April 25, 2024, 7:37 am

Điện ảnh cách mạng Việt Nam

 

Sáng 15-3-2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Cục Điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15-3-1953/15-3-2023).

 

Buổi lễ có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng nhiều đại biểu đã và đang công tác trong lĩnh vực điện ảnh trên cả nước.

Ngày 15-3-1953 tại thôn Bản Bắc, xã Điểm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh Ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam.

Từ sau mốc thời gian lịch sử đó, đến nay Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã qua chặng đường dài 70 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc. Hơn nửa thế kỷ qua, lớp lớp nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh Việt Nam đã hết lòng phụng sự lý tưởng của Đảng và lợi ích của dân tộc, góp phần tích cực trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ điện ảnh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để lại hình ảnh sáng ngời về người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng.

70 năm qua, Điện ảnh Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như: Huân chương kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Hạng Nhất; Huân chương Chiến công; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động Hạng Nhất, Nhì, Ba; Danh hiệu Anh hùng lao động; Cờ Thi đua của Chính phủ…

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến văn hóa nghệ thuật, hỗ trợ phát huy tiềm năng sáng tạo, thể chế hóa nghị quyết nhằm phát triển ngành công nghiệp điện ảnh việt nam hiện đại đậm bản sắc dân tộc. Đồng chí cũng ghi nhận, biểu dương những thành tựu to lớn của Điện ảnh cách mạng Việt Nam và nhấn mạnh kho điện ảnh Cách mạng nước ta đã có nhiều tác phẩm mạng đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng được các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội. Các nhà làm phim cũng đã cố gắng triển khai các đề tài về xu thế cách mạng, hồi ức chiến tranh, thân phận con người được miêu tả sâu sắc nhân văn, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng và nền văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời đã xác lập nên vị thế của một nền điện ảnh tiến bộ, nhân văn, đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và vì lẽ sống cao đẹp của con người.

Lưu ý về những tồn tại, hạn chế của Điện ảnh Việt Nam trong thời gian qua như, từng có thời gian rơi vào trì trệ, nhiều cơ sở sản xuất thiếu nguồn vốn duy trì làm phim, công cuộc đào tạo nhân lực còn kém, nhiều cán bộ nhân viên sản xuất phim không có lương hằng tháng, không có bảo hiểm xã hội. Một số nhà làm phim nhập cuộc ồ ạt với nguồn phim sản xuất ngoài nhà nước khiến điện ảnh bị thương mại hóa, không phục vụ tốt công tác nâng cao nhận thức về tư tưởng, thẩm mỹ, đáp đứng chưa tốt nhu cầu giải trí lành mạnh ngày càng cao của công chúng.  Và để khắc phục tình trạng này, Trưởng ban Tuyên giáo Trung  ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh “Điện ảnh Việt Nam cần nghiên cứu và thực hiện sản xuất phim sao cho hợp với tình hình mới, đặc biệt về đầu tư trong văn hóa nước nhà trên màn ảnh rộng để phát triển hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nghệ sĩ cần có bước đột phá mới trong văn học nghệ thuật và điện ảnh vì nó là cơ hội lớn để hội nhập, ngành điện ảnh nước ta hiện nay đã hướng đến xây dựng ngành công nghiệp phim hiện đại, sánh tầm với quốc tế. Đặc biệt cần chú trọng vaò việc lồng ghép, quảng bá văn hóa cảnh đẹp du lịch, con người Việt Nam vào các tác phẩm phim. Từ đó, chúng ta có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao và phục vụ nhân dân tốt hơn nữa”.

Cũng tại lễ kỷ niệm, chia sẻ về trách nhiệm và khó khăn mà thế hệ nhà làm phim trẻ đang phải đối mặt, đạo diễn, NSUT Trịnh Quang Tùng cho biết : “Nhiệm vụ và thử thách lớn nhất của những nhà làm phim trẻ chúng tôi là làm thế nào để gìn giữ bản sắc dân tộc rồi đem chúng đến với bạn bè quốc tế. Bởi nếu thế hệ trẻ chúng tôi không cố gắng gìn giữ lịch sử thì không thể phát huy tốt giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Công cuộc đổi mới trong nền công nghiệp mới với sự hòa nhập rất nhanh, đặt ra thách thức để chúng tôi phải dốc hết sức làm mới mình mà không đánh mất Chất giữa thời buổi nền điện ảnh nước nhà vẫn còn gặp rất nhiều sóng gió”.

70 năm ghi dấu một chặng đường Điện ảnh cách mạng Việt Nam, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng trong bước chuyển của nền kinh tế, của thời kỳ hội nhập, có lẽ Điện ảnh Việt Nam cần thích ứng và nỗ lực hơn nữa, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ những nhà làm phim, tranh thủ tối đa các nguồn lực xã hội để cùng sự hỗ trợ của Nhà nước phấn đấu xây dựng nên Công nghiệp điện ảnh Việt nam đáp ứng yêu cầu giáo dục, nâng cao nhận thức về tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh và ngày càng cao của công chúng.

NP


Có thể bạn quan tâm