April 24, 2024, 1:37 pm

Đối thoại với di sản

Phục chế, bảo tồn, trùng tu là khoa học tổng hợp của nhiều ngành khoa học, sử học, văn hóa học, khảo cổ, khoa học về chất liệu (gỗ, gốm, đồng …). Không thể cứ thấy nứt, mốc, dột là đập đi. Không thể đồng nghĩa cũ là xấu, cao to lênh khênh, xanh đỏ, bóng loáng mới tinh là đẹp. Đảo lại ngói một cổ tự, quét vôi một tòa giáo đường không phải là chuyện sửa nhà mà đó là đối thoại với di sản.

Tranh của Lê Thiết Cương

Trả lời báo chí ngày 14-3-2017 về việc dỡ bỏ nhà thờ Trà Cổ cũ để xây mới, Chủ tịch UBND TP Móng Cái nói rằng “Nhà thờ Trà Cổ không nằm trong danh mục di tích lịch sử văn hóa, không xếp hạng”, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng nhà thờ Trà Cổ là một di sản, một công trình kiến trúc mà lịch sử để lại, không chỉ cho Quảng Ninh mà cho cả Việt Nam nói chung. Nó chứa đựng lịch sử, quá khứ và truyền thống cộng đồng ở mức độ bao quát chứ không hẳn chỉ của cộng đồng những người theo Công giáo hay những tôn giáo khác trên đất nước Việt Nam. Đã là di sản, trước tiên nó cần phải được tôn trọng và không thể ứng xử tùy tiện. Hoặc tương tự là việc phá dỡ nhà thờ Bùi Chu để xây mới.

Một xã hội muốn phát triển thì các cộng đồng trong đó phải tôn trọng những giá trị chung có tính chất nền tảng. Những người theo tôn giáo thì nguyên tắc này càng cần đề cao. Nếu không tôn giáo của họ sẽ dễ dàng cho phép mình đứng trên quyền lực, trở thành siêu quyền lực định đoạt mọi việc. 

Nếu tôn trọng nhà thờ Trà Cổ, nhà thờ Bùi Chu như một di sản, người ta sẽ không lấy lý do để phá bỏ nó, cho dù nó xuống cấp hay chật chội đi nữa.

Nếu tôn trọng những giá trị lịch sử của nhà thờ Trà Cổ, thì ngay cả việc xây một công trình mới (dù vẫn giữ công trình cũ) trong một tổng thể khu kiến trúc cũ, người ta cũng không thể tùy tiện phá vỡ cảnh quan chung mà phải tuân thủ những giá trị chung, những luật lệ chung về di sản và xây dựng.

Bài học về việc phá dỡ, xây mới nhà Tổ và gác Khánh của chùa Trăm Gian năm 2012 (Chương Mỹ, Hà Nội)- một ngôi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia hơn 40 năm không phải là cũ.

Bài học về công trình xây dựng trái phép Hương nghiêm Pháp đường (trong khu vực bảo vệ của di tích thắng cảnh xếp hạng cấp Quốc gia Hương Sơn- Mỹ Đức, Hà Nội) đưa vào sử dụng năm 2013 không phải là cũ.

Hoặc thời sự nhất là việc xây dựng một số công trình mới ở chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội đã vi phạm luật di sản.

Không phải là tất cả nhưng ở đâu đó việc xây chùa sửa nhà thờ, đúc tượng vẫn buộc ta liên tưởng đó là “rửa tội”, “rửa tiền”. Họ đã lợi dụng, núp danh Phật, núp danh “phát tâm công đức” để chia tội với nhà Phật. Đạo Phật là đạo tu tâm, tu nhân tích đức chứ đạo Phật không phải là đạo “tu chùa to, tượng to”, “tượng mới chùa mới”.

Nhà thờ chính tòa Hà Nội đã bóc xong lớp vữa ở mặt tiền, sẽ trát lại, sơn lại. Phá thì dễ, chỉ cần phông văn hóa thấp là phá được ngay. Căn bệnh làm mới di tích đang như một dịch bệnh lây lan khắp nơi. Đâu phải là chuyện mới cũ, cái mầu ghi quen thuộc của nhà thờ lớn Hà Nội chỉ có thời gian mới pha được, mầu ghi ấy đã là ký ức, kỷ niệm của bao thế hệ.

Chưa bao giờ mà phong trào xây chùa, đẽo tượng lại phát triển rầm rộ như hôm nay nhưng cũng chưa bao giờ mà lòng người, tâm người lại bất an như hôm nay.  Nhìn thấy nhiều chùa to, tượng to, chùa mới, nhà thờ mới thì suýt vui vì cứ ngỡ tôn giáo đang phát triển nhưng kỳ thực đó chỉ là hình thức, là cái vỏ, là cái áo mà cái áo thì lại chả làm nên nhà sư.

Kinh sách nhiều như biển cả nhưng tựu chung, tôn chỉ của nhà Phật là “kiến tính thành Phật”, “Phật tức tâm, tâm tức Phật” chứ Phật không ở ngoài mình, Phật không ở trong pho tượng, Phật không ở trong ngôi chùa. Đạo Phật là đạo phá chấp. Cứ mải miết chấp vào tượng to, vào chùa to thì làm sao mà thấy tâm, thấy tính, thấy Phật được. Vua Trần Thái Tông trốn lên Yên Tử đi tu mong được thành Phật, gặp sư thầy và hỏi: Trẫm đương trẻ thơ, cha mẹ mất sớm, chơ vơ đứng trên dân chúng, không chỗ tựa nương… tìm đến núi này chỉ muốn được thành Phật chứ không cầu gì khác. Sư đáp: trong núi vốn không có Phật; Phật ở ngay trong lòng.

Suy cho cùng câu chuyện của mọi hành xử là câu chuyện văn hóa. Đập đi một nhà thờ là đập đi một nét đẹp văn hóa. Không có một tín ngưỡng, tôn giáo nào phát triển mà không dựa trên nền tảng văn hóa trong đó. Không có tín ngưỡng, tôn giáo nào lại vô văn hóa, vô đạo cả.

Và không có đất nước nào mà chính quyền sở tại lại tách mình ra khỏi ý thức bảo tồn văn hóa trừ khi họ vô trách nhiệm hoặc kém cỏi về văn hóa. Những lý do có thể liệt kê như là: không biết việc phá dỡ, hoặc không tổ chức phá dỡ giáo xứ Trà Cổ không thể là câu trả lời thuyết phục với những người thực sự tôn trọng văn hóa.

Người xưa có câu “Thờ thì dễ, giữ lễ thì khó”, cho nên phá bỏ rồi xây mới một tòa giáo xứ to hơn, rộng hơn, bề thế hơn thì dễ hơn nhiều lần so với việc giữ lại một ngôi nhà thờ hơn 100 năm tuổi cũ kỹ. Dễ đi đôi với mất, mất giá trị vật thể, mất văn hóa. Còn khó đi cùng với được, được chứng nhân một giá trị vật thể, được văn hóa. Đó cũng là lễ nghĩa của người có đạo.

Không quá khó để tìm ra nguyên nhân của căn bệnh thích làm mới di tích, thích hoành tráng, thích phô trương hình thức hào nhoáng kiểu trọc phú này. Chưa có thời nào mà nước Việt lại có nhiều biểu hiện thiếu tự tin đến thế. Cốt lõi vẫn là ở văn hóa.

Cách đây hơn chục năm, tôi đến thăm một nhà thờ nhỏ ở ngoài đê sông Hồng (xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội). Cuộc sống với biết bao thăng trầm, canh cải, đổi thay. Những người trẻ theo chân nhau bỏ xóm ra đi; họ có những khát vọng khác. Họ liều lĩnh và thích được phiêu lưu. Họ muốn bỏ nhà thờ cũ, xây nhà thờ mới trong đê.

Nhà thờ xóm Trại được xây năm 1938 và hoàn thành năm 1943. Những cụ già hôm nay chính là những người đã cùng cha ông họ đào đất đóng gạch tự xây nên ngôi nhà thờ này. Những viên gạch có mầu đỏ đẹp lạ kỳ bởi được nung bằng bẹ ngô và cỏ tranh mọc ngoài bãi giữa. Họ không muốn phá bỏ nó. Nhà thờ bé nhỏ không những là biểu tượng tôn giáo đối với họ mà còn là nơi lưu giữ kỷ niệm và hồi ức. Nó có quá khứ, nó có đời sống, nó có lịch sử. Có thể họ bảo thủ, cũng có thể họ đã tin vào một điều không hoàn toàn đúng nhưng hễ còn niềm tin là còn được sống. Người ta có thể xây một nhà thờ mới cao hơn, to hơn, nhanh hơn nhưng không thể đẹp bằng, đơn giản vì nó không thể có cái quá khứ đó, đời sống đó và lịch sử đó. Chính vì vậy mà tôi thấy họ nói đến bốn chữ giáo đường xóm Trại vừa thành kính, vừa trìu mến.

Năm kia, đi chợ Viềng, tôi may mắn mua được một cái hũ, gốm sành Thổ Hà. Cái hũ đã mất nắp, sứt miệng. Xin nhắc lại tôi may mắn mua được chứ không phải mua đại để lấy may. Cô bạn cùng đi thắc mắc không hiểu sao tôi lại chọn mua một cái hũ sứt. Tôi giải thích, mang về bầy ở phòng khách ngắm chơi cái mầu nâu cháy gạo rang đặc trưng của gốm Thổ Hà cũng là “lãi mắt” rồi. Chưa kể thi thoảng gõ vào vai hũ nghe tiếng boong boong cũng thích tai, cái tiếng của thủy thổ, của lửa, của than củi vùng Bắc Giang, của nước sông Cầu. Cái mầu, cái tiếng của làng quê Việt, của phong hóa người Việt … Gốm Thổ Hà, một làng gốm hơn ba trăm năm tuổi nay đã “chết”, độ mười năm lại đây không còn một lò nào đỏ lửa. Ôi, một làng gốm truyền thống mất đi mà không thấy ai buồn, không thấy ai đau lòng. Đau lòng – một cảm giác đặc trưng người chứ thánh thần cao siêu gì đâu?

06/2021

Nguồn Văn nghệ số 28/2021


Có thể bạn quan tâm