April 18, 2024, 1:05 pm

Dịch hạch – những cảnh báo về lối sống của con người trong thời hiện đại

Dịch hạch có phải là dự báo sớm về vi rút corona đang diễn ra trên thế giới hiện nay?

Dịch hạch là tên của một trong ba cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Albert Camus, nhà văn Pháp đoạt giải Nobel năm 1957. Dịch hạch không phải là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Camus, nhưng lại là cuốn sách thể hiện tinh thần nhân văn tiến bộ nhất của ông, với tư cách một nhà hiện sinh, từng bị giới nghiên cứu, phê bình quay lưng, phản đối. Lý do duy nhất bởi ông là một nhà hiện sinh, và hiện sinh với chúng ta thời kỳ đó có nghĩa là xấu. Cùng với thời gian, cái nhìn của giới nghiên cứu đã có phần “độ lượng” hơn. Vì suy cho cùng, nếu coi sứ mệnh cao quý nhất của văn học là vì con người, thì nhiều tác phẩm của Camus, trong đó có Dịch hạch, là sự thể hiện tinh thần “nhân sinh” cao cả nhất. Kể từ sau khi ra đời (1947), Dịch hạch vẫn luôn được đánh giá là một trong số những cuốn sách tiến bộ nhất của Albert Camus. Nếu như hai tác phẩm ra đời trước và sau đó của ông (Người xa lạSa đọa), còn ít nhiều chứa đựng những yếu tố phi lý, sự bi quan, việc thiếu niềm tin ở con người, thì Dịch hạch chính là một tác phẩm hoàn hảo: Tràn ngập niềm tin, sự lạc quan, lời cảnh báo về lối sống tham lam, ích kỷ của con người trong thế giới hiện đại…

Không thể chủ quan cho rằng Albert Camus đã tiên tri” về một căn bệnh tàn phá cuộc sống con người giống như những gì Covid-19 hay còn gọi là Sars-covid-2 đang diễn ra hiện nay. Căn bệnh với cách đặt tên rất “phức tạp” này cũng cho thấy con đường lây nhiễm nguy hiểm khủng khiếp của nó. Hình thành trước tiên tại thành phố Vũ Hán Trung Quốc ngay trước và sau dịp Tết Nguyên đán 2020, Sars-covid-2 đã nhanh chóng lan ra trên 200 quốc gia trên thế giới, khiến hơn 1 triệu người lây nhiễm và khoảng hơn nửa triệu người tử vong. Có lẽ, nỗi tang thương mà con người phải chịu đựng do Sars-covid-2 còn lớn hơn gấp nhiều lần những gì Camus viết trong Dịch hạch. Nhưng dù mức độ khủng khiếp của hai dịch bệnh này có khác nhau, nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy, về cách hình thành, sự lây lan, triệu chứng và tình trạng bệnh chúng lại giống nhau đến kỳ lạ. Đó là sự lan truyền của con vi ruruts vô hình này rất nhanh, lây nhiễm với số lượng lớn, phá hủy phổi, khiến người bệnh không còn đường thở dẫn đến cái chết khó tránh khỏi. Vậy, có phải Camus viết Dịch hạch từ hơn 60 năm trước là để “dự báo” sớm với nhân loại về một căn bệnh khủng khiếp mà con người phải chịu đựng trong thế kỷ này? Tuy nhiên, dù thông minh xuất chúng đến mấy, Camus cũng không thể “dự báo sớm” cho con người hơn nửa thế kỷ sau, một thứ dịch bệnh “giống nhau” đến kỳ lạ như thế. Đó là điều không thể. Nhưng, nếu có dịp đọc kỹ Dịch hạch, so với những gì thế giới đang trải qua hiện nay do dịch Sars-covid-2, thì mọi sự tưởng tượng của Camus lại hoàn toàn có thể. Đó là lối sống “tham lam” và vị kỷ” của con người: Là sự tàn phá môi trường, những khu rừng bị khai thác và đốt cháy, đất đai bị xâm lấn và cướp đoạt nhằm phục vụ cho nhu cầu “du hí, hưởng thụ” của con người; những cánh đồng bị vắt cạn kiệt và bị tưới đẫm hóa chất; những dòng sông bị bức tử; đến không khí là thứ tưởng vô tận trời cho, nay cũng mất đi sự trong lành... Thực ra, khoảng cách giữa hiện thực và văn chương vốn rất gần nhau. Hư cấu cũng có một phần bắt nguồn từ hiện thực.

 

Dịch hạch có phải viết về một căn bệnh có thật?

Chính xác Dịch hạch không nhằm viết vào một đại dịch cụ thể nào cả. Mặc dù trong cuốn sách này Camus cho chúng ta biết, trong lịch sử phát triển nhân loại đã từng trải qua trên dưới 30 trận dịch có tên như nhan đề tác phẩm. Nó hiện diện gần như khắp mọi nơi trên thế giới. Nó đã giết chết hàng trăm triệu người, tại Lombardi, Roma, Milan (Ý), Constantinov (Thổ Nhĩ Kỳ), Londre (Anh), Marseille, Provence (Pháp), Aten (Hy Lạp), Jappa (Palestine), Quảng Châu (Trung Quốc)… Có thể nói, dịch hạch là một trong những đại dịch khủng khiếp nhất mà con người phải chứng kiến trong nhiều thế kỷ qua, bên cạnh dịch cúm, đậu mùa, HIV, dịch tả, sởi… Ngay trrong thế kỷ XX, hồi những năm 1918-1919, dịch cúm Tây Ban Nha đã giết chết tới 50 triệu người. Còn trận dịch hạch có tên Justnian hồi 750 năm sau Công nguyên, tại vùng lãnh thổ Byzantine (Đông Bắc La Mã), người ta nói rằng, không còn cả người để mà chết. Thế nhưng Camus không thể hiện bất cứ trận dịch nào cụ thể trong tác phẩm của mình. Dịch hạch, với ông có lẽ chỉ mang tính biểu tượng. Vậy nhưng, dù không dựa theo trận dịch hạch cụ thể nào, trái lại, bằng sự tưởng tượng tuyệt vời, bằng tài năng hiếm có của một nhà văn, vị tác giả Nobel người Pháp này lại miêu tả nó khiến cho người ta luôn có cảm giác ông lấy nó từ chính trong thực tế. Trước hết, về môi trường bối cảnh miêu tả Dịch hạch, Camus chọn nơi nó diễn ra ở một thành phố nhỏ ven biển Algérie: Thành phố Oran. Nhà văn miêu tả điều kiện sống của thành phố này như sau: “Phải thừa nhận Oran mới thấy được cái gì phân biệt nó với biết bao thành phố buôn bán ở khắp mọi nơi. Chẳng hạn, làm sao khiến người ta hình dung được một thành phố vắng bóng bồ câu, cây cối, vườn tược, một thành phố không nghe thấy tiếng chim vỗ cánh hay tiếng lá cây xào xạc1. Thói quen sống của con người cũng được ông mô tả, khiến không ít người nghĩ, một lối sống như vậy, thì không mắc dịch hạch, hay một căn bệnh gì tương tự như thế, mới là điều lạ: “Trong cái thành phố nhỏ bé của chúng tôi, phải chăng do ảnh hưởng của khí hậu, tất cả những cái đó diễn ra đồng thời, vừa cuồng nhiệt vừa âm thầm. Nghĩa là ở đấy người ta sầu muộn và chăm chút cho mình những thói quen. Đồng bào chúng tôi làm việc nhiều, nhưng bao giờ cũng cốt để làm giàu. Chủ yếu họ quan tâm đến buôn bán và trước hết, theo cách nói của họ, lo làm apphe”.

Một điều đặc biệt khác, cho dù là một tác phẩm hư cấu, rất nhiều trang viết, đặc biệt những trang viết về dịch hạch, một con virút vô hình chỉ có thể nhìn thấy được bằng kính hiển vi, lại rất sống động, hữu hình, hoàn toàn như một câu chuyện có thật: “Sáng ngày 16 tháng tư, khi bước ra khỏi phòng làm việc, bác sĩ Rieux đụng phải một con chuột chết ở giữa cầu thang […]; Ngày 18, các nhà máy, kho hàng đầy rẫy hàng trăm xác chuột […]; Chỉ riêng một ngày 25, người ta đã nhặt và thiêu sáu ngàn hai trăm ba mốt con chuột […]; Ngày 28 tháng tư, người ta lượm được khoảng tám nghìn con chuột […]; Những ngày sau đó, tình hình càng nghiêm trọng hơn. Số chuột chết nhặt được ngày một tăng […]; Chuột bắt đầu kéo ra chết hàng đàn. Từ các xó xỉnh, công trình ngầm, gầm nhà, cống rãnh, chúng loạng choạng leo đến hàng đàn dài, lảo đảo ngoài trời, quay vòng tròn và chết ngoài trời. Ban đêm, trong các hành lang hay trên các ngõ hẻm, nghe rõ tiếng kêu chít chít của chúng trong cơn hấp hối”. Cha Paneloux, vị linh mục đứng đầu Tòa xứ trong vùng, trong bài thuyết giáo của mình, sau khi khuyến cáo các con chiên rằng, đây là sự trừng phạt của Chúa về hành vi “tội lỗi của con người, đã “hữu hình hóa” con virut dịch hạch đầy sống động: “Các con hãy nhìn xem vị thần dịch hạch kia đẹp tựa Ma vương, và óng ánh như bản thân cái ác, ngất nghểu trên mái nhà, tay phải cầm giáo đỏ ngang đầu, tay trái chỉ ngôi nhà […]; Dịch hạch ngồi trên bàn ăn, ở đầu giường, đi bên cạnh, chờ đợi người ta nơi công sở […]; Dịch hạch xông vào nhà, cướp đoạt của mọi người quyền lực của tình yêu và thậm chí cả tình bè bạn”…

Tình thế ấy khiến bác sĩ Rieux và những người bạn của mình không thể ngồi yên. Ông bàn với Tarrou, người bạn thân thiết nhất, một nhà khoa học lúc này đang có mặt ở Oran, cần thông báo tình hình dịch bệnh tới ông thị trưởng thành phố. Chỉ mấy hôm sau, lệnh phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chính thức được ban hành. Kể từ đó, một cuộc chiến cam go giữa Rieux cùng nhóm cộng sự tại chỗ và cả những người tình cờ bị mắc kẹt ở Oran, gồm nhà báo Rambert, nhân viên tòa thị chính Grand, vị bác sĩ lớn tuổi Caxten, cha xứ Paneloux, nhà khoa học Tarrou…, đã tự nguyện gắn kết bên nhau quyết chống lại căn bệnh dịch hạch. Tất cả mọi người, bình thường ít có dịp gần nhau, nhưng lúc này họ đã chung tay đoàn kết, một mặt cứu chữa người bệnh bằng mọi cách có thể, mặt khác tìm cách điều chế huyết thanh cứu người. Nhưng, bất chấp sự nỗ lực của mọi người, nạn nhân của căn bệnh dịch hạch vẫn tăng lên hàng ngày, trong đó có cả những cộng sự của Rieux. Dịch hạch không chừa một ai, kể cả đứa con nhỏ tuổi đáng yêu của Otton: “Khi cơn sốt như một lớp sóng nóng bỏng tấn công nó lần thứ ba và nâng người nó lên chút đỉnh, thì thằng bé co quắp lại rúc vào góc tường vì kinh sợ ngọn lửa thiêu đốt nó, nó lắc la lắc lư cái đầu như điên như dại và vất tung tấm mền đi. Những giọt nước mắt to tướng tuôn ra từ dưới hai mí mắt đỏ rực cháy trên khuôn mặt xám xịt, và cuối cơn, thằng bé kiệt sức, co rúm hai cẳng chân xương xẩu, và hai cánh tay thịt đã biến mất sau 48 tiếng, nằm trên giường rối tung, trong tư thế kỳ quái của kẻ bị đóng đinh trên thập giá”… Dịch hạch diễn ra trong khoảng 10 tháng, từ tháng tư cuối xuân và kết thúc vào tháng 2 đầu xuân năm sau, đã giết chết ở Oran hàng ngàn sinh mệnh, gây cảnh tang thương bao trùm lên khắp cả một vùng. Camus muốn nói gì trong câu chuyện có phần lạ lẫm này của ông?

 

Dịch hạch muốn thông báo với chúng ta về điều gì?

Trong số ba tác phẩm văn xuôi nổi tiếng nhất của Camus, bên cạnh Người xa lạ (L’Étranger, 1942) thuộc hệ phi lý (absurde), Sa đọa (La chute, 1958) thuộc hệ phản kháng (révolte), Dịch hạch được xem là tác phẩm thể hiện rõ nhất cho hệ tư tưởng trữ tình của ông. Khác với hai tác phẩm kia, Dịch hạch cũng được coi là tác phẩm hướng tới sự thống nhất, đoàn kết (solidatité), thực sự tiến bộ của tác phẩm. Ở trên đã nói, Dịch hạch không nhằm viết về một dịch bệnh có thật, cụ thể nào. Dịch hạch trong ý nghĩa chuẩn xác nhất của nó, có lẽ là một biểu tượng. Và bởi là một biểu tượng, nên người đọc có thể suy ra từ đó nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, do tác phẩm được khởi thảo trong khoảng năm 1942, và được công bố chính thức năm 1947, nên nhiều độc giả cho rằng, đó chính là sự ám chỉ cuộc thế chiến khốc liệt, từng giết nhiều triệu người ở thế kỷ XX: Thế chiến 2. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế, tác phẩm của Camus sẽ rất hạn hẹp. Không phải ngẫu nhiên, nhà văn đã cố tình để trống tên thể loại trên bìa sách của mình, ngay sau lần in thứ hai. Ông nhường quyền suy luận cho người đọc. Và, theo như cách ông đã viết trong tác phẩm, đặc biệt ở phần cuối, khi căn bệnh tàn phá thành phố đã chấm dứt, những người dân Oran đổ xô ra đường hò reo, sung sướng, thì vị bác sĩ đáng kính, người đã hết lòng cứu chữa người bệnh trong suốt mười tháng qua vẫn ngồi im lặng bất động trong phòng mình: “Thật vậy, nghe những tiếng reo mừng vang lên từ ngoài đường phố, Rieux sực nhớ là niềm hoan hỉ ấy luôn bị uy hiếp, vì điều mà đám người đang hò reo ngoài kia không biết, thì ông biết và người ta có thể đọc trong sách báo: Vi trùng dịch hạch không bao giờ chết và mất hẳn. Nó có thể im lặng hàng chục năm trong đồ đạc, quần áo, kiên nhẫn chờ trong các căn buồng, dưới hầm nhà, trong hòm xiểng, trong khăn mùi soa và các đống giấy má… Và một ngày nào đó, để gây tai họa cho con người và dạy họ một bài học, dịch hạch có thể đánh thức đàn chuột của nó dậy và chạy đến lăn ra chết ở một đô thành nào đó con người đang sống trong phồn vinh, hạnh phúc”.

Hiểu như thế, ý nghĩa của tác phẩm Dịch hạch sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Và nó chính là lời cảnh báo về lối sống hưởng thụ, tham lam, vị kỷ của con người trong xã hội hiện đại ngày nay.

_____

  1. Tất cả các trích dẫn trong bài đều được lấy từ bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Trọng Định, NXB Văn học, 1989

Nguồn Văn nghệ số 19/2020


Có thể bạn quan tâm