April 19, 2024, 8:36 pm

Đọc Sớm mai con vào lớp ba, nhớ Y Phương

Bài thơ Sớm mai con vào lớp ba của nhà thơ Y Phương in trong tập Đàn Then, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1996, có lời đề từ Tặng con gái yêu. Nguyên văn như sau:

 

Sớm mai con vào lớp ba

            Tặng con gái yêu

 

Lớp ba đằng sau nhà ta

Leo hết dốc là con đến lớp

Đêm nay cha chong đèn ngồi thức

Làm cách nào để dốc thấp hơn

Không rắn rết không gai góc bất chợt

dọc đường

Nhưng có điều làm cha lo hơn tất cả

Người bây giờ...

Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con

Cô lỡ quát, về với cha hãy khóc

Con có đói, áo con có rách

Đừng xấu hổ con ơi cứ đi mà học

Chữ của người đời không phân biệt

giàu nghèo

Không phân biệt sang hèn nhưng cha hiểu

Con nhà giàu chẳng dễ gì theo

Cha chỉ là nhà văn, mẹ con là nhà giáo

Quanh năm suốt tuần chờ lương mua gạo

Đong đếm từng ngày

Nhân nghĩa đủ cho con

 

Sớm mai con vào lớp ba

Lớp ba đằng sau nhà ta

Leo hết dốc là con đến lớp...

Cao Bằng 1988

Đây là một bài thơ hay về chủ đề giáo dục, là câu chuyện đến trường được diễn dịch qua những câu thơ tự sự chân thực, sâu đậm triết lý nhân sinh.

Nỗi niềm của người cha trước ngày con vào lớp ba

Sớm mai con vào lớp ba

Lớp ba đằng sau nhà ta

Leo hết dốc là con đến lớp.

Con đường đến lớp của con ngày khai trường vui dẫu nhiều khó khăn dậy lên trong lòng người cha nỗi lo và trách nhiệm:

Đêm nay cha chong đèn ngồi thức

Làm cách nào để dốc thấp hơn

Không rắn rết không gai góc bất chợt

dọc đường

Câu thơ như có vẻ ngoa ngôn (nói theo ngôn ngữ hiện đại là chém gió) mà thực đến sót lòng. Nhưng đấy chưa là gì so với những nỗi lo trước “hiện thực” không đẹp ở trường học: Nỗi lo về việc học, về tình người, về tình bạn bè, tình thầy trò và sự phân biệt giàu nghèo… Nhà thơ không lên án mà chỉ khuyên nhủ, chỉ ra cách ứng xử có văn hóa, có đạo lý:

Đừng cãi nhau đừng đánh nhau nghe con

Cô lỡ quát, về với cha hãy khóc

Và:

Con có đói, áo con có rách

Đừng xấu hổ con ơi cứ đi mà học

Chữ của người đời không phân biệt

giàu nghèo

Không phân biệt sang hèn nhưng cha hiểu

Trên tất cả là tình yêu thương, trách nhiệm của cha mẹ dành cho con. Đó là điểm tựa, là căn nguyên để con đi lên. Câu thơ “chốt hạ”: “Nhân nghĩa đủ cho con” làm toàn bài thơ sáng rực lên.

Khổ thơ kết được nhắc lại: “Sớm mai con vào lớp ba/ Lớp ba ở sau nhà ta/ Leo hết dốc là con đến lớp” như mở ra con đường đi học dày lên lớn lên theo thời gian cả về chữ nghĩa và nhân nghĩa.

Y Phương có nhiều bài thơ hay xứng đáng được tuyển vào sách giáo khoa Ngữ văn. Bài thơ Nói Với Con đã được đưa vào sách Ngữ văn lớp 9, giảng cùng bài Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh đã hơn hai mươi năm. Nay xin giới thiệu thêm bài Sớm mai con vào lớp ba

*

Giữa tháng Tám vừa rồi, cháu Nhuệ Anh, con gái nhà thơ, “nhân vật” trong bài thơ Nói Với ConSớm mai con vào lớp ba đưa mẹ từ Hà Nội về Cao Bằng. Trong câu chuyện, tôi có bảo cháu về Hà Nội sang Tạp chí Nhà văn và cuộc sống xin tờ Tạp chí số mới có bài của tôi viết về nhà thơ Y Phương. “Cháu đem về đặt lên bàn thờ cha”… Trong mạch hồi tưởng, tôi đọc bài Sớm mai con vào lớp ba một cách say sưa. Vừa dứt, nhà văn Đoàn Ngọc Minh trách: “Anh làm cháu Nhuệ khóc rồi!”. Tôi nhìn ra phía Nhuệ Anh ngồi, chỉ thấy bóng cháu nức nở sau tấm rèm mỏng. Tôi bảo với Minh “Cứ để cháu khóc”.

Hôm sau, nhà văn Văn Giá cùng gia đình nhà thơ Thâm Tâm lên Cao Bằng trao học bổng cho học sinh từ quỹ học bổng Thâm Tâm vừa được thành lập. Trong câu chuyện ở Sở Giáo dục - Đào tạo Cao Bằng, tôi kể cho Văn Giá nghe câu chuyện đọc thơ. Văn Giá mở điện thoại, đọc xúc động bài Sớm mai con vào lớp ba. Xong bảo: “Nhuệ Anh vừa chia sẻ trên facebook”, và quả quyết: “Đây là bài thơ vào sách giáo khoa Ngữ văn chứ còn tìm ở đâu nữa”…

Các nhà văn, nhà thơ của Hội nhà văn Việt Nam cần “tích cực”, “nhiệt tình”, “trách nhiệm” trong việc chọn, giới thiệu những bài thơ, bài văn hay vào các “Văn Tuyển”, đặc biệt là vào Sách Giáo khoa để giảng dạy cho học sinh các thế hệ sau, bởi bên cạnh chức năng sáng tác, họ cũng là những người có năng lực cảm thụ và thẩm định những tác phẩm mà đồng nghiệp của mình đã viết ra, dù rằng với việc này, Hội nhà văn Việt Nam lâu nay dường như vẫn “chẳng có vai trò” gì!.

Nguồn Văn nghệ số 41/2022


Có thể bạn quan tâm