March 29, 2024, 10:28 pm

“Đi trên dây” để điều hành nền kinh tế

Số liệu thống kê không chuẩn xác, nhiều số liệu thiếu căn cứ khách quan là một trong những bất cập đã được chỉ ra tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ với Tổng Cục thống kê và các Bộ, ngành trung tuần tháng 8 vừa qua. Và cũng tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng bày tỏ: “ thống kê là công cụ quản lý vĩ mô rất quan trọng, không có thông tin thì không thể ra quyết định được”. Những kết luận  không chỉ cho thấy đã và đang tồn tại lỗ hổng lớn trong công tác thống kê mà ở một góc độ nào đó, còn tác động trực tiếp đến những quyết định điều hành của Chính phủ- hậu quả, cản trở khả năng vận hành của nền kinh tế, khi những phân tích và dự đoán sai lệch về hiệu quả kinh tế của các dự án đầu tư quy mô lớn.

 

 

Đây là 5 sai số có thể xảy đến trong công tác thống kê  .   Ảnh minh họa .  Nguồn Internet

 

Ma trận của những con số

Tại buổi làm việc với Tổng Cục thống kê, Phó thủ tướng nhấn mạnh, chưa nói đến những số liệu thống kê kinh tế vĩ mô quan trọng, mà ngay cả những thống kê tưởng như đơn giản nhất cũng không chuẩn xác, không những cản trở việc đưa ra những quyết định điều hành kinh tế của chính phủ, mà còn cản trở khả năng vận hành của nền kinh tế, khi đưa ra những phân tích và dự đoán sai lệch về hiệu quả của các dự án kinh tế quy mô lớn.  Đồng thời Phó thủ tướng đã liên hệ bằng một hình ảnh hết sức cụ thể: Một chủ doanh nghiệp không thể điều hành công ty của mình nếu không nắm được chính xác số liệu cần thiết; với một nền kinh tế cũng tương tự.

Trên thực tế, để xây dựng kế hoạch sản xuất, người chủ doanh nghiệp, nhà máy dù tư nhân hay Nhà nước đều phải dựa trên những số liệu điều tra cụ thể về nhu cầu thị trường, về vốn kinh doanh, nhân lực, nguồn nguyên liệu… để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh… Vậy mà gần đây có thể thấy hàng loạt các ví dụ bi đát về sức khỏe của nền kinh tế thông qua hàng loạt những ví dụ không vui: số phận của nhà máy gang thép Thái Nguyên bị bỏ hoang, ước tính  thiệt hại lên tới 8.000 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm tỷ đồng tiền bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) do dự án kéo dài thời gian thi công. Và để cứu gang thép Thái Nguyên cần phải có thêm nhiều ưu đãi với số vốn lên tới hàng ngàn tỷ. Tiếp đến dự án Bauxite Tây Nguyên bao gồm 2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ, bị đội vốn lần lượt 3.800 tỷ và 4.300 tỷ đồng… Viễn cảnh về một nền kinh tế phát triển toàn diện còn được xây dựng dựa trên mức “lãi khủng” của lọc dầu Dung Quất ước tính lên tới 119 tỷ đồng/ năm. Tuy nhiên 2 năm liên tiếp sau đó nhà máy bị lỗ với các mức tương ứng là 2.959 tỷ đồng và 1.289 tỷ đồng. Với khoản lỗ lũy kế này đã buộc Tập đoàn dầu khí (PVN) thừa nhận kết quả sản xuất kinh doanh của Dung Quất chịu tác động rất lớn từ cơ chế ưu đãi, thậm chí nếu không được ưu đãi, số lỗ của nhà máy này có thể lên đến 27.600 tỷ đồng…

Những con vô cảm, thậm chí lạnh lùng, nhưng lại có một sức mạnh đủ để những người bàng quang nhất với nền kinh tế của đất nước dù có muốn làm ngơ cũng không thể không cảm thấy lo ngại.

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thống kê, ngày 23 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thống kê năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Song  với những lo ngại của Phó thủ tướng khi không biết tin vào con số nào để điều hành kinh tế vĩ mô” thì hẳn sẽ còn nhiều điều đáng bàn về quy trình cũng như phương pháp mà Luật thống kê đang thực thi tại Việt Nam. 

 

Bài toán tính cua trong lỗ

Tại kỳ họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào ngày 16-8 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Chình phủ cần phải có một số liệu cụ thể khẳng định hiện có bao nhiêu dự án nghìn tỷ đang “đắp chiếu” và đang thua lỗ. Lỗ nằm ở đâu, trách nhiệm thế nào, khắc phục ra sao để báo cáo trước Quốc hội. Đa số ý kiến của Quốc hội, cử tri tại các cuộc tiếp xúc đều có đề nghị, Chính phủ cần có thái độ sớm, phân biệt những công trình nào thuộc diện cần thiết phải duy trì và những dự án nào dứt khoát không dùng tiền ngân sách Nhà nước để “nuôi” nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Trước đó, những dự án này khi mới nằm trên giấy đều được chủ đầu tư khẳng định có lãi, tạo đột phá cho ngành, địa phương và nền kinh tế. Song chỉ trong một thời gian ngắn đã lâm cảnh “sống dở, chết dở”. Tại báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm được trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/7, Ủy ban kinh tế nhấn mạnh chỉ trong những tháng đầu năm đã xuất hiện một số dự án, công trình quy mô lớn không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước. Cụ thể là một số dự án như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng, sau 4 năm hoạt động, lỗ khoảng gần 10.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, đầu tư 7.000 tỷ đồng, nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động... Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có một phần không nhỏ của công tác điều tra nhu cầu thị trường, lập kế hoạch sản xuất… Nhiều chuyên gia kinh tế đã không sai khi cho rằng, lâu nay chúng ta đang vận hành nền kinh tế trong tình trạng “đếm cua trong lỗ”, thậm chí nói nôm na là “thấy người ta ăn khoai vội vác mai đi đào” mà không tính đến những hệ lụy xuất hiện một cách thường xuyên, liên tục trong rất nhiều dự án lớn của Nhà nước, như đội vốn do chậm tiến độ, lạc hậu về công nghệ, bị nhà thầu o bế… Tất cả đều có chung một nguyên nhân do những đánh giá hiệu quả kinh tế không chính xác.

Tự đề cao mình, không đặt mình trong guồng quay của hội nhập, phát triển, là thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt. Song giải quyết nó quả thực không dễ hay nói đúng hơn là cần có thời gian để chúng ta nhận biết mình đang đứng ở đâu, có xuất phát điểm thế nào để thực sự hội nhập. Chỉ khi biết mình đứng ở đâu và xuất phát điểm thế nào thì việc chọn con đường nào để đi hẳn sẽ không phải là quá khó.

 


Có thể bạn quan tâm