April 20, 2024, 1:54 pm

ĐIỂM HỘI TỤ CỦA THƠ CA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

 

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII – Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019 là sự kiện văn hóa đặc biệt quan trọng mở đầu năm mới 2019 của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra đồng thời trên các địa phương tỉnh, thành phố cả nước.

Diễn ra vào dịp Nguyên Tiêu tháng 2/2019 đây là sự kiện văn học “ba trong một”, bao gồm: Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV; Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII. Trong đó, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III là sự tiếp nối thành công của Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ I và lần thứ II, được phát triển mở rộng quy mô với sự tham gia của đại biểu nhiều nước trên thế giới. Đến Việt Nam sẽ có hơn 200 đại biểu nước ngoài từ 50 nước trên thế giới sẽ tham sự sự kiện trọng đại này. Đó là những nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, nhà nghiên cứu văn hóa tiêu biểu của nền văn học đương đại của các nước tham gia sự kiện

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 21/2/2019 (tức ngày 11 đến ngày 17 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại 3 địa điểm: Thủ đô Hà Nội, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang).

Theo kế hoạch, vào ngày thứ bảy 16/2/2019 (12 tháng Giêng Kỷ Hợi) tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV. Hội nghị được khai mạc trọng thể và tiến hành Hội thảo về sự phát triển chung của văn học thế giới và quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, 91 Trần Hưng Đạo – Hoàn Kiếm – Hà Nội. Buổi chiều cùng ngày, Hội nghị tiếp tục Hội thảo về văn xuôi và thơ tại 2 hội trường của Nhà khách Văn phòng Chính phủ - Trung tâm hội nghị Quốc tế 37 Hùng Vương. Cũng chiều 16/2/2019, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam sẽ tham sự cuộc giao lưu và đọc thơ với sinh viên trường Đại học Văn hóa, và trường Đại học Sư phạm với chủ đề Trên đôi cánh thơ ca.

Ngày 17-2 (ngày 13 tháng Giêng Kỷ Hợi), buổi sáng sẽ diễn ra Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, với chủ đề "Sông núi trên vai" hướng về hải đảo và biên giới của Tổ quốc. Buổi tối, Ban tổ chức tiếp tục tổ chức Dạ hội thơ quốc tế tại Văn Miếu.

Ngày thứ hai 18/2/2019 (14 tháng Giêng Kỷ Hợi), buổi sáng lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ các nhà thơ Quốc tế và Việt Nam tại Phủ Chủ tịch. Buổi trưa các đại biểu sẽ đi Quảng Ninh thăm vịnh Hạ Long và tham dự Đêm thơ quốc tế được tổ chức tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Ngày thứ ba, 19/2/2019 (Răm tháng Giêng Kỷ Hợi), các nhà thơ Việt Nam và Quốc tế sẽ dự Lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII tại Xương Giang (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) với sự tham gia của nhiều Câu lạc bộ thơ và đoàn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh Bắc Giang. Lễ bế mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ XVII sẽ được tổ chức trọng thể tối 20/2/2019 (16 tháng Giêng Kỷ Hợi) tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương – Hà Nội.

Trong khuôn khổ các hoạt động phục vụ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III, ngoài việc chuẩn bị chu đáo các nội dung của chương trình Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII, Ban tổ chức cũng đã tiến hành biên soan 3 ấn phẩm: 10 thế kỷ văn học Việt Nam – tác giả Phong Lê; Tuyển tập thơ Việt Nam Sông núi trên vai gồm 44 tác giả và Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại Một loài chim trên sóng của 22 tác giả. Các ấn phẩm trên đây đều in song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, làm tài liệu chính thức để các đại biểu nghiên cứu tìm hiểu và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Trong suốt chiều dài lịch sử của các dân tộc, thơ ca luôn là yếu tố góp phần quan trọng trong việc hình thành nên một nền văn hóa của dân tộc đó, và do đó nó cũng góp phần làm nên những giá trị văn hóa mang tính nhân loại. Các nhà thơ của mọi quốc gia chưa bao giờ vắng bóng trong mọi thăng trầm lịch sử của dân tộc mình. Với sứ mệnh quan trọng và tinh tế đó, các nhà thơ đã đấu tranh không mệt mỏi để gieo vào tâm hồn con người, gieo vào tâm thức dân tộc những hạt giống nhân tính, để bảo vệ số phận của mỗi cá nhân con người cũng như vận mệnh của toàn dân tộc.

Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, con người Việt Nam đã đi qua những cuộc chiến tranh tàn khốc để giành lấy độc lập tự do và hòa bình cho tổ quốc mình, và mỗi nhà thơ Việt Nam trong cuộc đồng hành vĩ đại và mật thiết cùng đất nước và dân tộc, thực sự đã trở thành một chiến sỹ chiến đấu bằng tâm hồn, bằng ý chí, bằng ngôn từ, và cả bằng máu cho nền độc lập, tự do và hòa bình ấy. Có thể nói thơ ca chính là một trong những nguồn sức mạnh kỳ diệu làm nên tinh thần bất diệt của đất nước, con người và văn hóa Viêt Nam, vượt lên mọi mưa bom bão đạn của ngoại xâm, vượt lên mọi âm mưu thôn tính và đồng hóa…

Nâng niu, trân trọng và tôn vinh thơ ca, đó là văn hóa và truyền thống. Nhưng từ 17 năm trước, sự nâng niu, trân trọng và tôn vinh ấy đã được Hội Nhà văn Việt Nam cụ thể hóa bằng một sáng kiến, một hoạt động xã hội mà đến hôm nay đã có thể gọi bằng hại từ TRUYỀN THỐNG. Ấy là Ngày thơ Việt Nam, được tổ chức ngày càng rộng rãi trên khắp mọi miền tổ quốc, một số hoạt động trong đó còn vuôn ra cả nước ngoài. Đến năm 2019 này, ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 lại có thêm ý nghĩa nữa. Đó chính là sự kiện văn học “ba trong một” nói trên.

Đất nước, con người Việt Nam đang khởi đầu một năm mới đầy tốt lành và ngập tràn cảm hứng lao động, sáng tạo với những thành tựu vững vàng phía sau và những mục tiêu lớn lao phía trước. Trên hành trình đầy tính kế thừa và tiếp biến đó, sự kiện văn học lần này thực sự là một thông điệp của văn hóa, của cái đẹp, của tình bạn và của hòa bình. Đây cũng là sự minh chứng tuyệt vời về quyền lực của thi ca, quyền lực đã làm cho hết thảy mọi con người, ở mọi nền văn hóa và mọi thể chế xã hội khác nhau, đã đến bên nhau và cất lên tiếng nói riêng biệt của mình về một thế giới chung mà nhân loại luôn khao khát đi tới, thế giới của tình yêu, của cái đẹp, của hòa bình…

Văn nghệ


Có thể bạn quan tâm