April 19, 2024, 7:05 pm

Đi tìm thời gian đã mất…

Trong 10 truyện ngắn hay năm 2020 (Phụ bản số Tết Tân Sửu Báo Văn nghệ) nhà văn Nguyễn Trọng Luân đứng chân một truyện hay – Cây đại học. Truyện này được đưa vào tập truyện ngắn mới nhất của anh – Bản thánh ca vọng mãi. Đây là tác phẩm văn xuôi thứ bảy của tác giả. Nếu ai đọc sát Nguyễn Trọng Luân, còn thấy anh là người làm thơ, đã ra mắt năm tập thơ. Riêng tôi, tìm thấy khí vị, công lực viết văn của Nguyễn Trọng Luân trong văn xuôi, đặc biệt truyện ngắn. Có thể nói, “đi tìm thời gian đã mất” như là cái cấu tứ, như một sợi chỉ đỏ, xuyên suốt tập truyện, thấm đậm vào chủ  đề, cốt truyện, tình huống, chi tiết, câu chữ và cả nhịp điệu văn xuôi.

Nguyễn Trọng Luân giống thế hệ của mình, viết gì rồi cũng không ra khỏi chiến tranh, luôn cảm thấy chiến tranh dường như chưa kết thúc. Mười chín truyện trong tập tuy dài ngắn khác nhau, nhưng chung nhau một điểm độc sáng - bản thân nhà văn và người đọc như cùng đồng sáng tạo, cùng sống chung với những ký ức lương thiện của một thời đạn lửa của một thế hệ hy sinh tận cùng nhưng hào sảng cũng tận cùng trong mỗi ngày để sống, để yêu thương và căm hờn. Nguyễn Trọng, Luân viết về thế hệ của mình với tình cảm trân trọng, tuy cố giấu nỗi đau đớn nhưng tự nó phát lộ qua mỗi câu chuyện của người trong cuộc kể ra. Điển hình cho cấu tứ “đi tìm thời gian đã mất” in dấu trong truyện đứng đầu tập Con tàu đi về miền gió bấc. Nhân vật người lính (Lân) trở về sau chiến tranh và cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên nhưng như là định mệnh với Lương (cô giáo dạy Toán chính ngôi trường anh trở về học). Mối quan hệ giữa Lân - Lương - Chiến được bao phủ bằng một màn sương bí ẩn của tâm linh. Phải nói đúng ra là cô yêu cả hai người, một đã hy sinh (Chiến), một hiện hữu (Lân). Lân và Chiến là bạn cùng trường đại học, họ cùng xếp bút nghiên theo việc binh đao. Nhưng Lương lại đi lấy chồng (thầy giáo Hồng, đồng nghiệp cùng trường) và vào miền Nam sinh sống, lập nghiệp. Cuộc gặp vô tình với Lương đã dẫn Lân sống lại quá khứ bên cạnh người đồng đội đáng yêu có biệt danh “Chiến bật lửa” đã hy sinh trên cửa biển Tuy Hòa thời chống Mỹ (“Nơi biển thì xanh ngời ngợi còn nó thì nằm lại ở cánh đồng lúa con gái”). Kết thúc truyện, đúng vào thời điểm bốn mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, ngày Lân lên tàu từ miền Nam về quê (khi bất chợt gặp cô giáo Lương cùng chuyến tàu về Thái Nguyên), thì bà Lương lại từ miền Nam trở về Việt Bắc (chồng bà đã mất cách đấy vài năm vì bạo bệnh): “Bà đang trở lại vùng gió bấc mà bà đã từng tê tái, từng yêu cái rét thấu xương nhưng lại hay cứ làm má con gái ửng đỏ. Bà rút điện thoại gọi cho bà bạn từng là giáo viên sức bền vật liệu đã nhỉ hưu. Bà dặn bà bạn nhớ mang cái gói khăn dù mà trước khi vào Nam bà cẩn thận gửi bạn giữ hộ. Bà biết ngày mai Lân cũng sẽ về hội trường. Bà sẽ trao lại cái khăn dù mà bốn mươi năm trước anh đã quàng lên cổ bà vào một đêm gió bấc”. Người ta nói, người cao tuổi thích sống với những kỷ niệm đã trở thành ký ức, là đúng trong mọi trường hợp. Nhân vật người cao tuổi (phần nhiều là người lính) của Nguyễn Trọng Luân cũng thường như thế. Không vô cớ Nguyễn Trọng Luân để truyện này đứng đầu tập truyện mới của mình. Một sự mở đầu nào cũng có cái dụng ý nghệ thuật của nó - như là động hướng nghệ thuật của sự viết. Cấu tứ “đi tìm thời gian đã mất” như ám vào trong từng câu chữ trong các truyện hay khác như Bản thánh ca vọng mãi, Cây đại học, Chuyện đò dọc, Biệt phủ Sồi Gai, Chuyện lính, 40 năm sau mới kể, Ba người bạn lính, Hôm nay trời không có mây,...

Nói “đi tìm thời gian đã mất” như là cấu tứ chính của nhiều truyện ngắn trong tập Bản thánh ca vọng mãi là có căn cứ, là có thêm bằng chứng nghệ thuật, tụ lại đặc quánh trong truyện Chuyện lính, 40 năm sau mới kể. Câu chuyện được kể ở thì hiện tại (chuyện về lính, chuyện về cán bộ, chuyện về tiểu đội anh nuôi), nhưng thời gian nghệ thuật thì trùng trùng những mảng ký ức “hồi ấy”, “một thời”. Phải chăng đó là một thời để sống, để yêu, để chiến đấu hy sinh của một thế hệ không tiếc tuổi xuân hiến dâng cho đất nước: “Tôi cứ hình dung ra ở một nơi xa lắm, một bà già ngồi bần thần giở hộp huân chương cũ trong chiều mưa buồn trên nhà sàn xa ngái, mắt long lanh trẻ lại, nhớ một thời đã từng là bộ đội chống Mỹ ở Bắc Thái xa lắc lơ.  Trong mớ huân chương cũ ấy có tấm ảnh tôi ngày xưa nhỏ xíu, ố vàng”.

Biết đâu có ai đó đọc Nguyễn Trọng Luân không thích vì tác giả trước sau chỉ có kể chuyện “hồi ấy”, “một thời” gian khổ nhưng hào hùng. Thậm chí có người quá trớn mà coi đó là “bóng đè” (!?). Nhưng giả sử, dẫu có vài ba ý kiến như thế thì cũng là chuyện bình thường. Tôi nghĩ trái lại, đó là những ký ức lương thiện, ôn cố để tri tân cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Chính tác giả cũng tự nhận mình: “Giống như những người lính trở về từ chiến trường chống Mỹ. Tôi cũng nằm trong số những cựu chiến binh hay xúc động vặt. Mỗi chuyến đi công tác, đi du lịch, hay vì lý do gì đấy mà qua miền Trung, miền Nam tới đâu là lũ trẻ chỉ ào đi kiếm chỗ nhậu, chỗ vui, đàn bà thì tìm mua đặc sản, còn mình cứ lang thang mơ mẩn tìm về trận địa cũ, tên người, tên làng cũ” (Ba người bạn lính). Cái gọi là những “xúc động vặt” như lời trần tình của nhân vật, tôi nghĩ, cũng chỉ là cách viết/ cách nói khiêm tốn của chính tác giả (được coi như đức tính của người trải nghiệm, lịch lãm và nghiêm ngắn). Xúc động vặt, nếu có nơi người viết mà gây náo động/xúc động nơi người đọc thì cũng đáng nể trọng, noi theo, phát huy với người viết văn và đọc văn. Tại sao không (!?).

Nhưng khi đọc chậm và kỹ Nguyễn Trọng Luân, tôi chợt nghĩ, vì sao truyện ngắn của “ông” này vẫn có nhiều người thích? Cũng không khó giải thích (dẫu cho cái hay của văn chương nhiều khi chỉ có thể “cảm” mà khó phần “luận”). Có thể nói, truyện ngắn Nguyễn Trọng Luân đứng được là vì có sự hài hòa, quấn bện giữa “chuyện” và “văn”. Văn Nguyễn Trọng Luân là lối văn giàu trực giác, khí vị này, không phải do rèn luyện mà có, nó là bẩm sinh, tự nhiên. “Ông” nhà văn này, cứ theo câu chữ mà suy, rất thính nhạy về mùi vị cuộc sống, đặc biệt là mùi vị người, mùi vị phụ nữ: “Trong bóng đêm lờ mờ Lân nhận thấy cô gái dịu dàng đến lạ, mùi thơm cũng rất lạ. Thứ mùi thơm anh chưa thấy bao giờ (...). Con tàu lắc lư. Chả thể nói con tàu trườn vào đêm hay là đêm trườn vào con tàu. Tất cả lơ mơ như nhung đen. Mùi khen khét của than đốt lò, mùi quang gánh, mùi tóc, mùi mồ hôi nương vào khoảng hẹp mập mờ. Nhưng Lân vẫn nhận rõ có cái mùi riêng của cô tóc bím”. Khi xuống tàu trong đêm giá lạnh, Lân tặng cô gái mới quen chiếc khăn dù mang từ chiến trường ra, cô gái (tên Lương): “Kéo cái khăn dù cảm thấy có mùi khét thuốc lá và cũng như Lân cô thấy có một mùi rất khác lạ với mình” (Con tàu đi về miền gió bấc). Những ai đã từng đi những chuyến tàu đêm trong chiến tranh và thời hậu chiến chật nêm gười, bò ì ạch trên đường ray, mỗi giờ chừng mươi lăm cây số,... khi đọc Nguyễn Trọng Luân sẽ thấy tác giả tinh vi và tinh tế trong cách kể nhiều tả, trong cách tả nhiều gợi. Nhưng tại sao lại là “mùi” nhiều trong văn Nguyễn Trọng Luân? Tác giả như muốn cuốn người đọc vào cái mùi vị đời sống đặc trưng nên đã hạ bút viết hẳn một truyện có tựa Mùi trâu ám. Chuyện kể từ ngôi thứ nhất (xưng tôi) nên người đọc có cái độ tin tưởng: “Suốt bảy tám năm trời chăn trâu cùng nhau, lũ chúng tôi đều biết con nào “yêu” con nào. Thuộc cả mùi mồ hôi, thuộc cả bàn chân từng con in trên bờ ruộng. Thuộc cả cách gặm cỏ của chúng, tiếng gọi nghé ọ của từng con”… Khi đọc truyện Vợ người anh hùng, người đọc không thể không chia sẻ với cảnh ngộ tâm trạng của người góa phụ (có chồng là anh hùng liệt sỹ): “Có đêm chị không gặm thành giường như người ta hay ví von. Chị cứ như thấy mùi mồ hôi anh sót lại trong mươi ngày phép của anh. Chị ghé miệng liếm môi lên thành giường nơi cánh tay chồng vắt lên ngày xưa. Chị liếm thấy mằn mặn. Chả biết là nước mắt chị mặn hay là mồ hôi anh để lại”.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Luân có tính chất tràn bờ xét về khung khổ thể loại, ít chịu khuôn khổ của rào giậu về dung lượng, của những định chế moment (chốc lát, khoảnh khắc). Mỗi truyện như là những “mảnh vỡ” của tiểu thuyết. Hay nói cách khác, mỗi truyện chất chứa mầm mống của tiểu thuyết (chúng được nới rộng kích tấc về không gian - thời gian nghệ thuật). Trong bảy tập văn xuôi của Nguyễn Trọng Luân đã in, chỉ có một tiểu thuyết Rừng đói, lại cũng thuộc dạng tiểu thuyết ngắn. Đọc cuốn tiểu thuyết này thấy như nó được ghép lại một cách khéo léo bằng những cảnh, mỗi cảnh tương tích với một truyện ngắn.

Một tập truyện ngắn gồm mười chín truyện, liệu tất cả có ngang ngửa nhau về ưu điểm, như tôi đã bình luận ở trên? Thực tiễn sáng tác cho thấy, dẫu là một nhà truyện ngắn tài danh đi chăng nữa thì vẫn có nơi, có lúc trồi sụt về nghệ thuật. Đôi chỗ, Nguyễn Trọng Luân đã vì quá nệ thực (theo tinh thần viết là “nhúng bút vào sự thật”) nên khiến cho truyện trở nên loãng vì bị chất ghi chép của thể ký xâm thực (Vợ người anh hùng là một ví dụ), hoặc làm cho truyện hao hao những tiểu sử - lý lịch nhân vật (Ba người bạn lính là một ví dụ khác).

Tuy nhiên, nếu chỉ ra một vài điểm còn chưa làm người đọc thỏa mãn khi thưởng thức truyện ngắn của Nguyễn Trọng Luân, là từ góc nhìn lý tưởng. Cổ nhân nói “Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”. Đọc chậm truyện ngắn  Nguyễn Trọng Luân và suy ngẫm kỹ càng, lại mừng vì thấy trong đó có cả hoa, có cả nụ. Chúng thực sự đem lại những nhã thú văn chương.

Nguồn Văn nghệ số 13/2021


Có thể bạn quan tâm