núi tỉnh Hòa Bình. Ông cho biết “… Các hàng hóa thập cẩm và linh tinh thu xếp gọn gàng… Không kể đẹp trời hay mưa bão, cứ ngày phiên Chợ Đồn là tiểu đội quân cơm áo của gia nhân tôi gồm cả ngót chục người do tôi chỉ huy dẫn đầu sẵn sàng hàng ngũ để lên đường trước 2 giờ sáng và tới chợ trước khi tỏ mặt người

Đến khi hồi cư về lại Hà Nội (đã bị quân Pháp tái chiếm) thì Vũ Đình Trung làm nghề dạy học, dạy trẻ em tiếng Việt và dạy người lớn tiếng Quan Hỏa (ngôn ngữ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Vũ Đình Trung còn để lại một cuốn sách nhỏ Nói, nghe, viết tiếng Quan Hỏa. Những năm sau này, ông Vũ Đình Trung sống nghèo, vất vả với nghề hàn nồi xoong nhôm, hàn quai dép nhựa bên hè đường thị xã Hà Đông, nay là quận Hà Đông thành phố Hà Nội.

Cuốn truyện thơ Đồi Thông Hai Mộ, theo Vũ Đình Trung kể lại, bắt nguồn từ những ngày ông đi tản cư lên xứ Mường Hòa Bình. Một cụ già bản địa đã cho tác giả coi một cuốn sách nhỏ phiên âm tiếng Thổ Mường của Chế Quang Tuyển kể lại câu chuyện tình bi lụy Đinh Lăng - Quách Mỹ Dung. Ra về, dựa theo cốt truyện ấy, ông Trung đã viết Đồi Thông Hai Mộ nợ nước nợ tình bằng thể thơ song thất lục bát. Có điều, trong các làng bản dân tộc Mường sinh sống khắp Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa… thì không nơi nào nhận có truyền thuyết đôi trai gái yêu nhau rồi không lấy được nhau, cùng chết chôn bên nhau.

 Tích truyện người Mường do Chế Quang Tuyển kể lại, cuốn sách của Chế Quang Tuyển ghi chép lại, nếu có thật, sao chẳng thấy lưu giữ vết tích dù chỉ một câu thơ truyền miệng trong các bản mường, (Như Sóng chụ xôn xao - Tiễn dặn người yêu, của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc, trường ca Đam San của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên); Làm cho, cả người viết bài ca ngợi “Cảo thơm” hôm nay cũng tỏ ý nghi ngờ không phải truyền thuyết dân tộc Mường!

Mập mờ sau những câu thơ

Đọc Đồi Thông Hai Mộ, người đọc thường chỉ chú ý tới những câu thơ sầu thảm bi lụy mà bỏ qua đoạn ca ngợi người hùng Đinh Lăng xông pha chiến trường giết giặc cứu nước. Giặc nào? Nước nào? Xin lướt qua mấy câu dưới đây:

… Anh hùng dũng cảm vùng sơn cước

Quyết hy sinh hiến nước vì tình.

Mưa tên bão đạn không kinh,

Sa trường máu lửa tử sinh coi thường.

… Đinh Lăng quyết chí,

Góp máu xương công lý phụng thờ

Góp phần đắp cõi xây bờ

Kỳ đài độc lập dựng cờ Việt Nam.

… Lần cuối trưởng vệ Lăng ra trận

Chí tung hoành, nước vận phục hưng…

Xin nhắc lại: Đồi Thông Hai Mộ ra đời năm 1950, thời điểm Pháp đang ra sức củng cố những vùng tái chiếm. Chúng dựng lên bộ máy ngụy quyền, đưa Bảo Đại về nước, làm quốc trưởng “quốc gia” Việt Nam. Cho nên qua mấy câu thơ (kỳ đài độc lập dựng cờ Việt Nam, nước vận phục hưng…), người đọc cảm thấy điều gì đó mập mờ ám chỉ. Và đây, hàng chữ in ngay ở trang nhất cuốn sách cho thấy chính kiến rõ ràng: Kính tặng linh hồn bất diệt của toàn thể nam nữ chiến sĩ Việt Nam đã hiến thân cho đất nước. Hiển nhiên “chiến sĩ Việt Nam” đây là những thanh niên trai trẻ bị bắt vào lính ngụy đi chết thay cho đội quân viễn chinh Pháp ngày càng hao hụt trên chiến trường khiến Bảo Đại phải vội vã ban hành chỉ dụ tổng động viên nhằm xây dựng “quân đội quốc gia” hùng mạnh thực chất là phục vụ chính sách thâm độc “Dùng người Việt đánh người Việt” của ngoại bang. (Tuy nhiên người viết bài này ngờ rằng trong những lần tái bản truyện “Đồi Thông…” mới có thêm trang này, cũng như bìa 4 có hình vẽ con hổ giống phù hiệu lính Đệ tam quân khu Bảo Chính Đoàn. Sách không in giá bán (phát không).

Đến đây, xin được nói thêm: Số tiền 5.000 đồng (giải thưởng văn chương danh dự) là rẻ. Giá cả thị trường Hà Nội những năm 1950: Gạo 300 đồng/tạ. Lương một công chức trung bình 6.000 đồng/ tháng. Bao thuốc lá Cotab giá 4 đồng. Bộ comlê may cắt đúng kiểu 1.500 đồng. Xe đạp Peugeot màu hạt mận 1.800 đồng/chiếc… (Nguồn: Văn Nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 các trang 59, 74, Nxb Hội Nhà Văn, 2017).

Không phải như trong bài báo: “tiền giải thưởng tương đương nhiều cơ ngơi đồ sộ” !!! 

*

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Truyện Đồi Thông Hai Mộ nợ nước nợ tình được in, phát rộng rãi, “quốc trưởng” Bảo Đại trao giải thưởng với mục đích rõ ràng. Nhưng lại có bài báo hôm nay ca ngợi đây là kiệt tác thế kỷ XX và đòi “… Đã đến lúc chúng ta những người làm văn học, công chúng yêu văn chương cả nước, và cả các nhà quản lý, các nhà làm văn hóa, du lịch… nên và cần phải nhìn nhận lại, ít nhất là ngồi lại cùng nhau và lần tìm đến những khuất lấp... biết cân nhắc và dám ưu tư, trở trăn, thay đổi. Lời hô hào đến là bức thiết. Nhưng thay đổi để làm gì? Nhằm mục đích gì? Có lẽ chỉ tác giả bài báo biết rõ. Người viết bài này, ngoài thiện chí cung cấp tư liệu cũ, xin nhắn gửi đôi điều: Mở khu du lịch sinh thái thì rất hoan nghênh. Nhưng biến thành khu du lịch tâm linh với ý nghĩa “về nguồn”, trồng đồi thông tưởng nhớ nơi chàng Đinh nàng Quách ngồi tâm sự, xây Song Thần Miếu dựng văn bia chữ Hán suy tôn công đức, đắp hai mộ đá nằm bên nhau… thì xin cẩn trọng. Hãy cẩn trọng.

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm