April 26, 2024, 1:07 am

Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió

Đêm miền rừng chỉ nghe tiếng gió. Kéo chăn lên ngực, nhìn lên mái ngói, tôi nằm trong gian phòng tối om, lặng lẽ và tĩnh mịch, chỉ có ngoài trời, cách một bức tường, tiếng chim từ quy kêu khắc khoải, buồn buồn.

Minh họa của LÊ TRÍ DŨNG

Chiều hôm ấy, sau khi chụp hết cuộn phim về trang trại của các đội viên thanh niên xung phong, tôi ra về, đi được vài cây số thì xe xịt lốp. Đường rừng mấp mô, lên đèo xuống dốc, chỗ bằng, chỗ sống trâu, trời lại nắng ong ong không có tí gió, nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người. Hai bên đường, ngày xưa là rừng cà phê cổ thụ, nghe nói trồng từ thời Pháp mới đưa giống cây cà phê sang Việt Nam. Sau rồi cà phê không được giá, người ta phá bỏ trồng mía. Dăm năm sau, lại trồng cam. Cam không được bao nhiêu năm, rồi tàn lụi, bị chặt bỏ. Bây giờ người ta chuyển sang trồng cây sở và cây dứa. Không biết đất này có hợp với dứa hay không, còn phải chờ.

Quả là không có cây gì mọc lên một cách dễ dàng cho con người. Cây dứa cũng bếp bênh lắm, được mùa thì mất giá, nhà máy không thu mua, giá rẻ như cho, nhiều nhà cứ để thế, không chăm bón, có đám tàn lụi vì đất không đủ độ ẩm. Sim mua vẫn là cây chiếm lĩnh tràn ngập, xanh tốt bời bời. Trong nhiều phiên chợ huyện, có rất nhiều người vùng này mang bán những gánh sim chín, màu tím đẹp ngẩn ngơ. Những quả sim tím béo ngậy, múp míp, được bán cho người đi chợ mua về làm quà cho con nít. Một ống bơ sim đầy có ngọn chỉ được hai ngàn. Người ta mua có một ống, nhiều lắm là hai ống. Con nít được mẹ chia quà, đứa nào đưa nấy ăn tím cả mồm. Lâu lâu mới có người mua cho cả rổ về ngâm rượu. Rượu sim là sản phẩm mới của dân nhậu, mới chứ ngày xưa chưa ai lấy sim ngâm rượu.

Đặc sản vùng này có lẽ là sim, những quả sim béo tròn, tím biếc, đẹp như tranh. Nhưng chẳng ai sống được bằng nghề hái sim, hái một ngày, đi chợ một buổi, bán cả gánh may được trăm ngàn. Quả là cuộc sống không hề dễ dàng, có được cái gì đó cho cuộc đời này, ở đây không đơn giản. Đến một cái cây, đời này chọn, đời sau chọn, mà mọc lên cũng không dễ dàng.

Vùng này cũng chẳng xa lạ gì với tôi. Thời còn học cấp 3 trường huyện, thầy trò có vài lần dẫn nhau đi tham quan nông trường cà phê hoặc xí nghiệp Colophan chế biến các sản phẩm từ cây thông, cả một rừng thông với những cây thông hàng trăm năm tuổi, chạy dài mười mấy cây số dọc quốc lộ.

Không hy vọng có một tiệm sửa xe ở vùng này. Tôi còng lưng đẩy cái xe đi, suốt quãng đường dài mà chỉ mong gặp một anh chàng xe bò, xe trâu nào đó cho quá giang. Thế rồi, nuôi cái hy vọng mong manh ấy, tôi đi mãi đi mãi cũng qua mười mấy cây số cho đến khi trước mắt là một cái xóm nhỏ, cây lá um tùm, vườn tược yên ả. Tôi thở phào mà lòng đầy hy vọng.

Xóm này chẳng lẽ không có một người vá xe? Tuy nhiên, trước mắt tôi chỉ có một bà hàng nước, quán xá nhỏ nhoi và một vị khách, là cô gái, đúng hơn là thiếu phụ. Người nữ khách ấy nhìn tôi từ xa, đã cười cười. Hơi là lạ, tôi nhìn kĩ, hoá ra Thuỷ, học sinh cũ của tôi.

- Em chào thầy! - Thuỷ chạy ra đon đả đón tôi - Buổi sáng vừa ra ngoài ngõ thì em nhận ra thầy cùng với ông chủ tịch xã Quỳnh Thắng, anh tổng đội trưởng thanh niên xung phong đi về phía xóm Bến Nghè. Ba người đang mải nói chuyện nên không nhận ra em. Em định chào thầy nhưng hai xe máy đã vượt lên. Lúc ăn cơm trưa, em kể cho mẹ nghe chuyện tình cờ ấy. Mẹ em bảo, con nên đón mời thầy vào nhà chơi. Dạy xong, buổi chiều em đứng ở gốc cây phượng. Có đến hai tiếng đồng hồ, mặt trời đã chiều lắm mà chẳng thấy thầy đâu. Em nghĩ thầy ở luôn trên ấy chưa về.

- Không, thầy bị hỏng xe, dắt bộ đường rừng, mệt quá! Tại sao vùng này không có quán sửa chữa xe máy nào hả em?

- Thầy ơi, cả làng này mới có hai cái xe máy thì làm gì có quán sửa. Nhưng thầy yên tâm, em sẽ nhờ một phụ huynh có đồ nghề, sửa xe cho thầy ngon lành. Mẹ em mời thầy vào nhà chơi, sáng mai thầy hãy về, đường trên này đi đêm không được, khúc khuỷu lắm, em không yên tâm để thầy về.

Tôi không biết nói sao, quả thật đường rừng ổ voi, ổ gà đầy bất ngờ.

Thế là tôi theo Thuỷ vào nhà.

Nhà Thuỷ bốn gian xây tường gạch, khang trang vừa phải, so với vùng này. Nhà có một cái tivi màu, loại cũ, chưa phải loại màn hình phẳng. Nền nhà lát gạch hoa loại ceramic. Bộ trường kỷ tiếp khách có lẽ cũng xưa rồi. Bàn soạn bài, chấm bài của Thuỷ cạnh cái cửa sổ trông ra sân. Sân rợp bóng cây, vườn trồng toàn nhãn, đổ bóng mát vào hết sân. Trong sân có mấy chậu hải đường mới ra nụ. Một gia đình bình thường, không nghèo cũng không giàu. Nhưng tất cả toát lên vẻ an lành, thoải mái và tĩnh tại.

Bà mẹ Thuỷ ở đâu đó, thấy thầy giáo cũ của con, chạy ra, niềm nở: “Em Thuỷ biết thầy đi công tác trên này, nhắc thầy cả ngày, quyết đón thầy vào chơi cho biết nhà học sinh cũ. Nó chỉ lo thầy về đường khác không đón được thôi!”. Nét mặt bà hân hoan, rạng rỡ, tay chân cứ luýnh quýnh, liên tục rót nước cho thầy dù bát nước chè xanh đã đầy mà tôi chỉ mới nhấp môi. Ngày đó, tôi không làm chủ nhiệm lớp Thuỷ năm nào, tôi chỉ dạy môn Chính trị lớp em một năm. Năm Thuỷ ra trường, cả khoá liên hoan chung, ca hát và làm những trò chơi vui là chính, không liên hoan mặn vì thời đó còn khó khăn kinh tế. Tình thầy trò cũng không có gì sâu sắc, tình cảm tôi và Thuỷ cũng như vài ngàn học trò cũ của trường năm tôi còn dạy học ở Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Sở dĩ tôi nhớ được Thuỷ trong hàng ngàn học sinh mấy khoá đó vì Thuỷ là Bí thư Chi đoàn lớp, mà tôi là Phó Bí thư Đoàn trường.

Nói chuyện với mẹ của Thuỷ được một lúc thì bữa cơm tối được dọn ra. Mâm cơm có đĩa thịt gà, có rau muống xào, canh cua, bát cà muối nho nhỏ, và bát to thịt kho tàu, những miếng thịt trông ngon mềm, béo ngậy màu cánh gián, nhìn là biết người nấu có một bàn tay khéo léo và được chuẩn bị cả chiều.

Mẹ Thuỷ lại xăm xắn: “Mời thầy, mời thầy… chúng ta ăn cơm trước, chồng cái Thuỷ hôm nay có việc chưa chắc đã về nên ta không chờ. Miền rừng không có gì mời thầy, cây nhà lá vườn, thầy thông cảm. Đúng là chỉ cơm rau thôi. Mời thầy, không mấy khi…”. Còn Thuỷ, mặt mày rạng rỡ và líu lo như cô học trò ngày xưa: “Hôm bọn em tổ chức không mời được thầy, hôm nay nhất định thầy phải ở lại vài bữa. Quãng đời áo trắng của em, thầy là chấm đỏ chẳng thể nào quên. Bọn em ước gì có dịp hội khoá hay hội lớp gì đó, kéo nhau về trường gặp nhau một buổi, một ngày, cười nói cho thoả nỗi nhớ. Bọn em, hễ gặp nhau là đứa nào cũng hỏi về thầy.”. Rồi quay sang mẹ của mình, nói như khoe: “Thầy hồi ấy đẹp trai, nhiều tài vặt lắm mẹ ạ!”.

Thuỷ và mẹ thay nhau chọn những miếng thịt gà nạc nhất bỏ vào bát tôi. Em vẫn hồn nhiên, như cách đây mười lăm năm ở trường Sư phạm, khác chăng là bây giờ mỗi khi cô nói vô tư nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi hỏi chuyện đồng áng, làng mạc với mẹ Thuỷ cho phải phép. Hoá ra bà chỉ có mỗi Thuỷ, chồng mất sớm, quê đâu ở xã Quỳnh Hồng hay Quỳnh Yên gì đó. Chồng Thuỷ là bộ đội phục viên, xin mãi mới vào được Lâm trường Bến Nghèn, đúng vào thời kì lâm trường gặp nhiều khó khăn, trồng rừng và bảo vệ rừng là chủ yếu. Bà bảo, nó phải đi trồng rừng rất xa, ăn ở ngay trong rừng có khi đi vài tuần mới về nhà. Tôi bảo nó, con đừng nản, bây giờ mình trồng thì con cháu sau này mới có rừng. Còn bây giờ, có cây nào chặt bán cây đó để ăn thì mươi năm nữa đời con cũng không còn rừng chứ đừng nói đời con cháu của con. Nó cười trêu tôi, mẹ lên làm giám đốc lâm trường được đó.

Bữa cơm hàn huyên rồi cũng xong, Thuỷ vội buông đũa đi lấy tăm cho thầy. Bà mẹ thì xuýt xoa, cơm không hợp khẩu vị hả thầy? Hay đi mệt mà thầy ăn ít vậy? Rồi lại hối Thuỷ, dọn đi dọn đi, lấy nước cho thầy uống. Vừa nói bà vừa mời tôi ra bàn uống nước. Trên bàn đã có hai bát nước chè xanh nóng hổi mà Thuỷ đã rót sẵn. Lâu nay đi khắp nước, ở nhiều khách sạn, uống đủ các thứ chè, từ Tân Cương, San Tuyết Hà Giang đến Ô Long Lâm Đồng chế biến theo công nghệ Đài Loan, rồi chè đen Anh quốc, vân vân… Thế mà hôm nay uống bát nước chè xanh ở ngay đất trồng chè, cảm nhận vị chát ở ngay đầu lưỡi và vị ngọt lâu bền ở cuống họng mới thấy hết giá trị của nó.

Thuỷ rửa bát xong lại ngồi trò chuyện với tôi, mẹ Thuỷ xin phép sang nhà hàng xóm vì nghe nói cháu Loan, có lẽ con người hàng xóm, đau bụng gì đó, trước khi đi còn dặn Thuỷ, thầy trò lâu ngày gặp nhau chuyện trò vừa vừa thôi, con phải để cho thầy đi nghỉ sớm, thầy đã phải dắt xe mười mấy cây số, nghe chưa con... Tôi nghĩ bà đi chơi một lúc để thầy trò tôi hàn huyên cho được tự nhiên. Thuỷ nói, mẹ cứ yên tâm, con biết rồi. Lại quay sang tôi, thầy ngạc nhiên khi gặp em ở trên này chứ gì? Tốt nghiệp em chờ mãi không được phân công về đâu, mà các trường trong huyện thì không có chỉ tiêu. Cực chẳng đã em xin lên miền núi, họ phân về dạy trường này. Em là con một, mẹ em một mình ở dưới quê không ai chăm nom, em đưa mẹ lên luôn. Ở chỗ giáo viên thì chật nên em xin xã được mảnh đất nhưng có đất cũng không kiếm đâu ra tiền để xây nhà. Thế là mẹ em về quê bán hết, cả nhà cả vườn, dồn hết cả đưa cho em. Có tiền em mới xây dựng được cơ ngơi này. Anh Thắng, chồng em hồi ấy là công nhân trồng rừng ở đây, cùng hoàn cảnh, qua lại quen biết rồi thương nhau. Giờ cũng tạm ổn thầy ạ! Không bằng ai nhưng vợ chồng em thấy như thế này là hạnh phúc rồi.

- Em có gặp được bạn bè cũ không? - tôi hỏi - như Hà, Thu chẳng hạn?

- Bọn em gặp lại nhau không nhiều lắm, đứa nào cũng đầy những lo toan. Anh Hồng, anh Hùng, anh Thiệu, con Liên, con Chung, con Thái… đứa nào cũng vất vả, gian truân lắm nhưng rồi cũng ổn cả thầy ạ! Cái Thu ba bốn năm thất nghiệp phải đi làm phu hồ để lo cho cả gia đình, em thì nhỏ, bố ung thư, mẹ nó bị tai biến. Khổ lắm, rách như tổ đỉa, chán nản nhưng rồi cũng được phân về Trường Phổ thông Trung học Thái Minh, nay đã là Hiệu phó. Còn Hà, được phân công sớm hơn bọn em, ở thị trấn, có nhà bốn tầng đàng hoàng, đẻ ba đứa con gái, chồng bỏ đi theo bồ, nghe nói ly hôn rồi nhưng nó giấu, không cho ai biết. Bạn Mai xinh xinh, má lúm đồng tiền khi nào cũng cười, hát hay nhất lớp, thầy có nhớ nữa không? Ra trường nó được phân công ngay về thị trấn dạy, lấy anh chủ thầu xây dựng, giàu lắm, nhà cửa đàng hoàng, thế mà đùng cái bị u gan, bây giờ đang xạ trị ở Hà Nội, thương lắm thầy ạ!...

- Sao tất cả đều vất vả thế nhỉ? Tất cả chúng ta chứ không riêng gì các em…

- Cuộc đời vốn vậy mà! Bọn em đứa nào cũng tơi bời sóng gió, đứa chạy chợ, đứa phu hồ, đứa tiều phu, có đứa mò cua bắt ốc… nhưng chẳng đứa nào phó mặc số phận, không đứa nào ngã lòng, gắng đi lên, dần dần từng tí một, rồi cũng qua. Được chút gì quý chút đó, bảo nhau thế, đều là mồ hôi nước mắt của mình. Thầy xem, bão tố không xô đổ được bọn em. Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây mà thầy. À thầy còn nhớ anh Hồng lớp trưởng lớp em không?

- Nhớ quá đi chứ, Hồng cao to, trắng, đẹp trai khi nào cũng vui vẻ cởi mở với mọi người, học giỏi, ra trường về huyện theo diện thu hút, bây giờ chắc thành đạt lắm hả em?

Thuỷ thoáng buồn rồi chậm rãi nói:

- Đời không biết sao mà lường được thầy ạ, anh ấy về làm hiệu phó rồi lên hiệu trưởng, vào thường vụ huyện uỷ được ba năm, có người giăng bẫy nhận bốn héc ta rừng làm bìa đỏ xong thì bị kỷ luật, họ bố trí cho xuống làm cán bộ nhưng anh ấy xin nghỉ về chế độ trước tuổi. Rồi bạn Tuấn bí thư chi đoàn, người mà thầy đặt nhiều hy vọng nhất đó, đi dạy 6 năm rồi về làm giám đốc trung tâm văn hoá huyện được mấy năm, nội bộ cũng đấu đá nhau ghê lắm thầy ạ! Trượt ban chấp hành, bị điều về làm phó nhà văn hoá thiếu nhi… Em vô ý quá, thôi thầy đi nghỉ đi, em chuẩn bị giường cho thầy rồi, kẻo muộn, mẹ em về lại mắng em không để thầy nghỉ ngơi.

Tôi vào giường mà cô học trò cũ chuẩn bị cho mình. Một cái chiếu tre rất mát, một cái gối thơm mùi vải mới, một cái chăn mỏng cũng mới và cái màn trắng muốt.

Cô học trò ơi, nhà mình đâu khá giả gì, lại ở trong bìa rừng, nơi khô hạn và đầy sim mua, cô kiếm đâu ra tiện nghi để lo toan cho một người thầy giáo cũ, không có chủ ý đến thăm cô mà ông ta chỉ vì hỏng xe, lỡ độ đường. Sao cô lại tốt đến vậy? Sao cô lại có bà mẹ nhân hậu đến vậy? Nếu tôi không hỏng xe, không đi về khoảng rừng này, làm sao tôi biết ở đời có những tấm lòng bao la, nhân ái, như em, như mẹ em. Cuộc gặp gỡ này là vì rủi ro hay hạnh ngộ? Tôi chưa từng quan tâm, chưa từng nghĩ đến những người học trò cũ, giờ mới biết những nỗi gian truân khi bước vào đời như Thu, như Liên, như Thùy, như Hà… hay như Hồng, như Tuấn… Họ đã kiên cường biết bao nhiêu. Đúng là còn da lông mọc còn chồi nẩy cây, dân Nghệ mà!

Tâm trạng lâng lâng, nửa hoài niệm về thời áo trắng học trò, nửa tự trách mình chỉ quanh quẩn lo toan trong cái khung trời nhỏ bé của mình, đâm ra tôi nằm trằn trọc mãi nhưng rồi vì cuốc bộ cả buổi chiều, tôi cũng chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.

*

Khi nghe tiếng chim ríu rít ngoài sân, tôi mới tỉnh dậy. Tiếng chim như tràn ngập cả không gian, trên tán cây, trên mái nhà, những hoà âm du dương, trầm bổng lan toả, lan toả mãi ra đến cánh đồng đang mờ sương trước mặt. Trong nhà lặng lẽ, tôi xếp chiếc chăn mỏng và gấp cái màn lại rồi thong thả đi ra sân. Một buổi sáng bình yên, trong xanh và đầy giai điệu mê hồn.

Thuỷ ở đâu đó trong bếp thấy tôi, liền chạy ra. Thầy dậy rồi à, thầy ngủ có ngon không, em sợ thầy lạ nhà không ngủ được. Tôi cười bảo, lâu lắm rồi thầy mới có một giấc ngủ say như thế này, ở đây trong lành quá! Thuỷ chuẩn bị đến trường, tôi cũng phải về cơ quan... Thuỷ bảo, thầy rửa mặt đi, em chuẩn bị khăn và nước cho thầy kia rồi. Tôi thấy một chậu nước trong veo, bên trong là chiếc khăn bông màu hồng mới tinh. Khi tôi rửa mặt xong thì bữa sáng cũng được dọn ra. Không biết Thuỷ kiếm đâu ra, một đĩa bánh cuốn, trông mềm mại và trắng muốt, một bát nước chấm được pha chế rất khéo, một đĩa lòng lợn nóng hổi và một đĩa rau thơm. Thuỷ cứ xuýt xoa, thầy điểm tâm tạm, em định thổi xôi nhưng không kịp. Tôi bảo, em ơi, bận thế bày vẽ ra làm gì. Bày vẽ gì đâu thầy ơi, mười mấy năm mới gặp lại thầy, thầy cứ mặc em.

Tôi định hỏi bà đâu thì chợt có tiếng của bà đầu ngõ. Thuỷ ơi, Thuỷ… Tôi và Thuỷ đứng dậy mời thì bà xua tay, ôi, may quá, may quá. Tôi ngớ ra không hiểu gì, nhìn Thuỷ thì chỉ thấy Thuỷ cười cười. Hôm qua, con Loan nhà o Phượng đau bụng thầy ạ! Tưởng là đau bụng thường, lỡ ăn cái gì đó không hợp, nhưng xoa dầu đánh gió mãi không hết… Cũng định sáng đưa lên trạm xá xã khám xem sao nhưng càng lúc nó càng đau dữ dội. Bố nó đèo lên trạm xá xã, bác sĩ nghi nó bị đau ruột thừa, phải đưa lên bệnh viện huyện gấp…

Thế là nhớ đến cái xe máy của thầy. Tôi bảo bố nó về mượn, nó thấy thầy ngủ, nên không hỏi nữa mà cứ lấy chạy. May là cũng chính nó, bố cái Loan vừa vá xe cho thầy xong. Vợ chồng bế con Loan đèo nhau lên bệnh viện huyện, bác sĩ bảo nó viêm ruột thừa cấp, sắp xếp mổ ngay. Khoảng tiếng sau thì xong, bác sĩ bảo, chậm chút nữa là vỡ, vỡ thì nguy hiểm lắm, không giữ được tính mạng như chơi. May quá, cảm ơn cái xe máy của thầy.

Tôi chỉ biết kêu lên, ôi thế à, may là kịp. Như trời dun dủi bác ạ! Mà làm sao cháu ngủ say quá, không biết gì.

- Đêm qua chỉ có thầy ngủ ở nhà thôi đấy. Thuỷ nói.

- Bác ơi, giờ cháu bé ổn rồi chứ?

- Xong xuôi rồi, người ta bảo ba ngày sau ra viện. May thế, chậm chút nữa là nguy - Bà nói thêm - Giờ thì mời thầy ăn tạm điểm tâm còn kịp về cơ quan làm việc, cô Thuỷ cũng ăn đi còn đến trường.

Tôi nài nỉ bà ngồi ăn cùng nhưng bà bảo, bà ăn khi nào chả được, hai người ăn đi còn lo công việc. Hai người là bà nói tôi và Thuỷ. Thuỷ cao hứng như cô học trò nhỏ, giơ tay, xin tuân lệnh “giám đốc”. Mẹ Thuỷ nguýt, cha bố cô. Tôi nghĩ mình thật may mắn gặp lại hai người và cảm thấy mến hai mẹ con họ quá. Giá như sau này, nếu tôi có phút giây nào chán nản hoặc bế tắc, tôi ước ao được về đây với bà mẹ, với Thuỷ, được nghe từ họ một lời an ủi để tôi có nghị lực bước tiếp qua những cam go. Tôi sẽ nói với bà câu đó, nhất định thế.

Mảnh rừng này, mảnh đất nghèo khô cằn đầy sim mua này, và buổi sáng như muôn ngàn buổi sáng mà ta mỗi khi thức dậy, cũng một vườn cây xanh, cũng tràn ngập tiếng chim, và có những cô giáo chuẩn bị đến trường nhưng nếu tôi không có một lúc đi trên con đường khúc khuỷu và mấp mô này, nếu tôi không có cái xui xẻo hỏng xe thì làm sao tôi được gặp Thuỷ, gặp người mẹ nhân hậu, gặp lại tình nghĩa thầy trò tưởng đã phôi pha, cái xui xẻo của tôi như ông trời bắt tôi phải lần tìm, tương kiến những tấm lòng thơm thảo, những ứng xử thiện lương đang bị khuất lấp, dễ bị che mờ giữa cuộc sống vội vã, bộn bề để tôi phút chốc bừng ngộ.

Lần đầu tiên trong đời, tôi mong mình được gặp lại những xui xẻo như thế này, để gặp lại cô học trò cũ, uống bát nước chè xanh, ăn bữa cơm cây nhà lá vườn, ngắm nhìn những chú chim chuyền cành hót líu lo tại một mảnh rừng khuất ngái mà ấm áp, lung linh tình người.

Nguồn Văn nghệ số 21/2020


Có thể bạn quan tâm