March 29, 2024, 3:10 pm

Dịch bệnh coronavirus: Tiếp theo sẽ là gì?

 

Các chuyên gia cân nhắc các kịch bản xấu nhất và ít thiệt hại nhất khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Các nhà khoa học và các nhà chức trách y tế trên khắp thế giới đang chạy đua chặn sự lây lan của virus chết người mới xuất hiện ở Vũ Hán vào tháng 12/2019. Hàng trăm người đã bị phơi nhiễm chủng coronavirus mới, nguyên nhân dẫn họ đến bệnh viêm phổi. Số người chết đã lên tới con số 213 và còn gia tăng hàng ngày. Vào ngày 30/1/2020, WHO đã tuyên bố một tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế (PHEIC) – một mức cảnh báo dành cho những sự kiện y tế cho thấy sự nguy hiểm cho nhiều quốc gia và đòi hỏi sự đối phó được điều phối ở tầm quốc tế.

Dù vào thời điểm này, những chi tiết cốt lõi về chủng virus này và cách chúng lan truyền vẫn còn chưa rõ nhưng các chuyên gia đang xem xét các kịch bản xấu nhất và ít thiệt hại nhất trên cơ sở những dịch bệnh truyền nhiễm trước cũng như những gì các nhà khoa học mới nắm bắt được.

Bao nhiêu người nữa sẽ nhiễm virus?

Chính quyền Trung Quốc đã đóng cửa các thành phố và trung tâm của dịch bệnh này, còn các nhà nghiên cứu đang nhanh chóng chia sẻ dữ liệu về virus với WHO và đồng nghiệp. Nhưng con số các ca nhiễm bệnh vẫn gia tăng, và đã vượt qua con số 9.000 người, chủ yếu ở Trung Quốc. Điều này dẫn đến một dự đoán là virus có thể nhiễm cho khoảng 39.000 trong số 30 triệu người đang sống ở khu vực Vũ Hán. “Dường như virus đã vượt khỏi tầm kiểm soát ở Trung Quốc, lan truyền quá xa, quá nhanh và quá khó để ngăn chặn,” Ian Mackay, một nhà vi trùng học ở ĐH Queensland tại Brisbane, Australia, nói.

Trong trường hợp may mắn nhất, ít người sẽ bị lây nhiễm bởi những ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát sẽ bắt đầu có hiệu lực, Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại ĐH Hong Kong, cho biết. Nhưng vẫn còn quá sớm để nói là liệu các nỗ lực để cách ly người nhiễm bệnh và sự phổ biến của khẩu trang, có hiệu quả hay không. Thời kỳ ủ bệnh của virus — lên đến 14 ngày — dài hơn các biện pháp kiểm soát đã từng thực hiện, ông nói.

Trong kịch bản xấu nhất, khoảng 190.000 người có thể bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán, theo một mô hình dự đoán khác. Các nhà khoa học đã lo ngại về những cơn bùng phát mới xuất hiện ngoài Trung Quốc. Virus mới lan truyền ở một số khu vực nhỏ, cục bộ tại Việt Nam, Nhật Bản, Đức và Mỹ, nhưng các chính quyền đã nhanh chóng cô lập những người nhiễm bệnh. Đến hết ngày 30/1/2020, ít hơn 100 ca được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc.

Virus có ở lại một khu vực?

Khi một virus lưu hành liên tục tại một cộng đồng, nó được gọi là đặc hữu. Các virus này là nguyên nhân gây bệnh thủy đậu, cúm, những loại đặc hữu ở nhiều quốc gia nhưng sự bùng phát có thể được kiểm soát bằng tiêm chủng vaccine và dể mọi người ở nhà nếu họ bị ốm.

Một câu hỏi lớn là liệu coronavirus có như vậy không. Nếu những nỗ lực để ghìm chân nó thất bại, nó có cơ hội để trở thành loài đặc hữu và gây ra dịch địa phương. Với cúm, điều này có nghĩa là có những cái chết xảy ra hàng năm vì virus lưu hành, cho đến khi phát triển được một vaccine. Nếu virus có thể lây lan do người bị nhiễm virus nhưng không có triệu chứng nhiễm, sẽ rất khó khăn để kiểm soát sự lây lan và khiến cho virus sẽ trở thành virus đặc hữu và gây dịch địa phương.

Đã có nhiều ca bị lây nhiễm từ những người không có triệu chứng nhiễm bệnh nhưng vẫn còn chưa rõ là liệu những ca không có triệu chứng hay triệu chứng không rõ rệt là phổ biến và liệu chúng có lây nhiễm hay không, và có thì như thế nào? “Chúng ta có thể tìm thấy một virus sẽ đi cùng chúng ta suốt một thời gian dài, có thể là mãi mãi,” Mackay nói.

Những ca không triệu chứng khiến virus mới khác biệt với coronavirus là nguyên nhân gây bệnh SARS, một dịch bệnh toàn cầu năm 2002–2003 nhưng chỉ lây nhiễm khi con người bị ốm ở mức cần được chăm sóc ở bệnh viện và khi dịch được kiểm soát ở các bệnh viện, SARS được ngăn chặn. Không có bằng chứng nào cho thấy virus này vẫn còn lưu hành trên người, Mackay nhấn mạnh.

Nếu các giải pháp kiểm soát hiệu quả, và việc lan truyền giữa một cá nhân nhiễm bệnh cho người khác chậm xuống, dịch bệnh hiện tại có thể đơn giản đã được kiềm chế, Cowling nói.

Virus có thay đổi?

Một số nhà nghiên cứu lo ngại là coronavirus Vũ Hán lan truyền, mầm bệnh có thể biến đổi, vì vậy việc lây nhiễm khó lường hơn hoặc có xu hướng gây ra bệnh cho những người trẻ. Hiện tạiy, virus là nguyên nhân gây ốm, chết chủ yếu ở những người lớn tuổi hơn, đặc biệt những người từng có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim. Một người đàn ông Vũ Hán 36 tuổi không có tiền sử bệnh tật là nạn nhân ít tuổi nhất của dịch bệnh.

Kristian Andersen, một nhà nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Scripps Research ở La Jolla, California, không lo ngại về việc virus trở nên độc hơn. Ông nói sự biến đổi liên tục của các virus là một phần của vòng đời nhưng những biến đổi đó không khiến virus độc hơn hay là nguyên nhân làm trầm trọng hơn tình trạng dịch bệnh. “Tôi không tìm thấy ví dụ nào như thế này với một mầm bệnh,” ông nói.

Trong các tình trạng nơi một virus nhảy từ một vật chủ trung gian sang các loài khác – có thể là cách coronavirus mới bắt đầu lây nhiễm cho người – có thể có một áp lực lựa chọn để cải thiện khả năng sống sót trên một vật chủ mới nhưng hiếm khi có hiệu ứng về dịch bệnh trên người hoặc khả năng lan truyền của virus, Andersen nói. Phần lớn các đột biến được đều bất lợi cho virus hoặc không để lại hậu quả, ông nói. Trong nghiên cứu năm 2018 về SARS trên các tế bào động vật linh trưởng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một đột biến của virus trong dịch bệnh năm 2003 có lẽ làm giảm độc lực của virus.

Các nhà nghiên cứu đã chia sẻ hàng tá giải trình tự gene từ các chủng coronavirus mới, và việc cung cấp  các trình tự gene sẽ tiết lộ những thay đổi di truyền khi tiến triển dịch bệnh, MacKay nói. “Các viruse không thay đổi hành vi ít nhất cho đến khi chúng thay đổi trình tự gene, và chúng ta cần thấy virus thay đổi một cách liên tục hay nhất quán,” ông giải thích.

Có bao nhiêu người sẽ tử vong vì dịch bệnh?

Thật khó để tính toán được tỉ lệ tử vong do một virus gây ra – tỉ lệ những người nhiễm bệnh và không qua khỏi – giữa ổ dịch bởi hồ sơ về các ca mới liên tục được cập nhật. Với 213 người chết từ gần 10.000 bị nhiễm bệnh, coronavirus mới có tỉ lệ chết là 2 đến 3%, thấp hơn SARS, nguyên nhân dẫn đến cái chết của 10% người nhiễm bệnh. Tỉ lệ chết được biết do coronavirus mới dường như  suy giảm khi các ca không triệu chứng hoặc không biểu hiện triệu chứng được nhận diện, nhà vi trùng học Mark Harris tại ĐH Leeds, Anh, nói với Trung tâm báo chí khoa học ở London.

Hiện chưa có loại thuốc nào hiệu quả với virus. Hai loại thuốc HIV hướng đích với một protein, vốn hỗ trợ coronaviruses sao chép đang được thử nghiệm để điều trị. Các nhà khoa học cũng nhận diện được những thuốc đang hiện hành có  chức năng này, và nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế đang cùng nhau phát triển vaccine.

Số lượng ca tử vong sẽ còn phụ thuộc vào cách hệ thống y tế của Trung Quốc đối phó với số lượng lớn các ca. Những gì có thể làm lúc này là truyền nước và máy thở để đảm bảo cho người bệnh đủ chất lỏng và lượng ô xy trong khi hệ miễn dịch của cơ thể chống chọi lại với virus. Trung Quốc đang xây hai bệnh viện lớn ở Vũ Hán để chứa người bị nhiễm bệnh nhưng nếu virus lan sang những vùng đất ít nguồn lực hơn như châu Phi, hệ thống y tế của họ sẽ phải chống chọi với khó khăn, theo Sanjaya Senanayake, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở ĐH Quốc gia Australia ở Canberra.

Trong thông báo về tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, lo ngại lớn nhất của ông là dịch bệnh có thể lan sang những quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn.

Nếu virus lan truyền khắp thế giới, số lượng người chết có thể tăng lên đáng kể. Tuy thấp hơn tỉ lệ tử vong của SARS nhưng tỉ lệ này của virus mới vẫn còn quá cao với một bệnh truyền nhiễm, Adam Kamradt-Scott, một chuyên gia an ninh y tế toàn cầu tại ĐH  Sydney, Australia. Dịch cúm năm 1918 với cái tên cúm Tây Ban Nha, lây nhiễm cho một nửa tỉ người, tương đương 1/3 dân số thế giới thời điểm đó và gây ra cái chết của hơn 2,5% người bị nhiễm, ước tính 50 triệu người.

Coronavirus Vũ Hán có thể không kích hoạt một kịch bản tận thế bởi nó không lây nhiễm cho những người trẻ và người khỏe mạnh, Kamradt-Scott trấn an.

Anh Vũ dịch

Nguồn Tia Sáng


Có thể bạn quan tâm