April 24, 2024, 11:16 am

Đợi khách

 

Chỉ căn hộ số 709 cửa mở. Phía ngoài luôn để một đôi dép tổ ong màu xanh đã cũ. Mỗi lần ngang qua tôi đều ghé mắt tò mò vì bị thu hút bởi tiếng người ân tình. Một bà già trùm khăn nhung tím ngồi bên chiếc bàn gỗ kê bên cửa sổ, luôn tay rót nước trà. Tích trà của bà ủ trong một quả dừa khô ngả màu nâu sậm.

Tôi làm việc cho một Công ty chuyên xuất bản những cuốn sách viết về lịch sử. Cả ngày ngồi lì trong phòng làm việc chừng lăm mươi mét vuông với máy tính và những cuốn sách dày cộp, tra cứu và chắt lọc.

Ngày nào cũng phải ngồi vào chiếc ghế bọc da màu xám đúng giờ, không được chậm quá năm phút. Nghỉ trưa được một tiếng. Nửa tiếng ăn cơm và mười lăm phút ngả người trên chiếc ghế ám mùi mồ hôi khét lẹt. Tôi gắn mình với chiếc ghế đến độ đêm về nằm trên giường vẫn cứ nghĩ mình ngồi ngủ trên chiếc ghế sang tận chiều thứ bảy.

Tôi sợ hãi cả tiếng chuông báo thức, mỗi khi nó reo lên cứ như có một mệnh lệnh khiến tôi bật khỏi giường. Khuôn mặt cau có của gã quản lý hiện cả trên tấm kính loang loáng nước trong phòng vệ sinh. Ăn tạm chiếc bánh mì nguội ngắt dưới quán tạp hóa ghép bằng những tấm bạt quảng cáo rách lỗ chỗ của bà béo. Vừa ăn vừa nghe nhạc Đàm. Rồi phóng vút. Đường phố tắc nghẹt. Những chiếc xe cố tình bấm còi inh ỏi, chen lấn nhích lên dù chỉ là nửa bánh. Người ta đã quen với sự chen lấn, tranh giành nhau từng chút.

Thành phố ôm ấp những con người bé nhỏ và cô đơn trong sự vây bủa của những dãy nhà cao tầng, dây điện và biển quảng cáo. Những con người lọt thỏm vào không gian của trăm thứ âm thanh, tầng tầng khói bụi và vô số màu sắc lấp lánh. Tôi ngồi vào chiếc ghế xám muộn mất tám phút. Gã quản lí lết đôi chân chậm chạp, tích chữ X đen xì lên bảng chấm công rồi ngã người vào chiếc ghế da to sụ. Tôi thở dài nhìn sang cô bạn đang chúi mắt vào màn hình máy tính với cặp kính dày cộp. Tiếng lạch cạch bao trùm cả căn phòng sực nức mùi nước lau sàn.

*

Trong thành phố cô đơn, may mắn là tôi có Ly. Chúng tôi cùng quê, cùng sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó nên dễ chia sẻ cùng nhau. Ly nhận lời làm người yêu tôi ngay khi nàng bỏ công việc thợ cắt tóc ở quê để lên thành phố làm nhân viên cho một quán massage trong ngõ chợ. Ly ngồi vắt đôi chân dài thon trên chiếc ghế nhựa màu đỏ. Đôi mắt mở to nhìn ra ngoài cửa đợi khách. Dòng người trôi qua vội vã trước mắt nàng. Nàng càng mong ngóng, họ càng vội vã. Nàng càng tươi cười, họ càng lạnh lùng. Nàng cứ ngồi thế, rất lâu. Thi thoảng có một vài vị khách theo nàng vào trong. Nàng chỉ tôi ngồi bên hàng nước phía đối diện để chờ nàng vẫy tới.

Mỗi lần ngồi sau tôi, Ly thì thầm: “Chỉ cần đi với anh thì chỗ nào cũng được”. Tôi cảm ơn vì Ly không đòi hỏi ở tôi nhiều như những cô gái trong thành phố tôi quen vội vã rồi bỏ vội vàng. Tôi tìm Ly mỗi ngày chỉ để hai đứa ngồi bên nhau ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ tới khi thành phố lên đèn. Mỗi khi đưa em qua cầu lộng gió, mái tóc em quệt ngang mặt làm tôi nhớ đến chậu bồ kết mẹ hong giữa sân nhà ngày nắng hè oi ả. Em cười, bảo đó là mùi dầu gội đầu mới nhất ở tiệm chứ không phải mùi bồ kết.

Rồi mái tóc em cũng đổi màu, không còn màu đen huyền. Ly bảo, anh phải thực tế lên chứ cứ nghĩ mãi về quá khứ thì sao sống được. Tôi nhìn Ly. Có lẽ thành phố này đã làm em thay đổi.

Tôi đưa Ly về tận căn phòng trọ trên tầng áp mái nằm trong ngõ hẹp hắt ánh điện vàng vọt, âm ẩm mùi rác và nước thải.

Ngang qua căn hộ 907, tôi ghé mắt, bà cụ trùm khăn nhung tím vẫn ngồi bên bàn trà. Giọng nói đều đều từ căn phòng. Tôi ngồi xuống cạnh cửa. Lặng nghe tiếng nói chuyện ân tình phát ra từ phía bên trong. Lần này là giọng của một người phụ nữ trung tuổi. Tiếp đó là giọng hân hoan vui mừng của mấy đứa trẻ. Tôi nhớ tới những dịp về quê được đi câu cá cùng mấy đứa trẻ trong xóm. Nhìn chúng nó cười mà cứ ước mình được bé lại. Giá chẳng bao giờ phải lớn…

*

Tôi xả nước, lợm người trong mùi thuốc tẩy. Trong thành phố này kiếm đâu ra thứ nước không nồng nặc mùi flo.

Khuya. Ngoài đường điện vẫn hắt sáng với đủ thứ màu sắc. Tiếng xe gằn vào mặt đường, lạnh sống lưng. Tôi sực nhớ đến vụ tai nạn mới đây của một đôi nam nữ trẻ tuổi. Những con người chẳng còn biết quý trọng chính bản thân mình. Họ lao vào những cuộc chơi như một cách để khẳng định với cuộc đời về sự có mặt của mình. Họ làm mọi cách để được người khác chú ý. Một sự ngu ngốc đến đáng thương.

Tôi ngước nhìn lên trời. Chỉ thấy một khối lờ lờ bàng bạc. Tôi nhớ tới những vụ cháy kho hóa chất mới đây, rùng mình khi vào bệnh viện, bác sĩ sẽ thấy một khối đen đặc trong phổi tôi. Tôi đang chết. Chết như bao con người trong thành phố này.

Trong bóng tối tôi thấy tôi và Ly bay về tuổi thơ. Tuổi thơ nhẹ nhàng và trong veo. Ly cười hồn nhiên như ngày chúng tôi còn thơ bé. Mái tóc đen huyền của em thoang thoảng hương bồ kết.

*

Tôi ngồi vào chiếc ghế xám. Gã quản lý đập tập bản thảo xuống bàn, cặp mắt kính trễ xuống tận đầu mũi: Chưa chi tiết. Tôi im lặng ôm mớ bản thảo về bàn trước đôi mắt thương hại của cô bạn đồng nghiệp. Tôi sẽ phải viết gì nếu viết về thời mà tôi đang sống?

Tôi viết đơn nghỉ việc. Ông giám đốc hạ cặp kính xuống nhìn tôi như một kẻ từ hành tinh xa xôi. Trong thành phố này để tìm một công việc không dễ. Vậy mà tôi lại quyết định viết đơn nghỉ việc.

Tôi không nói với Ly tôi xin nghỉ việc. Tôi sợ em thất vọng về mình và càng sợ bố mẹ tôi thất vọng về tôi hơn.

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng loại ưu, chuyên ngành sử học. Tôi chọn ở lại thành phố để tự kiếm việc làm, để chứng minh cho bố mẹ và các em thấy được quyết tâm và nghị lực của thằng con trai mà ông bà đã phải thắt lưng buộc bụng nuôi ăn, học, mang danh về cho cả dòng họ. Để làng xóm sẽ không nói “cho ăn học thời buổi này phí cơm”. Ngày tôi dẫn bố mẹ lên xem chỗ ở của mình bố tôi gật gật đầu, ông cười suốt. Ông không nghĩ thằng con trai ông lại leo lên tận tầng bảy của tòa nhà cao tít này để ở. Nhìn ông, tôi đã không đủ can đảm để nói đây là căn hộ thằng bạn tôi đi lao động bên Nhật nhờ trông hộ, chứ với số tiền lương hằng tháng hiện tại thì làm sao tôi mua nổi.

Nếu ông biết tôi nghỉ việc thì mấy đưa em cũng sẽ bị cho nghỉ học hết. Tôi không dám cướp đi niềm vui của bố mẹ, lại càng không muốn làm mất đi niềm hy vọng của mấy đứa em.

*

Tôi ra khỏi nhà như mọi ngày, đúng bảy giờ. Ngang qua căn hộ số 907. Cửa căn phòng đã mở. Phía ngoài cửa là một đôi dép tổ ong màu xanh đã cũ. Tôi đi chậm lại để nghe âm thanh phát ra từ bên trong. Là giọng nói của một người đàn ông trung tuổi. Giọng nói ôn tồn và trầm ấm. Vị khách có vẻ thu hút bà cụ. Tôi thấy bà vẫn trùm cái khăn nhung tím ngồi bên ấm trà, mắt chăm chăm nhìn về phía trước. Thi thoảng miệng bà mấp máy. Tôi không nghe rõ bà nói gì với người khách lạ. Chén trà trên bàn bốc khói thơm nhè nhẹ. Tôi đoán đó là thứ trà ướp hoa hòe.

Tôi đến tìm Ly. Em ngồi đợi khách trên chiếc ghế màu đỏ. Đôi mắt mệt mỏi và buồn bã. Không có vị khách nào theo em vào trong. Tôi về. Tôi hòa vào dòng người đông đúc. Bụi và khói. Ánh nắng yếu ớt rớt trên vai. Chẳng ai nhìn ai nhưng những chiếc xe thì luôn nhích lên, từng chút một. Như được lập trình sẵn, tôi đến công ty. Chợt nhớ ra, tôi cho xe lao về phía một quán cà phê nằm trong ngõ hẹp. Bà chủ quán chẳng già cũng không còn trẻ, lẳng lặng đặt lên bàn tờ menu.

Một đen đá!

Vừa nhâm nhi tách cà phê tôi vừa tranh thủ lướt qua mục “Việc tìm người” trên tờ báo mới ra. “Tuyển dụng nhân viên văn phòng, làm từ thứ hai đến sáng thứ bảy, lương 5 đến 12 triệu, có thưởng thêm, tùy theo hiệu suất công việc…”

Tuyển dọn nhà theo giờ. Tiền trả theo giờ. Đăng ký tại đây”. Tôi lốc cạn ly cà phê đắng rồi lại lẫn vào dòng người trên phố.

*

Tôi nhắn tin cho Ly. “Anh đón em đi ăn nhé”. Đợi chừng lăm phút. Ly nhắn em bận. Tôi quay xe về. Tối qua ngõ tôi thấy Ly ngồi trên xe máy của một người đàn ông lạ. Gã chừng hơn năm mươi tuổi, râu ria xồm xoàm, ăn mặc kiểu bụi bặm. Trong ánh điện tôi thấy bờ vai em vàng vọt, gầy guộc. Tôi quay xe ra khỏi con ngõ hẹp, len lách về khu chung cư. Những tòa nhà cao tầng hắt ra thứ ánh sáng từ những ô cửa nhỏ. Những con người biệt lập trong không gian riêng của mình trên những ô nhà cao tít.

Chỉ căn hộ 907 cửa vẫn mở. Đôi dép tổ ong màu xanh vẫn đặt ngay ngắn phía ngoài. Tôi ghé mắt nhưng không nhìn thấy bà cụ. Chỉ thấy giọng nói người đều đều. Trên bàn, chén trà lơ phơ khói. Bà cụ bỏ khách một mình đi đâu?

*

Ly hẹn gặp tôi. Chúng tôi ngồi bên quán cóc ven hồ. Mắt em lóng lánh. Chiếc váy em mặc thoảng mùi thơm xa xôi. Em tìm được chỗ ở mới rồi. Thoát cái nơi tối thui và buồn tẻ. Thoát cả đứa bạn nhà quê gàn dở. Tôi thấy đôi môi nhỏ xinh của em hơi chun lại.

Tôi hỏi:

Bao giờ em dọn đi?”

Chắc ngày kia”.

Anh giúp em chuyển đồ?”

Không cần ạ. Em thuê một chuyến xe là xong hết”. Ly cười, khoe hàm răng còn nguyên cặp niềng chưa tháo.

Ly chuyển đến ở trong căn phòng trên tầng cao nhất của ngôi nhà năm tầng khang trang. Đồ đạc trong phòng đầy đủ, tiện nghi. Chủ nhà là người đàn ông cao lớn, tầm năm mươi tuổi, góa vợ.

Ly bảo ông chủ nhà tốt tính, có gì ăn ngon ngon cũng mang lên phòng cho. Còn nói sẽ giúp đỡ tìm chỗ để em có thể mở một salon tóc cho riêng mình. Nhìn Ly vui mà lòng tôi đắng chát. Tôi chẳng thể lo cho em được thì hà cớ gì lại cản bước tương lai của em. Tôi hiểu Ly yêu tôi cũng vì cái danh tôi có ở quê nhà chứ nếu vì vật chất thì tôi chẳng có gì cho em cả. Tôi trân trọng Ly như trân trọng tuổi thơ tươi đẹp và trong sáng của mình.

*

Tôi gửi đơn đi xin việc khắp nơi. Có vài nơi gọi phỏng vấn. Một vài nơi bảo sẽ liên lạc lại.

Mọi người trong khu chung cư vẫn thấy tôi quần áo chỉnh tề, tươm tất ra khỏi nhà lúc bẩy giờ và về nhà lúc sáu giờ ba mươi phút. Cả tầng bẩy trong chung cư này đều đi và về như nhau. Ngang qua nhau, gật đầu, rồi các cánh cửa đóng sầm lại. Căn hộ 907 cũng đã đóng cửa.

Tôi cố ăn hết bát cơm chan canh và đậu rán. Ly nhắn tin “Tối nay mình gặp nhau nhé!” Tôi móc ví. Số tiền vài trăm nghìn còn lại không biết có đủ cho tôi chi tiêu trong những ngày chờ việc sắp tới không. Nhưng đủ để mời em ngồi uống nước ở quán ven hồ.

Tôi đón Ly dưới cổng căn nhà năm tầng. Ông chủ nhà ra mở cửa, nhìn tôi nhếch mép cười. Ly ngồi sau, choàng tay ôm vai: Hôm nay em mời anh ăn. Em vừa bán được một lô quần áo cho khách trên mạng, lãi một triệu. Dạo này nhìn anh gầy và xanh xao quá. Tôi nói anh mới nghỉ việc. Ly tròn mắt, công việc đang tốt thế sao anh lại bỏ? Tôi bảo tôi sợ mài quần trên chiếc ghế màu xám. Ly nhìn tôi. Cái nhìn xa xôi.

Mấy ngày sau đó chúng tôi không gặp nhau. Tôi đến nơi Ly ở mấy lần nhưng đều chỉ nhận được cái cười thương hại của ông chủ nhà. Tôi đến quán massage trong ngõ chợ, họ nói em không còn ngồi đợi khách ở đây nữa.

Tôi cho xe trôi trên đường phố, không biết dừng nơi nào. Dòng xe nuốt chửng tôi. Thành phố bao vây tôi. Trăm ngõ nhỏ mà sao tôi không tìm thấy một con ngõ thân thuộc.

*

Tôi nhận làm công việc dọn nhà theo giờ. Công việc đơn giản chỉ cần đến đúng địa chỉ nhà chủ thuê và lau dọn nhà cửa. Hết giờ ra về và nhận tiền công. Ban đầu tôi hơi lo lắng nhưng thấy cũng không ai để ý đến mình. Ở thành phố này người ta không có thời gian và thói quen quan tâm tới người khác.

Một ngày tôi nhận làm cho nhiều căn nhà. Lần này là địa chỉ… tại chính khu chung cư của tôi. Căn hộ số 907...

Đôi dép tổ ong màu xanh để phía ngoài cửa. Bà cụ trùm khăn nhung tím ngồi bên bàn trà. Giọng nói ôn tồn phía đối diện. Tôi nghĩ chắc bà cụ đang tiếp vị khách quen thuộc của mình. Tôi nhấn chuông. Một hồi lâu không thấy bà cụ đứng lên đón khách. Tôi nhấn chuông lần nữa. Bà cụ vẫn ngồi yên chỗ cũ. Tôi bước vào nhà cất giọng. Bây giờ bà cụ quay mặt ra. Gương mặt bà lạ lẫm, đôi mắt cố mở to hết cỡ. Cứ như thể lần đầu bà nhìn thấy khách vào nhà. Tôi nói cháu được thuê đến dọn nhà. Bà cụ gật gật đầu, đứng dậy mời tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ phía đối diện. Chén trà trên bàn đã nguội ngắt.

Bàn trà của bà kê sát ô cửa sổ nhìn ra một khu vườn nhỏ để chậu hoa và cây cảnh. Tôi không đủ thời gian ngồi uống trà. Bà đi theo tôi lên từng phòng, miệng lẩm bẩm những câu nghe không rõ. Xong việc, tôi chào bà ra về. Bà nhìn tôi: Thế mai có qua nữa không? Tôi gật đầu. Bà già cười.

 Một chén trà mới được rót ra, đặt phía đối diện, mùi thơm thoang thoảng...

*

Lần này tôi đến sớm hơn để nhận tiền công từ vợ chồng chủ căn hộ. Đó là đôi vợ chồng trẻ với hai đứa con. Họ thanh toán tiền rồi vội vã ra khỏi nhà. Chỉ còn bà cụ. Chưa thấy vị khách của bà đến. Bà đặt tích trà vào quả dừa, theo tôi lên gác, tỉ mẩn nhặt nhạnh những đồ dùng rơi vãi cho gọn vào túi bóng. Chắc bà tiếc không nỡ vứt đi. Xong xuôi, bà lại ngồi vào bàn, kéo tay tôi xuống ghế: Uống với tôi một chén trà. Tích trà còn nóng hổi. Bà rót ra chén, tay run run. Bà cụ nhìn tôi định hỏi gì đó rồi lại nhìn ra ngoài khu vườn. Chén trà trên bàn bốc khói thơm ngát. Tôi nhấp một ngụm. Vị trà chan chát đầu lưỡi rồi ngòn ngọt cổ họng, lan dần cơ thể một cảm giác sảng khoái… Lâu lắm rồi tôi không uống trà. Tuổi trẻ quen cà phê, bia và rượu. Điện thoại gọi. Tôi vội vã đi ngay.

Mùi trà thoang thoảng…

*

Ngày cuối cùng tôi dọn nhà cho căn hộ 907. Không còn đôi dép tổ ong màu xanh ngoài cửa. Vị khách của bà không tới? Bà mời tôi ngồi vào chiếc ghế đối diện. Tay run run nhấc chiếc tích trong quả dừa rót một chén trà. Tôi nhấp một ngụm, khen trà ngon. Bà cụ cười hiền, khoe hàm răng đen xỉn. Bà hỏi nhà tôi ở đâu. Cha mẹ còn không? Nhà có mấy anh, chị em? Tôi nói cháu ở quê lên. Bà bám chặt tay, mắt rưng rưng. Bà bảo bà cũng ở quê, cả đời bà tưởng gắn với quê. Nhưng bà chỉ có một người con trai. Bà phải theo lên trên này. Cũng vì thương con, cho con yên tâm làm ăn không phải suy nghĩ về mình lại được gần con, gần cháu nên bà đồng ý theo con lên đây ở. Bà lạ lẫm với mọi thứ trong nhà. Từ chiếc tivi, tủ lạnh, bếp từ... Cả không gian im ắng và trật hẹp này nữa. Chuông điện thoại reo. Tôi lại vội vã hòa vào dòng người.

Tôi chạy dài với những đợt thuê làm liên tiếp. Mỗi lần ngang qua căn hộ 907 tôi đều thấy bà cụ ngồi bên chiếc bàn gỗ kê sát cửa sổ. Không thấy giọng nói trong căn phòng. Chắc bà đang đợi khách tới.

Ly gọi điện bảo muốn gặp tôi. Chúng tôi hẹn nhau ở quán cũ như mọi lần. Ly bảo lâu không gặp, nhìn anh gầy nhưng có vẻ gì đó bình an hơn. Tôi cười. Còn tôi thấy em xinh đẹp hơn, nói năng lưu loát hơn và cũng xa xôi hơn. Ly im lặng một lúc rồi mỉm cười. Cuộc sống luôn phải thay đổi cho kịp anh ạ. Tôi hỏi gã chủ nhà trọ đã tìm được chỗ cho em mở salon chưa? Ly bảo gã tìm lúc nào cũng được chỉ chờ em đồng ý. Đó chẳng phải là mong ước của em sao? Nhưng gã bảo với điều kiện em phải là người tình của gã, chỉ được đợi một người khách là gã. Tôi lặng im. Gió từ hồ ùa vào, bay bay những cọng tóc vàng óng dưới ánh trăng.

*

               Căn hộ 907 cửa không mở. Không có đôi dép tổ ong màu xanh ngay ngắn ngoài cửa. Chắc vị khách của bà hôm nay không đến. Không khí im ắng bao trùm. Tôi mệt mỏi về phòng, vùi mặt vào gối ngủ.

               Cửa căn hộ 907 vẫn không mở. Tôi đứng lặng phía bên ngoài. Hình dung đôi mắt bà cụ và nụ cười ấm áp. Hương trà thoang thoảng thơm.

               Những ngày sau nữa tôi vẫn ngang qua căn hộ 907 nhưng cửa không còn mở. Đôi dép màu xanh phía bên ngoài cũng không có. Không còn nghe tiếng người thân tình, không còn mùi trà thơm ngát. Chỉ có tiếng bước chân người vọng vang, tiếng cánh cửa đóng sầm lại. Tĩnh mịch.

               Lần này chủ căn hộ 907 trong chính khu chung cư tôi đang ở lại yêu cầu tôi tới dọn dẹp. Tôi đến từ sớm. Căn phòng đóng cửa. Tôi nhấn chuông. Ra mở cửa là một người đàn ông gầy gò, nước da trắng mà đã mấy lần tôi cùng chung thang máy. Anh chỉ tôi dọn hết những thứ trong căn buồng ở tầng trệt. Đó là căn buồng nhỏ kê một chiếc giường đơn với chăn gối gấp gọn gàng. Vài thứ vật dụng cũ kỹ. Trong góc, những chiếc bao tải buộc gọn gàng: Bao đồ chơi bằng nhựa của trẻ con đã hỏng, bao quần áo cũ, chồng giấy báo, túi nilon, bao đựng lon bia, chai nhựa… Cứ như căn buồng của một người chuyên nhặt nhạnh đồng nát. Người thanh niên nhìn tôi: Cậu mang đi hết giúp. U tôi gom mọi thứ vứt đi bảo để mang về quê. Nhưng nay bà mất rồi.

               Tôi im lặng. Bà cụ mất rồi sao? Mẹ tôi bị bệnh nặng, bà chỉ muốn an nghỉ ở quê.

               Tôi thu dọn những đồ dùng đã cũ ra khỏi nhà.

  • Còn cái này nữa, anh mang đi giúp tôi!

               Một chiếc đài bán dẫn nhỏ được đặt ngay ngắn trong chiếc hộp gỗ trên ô cửa sổ. Tích trà vẫn nằm trong quả dừa khô ngả màu nâu sậm. Hai chiếc chén trên bàn lăn lóc… Tôi thấy bà cụ ngồi cạnh bàn, tay run run rót nước trà. Mùi trà thơm ngát. Mắt bà như cười. Bà kể chuyện ở quê bà. Chuyện trồng rau, cấy lúa, chuyện những cô gái làng muộn chồng… Câu chuyện cứ thế kéo dài cho tới khi hai chén trà trên bàn đã cạn.

               Cánh cửa đóng sầm lại. Không gian im ắng.

               Tôi bật đài. Một giọng nói đàn ông ấm áp và thân tình. Lát sau là giọng nữ, nhẹ nhàng, thánh thót… rồi đến giọng trẻ con ngây thơ và hồn nhiên. Đã lâu rồi tôi mới được nghe tiếng người ấm áp và thân tình như thế.

               Mỗi lần ngang qua, tôi vẫn nhìn vào căn hộ, hình dung ra bà già trùm khăn nhung tím ngồi bên bàn trà đợi khách. Tôi muốn ghé vào, ngồi xuống chiếc ghế, chậm rãi nhấp từng ngụm trà thơm ngát, mặc ngoài kia mọi thứ vội vàng trôi…

               Ly đến. Nhìn em gầy và xanh. Em ngả đầu vào vai tôi, khe khẽ: Mai chúng mình về quê anh nhé. Em nhớ quê lắm. Tôi gật đầu. Ừ. Mai chúng mình về quê.

Nguồn Văn nghệ 3+4+5/2020

                                                                                                      


Có thể bạn quan tâm