March 29, 2024, 9:33 pm

Đổi thay ở huyện Mường Lát - Thanh Hóa*

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía Tây bắc tỉnh Thanh Hóa. Toàn huyện có 8 xã và 1 thị trấn với số dân 40.105 người (năm 2020) gồm 6 dân tộc anh em cùng chung sống: Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Kinh, Mường, mỗi dân tộc lại mang sắc thái riêng. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của huyện Mường Lát đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Tại Mường Lát, hiện nay, số cặp vợ chồng thực hiện Kế hoạch hóa gia đình luôn tăng hàng năm; Chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đang từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hiện Kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân đang từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Những năm qua, huyện Mường Lát đã triển khai nhiều mô hình, Đề án thiết thực. Trong đó, Đề án Nâng cao chất lượng dân số vùng các dân tộc ít người tại cộng đồng đã đạt được những hiệu quả thiết thực.

Mục tiêu của Đề án nhằm: Can thiệp thay đổi hành vi, tập quán sử dụng dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và các loại hình dịch vụ phù hợp với tâm lý, tập quán của người dân tộc thiểu số; Tăng cường thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại khu vực có người dân tộc thiểu số, dân tộc có nguy cơ suy thoái về chất lượng giống nòi góp phần nâng cao chất lượng dân số để góp phần thành công cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (nay là Trung tâm Y tế) huyện Mường Lát đã tổ chức 04 Hội nghị cung cấp thông tin về các chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho lãnh đạo Đảng, chính quyền đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng, những người thực hiện công tác dân số tại huyện và xã; Tổ chức 66 buổi nói chuyện chuyên đề tại xã, với sự tham gia của 2.750 lượt người; Có 37 cán bộ, cộng tác viên đang làm việc tại các xã vùng dân tộc ít người được tham gia tập huấn; Cung cấp 120 cuốn sách lật, 08 pano, 8.520 tờ rơi, 357 tờ áp phích tuyên truyền về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.

Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ sinh trên địa bàn huyện Mường Lát, trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin đạt trên 95%; hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai thực hiện thường xuyên ở 100% xã, thị trấn; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng đều giảm so với cùng kỳ năm trước, số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 63%.

Ông Lê Quốc Huấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết: Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng dân số vùng các dân tộc ít người tại cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ “Sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, hôn nhân cận huyết” đã truyền tải cho các hội viên nắm được các kiến thức về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các bệnh được sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cách làm mẹ an toàn; tổ chức nói chuyện chuyên đề trao đổi và cung cấp các thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... cho phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng mới kết hôn... tại các xã có triển khai mô hình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án còn một số những khó khăn, bất cập. Cụ thể đó là, một số cấp ủy đảng, chính quyền xã chưa thực sự quan tâm đến công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên còn tình trạng có địa phương còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; Địa bàn dân cư rộng, phân bố không đồng đều, gây rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động đối tượng; Các sản phẩm truyền thông chưa đáp ứng nhu cầu cả về chất lượng và số lượng, chưa phân nhỏ nhóm đối tượng, thiếu các sản phẩm dành cho đồng bào dân tộc ít người, các đối tượng có trình độ văn hoá thấp. Chương trình chỉ tập trung vào các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, chưa quan tâm thích đáng tới vị thành niên, thanh niên, nam giới, người cung cấp dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản/ Kế hoạch hóa gia đình và người có uy tín trong cộng đồng; Kinh phí để triển khai thực hiện các chương trình còn hạn chế.

Xác định mục tiêu nâng cao chất lượng dân số là góp phần  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả các hoạt động của Đề án, công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mường Lát cần tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đặc biệt là cấp xã, huyện. Tích cực đổi mới nội dung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, đặc biệt là cần hạn chế tối thiểu vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số.

Nguồn Văn nghệ số 31/2020

* Tên bài viết do Vannghe online đặt


Có thể bạn quan tâm