April 25, 2024, 12:41 pm

Đi tìm “nỗi sợ” và “những khuôn hình”

 

Nếu “Nỗi sợ” là tên một truyện ngắn trong tập truyện gồm 15 tác phẩm của nhà văn Lê Anh Hoài, thì “những khuôn hình” lại không phải tựa của truyện ngắn nào. Điều này có thể nhận thấy từ Mục lục ngay đầu cuốn sách. Vì thế, “Nỗi sợ & những khuôn hình” (Nhà xuất bản Trẻ, 2022) gợi cho người đọc sự tò mò, và lạ, trước hết về cấu trúc, logic của cụm từ được tác giả sắp đặt như một dụ ý này.

Có lẽ chính vì điều đó, đọc 15 truyện ngắn trong tập sách, tôi có ý tìm xem “nỗi sợ” đó là gì, và “những khuôn hình” nào mang ý niệm dồn nén của tác giả, để rồi cảm giác ngột ngạt, bật cười mà lại thấm buồn, thành dư chấn sau cùng khi gấp những trang sách lại.

Là nhà báo, họa sĩ, nhà thơ, các tác phẩm truyện ngắn của Lê Anh Hoài xoay quanh các nhân vật thuộc lĩnh vực hoạt động nghệ thuật mà anh hiểu biết và quan sát, sống trong nó, và như anh chia sẻ, mỗi câu chuyện là một “sự thôi thúc phải viết ra”, anh không chú tâm viết để hướng đến đối tượng độc giả nào. Sự thôi thúc ấy, có lẽ khiến các nhân vật của anh đều mang bóng dáng những trí thức - nghệ sĩ. Đã đọc Tình @, Vườn thượng uyển, đến Nỗi sợ & những khuôn hình, có thể thấy điều đó khá đậm nét và đây là đề tài nổi bật, “đóng dấu” khi nhắc đến những tác phẩm truyện ngắn của Lê Anh Hoài.

Nỗi sợ - truyện ngắn được chọn cho một nửa tiêu đề tập truyện, là một “thôi thúc phải viết ra”. Một triển lãm sắp đặt trong không gian nhà kho bẩn thỉu, người ta muốn nó trở thành một lâu đài nghệ thuật. Khác với những ý nghĩ thông thường, ý tưởng về việc biến không gian nhà kho thành một màu đen sì được đưa ra và nhanh chóng được tán thưởng. Vì sao là đen sì? Bởi, nghệ sĩ, như nhà văn - vốn là một họa sĩ, một nghệ sĩ của nghệ thuật thị giác, lý giải cho chính nhân vật của mình - “tất cả những cái lạ lùng nhất bao giờ cũng cuốn hút nghệ sĩ nhất”, và ngoài tác dụng “nịnh mắt” hay thúc đẩy sự hưng phấn của công chúng thưởng thức, thì thông điệp của nghệ sĩ đưa ra sẽ là quan trọng. Tại sao lại là “những mũi tên sắt rỉ được đặt trên cọc, phía dưới tòe ra ba chân vững chãi”, “những mũi tên ngang dọc. Và tấm sắt, dường như là nơi xuất phát, hoặc đích đến của những mũi tên”? Nhân vật “tôi” trong đó, với tác phẩm sắp đặt, cộng hưởng trộn lẫn âm nhạc kiểu “tiếng vọng thời đại”, phải chăng là một tiếng nói đương đại có tính phản kháng đặt trong cái vỏ hình thức trung cổ ẩn mật, vô hướng. Vì sao? Vì sợ. Sợ trúng đích, sợ đạt tới cái đúng. Sợ cả việc đi ngược lại số đông: “Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng, trong sáng tạo nghệ thuật, không có chỗ cho bầy đàn”. Sáng tác, sáng tạo mà đằng sau nghệ thuật đó là cuộc bán mua với những mánh khóe, tận dụng cả giới phê bình “tung hô theo kiểu bầy đàn”, phải nghĩ ra khẩu hiệu kiểu “nghệ sĩ đương đại đồng hành tuổi trẻ”. Những nhân vật họa sĩ tên Lùn, Khắm, Hấp… dẫu là một kiểu nickname ẩn dụ, đã tạo nên môi trường nghệ thuật đặc thù nhuốm màu châm biếm, hài hước và có phần u ám. Để rồi lắng lại, hình ảnh người họa sĩ già chuyên vẽ phố “lặng lẽ thu mình như một con mèo già ở một góc phố, cảm nhận sự khô nóng của mái ngói cuối chiều hè”, cho thấy hiện thực trớ trêu rằng những tâm hồn và tài năng hiển lộ cũng chỉ “biết để rồi bỏ qua”. Có gì đó xa xót. “Thế hệ chúng tôi là thế hệ ào ào với những tuyên ngôn sống sít, những thông điệp nổ như sâm banh ngày khai mạc triển lãm. Chúng tôi vẽ tranh nội dung mà bỏ qua sự tinh tế của màu sắc, ánh sáng. Chúng tôi chỉ muốn làm tình chứ không suy tư về tình yêu”, câu tự thú của nhân vật trong Nỗi sợ cũng là điều nhà văn trăn trở. Bởi lẽ, thời hiện đại, đồng tiền làm cho việc sáng tác nghệ thuật biến thành “mì ăn liền”, và sự thoái hóa không chỉ trong nghệ thuật, đó còn là chất người của con người: “khi sợ hãi, người ta không thể làm nghệ thuật được nữa. Và yêu”.

*

Nếu “nỗi sợ” là khái niệm trìu tượng, thuộc lĩnh vực tinh thần, thì “những khuôn hình” mà tác giả vẽ ra trong các truyện ngắn của mình cũng trìu tượng không kém. Ở một tuyến nhân vật khác, ta bắt gặp những người mang căn bệnh tâm thần như những dạng trầm cảm của thời hiện đại, dù có lẽ tác giả không hề cố ý xây dựng nên hình ảnh họ như thế. Họ là những người bình thường, như ông Tâm trong truyện ngắn Bay. Sống đời công chức đơn giản, với bà vợ mà ông hài lòng vì “cưa” được từ hồi trẻ, rồi một ngày ông bị chứng bay lơ lửng - bởi “ngày càng xa rời thực tế, hoặc giả thực tế của ông khác hẳn cái thực tế mà các nhà báo đang phản ánh?”. Đó là Kiên, trong truyện ngắn Dòng ánh sáng. Căn bệnh thần kinh kiểu vĩ nhân của nhân vật Kiên - người vốn là một chuyên gia toán học, có bằng tiến sĩ toán liên quan đến ngân hàng, với những thuật toán giúp anh đạt đến trạng thái xuất thần, lại mang nỗi ám ảnh với… Truyện Kiều. Khi Kiên chìm đắm trong các nghiên cứu với những tính toán của mình, thì anh cũng đồng thời giở sách Kiều của Nguyễn Du ra như một trò chơi lẩn thẩn, một cuộc khảo cứu để rồi đi đến điểm “chết”: “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”…

Những vấn đề về sức khỏe tâm thần và trạng thái tâm lý của giới trí thức - nghệ sĩ vốn khó nắm bắt và phần nào nặng nề được Lê Anh Hoài viết bằng giọng văn vừa châm biếm vừa tinh tế, duyên dáng. Điều này mang đến sự đồng cảm cho người đọc, dẫu họ có thuộc giới ấy hay không. Có một số truyện cực ngắn, không nhân vật, nút thắt, tình huống nào, giống như một phác thảo tối giản, nhưng dư âm để lại khá sâu sắc. Cái bớt xấu xí, Chỗ ngồi, Ánh lên, Trong mơ tôi đến và cả Viên đạn lạc là những truyện ngắn như vậy. Có thể gọi đó là “những khung hình”, mà người đọc không thể lướt qua nhanh vội: một chỗ ngồi đã trống, khi một người vừa nghỉ hưu (Chỗ ngồi); một sự ám ảnh của giấc mơ không đầu không cuối khi nhân vật tôi chỉ “vào tòa nhà một mình, khi thì tìm một người, một vật đã mất, lúc tôi đi tìm nơi giải tỏa…  những nhu cầu bài tiết” (Trong mơ tôi đến); hay những dòng chữ tưởng nhẹ mà không nhẹ: “Súng đạn lên ngôi, lòng người tan nát. Những viên đạn vô tình bay từ mọi hướng, đến từ mọi phương. Đường đạn chắc cũng đa dạng phong phú lắm, cũng vẽ ra những đường lạ lắm, nhất là trong đêm tối. Viên đạn nào đã đi lạc. Trúng anh tôi” (Viên đạn lạc).

Điểm đặc biệt là, tính giễu ngại trong giọng văn của Lê Anh Hoài khi viết về nỗi sợ, thậm chí nỗi buồn đã làm tăng thêm nỗi sợ, nỗi buồn đó, nó mang đến cho người đọc cái nhìn phổ rộng vào một thế giới lớn hơn từ tác phẩm riêng lẻ: thế giới của nghệ sĩ, nghệ thuật với bao điều bức xúc, trăn trở. Dù là thể loại truyện ngắn, nhưng các tác phẩm của Lê Anh Hoài có mối liên kết về đề tài, sự kiện, nhân vật, khiến người đọc nghĩ đến một thiên hướng tiểu thuyết hóa, như một hướng phát triển của văn học hiện đại. Điều này giống nhận định của nhà triết học, mĩ học, nhà nghiên cứu văn học Bakhlin. Bakhlin cũng nhìn nhận: “Tiếng cười giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi trước thế giới tự nhiên và thế giới xã hội với biết bao quyền lực, thế lực có quyền uy và sức mạnh đè bẹp nó”1. Đọc Nỗi sợ & và những khuôn hình, cảm giác bật cười mà ngột ngạt buồn phải chăng cũng chính là tiền đề để những “người trong cuộc” nghĩ đến cách tự giải phóng, phần nào. Như một nhân vật rất tầm thường - bà Vân, vợ ông Tâm, rồi cũng “bay” sau những vật vã sân si, khi “Mùa xuân ngoài kia bỗng như hừng lên một ánh sáng lạ kỳ”, điên rồ hay không, cũng bởi chẳng thể nào làm người bình thường được nữa.

_______

1. Theo “Sự tiếp nhận di sản triết học và mĩ học của M.M.Bakhtin ở Việt Nam” - Lã Nguyên

Nguồn Văn nghệ số 32/2022


Có thể bạn quan tâm