April 25, 2024, 7:17 pm

Đi tìm ánh sáng

 

Tùng đang học năm thứ hai Đại học Y thì tình cờ gặp Linh. Hôm đó, sau buổi thực tập, Tùng đạp xe về ký túc xá, đến ngã tư nơi giao nhau của hai con phố rộng, anh bắt gặp một giọng hát vang lên từ một chiếc loa nhỏ dựng sau tấm phông màu xanh bên đường. Một cô gái mảnh dẻ đang ôm đàn đứng hát một mình. Ánh đèn vàng nhạt không đủ nhìn rõ mặt người, nhưng giọng ca thì đã buộc Tùng phải dừng xe lại, đứng nghe. Những chiếc xe lướt qua anh, hình như ai cũng đang vội về vì bữa cơm tối đã khá muộn. Tùng ở ký túc xá, ăn tối ở quán cơm bình dân gần đó, nên anh không sợ muộn. Những bài hát về mẹ cùng với tiếng ghi ta bập bùng rất có hồn…, đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc khác, làm Tùng rất nhớ mẹ. Bây giờ trước mặt anh, trong ánh đèn vàng là một ca sỹ có giọng nữ trung, trong và lặng đã xâm chiếm tâm hồn Tùng. Anh dựng xe đạp, ngồi xuống gốc sấu bên đường không bỏ sót một cử chỉ nào của cô gái. Anh có cảm giác là cô gái đang hát cho mình anh nghe. Chả phải là gì, chung quanh có ai dừng lại nghe đâu, ngoài anh. “Chào em, em hát hay lắm” “Anh khen thật hay động viên em?” “Thật mà. Anh rất thích. Tên em là gì?” “Em là Linh ạ””. Lúc này Tùng mới biết thì ra cô gái bị khiếm thị.

 Hôm sau Tùng lại đạp xe về qua ngã tư này. Nghĩ đến cảnh cô gái khiếm thị hát hết bài này đến bài khác giai điệu như rút ra từ xương thịt. Vậy mà không có một ai động viên cả, Tùng rất thương cảm. Anh ghé qua tiệm hoa mua một bông hồng, để trên giỏ xe, định trước khi ra về sẽ tặng cô gái. Những bài hát này không lạ với Tùng vì mẹ anh ngày trước vốn là giáo viên vẫn thường hát cho anh nghe. Nên anh có cảm giác thân thuộc, gần gũi. Vừa xong một ca khúc, chợt cô gái dừng lại: “Em chào anh”. “Chào em. Sao em biết anh đến?”. “Dạ, lúc nãy nghe tiếng chân chống xe đạp, em biết là anh đến…”. Lúc này anh mới quan sát kỹ khuôn mặt cô gái. Phải nói là một gương mặt khả ái, thanh tú và thánh thiện. Tan buổi, Tùng mang bông hồng tặng cô rồi nấn ná, thu xếp đồ đạc lên xe giúp cô. “Em cảm ơn anh. Hoa thơm quá anh ạ”

Đêm đã muộn mà Tùng vẫn không sao ngủ được. Anh nảy ra ý định bảo Linh đến bệnh viện nơi anh đang thực tập, hát cho những bệnh nhân nhỏ tuổi mắc bệnh hiểm nghèo, vì anh biết các cháu rất thích ca hát. Ở đó vẫn thường có những nhóm sinh viên tình nguyện, họ liên hệ với các nhà hàng, khách sạn trong thành phố đăng ký xin lại những suất ăn khách chưa dùng đến trong ngày, đem về cho các cháu. Nếu Linh đến hát cho các cháu nghe, chắc chắn các cháu sẽ thích lắm. Tùng bàn với Linh. Vậy là thường đêm, đều đặn, hôm thì Tùng chở Linh đi, hôm thì Linh tự đi xe ôm đến bệnh viện hát cho những bệnh nhân nhỏ tuổi. Nhiều cháu bé ngày thường vì đau đớn, ủ rũ, buồn thiu, được cô Linh dạy hát bỗng như có phép màu trở nên hoạt bát nhanh nhẹn làm các bậc phụ huynh rất hài lòng.

Chủ nhật Tùng về thăm mẹ, kể cho mẹ nghe chuyện ở bệnh viện, nơi Tùng đang thực tập, có Linh và các bạn sinh viên tình nguyện giúp đỡ các cháu nhỏ. Bà Hồng mẹ Tùng vốn là một cô giáo, cũng rất thương cảm, gửi Tùng mang tặng các cháu bệnh nhi món tiền nhỏ dành dụm từ mấy tháng nay. Rồi mẹ Tùng nghĩ ngay đến Hà, bạn thuở học sinh cấp hai của mẹ, lúc này đang là một doanh nhân có tiếng của tỉnh. Vẫn như mọi lần, mỗi khi khó khăn, mẹ Tùng thường gọi cho Hà.

 Mấy hôm sau bà Hà đến bệnh viện thì đã có Tùng và mẹ Tùng ở đó. Bà Hà ăn mặc nền nã. Bộ áo dài màu xanh nước biển tôn nước da sáng và mịn của bà dưới ánh sáng điện, được lãnh đạo bệnh viện ra tận cổng đón tiếp. Lãnh đạo bệnh viện tiếp nhận một khoản tài chính từ tay bà Hà, rồi mời bà đêm ấy ở lại vui với các cháu, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. Chương trình ca nhạc do Linh đảm nhiệm, có sự tham gia ca múa của các cháu bệnh nhân khoa nhi. Phải nói, xem các tiết mục đang diễn ra trên sân khấu, không ai nghĩ đó là những bệnh nhi đang mang trong người những căn bệnh hiểm nghèo.

Chương trình tối hôm đó có nhiều ca khúc về tình mẹ con, khiến bà Hà xúc động, không cầm nổi nước mắt.Thỉnh thoảng trên sân khấu, Linh lại hất hất mái tóc dài, chảy tràn xuống hai vai, đen nhánh. Một cơ thể từ khuôn ngực đến đôi cánh tay, đến cặp chân và những đường cong chưa hết cỡ trong bộ áo dài màu thiên thanh như một chồi măng mới nhú...

  Gần cuối buổi, bà Hà được lãnh đạo bệnh viện mời lên phát biểu. Bà không ngớt lời khen các cháu và hứa sẽ bàn bạc với công ty tài trợ thường xuyên. Cặp mắt còn đỏ hoe vì quá xúc động, nên bà chỉ nói được rất ngắn. Bà xin được thỉnh thoảng lại đến thăm các cháu.

Về đến nhà thì đã muộn, bà Hà nằm mãi mà không chợp mắt được. Bà cũng đã từng nhiều lần cùng với các thành viên của công ty tham gia làm từ thiện giúp đỡ những hộ nghèo, gặp gỡ những cháu bé thiếu ăn, thiếu mặc, gầy gò xanh xao, bỏ học giữa chừng ở những vùng sâu, vùng xa, nhưng chưa lần nào bà xúc động như khi tiếp xúc với các cháu bệnh nhi bệnh viện K. Một sự đau đớn quá sức đối với những sinh linh còn quá non nớt, vô phương tự vệ. Có cháu xanh rớt như tàu lá. Có cháu mắt như cặp ốc nhồi trên gương mặt bủng vàng. Có cháu đầu trọc lốc, da mọng nước, qua mấy lần xạ trị đi lại dặt dẹo như dải khoai. Có cháu nằm thở oxy thoi thóp ngày này qua ngày khác… Khuôn mặt những người mẹ các cháu, ai cũng như thất thần. Cũng như sau mỗi lần đi làm từ thiện, đêm nay bà Hà không ngủ được bởi những gương mặt trẻ thơ vô tội kia như đang hiển hiện, vây quanh trước mặt bà, nhưng không hề là những cặp mắt cầu xin, cũng không phải là những cặp mắt cam chịu. Mà là một sự bất hạnh bình thản của số phận. Nhưng dù sao đó cũng là những bất hạnh từ trên trời rơi xuống, không phải do con người gây ra. Nghĩ đến đó, bà Hà thêm một lần tan nát trong tâm can. Bà lại nhớ cái đêm mưa gió hãi hùng ấy. Đã muộn, mưa như trút làm con đường trở nên đen kịt. Hà trùm tấm áo mưa, ôm chặt đứa con hơn chục ngày tuổi đặt trong chiếc hộp giấy với mớ tã lót và hộp sữa nhỏ, sờ lần từng bậc đá lên đến cửa chùa. Trong sân, mấy cây nhãn già đang vào độ bung hoa, gặp mưa rụng dày, dạt trôi như một thảm thóc lép trên sân gạch. Từ chập tối, Hà vừa cho con bú lần cuối, vừa khóc khi tìm tờ giấy nguệch ngoạc mấy dòng nhét rồi vào túi áo con. “Tên cháu là Mây, mẹ cháu không còn cách nào nuôi cháu, cầu xin Đức Phật rủ lòng thương”. Dừng lại, gục đầu thở dốc dưới cổng tam quan, Hà vuốt nước mưa trộn với nước mắt, đặt con xuống phiến đá, cạnh gốc nhãn. Rồi như không chịu nổi tiếng khóc của con, Hà bỏ đi như chạy. Sau lưng tiếng khóc thét của đứa con gái bé bỏng tội nghiệp đã làm Hà ngã khuỵ xuống mấy lần, rồi lại vùng dậy cố lết về phía cuối đường.

Như một người cùng quẫn, Hà về quê cố tránh xa ngôi chùa trên thị xã, tránh xa mọi người, sống khép kín trong nỗi ân hận. Nhưng không thể cứ nằm dài vô vọng, cũng không thể vì buồn tủi cho số phận mà Hà cứ lẫn tránh mãi. Hà nghĩ cách thoát khỏi tình trạng cùng cực của mình. Hà quyết định bán đi mảnh đất hương hỏa của bố mẹ để lại rồi ra thành phố mua ngay mấy vạt đất ven đô. Một người phụ nữ vốn bản tính tháo vát, kiên quyết trả thù số phận, thì mọi khó khăn trên trường đời, với họ chỉ là chuyện nhỏ. Hà hơn người ở việc nắm bắt tinh nhạy những biến động của thị trường nhà đất thành phố, gặp buổi nhà nhà gom tiền đi mua bất động sản, Hà chia lô đất của mình sang tên đổi chủ. Thế rồi dùng tiền vừa bán đất, vay thêm ngân hàng mua thêm những khu đất khác. Cứ thế Hà kiếm tiền dễ dàng. Khi đã có vốn kha khá, Hà cùng với mấy người bạn thành lập công ty bất động sản Thiên Phú. Hơn chục năm vật lộn, quên hết những niềm vui ở đời, quên hết cả việc chăm sóc bản thân mình, Hà lao vào công việc phần để kiếm tiền, phần để ít phải nghĩ ngợi. Nhưng ở đời, càng có tiền người ta lại càng nghĩ ngợi, dằn vặt về quãng đời thiếu thốn, tủi nhục của mình. Hà cũng vậy, nỗi đau bỏ con một mình trên cổng chùa trong cái đêm mưa ấy, cứ hành hạ, cắn rứt lương tâm bà hằng đêm, cứ nhắm mắt lại là y như rằng tiếng khóc xé ruột của con trước cổng chùa trong cái đêm sợ hãi ấy lại hiện về ám ảnh. Hà tự nguyền rủa mình. Bản tính người mẹ và mặc cảm tội lỗi thường đánh thức Hà dậy lúc nửa đêm. Hà ngồi một mình bên cốc cà phê đắng đót, gương mặt hốc hác qua nhiều đêm trằn trọc. Không thể chịu đựng được sự dằn vặt thường đêm nữa, vả lại lúc này người đàn bà đã đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm trước những việc mình làm, Hà quyết đi tìm con. Bà trở về ngôi chùa ngày trước.Trong vai một phật tử áo nâu, tay nải hương khói, Hà run rẩy đến ban thờ thắp hương rồi quanh quẩn hỏi thăm sư thầy. Hà thất vọng khi không ai biết trong đám trẻ nhà chùa đang cưu mang, không có đứa bé nào tên Mây cả. Nhìn kỹ gương mặt từng đứa, Hà cũng không thể nào nhận ra dù một chút khác lạ. Một thời gian sau đó, Hà lân la khắp các ngôi chùa, khắp các trại mồ côi các tỉnh lân cận, nhưng không một tia hy vọng. Cũng đã mười sáu năm rồi, mười sáu năm khắc khoải trong tội lỗi. Mười sáu năm ăn một miếng, đi một bước là Hà lại nhớ đến cái đêm mưa gió ấy.

Đêm nay bà Hà lại khóc, nhớ lại ngày bà đang học năm thứ ba khoa kinh tế, thì các bạn nữ cùng lớp rủ nhau đi phượt đến vùng hoa tam giác mạch, Hà gặp Lân là cán bộ công ty du lịch đang tìm hiểu công viên đá phía bắc. Đó là một buổi chiều thật êm ả, đám bạn nữ dừng lại bên kia suối cạn chụp ảnh, chỉ còn Hà đang loay hoay tự sướng bên này suối giữa một vạt hoa tím rất đẹp, thì Lân như đội đất đến ngay trước mặt. Hà mạnh dạn đưa điện thoại nhờ Lân chụp ảnh hộ. Không ngờ cô gái đang nghiêng mình tạo dáng trước vạt hoa, tà áo hở và một đường cong ma mị từ eo xuống... làm Lân ngộp thở như hồi nhỏ có lần anh sa xuống ao nhà. Còn cái khuôn mặt đàn ông nhưng lại rất mềm mại từ hai bên nếp tai kéo xuống tận cằm kia cũng không ngờ làm Hà như người say nắng. Trên đường về, cái Thanh nháy cả bọn rằng Hà bị “sét đánh” gần chết giữa vùng tam giác mạch trời quang mây tạnh chúng mày ạ. Cả bọn cười khúc khích. Rồi những chùm hoa tím, những tin nhắn mùi mẫn, những viên cuội nhỏ vân xanh nhặt lên từ bờ sông, Lân gửi về xuôi cho Hà, nhanh chóng biến khoảng cách mấy trăm cây số giữa hai người chỉ còn ngắn như đoạn đường Hà ra chợ cóc hàng ngày. Mùa hoa tam giác mạch năm sau, một mình Hà lên vùng cao. Nhưng đúng như người ta vẫn nói: thay đổi như thời tiết! Đất trời không còn trong trẻo, ấm áp như mùa hoa năm trước. Gió lạnh về sớm thổi u u qua những vách đá. Những vạt mây tháng mười đặc quánh vây bủa như báo hiệu một sự chẳng lành. Lân đón Hà khi chuyến xe cuối cùng vừa đến bến. Phố xá đã thắp đèn vàng chống sương mù. Hai người đổ vào nhau ngay bên những vạt hoa tam giác mạch tại quãng đường vắng, sau những tảng đá, xa xa là những vệt ánh sáng vàng bệnh hoạn. Trời đất đảo lộn vị trí cho nhau là đêm ấy. Sương mù và gió lạnh hoang dại sau phút điên cuồng trút bỏ quần áo cũng là đêm ấy. Và chỉ ít lâu sau thì tai họa ập đến. Ngày Hà phát hiện ra mình mang bầu cũng là ngày cô biết Lân đã có vợ và hai con tại thị xã. Hà gọi điện nhưng Lân đã thay sim, không còn liên lạc được nữa, cũng chẳng còn hoa tím, cuội nhỏ vân xanh nào nữa. Anh chàng họ Sở kia đã rẽ dây cương, lủi một mạch theo những hòn cuội dọc bờ sông, bỏ Hà một mình với nỗi lo lớn lên từng ngày. Rồi họa vô đơn chí, mẹ Hà cũng ốm nặng. Bố mất sớm, nhà không còn ai, một mình Hà vừa hàng ngày vào viện săn sóc mẹ, vừa xoay tiền thuốc thang. Nhưng mẹ Hà không qua khỏi. Mấy tháng liền tất bật, sấp ngửa quanh giường bệnh của mẹ, Hà không còn nghĩ được điều gì, cứ để mặc cái thai trong bụng lớn lên từng ngày, cho đến khi không còn cách nào khác. Một đêm cùng quẫn, Hà gom một vốc thuốc chuột, xuống bếp lấy nước định làm liều thì bất ngờ cái thai trong bụng đạp Hà đau điếng. Chính cái phút đau điếng ấy làm Hà chợt tỉnh và buông tay mặc cho những viên thuốc rơi xuống sàn nhà. Hà nằm vật ra giường đầm đìa nước mắt. Rồi bỏ học, thuê phòng trọ mới tận trong ngõ ngách heo hút vắng người của một con phố nhếch nhác, suốt ngày không dám ra khỏi nhà, tránh chạm mặt bất cứ người nào. Đó là những ngày tủi nhục, uất hận và cơ cực. Hà đến nhà hộ sinh vượt cạn một mình khi trong túi không còn một đồng bạc lẻ. Cùng đường, hơn nửa tháng sau khi Mây chào đời, Hà giàn giụa nước mắt vạch vú cho con bú lần cuối, và cái đêm mưa gió hãi hùng, tội lỗi nhất của đời Hà diễn ra tại ngôi chùa phía bắc thị xã. Cho đến bây giờ tiếng khóc thé lên của đứa con trong cái hộp giấy giữa trận mưa kinh hoàng ấy, vẫn đêm đêm bóp nghẹn trái tim người mẹ lỡ làng.

 Đêm nay bà Hà lại đến khoa nhi bệnh viện K. Buổi chiều có một khách hàng từ Hưng Yên lên tặng bà hơn hai chục cân cam, bà liền nghĩ ngay đến các cháu viện K. Ăn tối xong bà thu xếp bảo chú lái xe chở bà đến. Linh đã đến đó từ chiều và đang chuẩn bị dạy các cháu hát. Bà Hà trao túi cam cho mấy phụ huynh rồi ngồi xuống bên cạnh. Linh cảm nhận được mùi nước hoa quen thuộc của bà Giám đốc từ lần gặp trước, liền cất tiếng chào. Bà Hà khẽ đáp lại rồi cùng ngồi nghe Linh bắt nhịp cho các cháu nhỏ cùng hát. Bà cảm thấy dễ chịu mỗi lần đến đây.

Tan buổi, bà Hà nán lại trò chuyện với Linh. Quê Linh ở Khoái Châu bố mẹ đều mất sớm. Một lúc, thấy đã khá muộn nên Linh xin phép thu xếp để về nhà. “Thế nhà cháu ở đâu?” “Dạ, ở làng SOS ạ” “Để cô đưa cháu về, nhà cô cũng mạn ấy” “Dạ”. Trên xe, vừa trò chuyện với Linh, bà Hà vừa miên man suy nghĩ về những số phận hẩm hiu của các cháu nhỏ bệnh viện K. Một sự thương cảm không để bà yên mỗi lần nằm xuống chiếc giường đơn lạnh lẽo.

Một buổi sáng bà Hà quyết định đến làng SOS gặp Linh để nhờ Linh chuyển cho các cháu bệnh nhân khoa nhi viện K thùng sữa Hà mua về từ Ba Vì. Linh đang chuẩn bị đến câu lạc bộ âm nhạc học đàn. Ánh nắng ban mai chiếu qua khe cửa, vẽ một nét mềm mại từ khóe tai xuống trên gương mặt Linh làm Hà thoáng giật mình. Mấy lần trước gặp nhau trong đêm ở bệnh viện, dưới ánh điện nhấp nhóa, Hà không nhìn rõ mặt Linh. Hôm nay, dưới ánh sáng ban ngày, trong một tich tắc, Hà thấy nhói lên trong lòng. Bà Hà cảm thấy chột dạ. Nhưng rồi bà lại gạt ngay ý nghĩ vừa kỳ quặc vừa đắng chát kia. Linh có bố mẹ, có quê quán. Nhưng thật lạ lùng, ý nghĩ quái gở kia một khi đã xuất hiện thì cứ bám riết lấy bà, lởn vởn trong tâm trí cái mùa hoa tam giác mạch đau đớn dưới ánh đèn vàng năm nào cùng cái đêm mưa tầm tã đứt ruột bỏ con lại trên thềm đá nhà chùa. Điều ấy cứ như mũi kim nhức buốt, thỉnh thoảng lại làm bà Hà nhói lên phía ngực trái. Bà nói trong hơi thở “Cháu này, cô nhờ cháu tối nay chuyển cho các cháu nhỏ khoa nhi số sữa này nhé. Lẽ ra cô tự mang đến, nhưng tối nay cô có chút việc nên đến nhờ cháu” “Dạ vâng ạ”. Bà Hà nhìn sâu vào đôi mắt đục mờ nhưng vẫn rất đẹp của Linh “Cháu bị khiếm thị lâu chưa?”. “Từ nhỏ cô ạ, cháu cũng không biết nữa”. “Cháu có hay về quê không?”. “Không cô ạ, cháu không nhớ đường ạ”. Bà không hỏi gì thêm nữa.

 Đợt từ thiện lần này lên vùng núi cao bà Hà rủ thêm Linh cùng đi. Bà định bụng sẽ nhờ Linh góp vui bằng các tiết mục văn nghệ, và qua đó sẽ nói cho các bạn nhỏ đang rất khó khăn ở vùng cao kia tấm gương vượt khó của Linh. Trên xe hai cô cháu nói đủ thứ chuyện, chủ yếu là bà Hà hỏi, Linh trả lời. Nhưng bà Hà cũng chẳng hiểu thêm được gì, vì Linh xa nhà còn nhỏ tuổi, và hầu như không biết điều gì ngoài nghe các cô ở làng SOS nói bố mẹ đã mất, nhà ở Khoái Châu…

Xong đợt từ thiện, trên đường về, bà Hà đột nhiên mắt mũi tối sầm, đầu óc quay cuồng như người ngồi thuyền nan, phải vào viện cấp cứu. Bác sỹ cho biết bà bị cảm nặng lại đúng lúc tiền đình không ổn định nên phải nằm lại điều trị. Linh theo bà vào viện. Tuy khiếm thị, nhưng Linh tỏ ra rất biết việc chăm sóc người ốm. Hằng ngày Linh ngổi bên giường bệnh, nhắc bà uống thuốc, nắn tay nắn chân cho bà Hà. Những ngày bà Hà tỉnh táo, đêm đến Linh nằm cạnh trò chuyện cho bà Hà khuây khỏa. Linh tỏ ra là một cô gái biết tự lập sớm. Đã lâu rồi bà Hà không ốm vặt, cũng chưa phải nằm viện, nên bà hơi hốt hoảng. May mà có Linh bên cạnh. Mấy hôm li bì, mê sảng suốt đêm, bà Hà không hề biết mình đang ở đâu. Khi tỉnh lại, nghe các y tá nói may có cô con gái ngồi canh mẹ hầu như mấy đêm không chợp mắt, hai mắt bà Hà ngấn lệ. Đúng là có ốm đau mới biết mình cô đơn. Lâu rồi, phần thì thích khép kín một mình, phần thì mải mê bận bịu công việc, bà không còn cảm giác cô đơn. Lúc này bà mới thấm thía.

Rồi thì một tuần nằm bệnh viện bất đắc dĩ cũng qua đi. Về thành phố, mấy đêm khó ngủ, bà Hà chợt rất thèm có người bên cạnh, để chuyện trò cho bớt cô quạnh. Bà đem chuyện này ướm hỏi Linh. Linh dè dặt, nấn ná. Lành lặn chả nói, mắt mũi không bình thường như người ta, nên Linh sợ làm phiền. Linh cũng quen ở đây rồi, các bà, các mẹ ai cũng quý Linh. Nên Linh đắn đo.

Nhưng Linh vốn là cô gái nhân hậu, đã từng gặp không ít khó khăn nên cô dễ mủi lòng trước những khó khăn của người khác. Nghĩ cảnh bà Hà ốm một mình, mê sảng suốt đêm như trong chuyến đi từ thiện vừa rồi, Linh cảm nhân được sự cô đơn của bà. Mãi tháng sau Linh mới nhận lời. Bà Hà đến gặp lãnh đạo làng SOS thưa chuyện. Họ cho bà biết quê quán của Linh. Tuy bố mẹ cháu không còn nhưng vẫn còn người bác họ hàng. Cần phải xin ý kiến của họ. Thế là bà Hà một mình về xã Tứ Dân gặp Lâm, bác của Linh, người cách đây hơn chục năm đưa Linh lên làng SOS. Người đàn bà tên là Lâm tiếp chuyện bà Hà trong một ngôi nhà lá tồi tàn. Gia cảnh nghèo nàn, giọng nói yếu ớt, cử chỉ chậm chạp, bà Lâm dân dấn nước mắt như đang cố nhớ lại cái ngày bác đưa cháu đi. Bà nấc nghẹn: “Ngày ấy, thấy mắt cháu càng ngày càng mờ đi, tôi nghĩ đưa cháu lên đó cháu sẽ được cứu chữa, vả lại nói chị đừng cười, nếu không quá khó khăn vì đông con, tôi đã giữ cháu lại, bác cháu có ngô ăn ngô, có khoai ăn khoai, đằng này…”. Bà Lâm bỏ nửa chừng câu nói. Bà Hà cảm thấy lương tâm người đàn bà này đang bị cắn rứt. Rồi không để bà Hà phải chờ lâu bà Lâm kể cho bà Hà nghe đầu đuôi câu chuyện. Hồi đó Vân em gái bà đã ngoài 40 tuổi. Càng có tuổi bệnh tật càng tòi ra như đất sinh cỏ, thân thể Vân đau nhức nhất là các khớp gối. Dần dần Vân như một cây phi lao héo trên cát, tóc như cỏ khô, da dẻ trở nên xám chì. Cơ hội chồng con với Vân trở nên xa ngái hơn bao giờ hết. Bà Lâm thương em gái nên khuyên Vân tìm xin một đứa trẻ về nuôi, cho có mẹ có con, cho nhà đỡ quạnh, có nơi nương tựa. Chị em bàn đi tính lại mãi, rồi cả hai tìm đến chùa trên thị xã, có sư Tâm bạn cùng đơn vị Thanh niên xung phong với Lâm ngày trước xuất ngũ quy y tại đó. Mấy hôm khăn gói đi khi mờ sáng, về khi trăng muộn, Vân đưa đứa bé mới hơn tháng tuổi về nhà, rồi cùng chị Lâm đưa ra UB xã khai sinh và đặt tên cho con là Linh.

Linh càng lớn thì Vân càng gày tóp đi. Thường xuyên đau quặn bụng, ăn chưa khỏi miệng đã nôn ra mật xanh mật vàng. Mỗi lần dậy nấu cơm hoặc giặt giũ cho con, Vân vã mồ hôi trán, mệt muốn khuỵ xuống. Rồi đứa con không được ăn uống đầy đủ lâu ngày, cũng lăn ra ốm. Linh càng ngày càng mềm oặt như chiếc dẻ khoai, mắt mờ dần, đầu to ra như con cá rô đói nuôi trong chiếc chậu sành lâu ngày.

Linh năm tuổi thì mẹ Vân qua đời. Chị Lâm làm mâm cơm cúng em, rồi mấy hôm sau bàn bạc với chồng gửi Linh lên làng SOS. Hôm bà Lâm đưa Linh đi, bác cháu bịn rịn mãi mới chia tay được. Linh khóc đòi về với mẹ Vân làm bác Lâm quay mặt đi chỗ khác chùi nước mắt... “Thế tên gốc của cháu là gì ạ, chị có nhớ không?”, Hà hỏi. “Sư Tâm nói cháu không có tên, cũng không biết ai là bố mẹ của cháu, chị ạ. Năm ngoái sư Tâm cũng đã qua đời rồi”.

 

Câu chuyện của bà Lâm làm bà Hà bàng hoàng suốt dọc đường về. Linh tính nào đang dắt dẫn bà càng ngày càng lún sâu vào câu chuyện của Linh? Bà Hà quyết định mấy hôm nữa sẽ lên chùa gặp sư thầy.

Đã mấy lần Tùng lựa lời động viên Linh nên đến bệnh viện khám mắt, nhưng Linh đều lảng đi. Vì Linh nghe nói để chữa được mắt phải cần đến một khoản tiền lớn. Nhưng không nấn ná thêm được  nữa,Tùng luôn động viên Linh đến gặp bác sỹ sớm. Bà Hà cũng đã giục Tùng mấy lần, nên động viên Linh đi chữa bệnh, kinh phí bà sẽ lo. Cuối cùng Linh cũng ưng thuận. Các bác sĩ hội chẩn và xét nghiệm đi xét nghiệm lại, rồi kết luận, mắt Linh bị bong giác mạc, có thể là vì nước bẩn làm ảnh hưởng đến thị lực từ nhỏ. Nhưng với kỹ thuật hiện đại, có thể chữa trị để khôi phục thị lực cho cháu phần nào. Ca phẫu thuật kéo dài đến mấy tiếng. Linh phải nằm viện hơn một tuần.

Trong khi Linh nằm viện, bà Hà lên chùa gặp sư thầy. Sư thầy nhớ lại, đêm ấy sau khi nghe tiếng khóc xé bên ngoài, sư thầy đội mưa ra mở cửa và bê cái hộp có đứa bé đang rét run như dẽ vào chùa. Sư thầy lấy áo thay cho đứa bé. Mảnh giấy trong túi áo cháu bé ngấm nước mưa nhòe nát không còn đọc được nữa. Vì thế không ai biết gì về lai lịch của cháu. Sư thầy kể, trận mưa nhớ đời đêm ấy sau này nghe người ta nói lại là mưa a-xit. Thảo nào mà đứa bé cứ khóc ngằn ngặt, mắt nhắm nghiền, sưng húp cả mấy ngày. Mấy cây nhãn già ở sân chùa năm nào cũng sai trĩu quả là vậy thế mà sau trận mưa ấy tịnh không có một quả nào. Cả vùng nhãn Hưng Yên cũng sạch bách. Được mùa thì chẳng ai nhớ, lúc mất mùa, khó khăn vây bủa tứ bề, nên chẳng ai quên trận mưa ấy. Bà Hà ngồi lặng, hai khóe mắt đỏ hoe, tai ù đi tưởng như trận mưa năm nào đang ào ào trên những hàng cây giữa sân chùa.

Không nén nổi xúc động, bà Hà đã đứng dậy thắp hương lên bàn thờ Phật. Màn khói hương nghi ngút làm hiện lên trong đầu bà như có bộ phim quay chậm, chắp nối mọi sự kiện liên quan đến Linh. Mà sao nhiều sự trùng hợp như vậy? Mà sao ngần ấy năm đi tìm không một tia hy vọng, bỗng nhiên trời xui đất khiến cho bà gặp Linh? Rồi biết bao sự việc khác cứ như càng lúc càng đưa Linh xích lại gần bà. Cả việc mắt Linh bị khiếm thị. Bà nhớ có lần sau khi đưa Linh đi khám mắt về, Tùng bảo các bác sỹ khoa mắt nói, mắt Linh bị bỏng giác mạc làm ảnh hưởng đến thị lực làm bà liên tưởng tới lời sư thầy hôm nay kể về trận mưa a-xít năm nào. Nếu vậy thì Linh chính là Mây. “Con ơi, từ cái hôm đến phòng con tại làng SOS, trong sâu thẳm linh giác của mẹ đã như có ai mách bảo, nhưng mẹ cố không tin, nhưng càng không tin, càng không cưỡng nổi việc đi tìm sự thật. Giờ thì con đã ở trong vòng tay của mẹ. Mẹ chính là người mẹ tội lỗi của con. Mẹ sẽ kể để con biết đời mẹ đã đau đớn như thế nào. Để con hiểu cuộc đời có vinh có nhục, có nhân có quả, có đoạn tối tăm cùng cực bất hạnh, có khúc tràn đầy niềm vui. Nhưng có Phật chứng giám, tuyệt nhiên không phải mẹ kể đế xin con tha thứ” 

Nguồn Văn nghệ số 29/2018

 

 


Có thể bạn quan tâm