April 26, 2024, 4:55 am

Di Li-nữ văn sĩ đam mê viết truyện trinh thám

 

Di Li- nữ văn sĩ là tác giả của thể loại truyện trinh thám hiện đại được đông đảo độc giả yêu mến tại Việt Nam. Mặc dù chưa từng được học qua trường lớp đào tạo về chuyên ngành điều tra, hình sự nhưng nhà văn Di Li đã có nhiều sáng tạo trong cách viết, thể hiện tác phẩm thuộc dòng văn học giả tưởng. Nhân dịp tiểu thuyết trinh thám “Câu lạc bộ số 7” của nhà văn Di Li được tái bản lần thứ ba vào những ngày đầu tháng 6, nữ văn sĩ đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về khó khăn, niềm đam mê theo đuổi những tác phẩm truyện trinh thám.

Phóng viên (PV): Di Li là nhà văn đã mở ra làn sóng trinh thám hiện đại và tiểu thuyết “Câu lạc Bộ Số 7” đã có chỗ đứng rất quan trọng trong lịch sử văn học trinh thám tại Việt Nam, chị có thể chia sẻ về những khó khăn khi viết về đề tài này?

Nhà văn Di Li: Trinh thám là thể loại giả tưởng, nội dung dựa hoàn toàn vào logic và trí tưởng tượng. Còn tôi thì chưa một ngày làm việc trong ngành điều tra hình sự, nên trong quá trình viết phải tưởng tượng và “bài binh bố trận” làm sao cho câu chuyện cuốn hút người đọc đến tận phút cuối cùng ở vào thời đại “thời gian luôn hiếm hoi” này. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo cho mọi tình tiết có lý vì rất nhiều người có chuyên môn sẽ đọc và nhận xét tác phẩm của mình. Vì vậy, nghiên cứu tư liệu không phải chỉ trên lĩnh vực hình sự mà còn có cả lịch sử, tôn giáo, chính trị, văn hóa, địa lý… là một điều tối cần thiết phục vụ cho công việc này.

PV: Tiểu thuyết “Câu lạc bộ số 7” thuộc thể loại trinh thám, tái bản và phát hành tới bạn đọc với một diện mạo mới đầy sức sống, trong bối cảnh thể loại truyện trinh thám rất kén độc giả nhưng tiểu thuyết này vẫn tái bản thể hiện sự thành công của tác giả, cảm xúc của chị ra sao khi đứa con tinh thần của mình được đông đảo độc giả đón nhận?

Nhà văn Di Li: Tôi thực sự rất vui mừng vì “Câu lạc bộ số 7” đã được tái bản lần thứ ba. Đó là một cuốn sách dày và phải cạnh tranh với rất nhiều đầu sách trinh thám ngoại khác. Đặc biệt với sự phối hợp chặt chẽ, làm việc có uy tín, trách nhiệm của Linh Lan books đã giúp tôi cho ra đời Câu lạc bộ số 7 phiên bản mới, hấp dẫn, kịch tính, đầy mê hoặc…Tôi hy vọng bên cạnh “Trại hoa đỏ” đã được tái bản lần 6 thì “Câu lạc bộ số 7” cũng sẽ được yêu thích như vậy.

PV: Có thể nói, chị là một trong những tác giả truyện trinh thám thành công và được yêu mến tại Việt Nam, chủ đề trinh thám đến với chị từ khi nào?

Nhà văn Di Li: Từ hồi nhỏ, tôi hầu như chỉ đọc thể loại giả tưởng và trinh thám luôn chiếm một vị trí trang trọng trên giá sách của tôi. Một ngày nọ, tôi nghĩ rằng mình cũng có thể viết một cuốn như vậy và tôi bắt tay vào thử thách mới. Cứ thế, thể loại trinh thám cuốn hút tôi cho đến tận bây giờ.

PV: Văn học trinh thám giúp người ta nhìn nhận về trách nhiệm và vai trò xã hội của con người cũng như bản chất sâu xa của tội ác, khi viết tác phẩm này, chị phải tìm hiểu tài liệu cũng như các vụ án như thế nào để làm chất liệu cho sáng tác của mình?

Nhà văn Di Li: Tôi phải đọc rất nhiều tài liệu về các chất ma túy và tác hại của nó đến con người nói riêng và cộng đồng nói chung. Tôi thậm chí còn tìm đến Học viện Cảnh sát và đi tìm mua tài liệu về nghiên cứu, đọc nhuần nhuyễn.

Các sách luật hình sự, giám định pháp y, các loại dược chất, kỹ thuật hình sự và tâm lý tội phạm học, tâm thần học cũng được tôi nghiên cứu rất kỹ. Để viết ra một cuốn sách thì số sách đọc có thể phải gấp vài chục lần thế. Ngoài ra, tôi cũng vào các diễn đàn quốc tế của những “người vô tính” để tìm hiểu, rồi thậm chí phỏng vấn rất nhiều người quen mà tôi phỏng đoán họ là “người vô tính” để tìm hiểu về tính cách, cuộc sống của họ. Qua đó làm chất liệu khi thể hiện tác phẩm của mình.

PV: Tiểu thuyết “Câu lạc bộ số 7” là một cuốn tiểu thuyết lãng mạn trẻ trung, ly kỳ, được viết dưới một chủ đề còn khá lạ ở nước ta và chị đã dành thời gian 6 năm để thực hiện tác phẩm này, điều gì đã thôi thúc chị thực hiện chủ đề không dễ đối với bất kỳ nhà văn nào?

Nhà văn Di Li: Ý tưởng bất chợt đến trong một chuyến đi Seoul (Hàn Quốc). Cô gái ở công ty đối tác nhắc tôi rằng, nếu có gọi taxi thì gọi xe của hãng tử tế, đừng vẫy dọc đường, vì thời gian vừa rồi có rất nhiều cô gái đã bị tài xế taxi giết hại rồi quẳng xác xuống sông Hàn. Sau đó tôi cũng tình cờ nhìn thấy những hình ảnh tàn tạ của những người nghiện ma túy đá trong một bài báo. Tôi dần dần hình thành từ những ý tưởng bất chợt đó. Hơn nữa, từ lâu tôi dành rất nhiều thời gian để quan sát những người mà tôi cho rằng thuộc cộng đồng “người vô tính”. Đó là một chủ đề mà tôi đã nghiên cứu từ lâu.

PV: Được biết, hai tác phẩm “Trại hoa đỏ” và “Câu lạc bộ số 7” đã được bán chuyển nhượng bản quyền để chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, ở Việt Nam có lẽ chị là một trong số không nhiều nhà văn tiên phong trong lĩnh vực này, chị có gặp khó khăn gì khi thể loại truyện trinh thám được chuyển thể thành phim?

Nhà văn Di Li: Tôi đã bán bản quyền “Trại hoa đỏ” từ cách đây 10 năm nhưng long đong mãi mà chưa được lên phim. Nhiều đạo diễn nói rằng: Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ. Cũng có những đạo diễn rất tâm huyết với dự án nhưng lại không tìm được nhà đầu tư sản xuất. Rồi qua nhiều lần “sang tên đổi chủ”, hợp đồng đó đã được sang nhượng lại cho K+. Đây là premium original seri đầu tiên tại Việt Nam, được đạo diễn bởi Victor Vũ và cũng là phim dài tập được đầu tư lớn.

Ê kíp làm phim đã nhiều lần “cảnh báo” với tôi rằng, bộ phim đã được thay đổi khá nhiều so với nguyên tác, có lẽ để tránh làm tôi “sốc” khi xem phim. Nhưng tôi cũng hiểu, điện ảnh là một lĩnh vực riêng, không nên cực đoan phải đóng khuôn giống như tác phẩm văn học. Tiếp đó, K+ cũng đã mua bản quyền “Câu lạc bộ số 7” với dự tính sẽ chiếu bộ phim này vào năm sau.

Tôi nghĩ rằng, bất kỳ nhà văn nào cũng mong muốn tác phẩm của mình được chuyển thể thành phim để tiếp cận người xem nhiều hơn. Tôi cũng hy vọng hai bộ phim này sẽ thành công như kỳ vọng của cả đoàn làm phim.

PV: Dự định trong thời gian tới của chị là gì?

Nhà văn Di Li: Cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ ba mà tôi đang viết là về đề tài dân số và chênh lệch giới tính. Bối cảnh hầu hết diễn ra ở Hàn Quốc. Đây cũng là đề tài mà văn học hiếm khi các nhà văn đụng đến. Dự kiến trong 10 năm tới, tôi cũng dừng bút ở thể loại non-fiction (phi hư cấu), để dành trọn vẹn thời gian cho sách hư cấu.

PV: Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND


Có thể bạn quan tâm