April 25, 2024, 6:40 pm

“Di sản với học đường” – Kéo lịch sử văn hóa Việt Nam đến gần với thế hệ 10X

Sự kiện "Di sản với học đường" diễn ra với mong muốn mở ra cơ hội giúp các thầy cô và học sinh chủ động tiếp nhận những giá trị di sản; có cơ hội bày tỏ quan điểm tiếp cận lịch sử Việt Nam.

Học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) hào hứng tham gia sự kiện "Di sản với học đường".

Sáng 23/11, tại trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) đã diễn ra sự kiện "Di sản với học đường" với sự tham gia với hơn 1.900 học sinh cùng hơn 100 khách mời là các đại biểu, nhà giáo... tham dự. Trong đó có thể kể đến như: Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục VLTLNN; Ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội, nhà sử học; Ông Nguyễn Hữu Hóa - Hiệu trưởng nhà trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt); Bà Phạm Thị Huệ - Nguyên giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV,...

 

Tại sự kiện, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước giới thiệu một số hoạt động phát huy giá trị tài liệu lưu trữ của các Trung tâm Lưu trữ quốc gia trong đó có Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đơn vị đang bảo quản khối Mộc bản Triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc chương trình "Ký ức thế giới".

Bên cạnh đó, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước còn giới thiệu tên miền mocban.vn ra mắt, giúp cho độc giả dễ dàng kết nối trực tuyến với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và cập nhật các tư liệu từ Trung tâm.

Sự kiện lần đầu tiên tổ chức với mong muốn các em học sinh sẽ có một cách học lịch sử hoàn toàn mới, đầy thú vị và làn tỏa rộng rãi đến mọi người.

Thông qua website mocban.vn, người quan tâm lịch sử có thể cập nhật lịch tham quan các triển lãm được kể bằng tài liệu chân thật của Trung tâm khi tổ chức luân phiên ở mỗi địa phương ở các thời điểm khác nhau trong cả nước. Hoặc nếu không thể tham gia các triển lãm trực tiếp, người quan tâm, muốn nghiên cứu lịch sử dù ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ Việt Nam hay quốc tế cũng sẽ được thỏa mãn bằng phương thức công nghệ Trưng bày ảo 360, để không giới hạn hiểu thêm các dấu ấn lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ và kết nối với các Trung tâm Lưu trữ để xem nghe, trao đổi, đăng ký mượn tham khảo hoặc phối hợp bảo tồn, phục dựng những tư liệu lịch sử Việt Nam. 

Mộc bản là những tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và thế giới, khắc ngược chữ Hán, Nôm trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến ở nước ta và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Tư liệu thế giới vào ngày 31 tháng 7 năm 2009. Khối di sản này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ.

Để tôn vinh Di sản Tư liệu thế giới theo hình thức “Đưa Di sản vào trường học” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt sẽ tổ chức trưng bày lưu động triển lãm lịch sử này tại một số trường Trung học Phổ thông và Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong năm 2020.

Các em học sinh biểu diễn văn nghệ trước khi chương trình bắt đầu

Điểm nhấn của sự kiện là hoạt động giao lưu đặc biệt bám sát ý nghĩa Phát huy tài liệu lưu trữ gắn liền với các hoạt động lịch sử, văn hóa, nghệ thuật giữa Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và nhiều khách mời đặc biệt kết nối cùng tham gia như: Nhà sử học Dương Trung Quốc; NSND - Đạo diễn Đào Bá Sơn (phim "Long Thành Cầm Giả Ca"); Biên kịch KIM và đạo diễn Lý Minh Thắng (phim “Quỳnh Hoa Nhất Dạ”); Nhà sản xuất Janet Ngo (phim “Trưng Vương”); Biên kịch Phạm Đăng Tùng (Dự án Việt Sử Kiêu Hùng); Đạo diễn Nguyệt Quế (điều hành mảng ứng dụng công nghệ của tập đoàn Truyền thông Thanh Niên).

 
 
 
Đông đảo khách mời tham dự là những nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực lịch sử, đạo diễn, các thầy cô giáo… có mặt tại sự kiện sáng 23/11/2020 tại trường THPT Bùi Thị Xuân – Đà Lạt.
Ông Nguyễn Hữu Hóa - Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (Đà Lạt)
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Trung tâm lưu trữ Quốc gia VI
Nhà sử học, Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc
Bà Trần Ngọc Nguyệt Quế - Giám đốc điều hành MXH DDVN
Sự kiện còn giới thiệu những phương thức tiếp cận mới mẻ dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong xã hội hiện đại. (Ảnh: Chụp màn hình)
Việc sử dụng công nghệ VR và AR để giới thiệu những tài liệu lịch sử thêm trực quan, sinh động, phát triển nội dung nghe nhìn có tính tương tác từ xa kết nối với giới trẻ giúp bảo tồn và phát huy tài liệu lịch sử lâu dài. (Ảnh: Chụp màn hình)
Tại sự kiện này, Trung tâm sẽ trao tặng 100 USB chứa 30 clip phim tài liệu về lịch sử Việt Nam qua tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn (có lời dẫn giải của nhà sử học Lê Văn Lan), để góp phần làm phong phú thêm những học liệu cho các thầy cô và các em học sinh yêu thích lịch sử, văn hóa Việt Nam.

 


Có thể bạn quan tâm