April 17, 2024, 3:44 am

Đôi lời về văn học và ý thức cái khác

 

            Nếu tác phẩm văn học là đứa con tinh thần minh chứng cho khả năng sáng tạo, sự kiên trì, bền bỉ của nhà văn trên hành trình neo đậu chữ nghĩa, thì phê bình văn học là tấm gương phản chiếu sự tinh nhạy, độ sâu sắc, cùng bản lĩnh sáng tạo của nhà phê bình. Phê bình văn học & ý thức cái Khác của Hoàng Thụy Anh không nằm ngoài quy luật đó.

Tập sách gồm 22 bài, với cấu trúc tương đối rõ ràng, chỉn chu, thể hiện một cách tỉ mẩn, sâu sắc những nhận định, đánh giá, bình xét của chị. Vừa mải miết rong ruổi trên cánh đồng thơ, vừa tiếp tục vần vũ cuồng nhiệt cùng những bài nghiên cứu/ phê bình, Hoàng Thụy Anh phơi bày được cái tôi đam mê văn chương và ý thức trách nhiệm đối với văn học nước nhà. Ý thức trách nhiệm ấy không chỉ toát lên ở nhan đề tập sách, nó ngưng đọng ngay trong từng câu chữ ở mỗi bài phê bình. Những con chữ của chị cứ y hệt bảy sắc cầu vồng: lúc mạnh mẽ, dứt khoát, khi thì đong đưa, chậm rãi, lúc lại dịu dàng, tha thiết. Có được giọng điệu phê bình “đa sắc” như vậy là nhờ vốn đọc của chị. Có thể thấy khả năng ấy qua những bài phê bình đầy ma lực của chị. Trước khi đưa ra những nhận định của mình, bao giờ Hoàng Thụy Anh cũng lẩy ra những dẫn chứng rất tiêu biểu, sinh động, vì vậy những bài phê bình của chị luôn có độ tin cậy và thuyết phục người đọc cao.

Điều làm nhiều độc giả hứng thú tiếp xúc với văn xuôi hay thơ hơn là phê bình vì văn bản phê bình thường thô ráp, khô cứng và nặng về lý thuyết. Thế nhưng, chạm tới các bài viết của Hoàng Thụy Anh, người đọc không bị trói chặt giữa vòng vây đó, bởi trong phê bình, ngoài vốn học thuật tự thân, Hoàng Thụy Anh luôn biết đan cài yếu tố cảm xúc giới nữ vào từng văn bản. Đây là điểm làm nên dấu ấn của Hoàng Thụy Anh so với những cây bút phê bình khác. Có được vốn cảm xúc mang đặc trưng giới ấy là nhờ vào tư duy sâu sắc, tinh nhạy của một nhà phê bình/người nghiên cứu và những va chạm, nếm trải về giới trong cuộc sống của chị. Đoạn văn dưới đây đã thể hiện được điều đó: “Hơn nữa, khi yêu, người ta luôn có nhu cầu làm mới, nhen lửa tình yêu mỗi ngày. Nhưng nhu cầu nắm bắt, hiểu hết người mình yêu là một hành trình vô tận. Chừng nào còn nhu cầu kiếm tìm tình yêu thì tình yêu còn hiện hữu” (Tr.114, Song Tử và những cơn rung-chấn-tình của người đàn bà thơ). Rõ ràng, nhìn từ góc độ nữ giới, Hoàng Thụy Anh mới nắm bắt thật tinh tế “nhu cầu” của nhân vật trữ tình Em-Anh và lồng nó vào văn bản. Vì thế, văn bản phê bình của chị trở nên lấp lánh sắc màu triết lí, ý thức về giới. Hoàng Thụy Anh thổi được hồn vào từng văn bản phê bình một phần cũng nhờ vào sự khéo léo trong việc dùng từ: “Những giọt nước mắt muộn mằn của “hắn” đã được Trần Thúc Hà lẩy ra từ giếng tâm hồn ngỡ như khô cạn từ lâu” (Tr.200, Bến lòng thao thiết của Trần Thúc Hà). Câu văn trên rất giàu hình ảnh bởi vì tác giả của nó biết sáng tạo trong cách dùng từ. Dù có rất nhiều cách để diễn đạt nhưng việc dùng động từ “lẩy” và danh từ “giếng” làm cho câu văn trở nên đặc sắc và có giá trị nghệ thuật hơn.

            Gieo hạt giống trong sáng tạo nghệ thuật là việc làm không mấy dễ dàng với những ai không có sự kiên trì và lòng đam mê. Chăm sóc và tưới tắm cho hạt giống đó trở thành cái cây vững chắc để nhiều người ngước nhìn, yêu thích, tựa vào lại là việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi ở người nghệ sĩ sự mẫn cảm, vốn tư duy và bản lĩnh nghề nghiệp. Phê bình văn học & ý thức cái Khác của Hoàng Thụy Anh là điểm hội tụ nhiều vẻ đẹp tư duy của những người làm công tác nghiên cứu, phê bình văn học. Với cuốn sách này, Hoàng Thụy Anh tiếp tục cất tiếng nói khẳng định vị thế của mình giữa dòng chảy phê bình bất tận.

Nguồn Văn nghệ số 10/2019


Có thể bạn quan tâm