April 26, 2024, 3:19 am

Đời thì chuyện gì chả có

 

Trước cửa ngôi nhà cũ như cọc gỗ Bạch Đằng, cắm một tấm biển (thực ra là một cái thớt cũ, chằng chịt vết băm), trên ghi hai chữ: “Quan tài!” bằng sơn đỏ ròng ròng. Cũng trước cửa ngôi nhà đó, ngang tấm biển kia là một tấm biển khác: “Phục vụ đám cưới, đám hỏi, đám đầy tháng, sinh nhật… từ A đến Z”. Một bên là hỉ sự. Bên kia lại là đại hạn. Nhìn cứ có cảm giác như gắp miếng giò trên cái xác! Chả ai hiểu chuyện gì. Bước chân vào, được hai người chạy ra, chào hàng:

- Nhà bác lấy quan tài, thuê kèn trống hay, thuê khóc…?

- Bác thuê phông bạt, bàn ghế, bát đũa hay thuê làm tổ chức, hát kịch góp vui, văn nghệ chào mừng…?

*

Cả ông bà chủ của ngôi “nhà hàng nghịch phản” ấy vốn vừa là ca sĩ, vừa là nhạc công, lại kiêm diễn viên hài kịch, thuộc Đoàn văn công Hoa Chuối Đỏ của tỉnh. Về nghỉ tại thị trấn miền núi nghèo, dân chúng chỉ biết tân toan tắt tối. Cũng bởi đàn hát chưa kịp vống lên thì chửi rủa đã ập xuống rồi, nên vợ chồng Nhà Văn công chẳng biết làm gì. Ở cái chốn, chẳng gì thực dụng bằng ăn và mặc. Thậm chí sức khỏe và cái nơi che chắn nắng mưa còn bị xếp xó nữa là xướng ca vô loài. Ra nhìn nhau. Vào nhìn nhau. Chả nhẽ lại hát, múa, hài…? Không ổn. Phải làm gì chứ nhỉ?

Anh chồng Nhà Văn công lang thang theo tốp thợ mộc này, đoàn thợ nề kia. Ngón hát ngón đàn, dẫu có không vác nổi cái nghề ngỗng nặng nhọc, thì âu cũng bớt đi một miệng quen ăn cơm khách. Chị vợ ở nhà thúng mẹt, chợ búa. Cái chợ thị trấn nông trường họp được vài tiếng buổi sáng. Thời gian cứ dài ra, mà tiền bạc và đời người thì càng ngắn lại. Thỉnh thoảng các đội, khối, bản… tổ chức hội diễn văn nghệ, đến mời, chị cũng tham gia. Lần nào cũng được tặng chiếc khăn mặt, bộ bàn chải, kem đánh răng, bánh xà phòng thơm… cho cái giải nhất đơn ca nữ. Nhưng, khoảnh khắc “hậu vinh quang” như thế chỉ chợt lóe lên như tiếng vỗ tay cuối gió. Cuộc đời lại trở về với thúng mẹt và mặt dày.

Rồi cũng đến ngày tất cả được thay đổi nhờ một quyết định mang tính vùng của Trung ương, đó là tách huyện cũ, thành lập huyện mới. Thị trấn Vẹo được chọn làm trung tâm huyện lị. Đổi đời hàng loạt. Những gã nông dân, trước đây gia tài là những khoảnh, thửa hoang hóa và cằn cỗi, giờ thành cả tỉ phú rồi. Đột ngột đến nỗi, người ta ôm số tiền kếch sù mà chả biết làm gì với nó. Vẫn sáng mì tôm, trưa khoai luộc, tối ngô bung... rồi đi cuốc đất trồng rau nuôi lợnCó khách, người ta cười cười bảo, quen rồi đâm ra thấy ngon. Sơn hào hải vị nhạt miệng lắm, chả nuốt được. Đến nỗi, Nhà nước dẫn nước sạch về đến tận bếp, không dùng, cứ lạch cạch ra suối, gánh nước về lọc than. Điện, tháng không quá mười ngàn. Tiền cứ như người khác nhờ giữ hộ, chỉ sợ tiêu nhầm vào thì chết.

Gia đình Văn công là vẫn vậy. Ăn chăng cũng chỉ là nhằm vào cái dự án mở đường vành đai xuyên qua cửa, đất lên được mấy chân kính. Đấy là thiên hạ nghĩ thế. Họ bảo cái giá của xướng ca vô bổ là thế đấy. Mồm hát xông lên trước, mồm ăn lùi xuống sau. Văn công Nhà nước hẳn hoi, gặp buổi xô bồ, phải đi hát thuê khắp tỉnh. Tụ điểm âm nhạc; cà phê “rốc-két”; thậm chí hát hầu thết đãi… May mắn lắm mới có buổi phục vụ miễn phí đồng bảo chiến sĩ vùng sâu, vùng xa biên giới. Hơn nữa thì hát quảng bá văn hóa dân gian, thông qua những nhạc phẩm mô phỏng diễn xướng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh… . Thế đấy. Đến như ở cái xó núi vẹo vọ về địa tầng này mà cũng chỉ tranh được có bốn mét đất, dãy… không đếm được. May mà có con đường vành đai tránh núi, không thì móm lây sang cả họ.

Tưởng chỉ gỡ cơm, ai dè anh chồng nhà ấy rồi cũng lành nghề mộc, quay về mở xưởng tại gia. Anh ta trương tấm biển: “OK: Khoán trắng, cơm nuôi. Đóng tại xưởng, lắp ráp tận nhà, giá cả gọi là, nhưng bữa vào bữa ra nhất thiết phải có”. Rồi đóng mấy bộ đồ mướp nuột nà, bày ra trước sân câu kéo. Nhưng lại một lần nữa nói về cái… thói quen. Nhà tôi quen đun que cành trấu lá rồi, lê la thoải mái. Đun bếp ga đứng mỏi chân lắm. Nhà tôi quen ngồi sạp tre, sạp nứa, giờ ngồi lên véc-ni, mê-ca-phooc… sợ mòn mất cái đít quần tíc-kê… . Cả cái thị trấn huyện này chỉ có mỗi lò mộc Nhà văn công, mà tiếng cưa, tiếng bào thong thả quá. Thừa thời gian, chỉ còn biết lôi ra đàn sáo. Người ta cũng chẳng thích đâu, nhưng còn khả dĩ hơn tiếng dùi đục, tiếng rèn nắn đinh, tiếng đập gãy gỗ… đâm vào tai nhức nhối.

Mấy nghìn hộ dân chứ có ít đâu, vậy sao lại không có mấy nhà đóng đồ, làm nhà mới… nhỉ. Chị vợ bảo, ông chẳng nghiên cứu thị trường gì. Cái phong tục ở đây là, chỉ khi nào nhà có con cái xây dựng gia thất, người ta mới chắt bóp đóng vài cái hòm, bộ bàn ghế mộc, cái giường rẻ quạt… để cho ra riêng. Thanh niên cứ thay nhau nằm xuống trước các cụ xưa nay hiếm, thì làm sao mà hành nghề nề, nghề mướp. Anh chồng vắt tay trán. Đường đường là một an ninh viên của khối, vậy mà thấp mưu thua trí đàn bà. Phải đấy. Toàn bộ thị trấn có 370 thanh, ấu niên; thì có đến 150 con nghiện (theo điều tra của Thị đoàn, anh được thông báo để làm an ninh cho tốt). Ấy là chưa kể vài chục nghiện trung, lão niên. Vài chục can phạm nghiện, đang tạm thời biệt phương… Trước, phần vì người lớn thất nghiệp, trẻ con thất học, nhà nhà thất ăn… nên người ta đổ xô đi thu mua thuốc phiện trên vùng cao, về bán lại cho ngoại thương để vừa lấy lãi, vừa lấy thưởng. Sau này, Nhà nước cấm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy, người ta vẫn tiếc mối, tiện “dây” làm tới. Phải đến khi nằm trong “top” ba địa phương dẫn đầu về “thành tích” này, tỉnh mới quan tâm một cách triệt để. Muộn. Lãi lờ thời thuốc nhiều như đất sét chẳng được là bao, nhưng thanh niên trai tráng dặt dẹo cả hàng loạt rồi…

Giờ, bọn trẻ không đợi lớn như trước đây nữa, mà chúng “chơi” ngay từ lúc còn đang trên ghế nhà trường. Mười ba, mười bốn đã thi nhau thể hiện cái sự sành điệu, sự chơi ngông của những hảo túy thực thụ. Nhà có mỗi đứa con một, đang học giỏi như cồn, bỗng thành bậc thầy cấy “mà”, rồi thì ết (một loại van, phải nuôi cấy đúng cách mới có được, đậu ở trên ven tay, mỗi khi chích chỉ cần gạt hạt máu đông ở đầu “mà”, luồn kim vào bơm xoẹt một nhát là xong). Bà mẹ tự vẫn. Ông bố không kìm được cơn thất vọng, đập một sống dao vào gáy thằng quí tử. Thế là thằng con điên, bố ngồi tù. Gia đình khác có chín đàn ông, cả bố, năm trai và ba rể, nghiện ráo. Trong một năm, nhà ấy đưa bốn ma ra đồng. Vẫn như mọi khi, chẳng có thợ quan tài, xóm chòm tự vật gỗ ra, phết đinh vào. Nhìn xa giống cái áo quan, đến gần là gỗ bó. Nhà thợ mộc bật dậy:

- A đây rồi!

- Thịt chó?

- Không. Quan tài!

Cái biển “OK” mộc mướp được quăng đi, thay vào đó là hai chữ quan tài, chấm than, ròng ròng sơn đỏ. Khách mua quan tài đông thật. Chôn thằng bất hiếu, đồ mất dạy… thì có loại quan tài mộc, bào trơn đóng bén. Ông già bà kính, người có công, cựu chiến binh… thì sơn son thếp vàng, long lân phủ phục. Nhà Văn công, tự bao giờ được thiên hạ gọi là Nhà Quan tài. Nhà Quan tài làm không hết việc. Bình quân bán được hai bộ một tuần. Lãi đến nửa triệu đồng. Nửa triệu đồng lúc ấy mua được một mét đất mặt thị có trị giá 170 triệu bây giờ. Nhà Quan tài nhổ thổ ra mặt đường trung tâm. Vẫn giữ cái “nhà lộc” bằng gỗ cũ mục như cọc gỗ Ngô Quyền ấy; vẫn giữ cái “biển lộc” mặt thớt và hai chữ quan tài nhỏ máu đỏ loét ấy, xen vào giữa phố áp phích, băng rôn, biển hộp mê-ca… long lanh ngũ sắc.

Ngành quản lí văn hóa và chính quyền chướng mắt cho cái sự đẹp bị phá vỡ lắm, nhưng phần ngại tâm linh, phần khác là, “còn nhờ cậy nhà ấy nhiều”, nên không dám nhắc nửa lời. Cái biển tồn tại như một ả sao chổi, khiến các hàng, hiệu xung quanh vắng hiu vắng hắt. Chẳng ai lại đi ăn uống nổi khi mắt cứ nhợt nhạt chuyện thịt rữa, xương tan. Đến cả đồ khô, hàng may mặc… còn kiêng nhiễm âm khí nữa là… . Một hàng lò rèn đầu đội trời, chân đạp đất, đến dựng cửa hàng sản xuất nông cụ đối diện Nhà Quan tài. Hàng anh này làm ra vừa sắc vừa tốt. Sức va chịu với đá được truyền đi như một sự bảo hành cho sản phẩm. Ngặt nỗi, ai dùng hàng của anh cũng bị tai nạn. Không chém vào tay thì cũng cuốc phải chân. Hơn nữa, cứ sầy da tróc vẩy, là đi viện cả tháng vì nhiễm trùng. Họ bảo trong mỗi món đồ nhà lò rèn có một hồn ma trú ngụ. Anh lò rèn giải tán, vì chuyển đi chỗ nào trong thị trấn thì cũng vẫn không cắt nổi đám âm hồn hoang dại kia kết tinh vào kim khí.

Đã thế, ông chủ Nhà Quan tài còn dã tâm hót trọn gói loại hình dịch vụ này. Anh ta mua kèn, trống, nhị, la… về, cùng vợ con ngày đêm tập dượt ò í e, e í ò… . Càng vắng khách ăn áo quan, tiếng vỗ ru hồn lại càng i ỉ, ti tỉ… nghe trợn cả người ngợm. Hết tiếng kèn trống, lại đến tiếng khóc than, rầu rĩ, nỉ non và rùng rợn. Đàn ông khóc. Đàn bà khóc. Trẻ thơ khóc… Ma đàn ông khóc. Ma đàn bà khóc. Ma sơ sinh khóc… . Chao ôi! Đến phải bán nhà mà đi nơi khác thôi. Ngặt nỗi, quanh hai mặt đường đoạn Nhà Quan tài, bán rẻ như cho cũng chẳng ma nào mua. Làm ăn ế ẩm. Giấc nghỉ thon thót. Tinh thần chập cheng. Nhà nào nhà nấy, dưng lành quay ra xô xát. Bao nhiêu lộc lá, đổ vào Nhà Quan tài cả. Thiên hạ chỉ chực ném đá vào nhà ấy, ném đá vào cái kèn bắt chước tiếng ma phò phè, phò phè… giữa đêm khuya, rợn cả xương sống. Nhưng họ lại sợ. Biết đâu đấy, hàng trăm ma nhờ nhà ấy mới được bình yên an ngọa, giờ rủ nhau về dựng hàng rào ma, che chở, đụng vào lên cơn cả lũ ngay.

*

Huyện về là lên ngay kế hoạch tuyên truyền, vận động, giáo dục đám “dân hư”. Nghiện được đi cai. Ết được phát thuốc. Người chết giảm hẳn. Trong các buổi tổng kết công tác này nọ, người ta bắt đầu ta tụng về tình người. Tình người ở mảnh đất, một thời, vốn không nhiều nhân tính lắm này được xem là “cú sốc” đối với dân sở tại. Nhất là quãng thời gian sau khi nông trường đột ngột giải thể. Hàng ngàn con người rơi vào cảnh thất nghiệp. Tem phiếu vé bị quỵt. Lương bị đọng. Người lớn chẳng biết làm gì với hàng ngàn héc-ta cây công nghiệp xanh tốt cứ như là rừng nhiệt đới. Còn trẻ con thì cũng chẳng biết học để làm gì. Chúng đi hơn mười km để nhặt con chữ trung học cơ sở; đi ngót bốn chục km để nhặt con chữ trung học phổ thông; ấy vậy mà hễ cứ bước chân về nhà là vấp phải ngay những bộ mặt vác đòn càn của các bậc phụ huynh. Chỉ một chút sơ hở của đạo làm con là chiến tranh liền. Mọi sự ức chế được dồn cả vào đầu bọn trẻ. Những người cần dồn thì đã cao cánh bay xa. Những người có thể dồn cũng khăn áo đi xa. Chỉ còn rặt những ai không đủ khả năng xoay xỏa cuộc sống, định đoạt cuộc sống đành phó mặc cho cái mảnh đất, nhiều năm là “hòn ngọc xanh” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhưng bây giờ lại đang là “miếng mồi” cho ba xã anh em miền núi bổ xẻ, tranh giành. Cái máu giang hồ vặt được sinh nở ngày từ trong từng nhà. Chẳng mấy người vì nhau như bây giờ. Chẳng ai nghĩ cho xã hội như bây giờ. Thật là một cuộc cách mạng. Các thế hệ tương lai có vẻ như đang thoát khỏi bóng ma chết chóc; không thì cũng ấu yểu.

Nhưng trước khi có cái cuộc huyện về làng này, phải kể đến sự tồn tại của thị trấn Vẹo cái đã. Không có Vẹo, huyện đã sang hẳn bên kia đèo. Ở đó cũng có một thị tứ cấp xã, có nhiều dấu hiệu điều chỉnh thành một đô thị trong tương lai xa. Vẹo chỉ thực sự tồn tại khi có một cán bộ lão thành hoài cổ, thương xót cho cái màu xanh “nhân tạo” đẹp đến mê mẩn không biết bao nhiêu thế hệ thanh niên nam nữ Hà thành, Nam thành, Hải Hưng (cũ), Thái Bình… nghe tiếng kéo lên lập nghiệp (Ấy là chưa nói đến xương máu của hàng trăm chiến sĩ Chiến dịch Trần Đình khai sơn phá thạch ngay sau chiến tranh); nên đã cắp cặp xuống tận Văn phòng Chính phủ, kèm theo tờ trình của tỉnh, xin thành lập thị trấn. Thị trấn Vẹo ra đời, với các tiêu chí nhinh nhỉnh cấp xã. Cái được chính là sự an cư. Dù chỉ như chiếc cọc đóng vào giữa chơ vơ đói nghèo, giữa chơ vơ núi đèo; nhưng cũng còn hơn chẳng có thứ gì, kể cả cơn gió lành con con để mà dựa vào.

Tất cả đều mừng cho cái sự thoát dớp ấy. Họ đang phấn đấu cho một lớp các thanh niên đại học của thị trấn ra đời (trước giờ, phần đa tốt nghiệp các khóa sư phạm cấp tốc, lính chuyên nghiệp, công an nghĩa vụ… đã là những tấm gương cho những  con nhà không thành đạt rồi soi rồi). Xem ra chỉ có Nhà Quan tài là không vui. Có người bảo bệnh nghề nghiệp. Bác sĩ thích nhìn người ốm hơn người khỏe mạnh. Giáo viên thích nhìn người có tri thức hơn kẻ vô học. Nhà báo thích nhìn thấy sự công bằng hơn láo nháo. Còn anh đóng quan tài? Thì nhìn ai cũng ước hắn chóng chết là cái chắc, để còn bán hàng chứ, không thì móm à… Cứ nom sang Nhà Quan tài thì biết, độ này không phải quét ngõ, vì đi ra đi vào nhiều quá, sạch rồi. Dăm bữa lại thấy đem những bộ quan tài mộc ra ráp mốc. Chị vợ thỉnh thoảng ngửa mặt lên trời, ném mấy lời không kìm chế nổi:

- Giời đất độ rày lành hơn thì phải. Nắng mưa cứ mát hết cả người ra. Chả trách người chết hạn chế quá!

- Ừ, chẳng hiểu rồi trời đất sẽ thế nào (đấy, anh ta đang sốt ruột vì con người ngày càng sống tốt, sống dai đấy). Tôi sẽ làm cuộc tổng điều tra đám dân số lấp ló cửa lỗ. Bị động thế này, ngột ngạt lắm.

- Cả nhà mình chia làm ba mũi: điều tra bọn ết; người già và người bệnh nặng.

Chưa đầy tuần, Nhà Quan tài đã có một bản “điều tra thị trường” chính xác đến từng người, từng hộ: Thị trấn còn 82 con nghiện, trong đó 58 đã “H”. Hội người cao tuổi cả huyện có 480 cụ; trong đó có 6 cụ trên 90; 21 cụ trên tám mươi; 79 cụ trên bảy mươi; còn lại là các cụ từ 69 trở xuống đến… 45 (chắc các cụ trẻ vào hội là do chạy được sổ hưu. Ở đây có tục, hễ có nghỉ chế độ là có suất Hội người cao tuổi).

- Bên Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cũng khả quan. 14 người nằm trong tình trạng ngàn cân treo sợi tóc rồi…

- Thỉnh thoảng vẫn còn “vớ” được mấy ông đực choai đua xe đêm gây tai nạn và tự tai nan nữa cơ mà…

- Ừ, thì đột tử vốn là bệnh mắn gặp của loài người.

- Chắc chắn nghề quan tài còn phát.

Nhà Quan tài kiên định mở rộng dịch vụ. Nặn, nung tiểu sành; xây đắp mộ, đào huyệt, sang cát thuê… . Anh chồng còn lên đồng, xem trước ngày tạ thế cho nhiều người. Dạy cho họ biết cách lo xa, mua sẵn quan tài để đấy, cứ cái kiểu phá rừng thế này, quản lí rừng thế này, chả mấy năm nữa bó chiếu mà chôn là cái chắc. Cái kế hoạch phát triển của Nhà Quan tài như một gã điếc lòi điếc nổ, cứ phớt ngơ các cuộc ra quân ồ ạt nhằm ngăn chặn những tổn thất mang tính xã hội, mang tính nhân loại… của các ban ngành đoàn thể. Cả sự hiện hữu một bệnh viện đa khoa (to gần bằng cái bệnh viện tỉnh hồi chưa chia tách), mà ở đây sự sống của con người đã được đảm bảo một cách tối đa, không như hồi còn là cái trạm xá ngược đời, y tá làm trưởng, y sĩ, chuyên khoa… làm nhân viên trước kia nữa. Chuyện người sống đưa đi cấp cứu, nửa đường xác chết trả về đã hiếm gặp dần.

Chả hiểu có phải vì cái chủ quan ngạo nghễ không hay là dựa trên những điều tra, những tính toán khoa học, Nhà Quan tài đầu tư máy móc, sản xuất như một dây chuyền hiện đại. Quan tài, tiểu sành, con đắp… Hơn cả thế, anh ta còn thiết kế ra hàng loạt những mẫu quan tài hấp dẫn, khiến các bậc cự nhân có cảm giác như mình đang nằm hưởng thụ trong những… lon bia, chai rượu ngoại, hay trong những con lợn quay vàng ngậy… Rồi đây, cái cảm giác “ma đói” được xóa bỏ trong ngôn ngữ loài người. Những đệ tử lưu linh có vẻ thích thú lắm, chân nam đá chân chiêu đến, hôn hít lên cái quan tài như thể người bạn đời yêu dấu vậy. Những người nặng chơi, ở hơn nặng ăn thì thích cái cảm giác chết mà như được nằm ngủ trên chính chiếc long sàng nhà mình; nằm trong chiếc xe Toyota Venza trị giá gần 1,4 tỉ; hay trong một căn biệt thự long lanh đã được cái tài hoa của Nhà Quan tài thu nhỏ. Lãng mạn thì được chết trong cây đàn ghi ta…

*

Công cuộc vắt nhặt tối đa hầu bị của khách hàng kéo dài thêm được mấy năm. Dù thế thì, ngày tháng vẫn cứ khắc nghiệt dần. Phản xạ tự nhiên. Nghe cái bép. Tiếng ô tô phanh thủng đường. Tiếng hô cấp cứu… . Chồng con Nhà Quan tài lao vào tíu tít ráp gỗ cho bóng sáng lại, rồi véc-ni, sơn, toa… và khiêng sắp hàng ra sân cho khách dễ chọn. Xong, quay vào nhà lôi kèn trống ra, “oánh” nhuyễn mấy bài: tẩm liệm, động quan, hạ huyệt… . “Diễn xuất” ầm ĩ cứ như chính nhà mình mới đang có người nhập địa. Vợ Nhà Quan tài nháo lên bệnh viện huyện, điều tra tình hình. Lát sau chị ta quay về, chửi đổng vào cái áo quan đẹp lộng lẫy:

- Mả mẹ cái thằng bác sĩ mới về, tay nghề đã giỏi, lại còn mang thêm cái thứ thuốc não não gì gì ấy nữa. Thằng ôn con vỡ toác đầu ra rồi, máu và óc phè ra như cám lợn, vậy sống được mới tài. Mất toi mẹ nó mấy triệu.

Chồng con Nhà Quan tài buông thõng kèn trống, mép sùi bọt chẳng buồn lau, lệ mệ khiêng quan tài vào. Anh ta chợt ngưỡng mộ tay thợ Hussein, đóng quan tài hốt ra bạc thời kì Mĩ đổ bộ vào Irap. Trong óc anh ta cũng lờ mờ chuyện ma két tinh chiếc quan tài độc đáo của mình bên cạnh các siêu mẫu chân dài trên bloc lịch, hay trên trang bìa của những tạp chí danh giá... . Vợ Nhà Quan tài theo vào nhà, lại chửi:

- Mẹ nó chứ, không chết à? Không chết thì bà đây ăn kiểu không chết nhé.

Ngay chiều đó, chị ta cho trương tấm biển hộp bằng mê-ca thật đẹp, trong có đèn hiện chữ, ngoài viền nhấp nháy cửu sắc. Cứ hễ mất điện, thì cái dòng chữ phun bằng sơn phản quang tỏa sáng: Phục vụ đám cưới, đám hỏi, đám đầy tháng, sinh nhật, sinh hoạt nhóm… từ A đến Z. Chị ta đầu tư khung rạp bằng sắt ống di động. Vừa nhẹ vừa bền. Tháo dỡ chỉ trong vòng vài chục phút. Bàn ghế Xuân Hòa, bát đĩa Hải Dương; đũa lõi mít, tăm giang víp… Rồi còn cả một cái đàn Óc-gan xịn, chuyên làm tổ chức, dẫn chương trình, và biểu diễn văn nghệ đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, đầy tháng, hội diễn, sinh hoạt nhóm…

Anh chồng thấy thế gầm lên:

- Đã bảo không được. Nghề Quan tài, khóc mướn đã xem như tổ truyền rồi, cái khác chỉ là phù du, phiếm phụ; không được làm lớn hơn.

Chị vợ cũng chẳng kém giọng:

- Nghề cho thuê bát, hát đám cưới rồi cũng sẽ là tổ truyền. Quan tài khóc mướn là nội truyền, hát cưới là ngoại truyền… . Bà thì giăng lưới khắp các mặt trận, xem thiên hạ chạy đằng nào.

*

Vào những ngày đẹp trời, tiếng đàn hát giao duyên át bớt phần nào âm khí cô hồn ở thị trấn Vẹo. Hai bên đoạn đường Nhà Quan tài, dân tình buôn bán tấp nập trở lại. Đàn con Nhà Quan tài vượt xa cái gen quí của bố mẹ chúng. Đứa nào đứa nấy hai vai như một. Lúc có đám, chúng vẫn lăn lộn đồng cậu đồng cô, vẫn khóc rùng rợn như ma khóc… Nhưng khi có hỉ, chúng lại biết cách gột đi bao oan hồn loạn lạc trên hai khóe mép, để hát những khúc giao duyên tình tứ mượt mà. Tài năng thì rõ. Tiền bạc ùn về cũng rõ. Chỉ có điều, đứa nào đứa nấy duyên dáng, xinh tươi mơn mởn, vậy mà nói theo kiểu thiên hạ, đã “đầu ba, đít chơi vơi” rồi mà vẫn chẳng ma nào nó nhòm ngó đến…

*

Trước cửa ngôi nhà gỗ cũ, xuất hiện một tấm phông tranh khổ lớn, vẽ theo trường phái thủy mặc của Trung Hoa họa kí. Bên phần Nhà Quan tài, người đàn ông có bộ mặt mếu máo, tang thương và thành kính như một chiếc chiêng cổ, ngồi ngóng dài ra con đường mới trải áp-phan bóng nhẫy. Vết lồi lõm trên khuôn mặt ông ta minh chứng cho một sự đại siêu thoát. Phần phông tranh bên ông chỉ được vén lên khi phía bên kia, mẹ con Nhà Hát đám đã đi ăn khách. Bên kia mà ở nhà, đồng nghĩa với cười ca hoan hởi. Quan tài khi đó ế i ỉ, ti tỉ…

Chả ai lại muốn chôn quá cố nhà mình trong một cái hộp gỗ đựng nhạc nhã tưng bừng. Họ sợ hồn vía vui quá, cứ ở lì ra...


Nguồn Văn nghệ số 30/2018


Có thể bạn quan tâm