April 20, 2024, 5:38 am

Điều gì đang và sẽ diễn ra trên bán đảo Triều Tiên?

 

Truyền thông Mỹ và phương Tây vẫn còn “lăn tăn”: đối phó với một nhà lãnh đạo mà họ, kể cả ông Trump, chưa biết nhiều, hàm chứa những rủi ro nhất định. Chả thế mà Trump đã không úp mở khi tuyên bố: Nếu nhận thấy thượng đỉnh (Mỹ-Triều) không có khả năng thỏa hiệp thì ông sẽ đứng dậy và “kính cẩn nghiêng mình” rời phòng hội đàm. Thật đúng là lối ăn nói của một dealer-president (tổng thống làm thương vụ). Ông cần vật đánh đổi, cần các phi vụ để làm ăn.

Tháng Tư, 2018 đã về! Chúng ta tiếp tục hướng đến “cột cây số 43” trên “Đại lộ Hòa Giải” (Không gì ngăn được giấc mơ, một ngày nào đó sẽ có một đại lộ, hay một tượng đài như vậy!). Giữa các biến cố đã/đang để lại dấu ấn hàng ngày, có lẽ các sự kiện đang/sẽ xẩy ra trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là những cấp tập trong các thao tác ngoại giao giữa Mỹ, Trung Quốc và hai miền Triều Tiên được quốc tế đề cập tới nhiều nhất. Có điều ngoại giao nước lớn lần này lại bắt đầu từ ngoại giao nước nhỏ, từ những bước đi tưởng là nhỏ. Đầu 2018, ít ai nghĩ bài diễn văn thường lệ chúc mừng năm mới của Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un lại là điểm khởi đầu. Bấy giờ mấy ai nghĩ đến tiến trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chính người cháu đích tôn Cụ cố Kim Nhật Thành sẽ diễn ra trên thượng tầng một chế độ được coi là “đuya” nhất trong số ít ỏi các nước cộng sản còn sót lại. Một số nghiên cứu cho rằng, sức mạnh ghê gớm của “kinh tế thị trường” ở Bắc Triều Tiên đã/đang mở ra cơ hội để bán đảo Triều Tiên có thể rẽ sang đại lộ “Hòa Giải” và “Hòa Bình” mà chính người dân nước Việt chúng ta đã đổ biết bao máu xương mà đến bây giờ vẫn còn là một “Giấc mơ Việt Nam”.

 

Ra thế giới bằng cái gì?

Do tính chất “khép kín” của xã hội Triều Tiên, chúng ta chưa biết được chi tiết và tường tận các tác động của thị trường đã đóng vai trò như thế nào đối với toàn xã hội. Theo giới quan sát tại chỗ, hiện nay, trên toàn quốc, hầu như nơi nào cũng có chợ và nhiều người Triều Tiên đã trở thành các doanh nhân tư nhân. Trong một “chuyển hóa” quan trọng khác, phụ nữ có thu nhập từ các hoạt động thị trường và chị em thực sự đã trở thành trụ cột trong nhiều gia đình. Theo một báo cáo về ngân sách năm 2017 của nhà nước Triều Tiên, chính phủ đã thừa nhận, có một tỷ lệ đáng kể hoạt động kinh tế diễn ra bên ngoài tầm kiểm soát của chính phủ trung ương. Mặc dầu Triều Tiên chưa công khai thừa nhận hoạt động kinh tế tư nhân (Cái này chỉ là vấn đề thời gian!), nhưng chính pủ đã bắt đầu khá cởi mở về các khía cạnh chủ yếu của hệ thống thị trường. Một số nguồn thu ngân sách, như thu nhập của các tỉnh, về cơ bản cho thấy là được tới từ khu vực kinh tế không trực thuộc trung ương. Theo các chuyên gia, một số tỉnh và thành phố kỳ vọng sẽ cân bằng các khoản chi tiêu bằng nguồn thu của chính địa phương và họ còn có thể đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận, các “chuyển hóa” trên đây trong kinh tế và xã hội của đất nước “Thiên lý mã”, cũng như những “thay đổi thế hệ lãnh đạo” ở Bình Nhưỡng đã đủ độ để dẫn tới những biến chuyển trong quan hệ quốc tế giữa quốc gia “khép kín” này với thế giới bên ngoài hay chưa. Dầu sao, Lãnh tụ tối cao Kim Jong-un vẫn còn trẻ (36 tuổi). Chỉ mới đây thôi Tổng thống Donal Trump đã diễu cợt ông là “cậu bé ôm hỏa tiễn” để dọa thế giới. Chúng ta cũng chưa có điều kiện để kiểm chứng các kinh nghiệm của “lãnh tụ thân mến” trong lĩnh vực ngoại giao toàn cầu. Đấy là chưa nói tới, thế giới còn khá mơ hồ về các mục tiêu (gần và xa), cũng như phóng cách đàm phán của ông. Truyền thông của Mỹ và phương Tây vẫn còn “lăn tăn”: đối phó với một nhà lãnh đạo mà họ, kể cả tổng thống Trump, chưa biết nhiều, hàm chứa những rủi ro nhất định. Chả thế mà Trump đã không úp mở khi tuyên bố: Nếu nhận thấy thượng đỉnh (Mỹ-Triều) không có khả năng thỏa hiệp thì ông sẽ đứng dậy và “kính cẩn nghiêng mình” rời phòng hội đàm. Thật đúng là lối ăn nói của một dealer-president (tổng thống làm ăn). Ông cần vật đánh đổi, cần các phi vụ để làm ăn.

Điều có thể thấy rõ nhất, là “dòng họ Kim đệ tam” này ra với thế giới bằng chính những điều thế giới đang cần ở đất nước ông. Thật ra, đây cũng chỉ là một “bí mật công khai” của quan hệ quốc tế ở mọi thời đại, chứ không riêng gì cái thập niên “chủ nghĩa bịp dân” đang thịnh hành trên khắp các châu lục của quả địa cầu này. Các lý luận gia kỳ cựu của môn “Lý thuyết quan hệ quốc tế” đang gồng mình rao giảng về một “kỷ băng hà” trong nền chính trị toàn cầu. Họ lập luận: với Donald Trump, nước Mỹ được một tổng thống “sáng nắng chiều mưa”, có thành tích 30 năm nay liên tục chống lại các cấu trúc chính yếu của trật tự toàn cầu; Còn Vladimir Putin thì chẳng dấu diếm gì việc muốn lật nhào cái trật tự hiện hữu, vì ông tin rằng, nó đe dọa trực tiếp đến đế chế của ông; Chủ tịch suốt đời Tập Cận Bình tuy đang hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu hiện nay, nhưng vị hoàng đế này lại đang tìm mọi cách để thay thế cái vị trí nổi trội và ưu việt của Hoa Kỳ, trước mắt là tại Đông Á. Thế giới đảo lộn là do vậy! Kim Jong-un chắc chắn cũng biết thế. Cho nên có thể vào phút chót, ông quyết định ngừng các vụ thử hạt nhân, thậm chí đổi “phi hạt nhân hóa” để lấy tất cả những thứ ông đang cần.

 

Thế hệ mới - Phong cách mới

Mấy tháng nay, giới quan sát bắt đầu chứng kiến sự xuất hiện một thế hệ mới trong triều đại họ Kim. Biểu hiện rõ nhất là “Lãnh tụ tối cao” cử ngay cô em ruột Kim Yo-jong đến Seoul để tiếp xúc với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhân Thế vận hội mùa Đông tại Pyeong Chang. Việc Kim Jong-un giao cho một phụ nữ trẻ, có thể nói chưa mấy dày dạn kinh nghiệm, một sứ mệnh đặc biệt quan trọng như vậy, đã gây sốc, vì chưa có tiền lệ trong lịch sử đảng Lao Động Triều Tiên. Cô em gái Kim Yo-jong này trước đây đã được gửi sang Thụy Sỹ, học cùng với chính ông và được Kim Jong-un tin yêu nhất. Cô thuộc thành phần có quyền lực lớn nhất ở Triều Tiên, hẳn nhiên là sau ông anh trai, và có thể là sau cả “đệ nhất phu nhân” Ri Sol-ju. Một số nguồn tin thân cận với “triều đình” tiết lộ, chính cô em gái Kim Yo-jong là “nhà thiết kế” vĩ đại đã tìm cách xây dựng và quảng bá hình ảnh của chế độ Kim Jong-un ra trước công chúng. Cũng chính cô Yo-jong chứ không phải ai khác đã khuyến khích mối quan hệ giữa Kim Jong-un với cựu ngôi sao bóng rổ Denis Rodman để làm dịu bớt hình ảnh “sắt máu” của anh trai mình.

Trong lần đi Hàn Quốc mới đây, với dáng vẻ trẻ trung, nét mặt luôn tươi cười và trang phục kiểu phương Tây, cô Yo-jong đã thu hút sự chú ý của thế giới và dành được cảm tình của dân Hàn. Bằng việc đưa cô em gái ra “sân khấu” chính trị, ông Kim muốn nêu bật một thực tế, phong cách của những nhà lãnh đạo chủ chốt hiện nay khác thế hệ cha ông họ trước đây. Việc tấn phong “đệ nhất phu nhân” Ri Sol-ju cũng không ngoài ý đồ này. Việc ông Kim thường xuất hiện cùng vợ trong các buổi tiếp tân là dấu hiệu hoàn toàn khác với thời người cha Kim Jong-il (Kim Chính Nhật) và người ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành). Trong chuyên công du Bắc Kinh đầy kỳ bí vừa qua chẳng hạn, ông Kim cùng đi với vợ, trong khi các “đệ nhất phu nhân” từ các đời trước ít khi được xuất hiện trước công chúng cùng chồng hay được ngồi cạnh chồng. Một khác biệt không thể không nhận ra, là các cô/bà này lại hay mặc Âu phục, chứ không bận bộ “choson-ot” (Hanbok/Hàn Phục). Đặc biệt hơn, chúng ta không thấy “hoàng hậu” Sol-ju và “công nương” Yo-jong đeo các “Huy hiệu Trung thành” với hai di ảnh ông Kim Chính Nhật và ông Kim Nhật Thành mà hầu như người Triều Tiên nào cũng đều phải đeo trước ngực (Những người không đeo các huy hiệu ấy thường bị nghi là muốn lật đổ chế độ!)

 

Bất định vẫn còn phía trước

Hẳn nhiên là vẫn còn hàng loạt các câu hỏi mà câu trả lời vẫn còn bất định. Thứ nhất, liệu thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba vào 27/4 tới đây, sẽ xóa bỏ “khu phi quân sự” (DMZ)? Theo nhật báo Munhwa (Hàn Quốc), Hội nghị Thượng đỉnh Liên Triều tới đây sẽ tuyên bố chấm dứt tình trạng thù địch giữa hai nước. Có 5 địa điểm được tung ra để thăm dò và dự đoán. Các cuộc đàm phán có thể sẽ diễn ra tại một trong những biểu tượng của sự xung đột hai miền Triều Tiên trước đây, đó là tại DMZ (dài 250km và rộng 4km). Tuyên bố chung có thể đưa DMZ về trạng thái ban đầu (mỗi bên sẽ rút quân về phía sau đường DMZ 2km) để giảm căng thẳng giữa hai miền. Thứ hai, “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên sẽ đòi hỏi những điều kiện gì? Vấn đề là các mục tiêu của tiến trình “phi hạt nhân hóa” giữa Bắc, Nam Triều tiên và Hoa kỳ liệu có được các bên diễn giải theo những cách giống nhau hay không. Đặc biệt, liệu Bình Nhưỡng có kiên trì với yêu sách trước đây là Mỹ phải dỡ bỏ chiếc ô hạt nhân mà họ đã đặt ở Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời binh lính Mỹ phải rút khỏi Hàn Quốc như là một phần trong thỏa thuận “phi hạt nhân hóa”. Thứ ba, Triều Tiên và Hàn Quốc có khả năng đàm phán được một thỏa thuận hòa bình hay không? Mặc dầu cả hai nước từng nhấn mạnh thiện chí hợp tác để đạt được một thỏa thuận như vậy, tức là một hiệp định hòa bình để thay thế một lệnh đình chiến đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Nên nhớ, Hàn Quốc không phải là một bên trong “lệnh đình chiến” vốn được đàm phán bởi Bộ Tư lệnh Liên Hiệp quốc do Mỹ dẫn đầu, và hai bên khác là Trung Quốc và Triều Tiên.

Như vậy, để giải quyết “khúc nhôi” nói trên, ngay cả khi Nam Bắc Hàn muốn tuyên bố chấm dứt chiến tranh, động thái này chắc chắn phải trải qua những cuộc đàm phán phức tạp, mà ở đó cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có vai trò không thể thiếu. Trung Quốc hiển nhiên là không để mình bị gạt ra ngoài bất cứ một thỏa thuận/hay hiệp định cuối cùng nào. Đấy cũng chính là tâm điểm của các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Tập Cận Bình với Kim Jong-un (Khi ông Kim về đến Bình Nhưỡng thì báo chí hai nước và thế giới mới có tin công khai về chuyến thăm Bắc kinh của Lãnh đạo Triều Tiên). Lịch sử các cuộc đàm phán về Triều Tiên, dù là song phương hay đa phương (6 bên) đều cho thấy các công cụ đàm phán có vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có “chiến lược quyễn rũ” không thôi thì chưa đủ để đạt được việc dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân. Nhưng một “chính sách răn đe” đơn thuần thì cũng dẫn đến thất bại. Đơn giản là vì không thuyết phục được Bắc Triều Tiên rằng, chế độ họ Kim vẫn tồn tại mà không sử dụng vũ khí hạt nhân. Từ bài diễn văn chúc mừng tân Xuân đẩu năm, thông qua các chiến dịch “đắc nhân tâm”, nay là lúc Kim Jong-un phải thể hiện được phong cách lãnh đạo năng động. Cho đến nay, các đặc phải viên của tổng thống Moon Jae-in sau khi tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng đều mang về nước những ấn tượng khá mạnh mẽ về phong cách trực tiếp, chân thành và thực tế của ông Kim và kết luận rằng, ông là một người có thể hợp tác được. Mọi phán đoán trong bài viết này sẽ rõ ràng hơn sau 27/4 và sẽ rõ hơn nữa trong tháng 5 hoặc tháng 6, nếu không thì phải chờ một thượng đỉnh Trung-Triều giữa chừng hoặc sau rốt./.

 


Có thể bạn quan tâm