April 20, 2024, 7:41 pm

Điện ảnh đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng

 

Điện ảnh Việt Nam đã và đang tạo ra nhiều tác phẩm phong phú về thể loại, đề tài; mặt bằng chất lượng phim được nâng cao, dần đáp ứng được nhu cầu giải trí, nghệ thuật ngày càng tăng của công chúng. Nhưng để hội nhập với thế giới, điện ảnh Việt còn cần những bứt phá. 

Phim Việt ngày càng thu hút khán giả đến rạp

Ba năm trở lại đây, số lượng phim Việt Nam sản xuất và phát hành trên thị trường chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% tổng số phim được phát hành tại rạp, mang về hơn 23% tổng doanh thu phim chiếu tại rạp (doanh thu phim Việt hơn 700 tỷ đồng trong tổng số hơn 3.000 tỷ đổng doanh thu phim chiếu rạp).

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phim có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập. Đầu tư nước ngoài tăng lên kéo theo sự gia tăng của cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời cũng là động lực thúc đẩy nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh.

Điện ảnh đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng - Ảnh 1.

Song Lang, bộ phim nhận nhiều giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ XXI

Sản xuất phim được tiếp cận với công nghệ làm phim mới tạo nên những tác phẩm điện ảnh vừa có tính nghệ thuật vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện giúp điện ảnh Việt Nam có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao, một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo.

Nhiều tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế. Những bộ phim Việt được đánh giá cao và đón nhận được nhiều tình cảm của khán giả nước ngoài đều có nội dung nhân văn, nghệ thuật thể hiện sáng tạo, chạm tới cảm xúc của người xem.

Hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được thể hiện với tinh thần tự hào, yêu thương đối với quê hương, tạo nên một bức tranh về lịch sử xã hội Việt Nam từ quá khứ tới hiện tại, vừa phát huy được tính đa dạng văn hóa vừa bảo vệ, gìn giữ những đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc, quốc gia. 

Trong bối cảnh nhà nước không đầu tư cho sản xuất phim truyện điện ảnh, những bộ phim vẫn được tư nhân đầu tư sản xuất cho thấy tín hiệu lạc quan từ sự phát triển của điện ảnh Việt.

Nhìn lại con số, nếu năm 2015 có 40 phim (6 phim nhà nước, 34 phim tư nhân); năm 2016 có 35 phim (không có phim nhà nước, 35 phim tư nhân); năm 2017 có gần 40 phim (không có phim nhà nước); thì năm 2018 đã có 41 phim (có một phim của Ðiện ảnh Quân đội, còn lại là phim tư nhân). 

Trong năm 2019, có 41 phim truyện điện ảnh được sản xuất (tính đến 1/12/2019). Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh các hãng phim có yếu tố nhà nước hầu như không có kinh phí hỗ trợ sản xuất. Khán giả đã hình thành được thói quen ra rạp thưởng thức phim Việt, nhờ vào chất lượng phim đang ngày càng được nâng cao hơn.

Điều đáng mừng là phim Việt vẫn phát triển và ngày càng thu hút được khán giả đến rạp. Ðiều đáng mừng hơn, dòng phim hài nhảm, rẻ tiền, đầu tư sơ sài đã dần bị đào thải. Điện ảnh thị trường của các nhà làm phim tư nhân đang chứng minh những bộ phim ăn khách đều được làm bài bản, chất lượng với tính chuyên nghiệp cao trên mọi phương diện, từ cách kể chuyện đến xử lý hình ảnh, âm thanh, trang phục, bối cảnh…

Nhưng, để điện ảnh Việt hội nhập được với điện ảnh thế giới lại là câu chuyện dài.

Cần một nền điện ảnh mang dấu ấn văn hóa Việt

Nhiều gương mặt xinh đẹp, hiện đại, trẻ trung, hồn nhiên của các cô gái Việt Nam trong những năm gần đây được khắc họa khá thành công trong một số bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh... Các nhà quay phim K'Linh, Lý Thái Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả bằng ống kính sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị Việt Nam trong những khuôn hình, những góc máy vừa kết hợp được sự hiện đại với chất thơ, chất dung dị, mộc mạc của riêng Việt Nam. Đặc biệt đáng kể tới là nỗ lực đầy tâm huyết và sự táo bạo thể nghiệm của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim để giúp người xem nhớ lại những giá trị văn hóa lâu đời của nước ta như: "Tấm Cám-chuyện chưa kể", "Cô Ba Sài Gòn", "Song Lang", "Hai Phượng".

Điện ảnh đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công chúng - Ảnh 2.

Nhiều nghệ sĩ, nhà làm phim đã đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong hội nhập quốc tế" tại LHP Việt Nam lần thứ XXI (ảnh Minh Khánh)

Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, điện ảnh Việt Nam cần phải xây dựng cho mình một "thương hiệu" riêng và thương hiệu ấy trước hết phải gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc. Sở dĩ nói như vậy, bởi điện ảnh là một trong các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam gia tăng sức mạnh trong xây dựng một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo từ chính tiềm năng vốn có.

Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó phải kể đến vai trò của các nhà sản xuất. Nếu như ở các nền điện ảnh mạnh trên thế giới, các nhà sản xuất bao giờ cũng là những người không chỉ giỏi về kinh doanh, mà còn am tường về chuyên môn nghệ thuật, thì ở Việt Nam, không ít nhà sản xuất, phát hành chỉ chú ý đến doanh thu, lợi nhuận, lấy kinh tế làm thước đo mọi giá trị của tác phẩm. 

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực điện ảnh (biên kịch, đạo diễn, diễn viên…) có tài năng nổi trội, làm việc chuyên nghiệp, khoa học, được đào tạo bài bản như điện ảnh phương Tây và am hiểu văn hóa dân tộc còn khá hiếm. Điện ảnh, giống như các loại hình nghệ thuật khác, là tấm gương phản ánh cuộc sống. Một tác phẩm điện ảnh chỉ có sức sống lâu bền khi chứa đựng trong nó giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn sâu sắc. Một nền điện ảnh dân tộc chỉ có chỗ đứng trong nền điện ảnh thế giới khi nó không chỉ chứa đựng tính quốc tế vốn có của điện ảnh, mà còn phải chứa đựng những giá trị cốt lõi thuộc về bản sắc văn hóa để làm nên thương hiệu điện ảnh của quốc gia dân tộc.

NSND Trà Giang cho rằng, điện ảnh Việt Nam phải mang được màu sắc văn hóa Việt Nam, tâm hồn người Việt Nam, tính nhân văn Việt Nam vào trong các bộ phim nhiều hơn, thì mới có thể giới thiệu ra nước ngoài. "Thông qua các bộ phim đó, người ta mới hiểu được đời sống của người Việt Nam như thế nào, tâm hồn người Việt Nam như thế nào, dân tộc Việt Nam đã trải qua như thế nào để có Việt Nam ngày hôm nay. Đó là những yếu tố sống trong mọi thời đại. Anh có thể làm phim bây giờ nhưng 10, 20 năm hay lâu năm hơn nữa, người ta xem những bộ phim đó vẫn cảm nhận được"- NSND Trà Giang chia sẻ.

Điện ảnh Việt Nam muốn hội nhập quốc tế một cách nghiêm túc, để tiếp tục tạo được dấu ấn trong lòng công chúng thế giới như họ đã từng biết đến qua các bộ phim "Bao giờ cho đến tháng 10"; "Cánh đồng hoang"; "Nổi gió"... thì chỉ một con đường duy nhất làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Đúng như nhà phê bình Đoàn Tuấn cho rằng: "Trong thời đại toàn cầu hóa, xu hướng chung là xóa nhòa ranh giới, từ đó dễ xóa nhòa bản sắc. Vì vậy, bản sắc của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia càng cần thiết để khẳng định mình và đóng góp vào bức tranh sinh động và giàu có về văn hóa của các dân tộc. Phát triển nền điện ảnh Việt Nam không thể không tách khỏi bản sắc văn hóa dân tộc ẩn chứa những giá trị cốt lõi để tạo nên "thương hiệu Việt". Và chỉ khi có được "thương hiệu Việt", điện ảnh nước ta mới trở thành "sức mạnh mềm"của quốc gia dân tộc và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường công nghiệp điện ảnh"./.

Hà An

Nguồn Văn Hoá

 


Có thể bạn quan tâm