April 19, 2024, 10:06 am

Dịch giả Trịnh Lữ ra mắt sách về chuyện đời, chuyện nghề

 

Dịch giả Trịnh Lữ vừa ra mắt sách ghi chép về gia đình, đồng nghiệp và những câu chuyện nghệ thuật.
Cụ thể, phần I:  Chuyện đời - được nhiều độc giả thích thú vì chứa đựng những câu chuyện về gia đình, công việc của một người lớn lên, làm việc ở Hà Nội suốt thời bao cấp cho đến khi đất nước bắt đầu mở cửa và sớm hội nhập quốc tế. Những câu chuyện ông kể về "Cụ chùa" - người bác, hay "Maurine" - đồng nghiệp ở New York... đều khiến độc giả rưng rưng xúc động về tình người.

Phần hai - Chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa... - là những suy nghĩ, đúc kết từ việc vẽ, dịch, viết của chính tác giả cũng như từ sách vở của thiên hạ. Sách đính kèm 12 bức tranh sen in màu, như một ghi chép bằng hội họa của Trịnh Lữ, được ông vẽ trong suốt năm 2020 không thể đi đâu vì Covid-19.

Dịc giả Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn) sinh năm 1948 tại Hà Nội, là con trai của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ông từng là biên tập viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam, sau đó sang Mỹ từ đầu những năm 1990 làm việc cho các tổ chức quốc tế. Trịnh Lữ đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng, ra mắt độc giả Việt, như Cuộc đời của Pi, Đại gia Gatsby, Rừng Na Uy, Con nhân mã ở trong vườn, Utopia, Biển... Ông nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, lần lượt trong năm 2004 - 2005.

Ông còn là tác giả của nhiều đầu sách tiếng Anh như Form Communities & For Communities, Impact & Sustainability, Equity in Health. Trước Ghi chép, cuốn sách tiếng Việt duy nhất ông xuất bản là Đi vẽ, ra mắt năm 2015.

Trước đó, trong buổi ra mắt sách, dịch giả Trịnh Lữ đã chia sẻ: "Khi viết, người viết chỉ có một mình trong không gian yên tĩnh. Khi ghi chép của mình được chia sẻ với mọi người, những trải nghiệm, cảm xúc của mình đến với bạn đọc, có gì đó rất nhẹ nhàng mà sâu lắng đọng lại. Nói hạnh phúc thì hơi quá nhưng có bạn đọc, tôi thấy mình không cô quạnh. Có những bạn đọc mình không bao giờ được gặp nhưng họ biết mình, đọc mình qua mạng, qua sách, đó là niềm vui lớn của người viết".

Thói quen ghi chép của hoạ sĩ kéo dài từ thơ ấu cho tới tận bây giờ, khi ông đã 73 tuổi. Mỗi tối, sau 19h ông bắt đầu ngồi vào bàn và ghi chép bằng tay những việc làm hàng ngày của mình, không dùng các thiết bị công nghệ. 

Nguyễn Phương


Có thể bạn quan tâm