March 28, 2024, 5:31 pm

Đóa hoa anh đào trong tuyết lạnh

NHÂN KỶ NIỆM 50 NĂM CHÍNH THỨC THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO VIỆT NAM – NHẬT BẢN (1973-2023)

Tháng 8 năm 1973, tôi được cơ quan Bộ Y tế cử đi học lớp tiếng Nhật ngắn hạn 2 năm tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Lớp có 20 học viên từ nhiều bộ ngành, chủ yếu là anh chị em ngoại giao, công an, hải quan… Có 4 thày giáo Nhật Bản do Đại diện Đảng Cộng sản Nhật cử sang, và 1 thày người Việt dạy dịch.

Hầu hết học viên đều biết tiếng Trung hoặc tiếng Triều Tiên. Lần đầu tiên tôi được tiếp cận với cách học ngoại ngữ trực tiếp, không có phiên dịch, giáo trình hoàn toàn tiếng Nhật. Ngôn ngữ Nhật có đặc điểm âm dính, các từ có nhiều âm tiết, nói rất nhanh. Chữ viết có nhiều loại, từ Hiragana thuần Nhật, Katakana để ghi âm ngoại lai, Kanji như kiểu chữ Hán để kí âm những từ Hán Nhật, và Romaji để ghi cách phát âm. Gần cuối 2 năm, chúng tôi được học nhiều về Nhật Bản và văn hóa Nhật Bản. Trong chương trình có đọc và phân tích một cuốn tiểu thuyết có đầu đề 24 con mắt, mô tả nghị lực phấn đấu vươn lên của 12 học sinh trung học sau chiến tranh. Câu chuyện hấp dẫn và cảm động, giống với chuyện nàng Ô sin mà về sau ta gặp trong phim.

Tôi đã biết tới Nhật Bản với “duy tân” mở cửa, học tập phương Tây từ thời Minh Trị, trở thành một nước công nghiệp hùng mạnh. Tôi biết gót giày xâm lược của phát xít Nhật đã đi gần khắp châu Á. Mẹ tôi kể chuyện năm 45, nhiều người đói lả lê lết trên các phố Hà Nội đi xin ăn. Nhà tôi cũng không dư dật, bữa cơm bữa cháo. Có hai mẹ con lê qua cửa nhà tôi, con bé gầy trơ xương, đôi mắt to chỉ còn lờ đờ. Mẹ tôi múc bát cháo loãng đem cho, bé húp được mấy ngụm rồi lả đi, thương lắm. Có mấy người nằm ngoài cổng trại lính Nhật ở trước Nhà Diêm bị bọn Nhật ra đuổi, không đi được nữa. Một thằng võ quan Nhật chạy ra đá văng mấy người lộn sang bên đường, như những nắm giẻ lăn long lóc. Có bận bọn Nhật ăn nhậu, say rượu ra đường nghêu ngao hát hò, một thằng gục xuống nôn một bãi. Hai ba người sắp chết đói bò tới để liếm bãi nôn, mong có chút gì cứu được họ. Rồi Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông, tiến xuống Triều Tiên và đánh chiếm Sakhalin. Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản thua trận. Ngày 2/9/1945, đại diện Nhật hoàng lên chiến hạm Missouri đang neo đậu tại vịnh Tokyo để ký văn bản đầu hàng đồng minh, cũng là ngày hơn 400 sĩ quan Nhật mang gươm ra ngồi ở quảng trường Tokyo cùng rạch bụng tự sát. Khi tới Hawai, tôi đã được lên tham quan chiến hạm Missouri, nhìn ra cửa vịnh thấy một con tàu nửa chìm nửa nổi, người ta gọi là bảo tàng Trân Châu cảng. Còn đâu những chiếc máy bay “Thần phong” Nhật Bản bay tới tấn công căn cứ này, ném hết bom, bắn hết đạn, cạn xăng để quay về, phi công lao thẳng máy bay vào tàu chiến Mỹ! Bao nhiêu chàng trai Nhật Bản đã bỏ mình để thực hiện giấc mộng Đại Đông Á đại bại. Giấc mộng ngông cuồng đã tan thành mây khói tang thương, để lại quê nhà bao nhiêu con mắt trẻ mồ côi, bao nhiêu Ô sin khốn khổ.

Những năm 70, người ta nói tới 30 năm phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Từ một đất nước tan hoang, thua trận, một dân tộc bị sang chấn tâm lý nặng nề, tang tóc, một đất nước nghèo về khoáng sản và năng lượng, 30 năm sau, Nhật Bản đã phục hồi và phát triển nhanh chóng, tiếp nối tinh thần của cách mạng Minh Trị 1868, đi từ học hỏi, tiếp nhận công nghệ Âu Mỹ đến sáng tạo, xuất khẩu công nghệ.

Trong xã hội công nghiệp, Nhật Bản là nước đến sau, đạt GDP đầu người 200 USD chậm 100 năm sau các quốc gia Âu Mỹ, thế mà đến năm 1975 đã trở thành nước công nghiệp phát triển. Những năm 1980, Nhật Bản đã vượt qua nhiều đối thủ lớn, trở thành thành viên của nhóm G7 có ảnh hưởng quyết định đến kinh tế thế giới, mở rộng ảnh hưởng kinh tế trên phạm vi toàn cầu

Trong toàn cầu hóa và xã hội thông tin, Nhật Bản lại là một nước đi trước. Nhật Bản tập trung phát triển các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ môi trường, công nghệ mềm… Đức tính kỷ luật, lòng tự hào dân tộc kết hợp với tinh thần Minh Trị cải cách mở cửa học hỏi phương Tây, đổi mới sáng tạo là những yếu tố làm nên câu chuyện thần kỳ Nhật Bản. Có học giả bảo rằng đó là công nghệ phương Tây với tâm hồn phương Đông.

Từ ngày học tiếng Nhật, tôi có vài lần được phân công làm phiên dịch, biên dịch tài liệu Nhật. Đến những năm 90, Viện tôi trở thành thành viên của Trung tâm Thông tin y học Đông Nam Á (Seamic), tôi lại có dịp làm việc với các chuyên gia Nhật Bản.

Năm 2000, Bộ Y tế Nhật Bản tổ chức một dự án nghiên cứu quốc tế do chính phủ tài trợ. Dự án lựa chọn Viện tôi và một viện nghiên cứu ở Nai-rô-bi (Kenia) làm đối tác hợp tác. Dự án tiến hành trong 3 năm, và thế là cứ đến cuối tháng 12, tôi lại sang Nhật báo cáo kết quả và thống nhất tiến độ tiếp theo. Ngày ấy chưa có điện thoại di động roming quốc tế, internet ở Việt Nam mới phát triển, mọi thông tin qua lại đều qua email cơ quan. Lần đầu đến Nhật Bản cũng có đôi chút hồi hộp, nhưng giáo sư Hasegawa, trưởng nhóm Nhật Bản gửi email dặn tôi rất kỹ, trình tự những việc cần làm. Thế là tôi lên đường, bay đến sân bay Narita đã quá nửa đêm. Nhập cảnh xong ra sảnh ngoài đã thấy một cô gái cầm bảng viết tên tôi đứng chờ. Chào hỏi vài câu, cô dẫn tôi đi theo ra chỗ đỗ taxi và bảo đứng đúng chỗ này chờ sẽ có một xe taxi cá nhân tới đón. Rồi cô ta đi mất. Nhiều xe đã đi qua, tôi đã hơi sốt ruột, nhưng biết hỏi ai bây giờ? Lát sau có một xe tới đỗ trước mặt tôi, bác tài đưa ra một tờ giấy và hỏi tên tôi với một nụ cười thân thiện rồi ra hiệu mời tôi lên xe. Xe chạy, tôi chủ động nói chuyện bằng tiếng Nhật, làm bác tài hơi ngạc nhiên. Nhưng câu chuyện vẫn tiếp tục làm ngắn mấy chục cây số về khách sạn. Hai bên đường tuyết đóng thành từng đống trắng xóa. Bác tài bảo mấy hôm nay, chiều nào cũng có tuyết rơi nhiều. Tới khách sạn cũng không có ai đón, chỉ có tiếp tân hỏi tên và đưa chìa khóa phòng. Những lần đi công tác nước ngoài, tôi đều có người đón tiếp, dẫn đi làm thủ tục, dặn dò chu đáo. Còn lần này đến Nhât thì tất cả diễn ra như được lập trình, rất kỷ luật, nhưng cũng rất tỉ mỉ và chu đáo...

Buổi chiều, giáo sư Hasegawa tới đón tôi, hỏi thăm về chuyến đi, rồi lái xe đưa tôi về Trung tâm nghiên cứu của Đại học Y tế Quốc tế Nhật Bản, nằm ở tỉnh Tochigi, cách Tokyo hơn 150 km về phía bắc. Những quả đồi, những cánh đồng hai bên đường đều trắng xóa một màu tuyết lạnh. Bầu trời xám và tối dần, chỉ còn thấy loáng thoáng những bông tuyết bay vụt qua hai bên cửa xe… Trời tối hẳn, xa xa phía trước có một thị trấn đèn sáng mờ ảo trong mưa tuyết. Xe dừng trước cửa một nhà hàng. Chúng tôi được dẫn vào một phòng nhỏ có lò sưởi truyền thống ở đầu phòng, lửa đang tí tách reo. Rồi rượu sake hâm nóng, các món ăn Nhật... Một cô gái trẻ xinh xắn là sinh viên đi làm thêm ở quán, luôn khép nép đứng ở góc phòng phục vụ bàn chúng tôi. Chúng tôi xong bữa, uống chén trà nóng và chuẩn bị ra xe. Bà chủ quán biết tôi là người Việt Nam, liền bảo: “Xin hai ông đợi chút!” rồi đi vào phía trong gọi cô gái phục vụ bàn. Lát sau, cô gái ra, hai tay bưng một chiếc khay nhỏ, trên đặt hai nhành hoa anh đào tươi. Bà chủ nâng nhành hoa đưa cho tôi và giáo sư Hasegawa với lời chúc phúc. Cầm nhành hoa trên tay, tôi chợt nghĩ hoa giả mà thật thế sao, liền khẽ bấm cuống hoa. Đoan cuống đứt rời, chút nhựa hoa dính vào ngón tay tôi. Hoa thật!

Khi ra tới sảnh chờ bên ngoài, tôi mới khẽ hỏi giáo sư Hasegawa tại sao lại có hoa anh đào nở vào mùa đông. Ông bảo đó là thành quả của công nghệ sinh học Nhật Bản. Công nghệ đã làm thay đổi cuộc sống hằng ngày, có thể biến những ước mơ viển vông, những điều tưởng như không thể trở thành có thể. Tôi nhớ đến lời bài hát Nhật Bản Anh đào mùa đông, rằng anh đào chỉ nở vào mùa xuân, khi tuyết đã tan hết, mà ta lại mơ thấy cánh anh đào bay trong tuyết lạnh. Cuộc đời như trò may rủi, chờ cả mùa xuân chẳng gặp nhân duyên, chỉ thấy nụ cười cay đắng. Mùa đông rồi mới gặp nhau đây, như cánh anh đào nở trái mùa, chẳng nên xấu hổ, vì anh đào đã thầm nở trong nhau. Giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực trong nhành hoa anh đào tươi đang nở trên tay tôi giữa một ngày đông mưa tuyết đầy trời.

Lên xe đi tiếp trên con đường mùa đông lạnh lẽo, nhưng tôi thấy ấm áp như giữa một ngày xuân. Ấm vì hơi rượu sake, vì ngọn lửa tí tách trong phòng, vì đôi má ửng hồng của cô gái, hay vì đóa anh đào đang nở trên tay tôi? Giấc mơ đẹp về anh đào mùa đông, khát vọng của những đôi mắt trẻ thơ, những nàng Ô sin ngày ấy đã làm nên câu chuyện thần kỳ Nhật Bản mấy chục năm trước. Tôi tin rằng Nhật Bản sẽ còn viết tiếp những câu chuyện thần kỳ…

Cánh hoa anh đào bay trong trời đông lạnh, như vờn trong hoa tuyết, để rồi rơi xuống vai ai, để rồi rơi xuống tay tôi.

Nguyễn Tuấn Khoa

Nguồn Văn nghệ số 22/2023


Có thể bạn quan tâm