April 20, 2024, 5:38 am

Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN lần thứ 27: ASEAN cần một sự thống nhất và đoàn kết

Trong dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN mới đây, ngày 8/8/2020, theo đề xuất của Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch ASEAN và Indonesia, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra “Tuyên bố chung về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á”. Trong tuyên bố chung này có nhắc tới việc đoàn kết trong ASEAN như một nội dung trọng tâm. Với sự căng thẳng Mỹ - Trung đang có xu hướng leo thang và Trung Quốc đang lợi dụng tình hình để giành những lợi thế tại khu vực Biển Đông như hiện nay, thách thức lớn nhất cho Việt Nam với cương vị chủ tịch ASEAN là làm sao để tạo sự thống nhất và đoàn kết trong ASEAN, từ đó mới có thể tận dụng được các ưu thế của khối trong việc duy trì đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả với Trung Quốc.

 

Ngày 12/9/2020, tại Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, Việt Nam tố cáo các vụ vi phạm quyền của các nước ven biển. Hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Diễn Đàn ARF lần thứ 27 khai mạc theo hình thức trực tuyến do dịch Covid-19. Hồ sơ Biển Đông chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của đại diện 27 thành viên. Với tư cách nước chủ trì hội nghị, Việt Nam hoan nghênh những đóng góp chủ động và mang tính xây dựng của Mỹ cho những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông. Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại về những diễn tiến gần đây trên Biển Đông, bao gồm những sự cố nghiêm trọng, việc tiếp tục quân sự hóa vùng biển này và những hoạt động vi phạm quyền của các nước nhỏ, đi ngược lại với luật pháp quốc tế... Phát biểu khai mạc Diễn Đàn ARF, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải “duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”. Ông còn tuyên bố rằng Việt Nam “chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến, vụ việc phức tạp, các hành động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển”...

Mỹ kêu gọi ASEAN đoàn kết

Quan điểm trên đây đã được Diễn Đàn ARF ghi nhận. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam thì “trước những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển (UNCLOS) 1982” ở Biển Đông, Diễn Đàn ARF đã yêu cầu các bên tự kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa khu vực này. Diễn Đàn ARF cũng ủng hộ việc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở “phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, và tái khẳng định rằng “UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương”. Diễn Đàn ARF là một cơ chế đối thoại an ninh hiếm hoi tập hợp hầu hết các tác nhân quan trọng trong vùng châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước ASEAN cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga và đặc biệt là Bắc Triều Tiên.

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến giữa các ngoại trưởng ASEAN với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 10/9/2020, không chỉ nhấn mạnh đến vấn đề an ninh Biển Đông tại hội nghị ASEAN-36, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh còn tuyên bố: Các nước Đông Nam Á muốn Mỹ đóng một vai trò trong việc duy trì hòa bình ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc lại tố cáo Washington gây mất ổn định ở vùng biển đang tranh chấp này. Theo hãng tin Bloomberg News, trong cuộc họp nói trên, ông Phạm Bình Minh, đại diện cho Việt Nam, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch ASEAN, khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp chủ động và mang tính xây dựng của Mỹ cho những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông”.

Không nêu đích danh, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về những diễn tiến gần đây ở Biển Đông, “bao gồm những sự cố nghiêm trọng, việc tiếp tục quân sự hóa vùng biển này và những hoạt động vi phạm quyền của các nước nhỏ, đi ngược lại với luật pháp quốc tế”. Còn theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong cuộc họp với các đồng nhiệm ASEAN, ngoại trưởng Mike Pompeo đã cùng với một số quốc gia Đông Nam Á bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và một lần nữa khẳng định những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này là bất hợp pháp, chiếu theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, cũng trong cuộc họp hôm 10/9, ông Pompeo đã kêu gọi các nước Đông Nam Á tẩy chay các công ty Trung Quốc đã tham gia vào việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Vào tháng 8/2020, Washington thông báo trừng phạt 24 công ty nhà nước của Trung Quốc đã giúp xây dựng những cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo đó. Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ kêu gọi các nước Đông Nam Á đứng lên chống lại các hành vi bắt nạt trên biển của Trung Quốc và đánh giá lại các giao dịch kinh doanh với các công ty nhà nước của nước này. Lời kêu gọi này của Ngoại trưởng Mike Pompeo làm tăng thêm căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hướng đến Bộ trưởng của 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Mike Pompeo nói: “Hôm nay, tôi kêu gọi các bạn hãy tiếp tục. Đừng chỉ lên tiếng không thôi mà hãy bắt tay vào hành động! Hãy xem xét lại các giao dịch kinh doanh với các doanh nghiệp nhà nước bắt nạt các quốc gia ven biển ASEAN ở Biển Đông…”. Tuy nhiên, ASEAN cho biết họ không muốn nghiêng về bên nào trong bối cảnh cọ xát và các hoạt động quân sự gia tăng đột biến giữa 2 cường quốc ở Biển Đông gần đây và trước cuộc bầu cử ngày 3/11. Tại cuộc bầu cử tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 8/9, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, khi được hỏi về căng thẳng Trung - Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết: “Chúng tôi không muốn bị mắc kẹt với sự cạnh tranh này”.

Trong cuộc họp trực tuyến trước đó ngày 9/9/2020 với các ngoại trưởng ASEAN, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực đang tranh chấp. Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền lịch sử đối với hầu hết các tuyến đường biển, nhưng các nước láng giềng của họ và Hoa Kỳ nói rằng yêu sách đó không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc đã ký. Tối cùng ngày 9/9, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), cũng do Việt Nam chủ trì, đại diện các nước tham gia đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và kêu gọi không gây căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình. Tham dự hội nghị gồm ngoại trưởng của 10 nước ASEAN và của các nước gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ cùng với Tổng Thư ký ASEAN.

Phản ứng khác nhau của ASEAN

Trong một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối ngày 10/9, các nước thành viên ASEAN cho biết, họ đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán nhằm soạn thảo bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS. Tuy nhiên, tuyên bố cũng viết: “Một số bộ trưởng bày tỏ lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực, đã làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Ông Pompeo kêu gọi các nước ASEAN xem xét lại việc kinh doanh với các công ty Trung Quốc sau tuyên bố gần đây của Washington về các lệnh trừng phạt đối với 24 doanh nghiệp của Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo trong vùng biển tranh chấp, và lắp đặt hệ thống tên lửa trên đó. Đồng minh của Mỹ là Philippines nằm trong số các quốc gia mà các công ty trong danh sách đen của Hoa Kỳ có được các hợp đồng béo bở. Tổng thống Philippines nói rằng sẽ tiếp tục duy trì những hợp đồng này.

Bộ trưởng các nước ASEAN cũng đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến với Nhật Bản và Australia. Ngoại trưởng Marise Payne cho biết Úc cam kết xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình “không bị ép buộc và có chủ quyền, luật pháp quốc tế cùng với quyền của tất cả các quốc gia được tôn trọng và duy trì”. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong một tuyên bố hoan nghênh vai trò của Hoa Kỳ trong việc ủng hộ hy vọng của ASEAN về hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải. Trong báo cáo hàng năm về sức mạnh quân sự của Trung Quốc được công bố ngày 2/9/2020, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đã tăng cường và hiện đại hóa khả năng quân sự của mình và trong một số lĩnh vực, họ đã “vượt Hoa Kỳ”. Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Trong khi lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ hiện tại chỉ có 293 tàu chiến và tàu ngầm, thì con số này của Trung Quốc lên đến 350 tàu. Theo Lầu Năm Góc, sự tăng trưởng này là nhằm phục vụ cho yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông.

Với cả Mỹ và Trung Quốc, việc “kéo” ASEAN về phía mình sẽ giúp một trong hai bên sẽ có thêm nhiều lựa chọn chiến lược, trong đó có cả lựa chọn về quân sự. Tuy nhiên, trước những “mời gọi” của Washington lẫn những “đe doạ” của Bắc Kinh, thái độ của các nước ASEAN có sự khác nhau. Từ cuối tháng 7/2020, Malaysia đã gửi thư phản đối đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Để trả đũa, Ủy viên bộ chính trị Dương Khiết Trì, quan chức cấp cao nhất về đối ngoại của Bắc Kinh, đã hủy bỏ chuyến thăm tới Malaysia. Việt Nam, nước chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, đang muốn đưa vào tuyên bố Chủ tịch ARF nội dung lên án Trung Quốc sử dụng sức mạnh để thay đổi hiện trạng trên Biển Đông. Tuy nhiên, những nước nhận nhiều viện trợ của Trung Quốc như Campuchia, Lào, hay Myanmar né tránh việc chỉ trích Bắc Kinh. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc của những nước chậm phát triển trong ASEAN như Lào, Myanmar đều chiếm trên 30% tổng kim ngạch thương mại của các nước này (số liệu năm 2019). Trung Quốc cũng đang tích cực sử dụng “ngoại giao vaccine”. Theo truyền thông nước này, Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày 24/8 đã tuyên bố sẽ ưu tiên cung cấp vaccine phòng Covid-19 cho 5 nước khu vực sông Mekong, gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Ngày 31/8, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã điện đàm với Tổng thống Indonesia và cam kết hợp tác trong phát triển và sản xuất vaccine phòng Covid-19. Mỹ không đánh giá cao chính sách ngoại giao thực dụng kiểu như vậy của Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương David Stilwell, ngày 3/9 đã hối thúc ASEAN rời xa Trung Quốc để cùng Mỹ nâng cao pháp trị, tôn trọng chủ quyền và tính minh bạch. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các nước ASEAN hoài nghi với Mỹ khi Washington chưa cung cấp lợi ích gì “nhìn thấy được” cho họ.

Nhưng việc ASEAN thiếu sự thống nhất như trên sẽ khiến lập trường của các quốc gia ASEAN liên quan đến tranh chấp biển Đông sẽ yếu đi rất nhiều. Đây cũng là thách thức không nhỏ cho Việt Nam, nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN luân phiên trong năm nay. Việt Nam đã có nhiều tham vọng trong nhiệm kỳ chủ tịch lần này với mục tiêu sẽ thúc đẩy vai trò của ASEAN trước các đe doạ của Trung Quốc trên biển Đông. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến nghị trình của ASEAN. Hầu hết các cuộc họp cấp cao của ASEAN đều phải thực hiện thông qua trực tuyến. Mặc dù vậy, hồi cuối tháng 6/2020, Việt Nam cũng đã rất cố gắng thuyết phục các nước khác trong khối để đưa ra một tuyên bố của Chủ tịch ASEAN, trong đó có nhắc tới việc sử dụng UNCLOS làm nền tảng cho việc giải quyết các bất đồng trên biển cũng như các quan ngại trước việc cải tạo các đảo nhân tạo trên khu vực Biển Đông.

Nguồn Văn nghệ số 38/2020

 


Có thể bạn quan tâm