March 29, 2024, 3:10 am

Đời như thoáng chốc

Tiệm giặt là quần áo của ông Kình được dựng trên một phần đất thuộc khu đất trống đầu phố Bần, bên phải đường quốc lộ 5 theo hướng đi Hà Nội. Khu đất trống đó dĩ nhiên là có chủ nhưng người chủ đã để hoang mấy chục năm nay. Nghe nói người chủ của khu đất trống này có tận mấy căn nhà to uỳnh trên Hà Nội nên cứ để hoang như thế. Ngày ông Kình đến khu đất hoang này dựng gian nhà tre, vách trát bùn rơm, mái lợp ngói tây là giữa năm 1969. Cũng năm đó gia đình tôi chuyển từ Hải Dương về phố Bần, quê của mẹ tôi.

Minh họa của ĐỖ DŨNG

Nói đôi chút về phố Bần. Đó là một dẫy phố dài chừng hơn 800 mét, một dẫy phố kiểu Hà Nội, nghĩa là dẫy phố được quy hoạch khá chuẩn. Hai bên là những ngôi nhà cái thì một tầng, đa số, cái thì hai tầng, thiểu số. Nhà của người phố Bần có thiết kế na ná nhau. Nhà nào có mặt tiền rộng thì cửa ra vào chính giữa, hai bên là cửa lùa. Nhà có mặt tiền bé hơn thì cửa ra vào lệch bên trái, bên phải là cửa lùa. Sáng sáng người phố Bần tháo từng tấm gỗ ở bên cửa lùa ra khỏi bậu cửa tạo thành một không gian cho bán hàng hay mở cửa hiệu làm nghề. Do vậy hàng hóa hay bàn tủ làm nghề không bao giờ lấn ra khỏi bậu cửa, tức là không lấn tới vỉa hè. Khoảng vỉa hè khá rộng không chỉ trồng hàng sấu lá xanh rì mà bọn trẻ con chúng tôi còn có thể rủ nhau đá bóng ở đấy.

Bọn trẻ con thường gọi là “ông Kình”. Trong tâm trí của tôi thì đó là một người đàn ông dáng nhỏ thó có ánh mắt lanh lợi nhưng đặc biệt là chân trái bị cụt đến đầu gối. Để đi lại ông Kình bao giờ cũng cặp kè chiếc nạng gỗ bên sườn. Những bước đi có vẻ không tự nhiên nhưng ông Kình chưa bao giờ cảm thấy khó khăn cả. Ông kẹp nạng gỗ vào sát sườn, hình như chiếc nạng gỗ còn được buộc chặt với thân người và phần đùi để tay trái được thoải mái làm những việc khác. Không có gì là khó khăn hay vướng víu.

Ông Kình năm đó mới ngoài bốn mươi nhưng ai đã gặp thì cũng đều nghĩ ông đã vào tuổi lục tuần. Khuôn mặt gày hốc, da đen đen và nhất là cái đầu húi cua với những chân tóc chấm bạc nom già đanh. Đó có lẽ là đặc điểm để bọn trẻ con phố Bần gọi là “ông Kình”.

*

Giữa năm 1969 ông Kình trở lại Bần. Ông từ Trại thương binh tận trong Ninh Bình khập khễnh đôi chân bước tới cổng nhà mình. Nhà ông Kình ở trong làng chứ không phải ở ngoài phố. Anh thương binh tên là Kình tần ngần đứng trước cổng. Anh đứng như thế rất lâu như thể để nhận diện lại ngôi nhà của mình. Xa nhà cũng lâu rồi, mười năm chứ đâu có ít, anh cứ cấn cá mãi chưa dám cất tiếng gọi. Hình như anh cảm có chuyện không hay gì đó.

 


Có thể bạn quan tâm