April 20, 2024, 6:28 am

Đi tìm kỷ niệm phôi phai

 

Chu Đức Hòa là một nghệ sỹ nhiếp ảnh, hội viên hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội viên hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Nhiếp ảnh Image sans frontiere (IFS) Cộng hòa Pháp. Vậy nên khi ảnh viết Một thời máu lửa, tập hồi ký viết về chiến tranh của bộ đội Việt Nam trên đất nước Lào, nhận được giải của Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, đã khiến giới văn nghệ sỹ Cao Bằng, thán phục. Năm 2018 anh cho ra mắt độc giả tập thơ Lạc miền ký ức với những tâm tư, tìm tòi mới lạ.

Cuốn sách hút người đọc ngay ở tiêu đề tập thơ, người đọc sẽ phải tìm câu trả lời “tại sao ký ức lại bị lạc miền?” Phải nói nhà thơ đã rất khéo léo, đắn đo, cân nhắc kỹ lưỡng khi đặt tiêu đề cho tập thơ mà anh ấp ủ bấy lâu. Khác với những tập thơ mà ta thường thấy, thường tiêu đề tập thơ được người viết rút rụt ra đặt tên cho cả tập. Nhưng Chu Đức Hòa đã không làm vậy, anh đã không rút tên một bài thơ để đặt tiêu đề cho cuốn sách. Đó là một cái tên gợi nhớ, có cái gì đó xa xôi, nuối tiếc, một chút hoài niệm về thời gian về những gì đã qua.

Cũng giống như bao người viết khác, quê hương, đất nước, con người và nhất là chủ đề tình yêu luôn thường trực trong thơ. Chu Đức Hòa đã quan sát, nắm bắt, phân tích và cảm nhận những gì đã và đang diễn ra xung quanh mình để cô đặc nó trong những câu thơ, những từ ngữ thật ấn tượng. Từ một áng mây, một ngọn gió, một vạt nắng dưới cái nhìn, cảm nhận của nhà thơ đã trở nên có hồn, hình hài, sắc thái sống động. Anh đã nhờ thơ nói hộ lòng mình...

Thời gian là thứ mà con người không bao giờ lấy lại được. Tuổi trẻ đã qua sẽ chẳng bao giờ lấy lại. “Gió cuộc đời/Nhuộm màu tóc trắng/Bụi trần gian/Lắng đọng những nếp nhăn… Dù năm tháng trôi nhanh vội vã/Dòng thời gian mãi đi một chiều/Nhưng vẫn thầm níu lại/Thời gian (Níu thời gian). Thời gian đúng là chỉ có một chiều đi, như con tàu thời gian rời ga đi mải miết, không có bến đỗ cuối cùng. Nhà thơ biết vậy, nhưng vẫn thầm níu lại thời gian…

Cũng dòng suy tưởng, mượn cảnh, mượn mây nắng để nói hộ lòng mình, Chu Đức Hòa đã rất khéo léo sử dụng ngôn từ. “Nắng hững hờ/ Nắng da diết/ Nắng luyến tiếc/ Nắng bơ vơ/ Nắng buồn thẫn thờ nhớ ai/ Nhuộm con phố dõi bóng người xa lạ/ Nhạt trời chiều vò võ nắng cô đơn/ Dĩ vãng qua rồi/ Dửng dưng giã biệt/ Như giọt nắng buồn/ Cuối trời rơi… (Nắng cô đơn). Có thể nói biện pháp so sánh, ví von được Chu Đức Hòa sử dụng một cách triệt để trong cả tập thơ. Người thơ thông qua những câu thơ, bài thơ để nói cái mình cần/muốn nói. Nhưng cái tôi của nhà thơ đã ẩn đi để nhường cho nắng, gió, mây mưa… trở thành chủ thể chủ động trong mọi cảnh huống.

Không chỉ làm chủ ngôn ngữ, Chu Đức Hòa còn táo bạo khi viết: “Nắng chiều trôi da diết/ Vương vấn níu sắc vàng/ Phố quen như xa lạ/ Lòng buồn vắng xa xăm/ Kỷ niệm đọng dĩ vãng/ Làn môi mặn chát buồn/ Vạt nắng rơi từng giọt/ Ta đếm ngược hoàn hôn” (Ngược hoàng hôn). Người ta thường nói đến hạt mưa rơi, vạt nắng cuối trời, nhưng vạt nắng rơi từng giọt có lẽ chỉ có Chu Đức Hòa là người sử dụng. Phải lui mình vào một chỗ yên tĩnh, người thơ mắt nhìn xa xăm để nhấm nháp những kỷ niệm để “đếm ngược hoàng hôn”. Ở thời gian hiện tại người thơ đếm ngược những kỷ niệm vui buồn đã trôi qua, có những luyến tiếc để ta hoài niệm.

Có thể nói tác giả Lạc miền ký ức là người dụng công đi tìm thời gian đã mất. Những kỷ niệm vui buồn trong quá khứ sẽ không bao giờ lặp lại/lấy lại được… Anh không chỉ năng đi đến những nơi có cảnh đẹp để “săn” được những bức ảnh đẹp, mà còn để đắm mình trong những trang thơ, những kỷ niệm đẹp mỗi khi nó ùa về. “… Liêu xiêu nghiêng ngả/ Thất thểu đi về/ Chợ chiều vắng lạnh/ Thơ thẩn một mình/ Trách chợ cạn tình/ Dập dềnh lối cũ…” (Tan chợ).

Đọc thơ Chu Đức Hòa ta cảm thấy có cái gì đó thiêng liêng bị đánh mất. Đắm mình trong những kỷ niệm, những ký ức tốt đẹp để ta biết một thời đáng để nhớ thương và trân trọng./.

Nguồn Văn nghệ số 13/2019

 


Có thể bạn quan tâm