April 24, 2024, 8:15 am

Đồi cây đón Bác

KỶ NIỆM LẦN THỨ 62 NGÀY BÁC HỒ PHÁT ĐỘNG “TẾT TRỒNG CÂY” (XUÂN 1959-2021)

Cụ Nguyễn Tạo, một cán bộ cách mạng kỳ cựu, lúc sinh thời đã hàng chục năm được Bác Hồ giao trọng trách: Thứ trưởng Bộ Nông Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp. Là “Tư lệnh” của cả một ngành kinh tế quan trọng, nhưng khi nói về công việc của mình, cụ chỉ nói: “Mình làm nghề rừng”. Về nghỉ hưu, cho đến tuổi ngoài 90, cụ vẫn tỏ ra hết sức yêu “nghề rừng”, thường kể những mẩu chuyện về mối quan tâm của Bác Hồ trong việc “Trồng cây gây rừng”, nhất là từ khi Người phát động “Tết trồng cây” (tháng 11 năm 1959). Suốt 10 năm trời, cho đến ngày Bác vĩnh viễn đi xa, cụ thường xuyên được Người gọi lên báo cáo và nhận chỉ thị trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô (16/11/1959) Ảnh TTXVN

Câu chuyện đầu tiên mà cụ kể cho tôi nghe tại nhà riêng của cụ ở phố Lò Đúc, Hà Nội là cuộc gặp Bác vào ngày 27/12/1968 để báo cáo với Người về kết quả trồng cây của cả năm đó. Cụ Nguyễn Tạo thưa với Bác:

- Từ tháng 11 năm 1959, Bác phát động “Tết trồng cây” đến nay, ngành Lâm nghiệp và các cấp Đảng bộ, chính quyền của các tỉnh, huyện, xã đã lấy Tết trồng cây của Bác làm ngày mở đầu cho việc trồng cây suốt năm và việc trồng cây đã trở thành một “mỹ tục” của toàn dân. Năm 1959, mới có độ 100 hợp tác xã chú ý trồng cây, nay đã có 12.000 hợp tác xã trồng cây, phần lớn đã thực hiện trồng cây “4 tốt”. Năm 1959, chỉ có 16 vườn ươm của Nhà nước, nay riêng hợp tác xã đã có tới 15.000 vườn ươm, có vườn ươm rộng hai, ba héc ta. Tính đến hết năm 1968, toàn miền Bắc đã trồng được gần 40 vạn héc ta. Nếu tính mỗi héc ta có 2000 cây thì tổng số cây đã trồng được là 800 triệu cây.

Nghe tới đó, Bác Hồ nhìn cụ, hỏi:

- Chú có “khuyếch đại” không đấy? Chắc chú chỉ tổng kết trên báo cáo chứ gì?

- Thưa Bác, theo báo cáo của các địa phương cộng lại thì đã trồng được 60 vạn héc ta. Cán bộ của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Tổng cục Lâm nghiệp đã đi thống kê số cây trồng các tỉnh và thấy ở hợp tác xã cũng như các lâm trường quốc doanh, số cây trồng bị mất nhiều. Phần do không bảo vệ tốt để cây chết, phần do bị chặt phá và phần khác do bom đạn của giặc Mỹ tàn phá. Ở phía nam tỉnh Quảng Bình, các dải rừng chống cát bay hầu như bị bom phá trụi hết. Một số tỉnh như Hòa bình, trâu bò thả rông, phá nhiều khu rừng trồng. Cho nên, cháu chỉ tính còn độ 60% tổng số cây trồng theo báo cáo thôi ạ!

Bác nghe xong, lại hỏi:

- Thế chú có tính cây sú vẹt không?

- Thưa Bác, ngành lâm nghiệp vận động trồng cây sú vẹt chống sóng bảo vệ đê biển nhưng không tình số lượng cây này, vì cũng không đếm xuể ạ!

Bác cười nói:

- Bác xuống Nam Định nghe báo cáo kế hoạch trồng cây. Bác hỏi: “Các chú có tính cả cây sú vẹt vào đó không?” Chú phụ trách trả lời: “Thưa Bác, có ạ!”. Đấy, chú không thường xuyên đi xuống cơ sở thì họ tính cả cây sú vẹt cho chú đấy!

Bác còn hỏi cụ thể tình hình trồng cây ở một số địa phương như hợp tác xã Đô Lương (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) và dặn nên lập một xưởng rèn cho hợp tác xã. Cuối cùng, Bác dặn cụ Nguyễn Tạo sẽ lên góp ý kiến cho bài báo mới của Bác. Cụ nói: “Được gặp Bác, báo cáo với Bác hết về công tác trồng cây, tôi thấy phấn khởi vô cùng khi biết Bác lại viết bài báo về Tết trồng cây lần thứ tám. Các báo sẽ đăng, sẽ nói nhiều về trồng cây. Các cấp Đảng bộ và chính quyền sẽ phải hết sức chú trọng tới công tác trồng cây. Đó là một vũ khí sắc bén cho ngành Lâm nghiệp, một sức mạnh lớn lao, thúc đẩy phong trào trồng cây của toàn dân”. Cụ Nguyễn Tạo nói tiếp: “Nhưng điều phấn khởi nhất đối với tôi là được thấy Bác vẫn vui tươi, sáng suốt, mặc dù sức khỏe có giảm sút, chân trái và tay trái của Bác bị yếu. Tôi nghĩ, tiếng cười tươi vui của Bác là niềm phấn khởi của cả dân tộc, trí sáng suốt của Bác là ánh sáng cho đất nước.

Sáng ngày 1/2/1969, ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác, đã gọi điện mời cụ Nguyễn Tạo lên gặp Bác. Bác bảo ông Kỳ đọc bản thảo bài báo Tết trồng cây và nói cụ Tạo góp ý kiến. Cụ Tạo đề nghị: Xin Bác ghi: “Tết trồng cây là ngày mở đầu cho việc trồng cây cả năm” vì ở ta đến tháng 3 và tháng 7 mưa nhiều, trồng cây mới chắc sống. Bác đồng ý. Tôi lại xin Bác nhận cho: “Tết trồng cây đã thành một “mỹ tục” của toàn dân ta”. Bác đồng ý, nhưng sửa lại “đã thành một tục lệ tốt đẹp của nhân dân ta” và Bác dặn: “Tiếng nói, chữ viết của dân tộc ta rất giàu, rất đẹp, nếu thiếu thật mới đi mượn của nước ngoài, các chú cần chú ý”.

Trong cuộc gặp này, Bác hỏi về công sá cho các cụ già trồng cây, về gỗ hoàng đàn và sau cùng Bác hỏi:

- Tết năm nay, chú có định mời Bác đi trồng cây ở đâu không?

- Thưa Bác, năm 1964, Bác đi thăm xã Vinh Quang (Phú Thọ). Buổi trưa nghỉ chân, Bác ăn cơm trên một đám đồi hoang ở xã Chu Mật, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây, Bác có nhắc Sơn Tây trồng cây. Nay các cụ ở Vật Lại đã trồng một đồi cây, đặt tên là “Đồi cây đón Bác Hồ” và những quả đồi của các xã xung quanh, cây cũng lên xanh tốt, cháu muốn Bác đi thăm các đồi cây của xã Vật Lại”.

Và Tết năm đó - Tết Kỷ Dậu (1969), Bác đã đến thăm và chúc tết nhân dân xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây cũ). Người cùng nhân dân xã Vật Lại khai xuân trồng cây trên đồi Vật Lại. Buổi trưa, dưới bóng cây bạch đàn trên đồi Vật Lại, Người thân mật nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương. Người nói: “Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới, nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Sau khi cùng cán bộ, đồng bào địa phương trồng cây, Bác hỏi Chủ tịch và Bí thư Đảng ủy xã.

- Thế bây giờ các chú có mời Bác ăn Tết không?

Hai người vui vẻ nói:

- Thưa Bác, chúng cháu đã chuẩn bị, xin mời Bác.

Bác cười bảo:

- Nhưng thôi, cảm ơn các chú, Bác không ăn. Chú Kỳ đã lo cơm Tết cho Bác rồi. Bác mời Chủ tịch, Bí thư và cô Phó chủ tịch cùng ăn cơm với Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở đây. Chú Kỳ và chú Cẩn sẽ đến ăn cơm với xã. Vì sao Bác không ăn cơm của các chú, chú Kỳ sẽ nói.

Trên ngọn đồi mang tên “Đồi cây đón Bác” ở Vật Lại, Bác, ông Nguyễn Lương Bằng và những người được Bác mời đã dự bữa cơm Tết cuối cùng của Người được bày trên chiếc chiếu trải giữa mặt đất, có đủ bánh chưng, giò, thịt mỡ, dưa hành, lại có cả canh nóng...

Ăn xong, Bác ngả lưng xuống chiếc chiếu giữa thảm cỏ, nhường chiếc giường xếp của mình cho ông Bằng và cháu Lộc (là con trai của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ).

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 

         

 

                                                   


Có thể bạn quan tâm