March 29, 2024, 5:43 am

Điểm danh những “khoảng lặng” của nền kinh tế

Ngay trong tuần đầu khai mạc, Quốc hội đã dành 1,5 ngày thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, những tháng đầu năm 2018 và tình hình ngân sách nhà nước năm 2016. Ghi nhận chung cho thấy, cả 3 phiên thảo luận đều diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, quyết liệt, xây dựng và mang tính phản biện cao. Đặc biệt, nhiều ý kiến của đại biểu đã đề cập một cách trực diện đến những “ khoảng lặng” của nền kinh tế như : thu ngân sách chủ yếu dựa vào xuất khẩu thô, giáo dục đào tạo và đạo đức xã hội xuống cấp…  đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước.

Nhiều thị trường nhưng chưa có "chiến lược riêng"

Có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, dù muốn hay không vấn đề ngân sách mối quan hệ giữa thu và chi; kế hoạch phân bổ ngân sách sẽ được “liệu cơm gắp mắm” thế nào trong điều kiện nhiều khoản vay nước ngoài của Chính phủ cho đầu tư phát triển đã đến thời hạn trả nợ. Cụ thể, trong năm 2018, Chính phủ sẽ phải trả nợ là 256.769 tỷ đồng. Trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2018 là 256.769 tỷ đồng; trả nợ của các dự án vay lại 18.561 tỷ đồng.

Trước khi diễn ra kỳ họp thứ 5 quốc hội khóa XIV, Thủ tướng cũng đã phê duyệt kế hoạch vay của Chính phủ năm 2018 là 384.000 tỷ đồng, gồm: Vay trong nước 275.970 tỷ đồng và nước ngoài 108.030 tỷ đồng, trong đó, vay cho cân đối ngân sách nhà nước 341.770 tỷ đồng, trong đó vay để bù đắp bội chi là 195.000 tỷ đồng và vay để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng; vay về cho vay lại 42.230 tỷ đồng. Những khoản vay cho đầu tư, vay để rồi cho các doanh nghiệp trong nước vay lại và vay để đảo nợ thực sự là những khoản tiền không hề nhỏ. Do đó, trong một chừng mực nhất định, sự quan tâm của đại biểu, của cử tri là điều dễ hiểu. Và cũng không có gì nhạc nhiên khi chỉ nửa đầu phiên thảo luận buổi sáng ngày 25/5, đã có hơn 90 đại biểu đăng ký phát biểu, cho thấy tinh thần làm việc trách nhiệm của các đại biểu rất cao.

Trong đó, tranh luận gay gắt nhất là về vấn đề “khoảng lặng kinh tế” liên quan tới việc đóng góp cho tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng được đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách đưa ra ý kiến: "Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng, nên nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%), Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu"...

Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trần Tuấn Anh, cho biết, thời gian qua xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng; giảm xuất khẩu hàng thô sơ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo; hàng hóa Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Việt Nam đã có quan hệ thương mại trên 200 quốc gia, cũng có tới 9 nhóm ngành hàng lớn khẳng định vị thế trên thế giới. Năm 2017 có 28 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Việc gia tăng xuất khẩu đảm bảo năng lực nền sản xuất và chiến lược hội nhập rất đúng định hưởng. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng giúp tìm thêm thị trường, đảm bảo cơ bản năng lực sản xuất. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng thừa nhận những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Xuất khẩu chưa bền vững, phụ thuộc một số thị trường trọng yếu, một số thị trường tăng trưởng nóng; khó khăn trong vấn đề tháo dỡ các rào cản quan thuế, hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; vấn đề gắn kết giữa sản xuất với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị... Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng chúng ta đang có nhiều thị trường nhưng chưa tìm được "chiến lược riêng".

Những tranh luận về vấn đề tăng trưởng kinh tế có hay không phụ thuộc vào khai thác dầu thô và khai khoáng của các đại biểu trong nửa đầu phiên thảo luận sáng ngày 25/5 thể hiện tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, xây dựng. Thực tế, Năm 2017, chúng ta đã tăng trưởng âm về khai thác dầu thô và khai khoáng và tăng trưởng chủ yếu đến từ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

 

Siết kỷ cương để bớt dần những “khoảng lặng”

Trong hơn một ngày diễn ra phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đã ghi nhận, chưa bao giờ tăng trưởng của nền kinh tế gắn với sự ổn định của kinh tế vĩ mô như hiện nay, Chính phủ đã thể hiện được tinh thần Chính phủ kiến tạo và hành động, những lời nói cam kết ngày càng được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng về kính tế, nhiều đại biểu và cử tri cũng không tránh khỏi những lo âu, thậm chí trăn trở khi Chính phủ chưa thực sự có được những giải pháp căn cơ cho nền kinh tế. Sự trông đợi sẽ có đột phá về các giải pháp để kinh tế xã hội sao cho tăng trưởng, phát triển được bền vững hơn, đưa vị thế đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế vẫn chưa thực sự rõ nét, hay nói đúng hơn còn lúng túng trong xác định đầu tư ngành, nghề mũi nhọn. Đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, vấn đề đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề lớn được cử tri đồng tình ủng hộ tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã giám sát tối cao vấn đề này nhưng đã 6 năm rồi nhưng khắc phục vẫn còn chậm, ảnh hưởng tới tích tụ ruộng đất tuy nhiên đến nay chưa đề xuất sửa đổi Điều 129 trong Luật Đất đai để đáp ứng mong mỏi của nhân dân trong tích tụ đất đai.

Không chỉ có đầu tư trong nông nghiệp lúng túng bởi thể chế chưa hoàn thiện, chi thường xuyên  đang tăng 1,2% trong bối cảnh ngân sách khó khăn, trong đó chi cho bộ máy chiếm phần lớn, đang đặt ra vấn đề cần kéo giảm chi thường xuyên xuống thấp nhất có thể cũng là vấn đề Chính phủ phải đối mặt. Tuy không nguy hiểm như giạc ngoại xâm, nhưng nó cũng đã được ví như giặc nội xâm và nếu Chính phủ  không làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết là tình trạng suy thoái đạo đức, kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Hiện thực cuộc sống trong thời gian gần đây đang xảy ra những sự việc động trời và khó tin, những hành vi mất nhân tính như lấy than củi tre làm thuốc trị ung thư, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành dã man trẻ em trong các trường, tình trạng bạo lực học đường, trong bệnh viện, các vụ thảm án giết nhiều người gây chấn động dư luận.

Và những vấn đề trên cần phải đặt trong ngưỡng báo động đỏ, để không chỉ Chính phủ, Quốc hội phải có được những giải pháp quyết liệt hơn nữa, không để nợ công, nợ thuế, nợ xấu gia tăng gây áp lực xấu cho nền kinh tế.     

Trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đã có 60 đại biểu Quốc hội phát biểu và 13 đại biểu tham gia tranh luận về một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Tất cả các đoàn đại biểu Quốc hội đều có đại diện được tham gia phát biểu. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 20 đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được phát biểu tại nghị trường do thời gian eo hẹp. Điều này phần nào cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của đại biểu tại kỳ họp này.

 

PV


Có thể bạn quan tâm