March 29, 2024, 6:21 am

Định hướng, mở đường phát triển của văn học, nghệ thuật trong tình hình mới

 

Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự kiến diễn ra vào ngày 24/11/2021 được ví như “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa”. Hội nghị tập hợp các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu trong cả nước nhằm "hiến kế", đưa ra những định hướng lớn cho một chặng đường xa về sự phát triển của văn hóa nước nhà. Trước thềm diễn ra Hội nghị, Văn nghệ xin giới thiệu bài phỏng vấn Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Phóng viên (PV): Với tư cách là một nghệ sĩ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, đồng chí đánh giá như thế nào về Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào tháng 11 này?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Vào những ngày này, cách đây đúng 75 năm, ngày 24 tháng 11 năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã diễn ra tại Nhà hát Lớn, Thủ đô Hà Nội.

Tại Hội nghị lịch sử đó, trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn giới văn nghệ sĩ và nêu lên những ý kiến của mình về công tác văn hóa, văn nghệ.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (Việt Bắc - 1948) đã thể hiện sự phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng được khởi xướng từ Đề cương về Văn hóa, văn nghệ năm 1943. Trong bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã nêu ra ba phương hướng có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, đó là: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Đây là một mốc son lớn trong lịch sử văn hóa, văn nghệ Việt Nam.

Đảng ta đã nhận rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là nhận ra yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để tầng lớp tinh hoa này của dân tộc đem tài năng, trí tuệ và tình yêu nước của mình phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đảng đã giương cao ngọn cờ chỉ hướng, mở rộng con đường cho hàng nghìn, hàng vạn văn nghệ sĩ cống hiến trọn vẹn tài năng và sức lực, tận hiến cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước của dân tộc ta.

Qua 2 cuộc kháng chiến oanh liệt chống giặc ngoại xâm và trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới, lịch sử dân tộc ta thế kỷ XX đã ghi nhận những thành tựu to lớn của nền văn hóa mới với những đóng góp to lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam, với hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm thực sự trở thành những tượng đài nhân văn được ghi nhận và đánh giá cao ở trong nước và trên trường quốc tế, trở thành “giai điệu tự hào” vang vọng mãi trong tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.

Đường lối Đổi mới của Đảng được chính thức công bố tại Đại hội VI (1986) đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống dân tộc và khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Ngay trong thời gian đầu thời kỳ Đổi mới, giữa lúc đời sống còn đang gặp muôn vàn khó khăn, hàng loạt tác phẩm văn học và nghệ thuật đặc biệt xuất sắc đã ra đời, vừa như tiếng kèn xung trận, vừa như ngọn đuốc sáng tạo, góp phần cổ vũ nhân dân ta đấu tranh không khoan nhượng với những mặt trái của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, với tư duy và quán tính văn hóa của một thời kỳ giáo điều, bảo thủ, cổ vũ cho những nỗ lực, những tìm tòi đổi mới, đưa đất nước từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội.

Trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn hóa, văn nghệ của chúng ta vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới, trong đó, gian nan nhất chính là cuộc lột xác, tự đổi mới bản thân mình để vươn lên xứng tầm với dân tộc và thời đại mà không bị lạc đường, chệch hướng, trong diễn biến phức tạp khôn lường từng ngày, từng giờ của cơ chế thị trường.

Thưa nhạc sĩ, trong Hội nghị này, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ “hiến kế” gì vì sự phát triển của văn hóa nước nhà?

Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói riêng cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm. Với tất cả tinh thần cầu thị và trách nhiệm nghề nghiệp, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sự thật là những thành tựu văn học, nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước và chưa xứng tầm với sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ kính yêu từng gửi gắm và giao phó, nhân dân hằng kỳ vọng. Có thể nhận thấy rõ hơn tình hình trên qua những biểu hiện cụ thể sau đây:

Một là, nền văn học, nghệ thuật chưa phản ánh được thật sinh động và đầy đủ, toàn diện thực tiễn công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật chưa có các công trình và tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng tầm với đòi hỏi của dân tộc và thời đại, có sức sống bền lâu trong lòng công chúng.

Hai là, nền văn học, nghệ thuật của ta chưa hoàn thành được sứ mệnh cao cả là làm ngọn đuốc nhân văn, ngọn đuốc trí tuệ và văn hóa soi lối, dẫn đường cho cộng đồng xã hội trong việc kiến tạo những giá trị và lối sống lành mạnh, tiến bộ. Trong khi những cái đẹp, cái tốt, những cái chân, thiện, mỹ chưa được cổ vũ, chưa được tiếp sức đủ mạnh mẽ, đủ thường xuyên, liên tục thì lại có không ít trường hợp lạc hướng, trực tiếp hay gián tiếp sa vào việc tuyên truyền cho cái xấu, cái lệch chuẩn, cái lạc hậu.

Ba là, nền văn học, nghệ thuật nước nhà có lúc đã tỏ ra lúng túng và bị động trong quá trình hội nhập quốc tế, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân, tăng cường “kháng thể văn hóa” của dân tộc, khiến cho việc tiếp thu ảnh hưởng văn hóa bên ngoài bị sa vào xô bồ, nhất là trong các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, điện ảnh, báo chí, mạng xã hội.v.v... khiến cho môi trường văn hóa, nghệ thuật nước nhà bị xâm thực, nguy cơ “ô nhiễm” khá nghiêm trọng. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có những giải pháp đủ mạnh và hiệu quả để quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế, để văn hóa góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Có thể nói Hội nghị lần này sẽ đưa ra những định hướng lớn cho một chặng đường xa, vì vậy nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vậy các văn nghệ sĩ sẽ kỳ vọng gì vào Hội nghị lần này thưa nhạc sĩ?

Đảng và Nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng, sự quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), ngày 16/7/1998 đã ban hành nghị quyết chuyên đề “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây có thể coi là cương lĩnh văn hóa mới của Đảng, mở đường cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành nghị Nghị quyết số 23-NQ/TW (2008) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Đây là Nghị quyết chuyên đề, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng đối với việc định hướng, chỉ đường, để văn học, nghệ thuật nước nhà tháo gỡ khó khăn, thoát khỏi tình trạng lúng túng, sa sút, vươn lên xứng tầm với nhiệm vụ. Nghị quyết nêu rõ: “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tiếp tục được khẳng định mạnh mẽ trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), năm 2014 của Đảng. Giờ đây, sự nghiệp phát triển văn hóa gắn chặt với sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam và với sự phát triển bền vững của đất nước. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học". Trong đó, “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.”

Để thiết thực đưa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 33-NQ/TW vào cuộc sống, ngày 8/9/2016 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu của Chiến lược là: phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam “trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển những ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.”

 Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

 

Để Chiến lược văn hóa trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đi vào cuộc sống, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, theo nhạc sĩ trước hết các văn nghệ sĩ - những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng sẽ phát huy vai trò tiên phong như thế nào?

Có thể thấy rất rõ rằng, trong thời kỳ Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã luôn đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng sự quan tâm mạnh mẽ và những kỳ vọng lớn lao. Đường lối của Đảng và chiến lược của Nhà nước là đúng đắn, đầy đủ, tuy nhiên, những Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương đúng đắn đó lại chưa thể đi vào cuộc sống một cách trọn vẹn, chưa thấm sâu vào đời sống xã hội để có những tác động và chuyển biến tích cực làm thay đổi diện mạo và chất lượng văn học, nghệ thuật.

Về chủ trương, chính sách của Đảng, để thiết thực đưa tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào thực tiễn, chúng tôi đề nghị cần có một nghị quyết chuyên đề mới của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam. Nghị quyết số 23-NQ/TW được ban hành và thực hiện đến nay đã hơn 13 năm, không còn hoàn toàn phù hợp với tinh thần mới của Nghị quyết số 33-NQ/TW và đặc biệt là tinh thần, nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Hơn nữa, Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng không còn theo kịp với những biến chuyển mau lẹ và to lớn của thực tiễn trong nước và trên thế giới, nhất là sự phát triển và cạnh tranh gay gắt của công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và các loại hình văn học, truyền thông, giải trí mới. Một nghị quyết chuyên đề mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị, do đó, là rất cần thiết trong việc định hướng, mở đường cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật nước nhà trong tình hình mới.

Qua 4 đợt dịch COVID-19 vừa rồi đã có tác động rất lớn đến đời sống nhân dân trong đó có đời sống của các văn nghệ sĩ, để hồi sinh nghệ thuật đã bị đóng băng trong một thời gian dài, đồng thời bồi đắp đời sống tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật cho người dân, theo nhạc sĩ chúng ta phải làm gì? Và từ làn sóng COVID-19, chúng ta rút ra bài học gì trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc?

Nhìn lại chặng đường 2 năm vừa qua (2020 - 2021), trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng và gây hậu quả nặng nề đến nền kinh tế đất nước và các mặt của đời sống xã hội. Thêm nữa, lũ lụt tàn phá tại miền Trung đã làm cho nhiều hoạt động tại khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có các hoạt động văn học, nghệ thuật. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật ngày càng được vận dụng một cách rộng rãi với nhiều hình thức phong phú. Nhờ vận dụng kịp thời và hiệu quả công nghệ chuyển đổi số 4.0, đã đóng vai trò quan trọng góp phần làm giàu thêm nền văn hóa đa dạng, phong phú, có bản sắc riêng. Việt Nam đã và đang phát huy sức mạnh của nền văn hóa truyền thống, mà văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, có sức lan tỏa rộng rãi và nhanh chóng, có thế mạnh quảng bá các giá trị nhân văn của dân tộc và giao lưu với các nền văn hóa trên thế giới. Đại dịch COVID-19 đã thay đổi phương thức hoạt động từ trực tiếp sang trực tuyến. Hoạt động trực tuyến trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bao gồm nhiều buổi hòa nhạc, hội thảo, tọa đàm văn học, các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, biểu diễn sân khấu, chiếu phim… nhiều chương trình, hoạt động từ nhỏ đến lớn, giúp cho cộng đồng gắn kết hơn, và phục vụ một lượng khán, thính giả mới lớn hơn nhiều lần so với thời gian trước dịch.

Trong thời gian qua, nhiều đơn vị đã kịp thời tổ chức các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá phong phú để giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh.

Qua mỗi bước thăng trầm của dân tộc, văn học, nghệ thuật luôn đồng hành và sát cánh cùng nhân dân, đây là dịp ngôn ngữ linh diệu của âm nhạc và thi ca lại vang lên, kết nối - đoàn kết triệu triệu trái tim những người con đất Việt, lan tỏa niềm tin vững chắc vào công cuộc chung tay cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ngăn ngừa, đẩy lùi và sẵn sàng sống chung cùng dịch. Bên cạnh những bản hành khúc hào hùng, cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch, là những giai điệu trữ tình thân thương, chia sẻ những khó khăn, vất vả của các y, bác sĩ, bộ đội, công an…

Các tác phẩm phản ánh công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam; viết về những câu chuyện người thật, việc thật, những việc làm, hành động, nghĩa cử cao đẹp chia sẻ của tập thể, tổ chức, cá nhân trong việc hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ cùng đồng hành, tích cực tham gia phòng, chống và vượt qua đại dịch; khắc họa những tấm gương hy sinh, xả thân, cống hiến cao cả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch như bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế, công an, bộ đội, thanh niên tình nguyện, dân phòng…; tuyên truyền, giáo dục, động viên, cổ vũ tinh thần đoàn kết, mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống tương thân tương ái, những tấm gương sáng hy sinh vì bệnh nhân, đặc biệt là trong giai đoạn toàn dân đồng lòng, đoàn kết phòng, chống dịch COVID-19.

Các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố, trong điều kiện tiết kiệm kinh phí, thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã tổ chức tốt, liên kết với các ban, ngành của địa phương kịp thời tiếp cận thông tin, đi sâu vào từng lĩnh vực, đặc biệt là đi vào tuyến đầu chống dịch, phát hiện những nhân tố mới, những khó khăn trong đời sống và nhu cầu hưởng thụ văn hóa - văn nghệ của cộng đồng, từng gia đình, tổ chức nhiều chương trình trực tuyến quảng bá sản phẩm văn học, nghệ thuật, cung cấp thông tin, qua báo, tạp chí và giao lưu văn nghệ… trong những vùng dịch, công bố kịp thời các tác phẩm về đề tài chống dịch, cổ vũ động viên, phổ biến quy định về phòng chống dịch.

Từ những khó khăn trong mùa đại dịch, từ thực tiễn cuộc sống và chiến đấu với COVID-19, đã phát sinh ra nhiều hình thức sáng tác, trình diễn, công bố tác phẩm văn học nghệ thuật mới, là kết quả của việc ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số trong văn học, nghệ thuật. Nhiều loại hình mới này có tác động đến nhận thức và tình cảm góp phần lan tỏa những thông điệp giá trị trong cuộc sống. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa, các cơ quan truyền thông (đài Truyền hình, đài Phát thanh) cần quan tâm hơn nữa, đặt vị trí văn hóa - văn nghệ là một phương tiện trong công cuộc phòng, chống dịch bệnh, nhằm nâng cao chất lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhằm góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm cộng đồng cùng chung tay kiểm soát và đẩy lùi bệnh dịch.

Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Nguồn: dangcongsan.vn

Kim Thoa ( thực hiện)


Có thể bạn quan tâm