April 16, 2024, 7:51 pm

Dệt thơm thân phận bằng trăm sợ buồn

 

Thả mình vào sóng sánh tâm tư; dệt từng sợi tơ của ngôn từ đan khít những đau khổ, những mất mát, những yêu thương thành tấm thảm lòng; Người đàn bà cưới nỗi buồn của tác giả Hoa Mai là những riêng khác biệt: Có một ngày em tự cưới nỗi buồn/ Hồi tưởng thanh xuân/ Đôi lần mơ ước/ Khi tóc còn xanh/ Từng mong có được/ Chàng hoàng tử yêu em/ Như cổ tích chuyện tình (Người đàn bà cưới nỗi buồn).

Mỗi người ai chẳng có những ước mơ chính đáng và đẹp đẽ, thời gian và những trải nghiệm sẽ làm ta trưởng thành. Họ đều có cách hiểu và lý giải riêng về cuộc sống trong nguồn chảy chung của dòng đời. Nhưng đến mức “cưới nỗi buồn” thì Hoa Mai đã đi khá xa trong tâm tưởng thi ca của mình. Đó là khi nỗi đau đã lên đến đỉnh, sự chấp nhận như nhiên theo cách riêng để mà bằng an cùng thời gian năm tháng, được mất đời người. Dám “cưới nỗi buồn”, chị đã ký thác vào chữ một tâm thế bi trầm tự tại: Tự ru mình khi trăng già dát ngọc/ Đốt cháy nỗi buồn nhỏ vào thơ tiếng khóc/ Để hết đêm dài, sáng dậy tự đứng lên (Nguyệt quế tình yêu)

Tự thoát khỏi nỗi buồn là một trạng thái tâm lý kiên cường của người phụ nữ ít may mắn. Họ có cơ hội trải nghiệm và bao dung, bao dung đời và bao dung mình, bởi nỗi buồn “nhỏ vào thơ tiếng khóc” chính là nỗi đau. Đau đời, đau tình, đau thơ... Hoa Mai đã giăng mắc nỗi buồn vào thơ bằng một hành trình đầy trắc trở và dũng cảm: Từ đây học cách của Cỏ/ Đứng dậy sau ngàn đao gươm/ Dẫu trăm ngàn chân giẫm đạp/ Vẫn vươn mạnh mẽ kiên cường (Lời Cỏ)

Bài ca bi tráng có khi là sự tiêu cực ở đâu đó nhưng lại thật tích cực khi nói về thân phận con người, bởi nhiều ngàn năm nay, xã hội loài người luôn trải qua quá nhiều biến cố bi thương. Nhưng không vì thế mà bi lụy, chị đã thể hiện được bản lĩnh của mình trong những câu thơ giàu khí chất, vượt thoát: Đàn bà như lá biếc/ chạm vào xanh mà đau/ xếp mộng vào đêm vỡ/ tái sinh những úa nhàu (Tự khúc)

Bằng những ẩn dụ giản dị, Hoa Mai đã giúp ta hình dung và đồng cảm với phụ nữ khi gánh nặng cuộc đời chất chồng lên đôi vai họ, từ thiên chức làm vợ, làm mẹ... đến tố chất làm thơ thiên bẩm. Con đường chị chọn thật gập ghềnh trắc trở khi nỗi buồn luôn giăng kín sông thơ, nỗi buồn trở thành gam màu cố hữu trong bức tranh sáng tối xen cài. Nhưng thật đẹp khi nỗi buồn ấy luôn mang đến niềm tin, tin đời và tin mình: Đêm đàn bà vẽ/ Thương nhớ pha màu/ Tro buồn đốt cạn/ Tình còn theo sau (Đêm đàn bà).

Hình ảnh trong chuỗi buồn nguyên trinh gắn kết với những mối tình hoang hoải đợi chờ. Ngọn lửa tình không bao giờ tắt bởi những bước chân luôn vượt lên số phận, biết yêu chính mình và tìm lại. Người phụ nữ “vượt rào lễ nghĩa” theo tiếng gọi thức tỉnh của tình yêu - Hoa Mai luôn có lý lẽ riêng mình: Tình chôn đầy đáy giếng/ Mà dây gầu mỏng tang/ Nên lời yêu khuỵu xuống/ Quyện vào đời đa mang (Một ngày)…

Chu trình của sự sống là những vòng quay đời người luân chuyển, chu trình cảm xúc của con người là những buồn vui luân phiên... Khi nỗi buồn được chế ngự, bị định vị thì chính nỗi buồn phát tiết cho những vần thơ vươn chồi thăng hoa. Thơ chị đã “tỏa hương” từ những nỗi buồn: Ơ kìa.../ Có một mầm thương/ Đang chờ ai về trổ nụ/ Vài giọt sương trinh mới nhú/ Nghe đông đơm cúc lên mùa (Ơ kìa... Mùa...).

Từ ngàn xưa, bi kịch và nỗi buồn luôn là mảnh đất màu mỡ của nghệ thuật, nhất là thi ca. Tác giả Hoa Mai đã phát huy được thế mạnh ấy để đi một lối riêng mình. Mầm thơ luôn được ươm trồng đến khi những biến chuyển trong cuộc đời đã khai sinh hồn thơ, khi quay trở lại, hồn thơ xúc tác cho cuộc đời nên thơ.

Lưu vực cuộc đời là một khái niệm thơ lạ... Có lẽ ở đó có rất nhiều cung bậc của đời người, rất nhiều thử thách và rất nhiều đòi hỏi dấn thân. Tác giả Hoa Mai đã tạo nét cho thơ mình độc đáo như thế: Đêm đàn bà mở/ Nhốt vào cô đơn/ Dệt thơm thân phận/ Bằng trăm sợi buồn (Đêm đàn bà).

Nỗi buồn đã trở thành “Vũ khí đặc chủng” trong thơ Hoa Mai. Nỗi buồn có thể là tâm khảm và nỗi buồn cũng có thể trang sức thêm lộng lẫy tâm hồn.

Hoặc khi nhớ về mẹ thân yêu đã mất, lời thơ rưng rưng: Con lần hồi nhặt giấc mơ/ Hít hà hương Mẹ ngày thơ mãi nồng/ Cánh cò giờ đã sắc không/ Mà sao bóng Mẹ vít cong cả chiều (Chiều mưa nhớ mẹ).

Hình ảnh đặc sắc làm ai cũng nôn nao, xốn xang nỗi nhớ mẹ hiền. Người còn mẹ hay không còn mẹ thì nỗi nhớ cứ dâng trào bởi sự chân thật nhưng vượt thoát của ý thơ đặc tả về hương mẹ và bóng mẹ ngày xưa... Là những khi lòng chợt phân vân, bối rối: Thích trái cấm, sợ địa đàng lạc lối/ Lời thơ không bạc đầu/ Khúc ca sầu mỗi tối/ Mặt trời anh mọc trong tim (Thừa thãi mình ta).

Dường như với chị, nỗi buồn không bao giờ lạc lõng mà chỉ có sự ngập ngừng, phút do dự mới đọng băn khoăn. Ấy là bởi sự mê dụ của tình yêu nhưng cũng thật khắc nghiệt khi yêu lạc lối…

Thơ rón rén tỏa hương rơm, cỏ dại/ đủ rối chân tiêu khách nghỉ bên đường/ Thơ tôi đấy/ chênh vênh mùa trở gió/ mượn nồng nàn, sưởi ấm những lòng đêm/ Nên viết mãi/ sợ tim mình cạn máu. (Sợ mai tim cạn máu) - Ta thấy một Hoa Mai suy tư trầm ngẫm trong miền sắc không tỉnh thức từ những mênh mang. Rồi như một tuyên ngôn.

Sự khiêm nhường đã toát lên một bản năng chất phác, không tham lam danh vọng, địa vị từ trong tư tưởng, để dành cho đường thơ mãi xanh. Thơ Hoa Mai phần đa được gối trên nỗi buồn tình yêu, nhưng luôn là nỗi buồn phát sáng. Chọn hợp hôn với nỗi buồn để sinh ra những đứa con kết tinh bằng những cảm xúc đan chéo nhau, dan díu nhau, cùng tỏa hương trong vườn chữ lặng thầm…

Nguồn Văn nghệ số 46/2020


Có thể bạn quan tâm