March 29, 2024, 11:43 am

Điểm nhìn nhân văn về chiến tranh

 

Mùi vị đau đớn, mất mát và nhiều thứ thiên về nỗi đau của chiến tranh xuyên suốt tập truyện ngắn này. Sa, nhân vật của sáu truyện ngắn – mà – nếu kết nối lại thành một thì đủ tư cách một tiểu thuyết – bởi – sự khốc liệt của cuộc chiến, sự mất mát, mất sạch, mất không còn một thứ gì bởi bom đạn, bởi gió, bởi cát, bởi bão cát, bởi sự tham lam vô  độ, bởi sự độc ác không cùng của con người và bởi nhiều thứ khác nữa trong cuốn sách mới xuất bản vào tháng 9 này của nhà văn Nguyễn Hiệp.

  Các danh gia đã viết về chiến cuộc ở núi, ở rừng, ở phố, ở biển. Bên này bắn qua bên kia bắn lại và cả hai cùng chết, không chết thì bị thương. Chiến tranh của Hiệp thì khác. Bắn nhau chết ấy sự thường. Chỉ nằm chơi mà mất luôn cả chiếc xe tăng mới là chuyện hiếm. Gió và cát phối ngẫu với nhau cho ra bão. Bão cát vùi mất tăm mất tích cả đoàn xe tăng. Mới tức thì là đụn là núi cát đã hóa vực nhanh như chớp. Và dưới cái vực không thể trèo lên ấy tồn tại hai con người. Một lính cộng hòa thoát được chiếc xe tăng bị cát vùi và một nữ chiến sỹ Giải phóng. Họ tồn tại dưới vực cát và từ là kẻ thù họ săn sóc nhau rồi nhục cảm dâng lên, tràn ra như cát phủ lên thân thể, rồi tình cảm nảy sinh từ tuyệt vọng, rồi hoà hợp, tan biến vào nhau cùng nỗi đau... Tuyệt vọng trong vũng cát không đáy. Tuyệt vọng trong phận người tả tơi. Chỉ còn lại tình yêu, tình yêu mong manh, cuối cùng trong bi thương, trong sự bỏ rơi của thế giới xung quanh nhưng cứ như dòng nước mát rượi chảy ngầm trong mênh mông cát nóng. Tình yêu cứu rỗi linh hồn cát! Tình yêu cứu rỗi linh hồn người!

      Chiến đấu chống lại kẻ thù tuy khó mà dễ, cùng lắm chết là hết, là xong chuyện. Nhưng chống lại thiên nhiên mà kẻ thù là bão cát thì vô phương. Biết vô phương nhưng vẫn ăn thua đủ, vẫn sống tới cùng, vẫn yêu tới cùng... Con người là thế! Con người trong chiến tranh cũng thế! Với một ngọn bút sắc, mạnh, tuôn tràn nhưng đầy trăn trở Nguyễn Hiệp đã bơi trên cát, bơi trên cát, bơi trên cát... như chính những phận người anh đã hoá thân.

     Dữ dội không kém là truyện ngắn Hai Mặt. Một vú nhọn hoắt đã đâm tan tành sự nghiệp của hạt trưởng kiểm lâm cùng quan anh – và nàng - đã bị ăn thịt bởi một con báo gấm. Con báo cô đơn  giữa rừng già giờ đã thành bãi tha ma của những hồn cây. Đêm  đêm, triệu triệu hồn cây hiện về kêu đòi sự sống...

      Văn Nguyễn Hiệp không dễ đọc. Nó đòi hỏi người đọc phải suy tưởng, từ từ, chậm chậm để nghiệm ra tâm tư, thông điệp tác giả gửi gắm ẩn chứa trong từng tác phẩm. Truyện Sóng Hạ Âm đã cho tôi – người từng đi vào lửa đạn – dù không là lính - cũng đã biết thế nào là viễn chinh hay xâm lược qua sách vở hay báo chí. Đại đế Caesar đã nói khi chiếm được một thành trì: “Hỡi binh sĩ tài sản của kẻ thù là của các ngươi”. Viễn chinh Mỹ thì khác. Nguyễn Hiệp viết thế nầy: “Chị tôi bị một toán lính Mỹ bắt được và hiếp cho đến chết. Cái giá cho việc lấy được xác chị là hai đồng đội của chị vĩnh viễn nằm xuống. Xác của chị bị chúng gài mìn. Chúng khiêng ba cái xác nữ Việt cộng còng queo bầm dập máu me ấy đặt ở đầu chợ quận để cảnh cáo mọi người

      Thật kinh sợ cho chiến tranh và cái gọi là viễn chinh.

     Truyện Gai sen làm tôi ám ảnh khôn nguôi. Nó pha trộn bởi hư và thực. Ma quỷ và thánh thần. Tanh tưởi bùn lầy và thanh khiết của hoa sen. Một người bằng xương bằng thịt đã lăn lộn dưới bùn lầy của một hồ sen, bị gai sen đâm nát bươm ngọc ngà thân thể để thỏa cái bản năng cơ bản và chết ở cái hồ ấy. Cái chết của nàng là một ám ảnh khôn cùng với nhân vật xưng tôi – chồng của nàng – và ảm ảnh cả người đọc là tôi. Gai sen làm tôi nhớ đến mấy câu thơ của Đinh Hùng: “Em có gì trong trái tim xúc động/ Em có gì trong xác thịt như hoa…”

       Nếu có gì đó cần nói thì theo tôi chỉ một hai chi tiết liên quan đến sự bạo tàn trong chiến tranh mà tác giả còn chưa đẩy tới cùng những lý giải của sự dồn nén ấy. Nhìn tổng thể cả tập truyện, Chỗ trống dưới ngón tay Phật rất ám ảnh! Nó khiến cho người đọc rùng mình.

Chúc mừng nhà văn Nguyễn Hiệp! Với tập truyện vừa mới xuất bản này, tôi nghĩ một lần nữa anh thực sự thành công.

   Nguồn Văn nghệ số 38/2019

       


Có thể bạn quan tâm