April 19, 2024, 10:18 am

Điếu đóm

Đã có thời chưa xa lắm chữ “điếu đóm” còn chân thật chỉ người và việc cụ thể. Đó là việc hầu điếu cho những người sang cả trong xã hội.

Điếu đóm dĩ nhiên gắn với tục hút thuốc lào của người Việt. Cũng chẳng hiểu tại sao lại gọi là thuốc lào. Đi khắp cả nước Lào hỏi mượn cái điếu không ai biết nó là cái gì. Giơ mấy sợi thuốc lào vàng ươm gói trong túi nilon ra cũng không ai biết nó là cái gì. Thậm chí có vài cô gái Lào hiểu nhầm sang chuyện khác bảo nhau ù té chạy. Tìm khắp Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Trùng Khánh bên Tàu cũng không ai biết cái điếu hút thuốc lào. Bên ấy ở vài vùng núi non Vân Nam thuộc châu Hồng Hà người ta có hút một loại gọi là thuốc Bào. Nó như thuốc lá nhồi vào cái tẩu tre. Tạm có thể kết luận thuốc lào là đặc sản duy nhất chỉ có ở Việt Nam. Từ khâu trồng trọt, chế biến, buôn bán cho đến việc hút chỉ duy nhất người Việt nắm vững qui trình. Thuốc lào Việt Nam được trồng nhiều nhất ở các vùng ven biển Tiên Lãng, Vĩnh Bảo - Hải Phòng, Thái Thụy - Thái Bình. Vùng chợ Chờ - Bắc Ninh cũng có trồng nhưng chất lượng không được tốt lắm. Cây trồng phải tuân thủ tốc độ phát triển vừa phải. Buộc phải bón bằng phân bắc. Nếu cây nhanh tốt quá thuốc nặng không hút được. Chậm lớn còi cọc thuốc hút nhạt phèo. Lá thuốc cắt về còn phải qua khâu ủ chín, thái, phơi và hồ bằng nước cháo để giữ độ ẩm. Thời chiến tranh ở miền Bắc, thuốc lào Tiên Lãng bán cho mậu dịch gói giấy đen sì in chữ bằng phẩm tím nhãn hiệu Thống Nhất. Giá bán hào hai một gói. Thuốc lào mậu dịch thường trộn rất nhiều vụn hút vào tắc điếu. Đã thế giấy gói phong phanh mùa hanh thuốc bị khô giòn. Vê điếu thuốc vụn ra như cám. Phải tìm vỏ quít mà cho vào gói thuốc để giữ ẩm.

Tất nhiên chẳng thể tự hào. Hút bất cứ thứ gì bây giờ đều là việc cả thế giới cảnh báo nguy hại đến sức khỏe.

Người Việt hút thuốc lào từ bao giờ chẳng ai biết cả. Theo chứng tích khảo cổ học thì cái điếu bát có niên đại xưa nhất là vào quãng thời Lý với màu men ngọc nước dưa khét tiếng. Cũng là phỏng đoán thế thôi bởi cái điếu bát đời Lý là rất cũ so với hiện vật khảo cổ nhưng lại quá hiện đại so với các loại điếu khác. Nó chứng tỏ một thời kì công nghệ đồ gốm rực rỡ chứ không thể chứng minh về niên đại ra đời của việc hút thuốc lào.

Người Việt hút thuốc lào bằng ba loại điếu phổ biến: Điếu ống, điếu bát và điếu cày. Thứ tự sắp xếp theo độ sang trọng. Nếu theo logic của sự phát triển thì có thể điếu cày mới là thứ ra đời trước tiên bởi độ thô sơ giản lược của nó. Điếu ống sang trọng nhất nhưng vẫn là thứ ra đời trước điếu bát bởi đầu tiên nó được chế tạo bằng gốc tre. Về sau mới cầu kì chế bằng gỗ gụ tiện tròn khảm trai bịt bạc. Miền núi có chiếc điếu ục giống như điếu cày nhưng hút không kêu. Hút được thuốc bằng điếu ục phải tập cả tháng trời mới mong nước điếu không chui lên miệng. Mấy anh lính trẻ đóng quân trên miền núi rỗi việc thường tự rèn được cách hút và bắn tóp rất điêu luyện. Hút xong điếu thuốc nín hơi vừa phải phì tóp bắn ra theo đường cong như cầu vồng. Ở cuối đường cong ấy là chiếc ống bơ hứng bã. Trăm phát như một, không bao giờ rơi ra ngoài.

Tất cả các loại điếu hút thuốc lào đều theo nguyên lý hút khói lọc qua nước. Thành ngữ “Thuốc lá ho lao, thuốc lào bổ phổi” cũng ra đời bởi lí sự này. Người hút cho rằng khói đã lọc qua nước là khói lành. Thế nhưng để biết độ “lành” của nước điếu như thế nào phải hỏi mấy bác già trồng địa lan thì mới rõ. Tất cả các loại sâu, rệp bám kí sinh trên lá địa lan chỉ cần quét qua một lần nước điếu là bay sạch. Nhưng rất ngạc nhiên khi cây thuốc lào thường bị sâu bệnh tấn công dữ dội vào lúc gần thu hoạch. Người ta phải quấy hồ nếp quấn vào chiếc que để lăn lá cho hết sâu.

Điếu cày và điếu bát người hút có thể tự phục vụ. Riêng điếu ống phải có hầu điếu. Người hút ngồi xếp bằng trên sập gụ chờ hầu điếu têm thuốc, mồi lửa, vít chiếc cần đốt trúc dài cả mét đưa cho thì mới hút được. Đi xa nhà hầu điếu lẽo đẽo theo sau ôm tráp đựng thuốc, đóm và bộ đánh lửa. Điếu ống xách kè kè bên mình để dừng chân ở bất cứ đâu cũng có thể lôi đồ nghề ra phục vụ chủ. Nhiêu khê thế nên chỉ có hàng quan lại hoặc cự phú mới đủ sức ăn chơi. Vài ông đồ làng hút điếu ống ngày xưa biến học trò của mình thành hầu điếu cũng chỉ là chân sai vặt không chuyên nghiệp. Sau cách mạng Tháng Tám cũng không còn nhiều người sử dụng hầu điếu nữa. Dĩ nhiên cần trúc xe điếu phải cắt cho ngắn bớt để người hút có thể tự phục vụ.

Hầu điếu phải thông thạo vài việc về điếu đóm. Đại khái đầu ngày thay nước, rửa điếu. Dùng tro bếp đánh cho guốc điếu và phần bọc bạc sáng trắng. Dùng lá chuối khô đánh bóng phần gỗ gụ khảm trai và thông cần đốt trúc bằng cái gọng ô cũ. Cuối cùng là chẻ đóm. Tre đực già phơi khô gác bếp chẻ hướng tâm sao cho cái đóm nào cũng có cật. Tre ngâm cháy đượm đấy nhưng thi sĩ không bao giờ dùng. Bởi vì hút xong thường hay sáng tác ra thơ có mùi thum thủm. Người Hà Nội bắt đầu hút thuốc lào bằng đóm diêm kể từ khi nhà máy diêm Thống Nhất ở Cầu Đuống ra đời. Thứ đóm trắng phau bằng gỗ bồ đề lạng mỏng vẫn thịnh hành kể từ thời ấy đến giờ. Không còn ai chẻ đóm nữa. Khi nào hết đóm diêm chưa kịp mua thì hút bằng diêm. Đất nước thống nhất đã hơn 40 năm. Những gì có liên quan đến Thống Nhất hầu như đã được giải thể. Từ ban Thống Nhất trung ương cho đến Câu lạc bộ Thống Nhất và Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Thuốc lào Thống Nhất cũng không còn nữa. Chỉ duy có diêm Thống Nhất vẫn sản xuất cho đến tận hôm nay.

Hạng trung lưu hay dùng điếu bát bằng sứ đựng trong bát điếu gỗ tiện có quai xách. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương tả cái điếu bát như thế này: 

Bình tròn phành phạch,

đít bảnh bao

mân mân mó mó đút ngay vào

thuỷ hoả tương giao sôi sùng sục

âm dương hoà khí sướng làm sao

Xe điếu là ống trúc thẳng vẽ hoa văn bằng dùi nóng. Một đầu đốt lửa cho than hóa và xoáy vào lỗ điếu mới kín hơi. Hút điếu bát phải tự mình hầu điếu. Tra thuốc, châm đóm rít cho cháy đỏ. Dùng chiếc dùi khêu bã ra mới rít lần cuối cùng tanh tách nổ giòn. Cái xe điếu bát còn là công cụ của nền giáo dục cũ dành cho trẻ con dưới mười tuổi. Nghịch ngợm hỗn hào thường ăn vài xe điếu quắn đít.

Bình dân hút điếu cày. Tên gọi đúng theo công dụng của các bác thợ cày. Sáng sớm ra đồng thường treo điếu cày và ấm nước chè tươi trên chiếc bắp cày vác vai đánh trâu lững thững mà đi. Hút thuốc lào ngoài ruộng gió thường phải mang theo bùi nhùi rơm giữ lửa cho cả buổi. Chúm môi thổi phì phò khá lâu mới được mồi lửa vào đóm tre chập đôi. Vài bác lỡ quên mang điếu cày, ra ruộng phải khum bàn tay lại nạp thuốc vào kẽ ngón tay. Ngậm ngụm chè tươi trong miệng mà hút để đảm bảo khói vẫn lọc qua nước. Kẽ ngón tay chai bỏng lâu ngày không còn thấy đau rát nữa. Cho đến tận bây giờ quán nước chè nào ở Hà Nội cũng có cái điếu cày. Độ tiện dụng của nó không điếu nào sánh được. Chiếc điếu cày rít mạnh phát ra tiếng kêu giòn tan gọi khách còn là công cụ kinh doanh đắc lực của hàng nước. Hai hàng nước ngồi gần nhau chỉ có thể cạnh tranh lành mạnh bằng chiếc điếu kêu hơn mà thôi. Thuốc lào gây nghiện như mọi thứ thuốc hút khác. Nó đã từng được ví như tình yêu. “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.

Giờ không còn nhiều người hút thuốc lào nữa. Tìm được cái điếu ở chỗ lạ không hề dễ. Vài nhà văn nhà báo tên tuổi đi nước ngoài vẫn phải xách theo cái điếu cày mini. Lại còn chụp ảnh ngồi ung dung nhả khói ở bậc thềm Nhà Trắng nữa mới khiếp. Có nhà biên kịch nổi tiếng nghĩ ra cách lạ để làm chiếc điếu hút thuốc lào. Đến nơi xa xôi cách trở chỉ cầm theo chiếc guốc điếu. Dùng đầu điếu thuốc lá đang cháy châm vào chai Lavie rồi ấn nhanh guốc điếu vào kín khít. “Điếu chai nhựa” kêu phồm phộp như thằng đứt hơi.

Không còn người hút thuốc lào nhưng đám “điếu đóm” hình như vẫn rất sẵn. Cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp nào mà chẳng có một đội hình rất đỗi hùng mạnh. Chả ai dám coi thường! Đám “điếu đóm” từ xa xưa đã chen chân vào tận chốn triều đình. Tài cán không có gì nhưng nịnh hót giỏi không kể xiết. Chẳng thế mà Chu Văn An đã từng phải dâng lên Trần Dụ Tông “Thất trảm sớ” hạch tội bảy ông quan “điếu đóm” như thế. Kết quả là “Thất trảm sớ” thất truyền. Và chẳng có ông quan nào bị chém cả!

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2022


Có thể bạn quan tâm