March 29, 2024, 3:13 pm

Đi trong vang hưởng Hồn làng

Nguyễn Đình Phúc để lại trong tôi và nhiều bạn đọc khác một ấn tượng về sức viết và một ít nét riêng về ngôn từ và cấu trúc khi ông dựng trường ca Hồn làng.

Trong trường ca Hồn làng tác giả đã thật hào hứng khi kể lại, dựng lại những hình ảnh hội hè độc đáo của một vùng quê. Ta dễ nhận ra sự tự hào chính đáng của một người con đất Tổ lúc ông viết về phong khí phong dao phong tục thuần hậu và thượng võ của một miền quê Việt vốn là đất thiêng.

Trong giấc mơ trống đồng/ Tôi gặp lại những ông Tổ khai quang/ Đôi mắt sắc và ánh nhìn lẫm liệt/ Mùi của những chiếc rìu đá lửa khét/ Mảnh sui thân mùi rừng phai chưa hết/ Triền đồi lau trắng vẽ miên man…

Vua Hùng mùa thu sang sông về thờ cúng đi săn…/ Vua tôi cùng một mâm/ Cùng cười hoang cây cỏ/ Chén rượu ngọt ngào tỏa ấm mây trời/ Cùng cấy cày lập xóm dựng cơ ngơi/ Chưa có chữ thì truyền vào ca dao tục ngữ/ Tiếng cười Văn Lang truyền quên đói lả…

Trong các dòng hồi ức, hồi tưởng mà phục dựng lịch sử này của Nguyễn Đình Phúc, người đọc vừa gặp lại huyền sử đẹp, mà như chợt liên tưởng đến cảnh nước, vận nước hôm nay. Đó là dụng ý của tác giả trường ca Hồn làng, hay là sự suy diễn tự nhiên của ỗi chúng ta?

Đã có mấy lần có nhiều hôm chả hẹn hò chính xác với ai, mà như có một cánh rừng, một đồng bãi, một vạt cỏ xanh mềm nào ở nơi ấy nhắc gọi, thế là tôi lên đường. Lang thang và dừng hỏi, chuyện trò bất chợt như với bất cứ ai dọc lộ trình đầy ngẫu hứng, tôi vi vút theo dòng sông Thao, sông Hồng, xuôi mãi qua Tứ Xã, Tam Nông, Cổ Tiết…, rồi quay lại, gặp sông Đà giao với sông Cả ở Việt Trì mà nghe vang vọng tiếng dô hò từ bao giờ dậy lên.

Đi trong âm vang Hồn làng, trong những hồi ức được gợi dẫn từ truyện của những Hà Phạm Phú, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Trọng Tân… và cả cái giọng cười giòn của ông gì trong tản văn của Đỗ Xuân Thu nữa. Những giờ ngả chiều nắng xiên khoai ấy, cứ nhẩm thơ Nguyễn Đình Phúc lẫn với thơ Kim Dũng, lại thấy thập thững đâu như có cái chàng khoèo của Nguyễn Thị Hồng Chính đang ứng éo ân ờ mình đến uống nước ở cái quan đằng kia.

Mấy hôm rồi thì cũng về đến nhà, mệt bã bượi, thốt nhiên nghĩ: Mình cũng liều thật, cứ thích đi một mình, để được tự do ngắm nghía, dừng nghỉ… thế, may mà không có bất trắc gì. Nhưng lại tự sướng, rằng: Có đi vậy, mới hiểu dần ra được cái gọi là các vỉa tầng phong hóa của Đất Tổ, mới vỡ vạc thêm cái câu hỏi: Tại sao Nguyễn Đình Phúc, và những anh chị em văn nhân Đất Tổ đã viết như thế? Họ viết vậy, thì có gì giống và khác văn nhân xứ Nghệ đây? v.v…

Thốt nhiên, nhớ mấy câu này, là khó lẫn với Kim Dũng hay của ai trên ấy được, Nguyễn Đình Phúc viết:

Những gì ta chưa có/ Là những gì ta mong/ Như lửa chờ khói bếp/ Thiên di cõi mây hồng/ Nắng mưa trời ban xuống/ Chồi biếc nở dâng lên/ Cánh diều mơ cổ tích/ Mọc từ tay bé em/ Hồ nghi con mắt mở/ Sao lại thành nụ hôn/ Đua chen cùng tinh tú/ Trái đất muôn năm tròn…

Nhớ và đọc đến đây, chợt nghĩ và tự hỏi: Đây là khúc đồng dao à? Đây là một loạt thức nhận ư? Nhà thơ vu vơ viết hay giả vờ vu vơ thế để “nói” gì chăng?

Và đây là khổ thứ hai, cũng là cái kết của bài Vô đề này:

Cứ vậy thôi vậy thôi/ Lặng yêu niềm mong đợi/ Vô tình những trả vay/ Mỗi sinh tồn một lối/ Chỉ có em chiều nay/ Làm bao người bối rối!

Đã có người đọc bài này rồi nói: Bài này quen quen là lạ. Người khác lại bảo: Quen quen là lạ là cảm giác ban đầu, báo hiệu rằng đây là những câu thơ/ đoạn thơ/ bài thơ hay… như khi ta vừa gặp một người có duyên thầm. Bước đi và dáng người của cô toát lên vẻ thanh tân mà phảng phất hồn làng quê kiểng. Kia kìa, cô gái ấy đấy, cô ngồi kia, đang làm bao người bối rối.

Tôi muốn dám chắc rằng trước tôi, Nguyễn Đình Phúc đã cắm cúi đi, phiêu bồng đi, ngỡ ngàng gặp… nên mới viết liền hơi liền mạch là xong cái bài chưa biết đặt tên là gì, thì cứ gọi là Vô đề đã vậy.

Biết Nguyễn Đình Phúc là người từng trải qua nhiều chặng đời và công việc khác nhau, có việc khác đến mức người ta dễ cho rằng ở đấy khó mà nẩy mầm thơ ca được, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông mới làm thơ rồi nhập vào làng thơ Đất Tổ, làng thơ Việt Nam. Vì sao? Có người hỏi thế, tôi muốn trả lời gọn: Vì thơ ông ít thấy có sự chập chững.

Lại có bạn nhắc tôi: Ông đang làm tập sách Những thi nhân mới đến với văn đàn đầu thế kỉ…, ông đã viết về Nguyễn Đình Phúc chưa? Thì tôi giật mình thật.

Rồi tìm đọc lại, té ra, người nhắc đã rất có lí khi kể rằng: Năm 2007 Nguyễn Đình Phúc mới xuất bản tập thơ đầu tiên, là tập Mắt chiều, sau đó, ông có tiếp các tập nữa là: Nơi cành cong (2008), Giấc mơ Sâm Cầm (2013), Hồn làng (trường ca, 2016), Neo bóng thời gian (2018), Áo khoác Bác Hồ (2019).

Ừ nhỉ, Nguyễn Đình Phúc là “nhà thơ trẻ” đấy a?

Phúc tuổi Canh Dần (sinh 1950, khai sinh từ lúc đi học lại ghi là 1951, “thời ấy đều thế cả” mà!), nhưng tính tình ông ôn hòa, hơn là hổ độc thân. Thế nên gọi ông là nhà thơ trẻ thì cũng là vui thôi, rất khác với một số nhà, là khi đã 50 tuổi, có cháu ngoại và nội rồi, vẫn “được” gọi là “nhà thơ/ nhà văn trẻ”, thì “bố cháu/ ông cháu cú lắm!”. Đừng bỡn nhé! Riêng ông Phúc thì thoải mái.

Ông Phúc còn trẻ, theo tôi, đấy là tôn vinh, là “nịnh khéo” nhau đấy. Nhưng không khéo miệng quá đâu nha. Xin hãy đọc mấy câu này của ông:

Hội làng chen bóng em anh/ nhớ câu xoan ghẹo tỏ tình lá non/ em đi mặt giếng xoay tròn/ trời xanh in bóng mãi còn mộng mơ/ sáo diều canh giữ tuổi thơ/ quai thao nón lá ẩu tơ vương trời. (Một thoáng trung du).

Xin đọc lại, chỉ hai dòng/ câu này thôi:

em đi mặt giếng xoay tròn

trời xanh in bóng mãi còn ngẩn ngơ

Tả về vẻ đẹp từ hình thể, đến bước đi của người em gái như thế, là Nguyễn Đình Phúc đã học theo cụ Tố Như được một chút, hay là Cụ Tổ của thơ Lục bát đã ban truyền cho ông vậy? Khó mà chỉ ra rạch ròi chuyện này được. Ta chỉ có thể nói: Người em gái mà Nguyễn Đình Phúc kể và tả ấy, không chỉ có vẻ đẹp dung nhan, mà chắc là có cả vẻ đẹp của tâm tính, tâm hồn, nên trời xanh mới in bóng mãi còn ngẩn ngơ được.

Quả thực, Nguyễn Đình Phúc đã có sự trẻ trung trong nhìn nhân và già dặn trong bút pháp thơ. Rồi ra, bạn lại sẽ có cảm tưởng là cũng dễ tìm nhặt được từ rất nhiều bài viết về mọi chuyện mọi nơi là những ghi nhanh tâm trạng, cảm xúc của tác giả. Này là lúc ông ở Tây Hồ - Hà Nội:

Mắt em sắc lẹm dao cau/ thoảng trong lá nõn nhớ màu áo quê/ trời xanh động bóng gọi về/ thoắt thôi bóng đã bốn bề nhà cao (Lại nhớ về sâm cầm Hồ Tây).

Này là khi ông nhớ về khu Rừng Cấm huyền thoại:

Rừng cấm thời Hùng Vương chưa bao giờ đeo biển/ tiếng thở nguyên sinh ăm ắp rừng đầy/ chim tập ra ràng lỡ đà rơi xuống đất/ dân chữa thuốc lành rồi trả lại cho cây. (Rừng Cấm).

Trong dòng thơ ghi nhớ khá phong phú ấy, tôi bắt gặp một số ý mới - lạ, như ở bài Tổ quốc. Sau khi đã viết: Tổ quốc trong ta những gì tôi chưa về/ xa vắng chưa về/ đôi khi chỉ là chiếc lá rơi trong gió…, nhà thơ hạ bút tiếp:

Tổ quốc, có kẻ hận thù mấy mươi năm/ nhìn cờ đỏ quay mặt/ lại xin gửi nắm gió tàn vượt trùng xa về đất/ những năm lá rơi nhiều không phải mùa thu…

Đến bài Tổ quốc này, Nguyễn Đình Phúc đã sáng tác bằng trải nghiệm suy tư, bẳng cả sự đôn hậu và sự thể tất, thấu hiểu của một nhà thơ thực thụ.

Như vậy, tác giả Hồn làng dần vượt qua được sự ám ảnh từ đâu đó rằng mình là “dân tỉnh lẻ”, ông tiếp cận được với Hà Phạm Phú, Nguyễn Trọng Tân và Nguyễn Hữu Nhàn, Kim Dũng… Từ chỗ chỉ viết cho mình, sáng tác theo phong trào… Ông như con chim nhỏ vườn làng Phú Thọ, nay ông sắp thành con sâm cầm trong giấc mơ ngày nào, có thể tung cánh theo đàn bay đi, di cư di trú ở xa quê, đến mùa lại về.

Nghe nói Nguyễn Đình Phúc thuở trẻ trai cũng đi nhiều, giao tiếp rộng, nên bản tính ham học của ông càng được phát triển, ông đã làm được mấy nghề. Khi đã ngoài sáu mươi xuân, nghe nói ở ta có cái trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du, thế là ông xin đến học. Năm ấy, khóa học mở tận Pleiku, xa thế, mà vẫn cất công vào cho được. Bạn văn nghệ Phú Thọ và Vĩnh Phúc, Yên Bái rồi Lào Cai… bảo với tôi: Ông Phúc học xong một khóa chỗ Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam ra, viết lên tay hẳn. Tôi nghe thế thì không dám chắc gì nhiều, mà chỉ mừng là dăm bảy năm gần đây Nguyễn Đình Phúc viết đều tay hơn, đề tài có rộng mở hơn. Cái bài Một thoáng trung du vừa trích dẫn ở trên, là nằm trong loạt bài “lên tay” ấy. Trong sự phát triển của thơ Nguyễn Đình Phúc, tôi nhận ra sự bình đạm đã tăng dần, thơ ông nghĩ và cảm đan xen, đang át dần cái lối kể và tả.

Chả nên nói là ông Phúc có nợ nần gì với thơ ca, ông có chút duyên phận gì đó với cái lĩnh vực thật là nghiêm ngắn trang trọng mà cũng đa tình dễ đa đoan này thì đúng hơn. Và ông đã bõ công với duyên tình non nước bạn bầu này.

Sang tuổi bảy mươi rồi, Nguyễn Đình Phúc có mất thì giờ với thơ ca, cũng là hợp lẽ. Người ta có ý trông chờ ông viết để đọc nữa, ông chối bỏ được ư?

Cố nhiên, viết để đọc được nào có dễ.

Tôi biết là Nguyễn Đình Phúc đã có đà, lại có cái nền rất vững là anh em bạn bè văn nghệ Đất Tổ - ở nơi gốc nguồn dân tộc ấy, văn nghệ sĩ ta có tài đã đành, lại rất đượm tình đồng bào, tình văn giới. Nói theo cách nhà thơ Hữu Thỉnh, thì chúng ta được quyền hy vọng, phải không?

Nguồn Văn nghệ số 41/2020


Có thể bạn quan tâm