April 25, 2024, 1:24 pm

Đêm đêm tiếng cú…

Cả Trác được tin địch sắp đổ quân tập kích xóm Cây Xoài, Long Sơn. Ông vội vàng cho di dời cơ quan. Anh Thắng, anh Hoàng là thanh niên khỏe mạnh mang hai bảng đá lớn, đèo thêm mấy ram giấy manh. Cả Trác đã trên ba mươi tuổi, ở tù Côn Đảo mới về, người lại nhỏ thó, yếu ớt nên chỉ đèo theo ba chục lon gạo cho năm người ăn trong mấy ngày. Tôi và Đoàn Thịnh còn quá nhỏ, mới vào đơn vị năm bảy ngày, các anh cho mỗi đứa mang mấy ram giấy thôi. Chúng tôi rời xóm Cây Xoài, Long Sơn lúc 5 giờ chiều, men chân Nổng Phương, Dương Leo vượt đường Cây Sanh - Ngọc Tú - Tiên Phước đến đập Ba Suối, tới Hóc Hiếu. Lúc này là tháng 7 năm 1965, lính Mỹ đã vào Quảng Nam, nhưng tình hình chiến sự chưa căng mấy. Vùng giải phóng còn yên bình, nhà cửa làng xóm gần như còn nguyên vẹn. Trục đường Tam Kỳ - Tiên Phước, quãng từ Khánh Thọ đến Phước Tiên, ta làm chủ ngày đêm. Đồn Suối Đá, chợ Cây Sanh, địch bỏ chạy từ cuối 1964. Giữa vùng giải phóng rộng lớn, đầy khí thế, nhưng chúng tôi luôn phải cảnh giác với bọn chỉ điểm giấu mặt, tránh tàu rà L19 lúc qua đồng trống... nên thường hành quân vào giờ chiều tối như thế này.

Hóc Hiếu có địa thế khá hiểm. Đây là cái hóc nằm kẹp giữa Dương Cháy phía tây bắc với Đồi Vườn Cau phía đông Nam. Nhà ông Bồi nằm ngay chỗ góc giữa hai gò núi giao nhau. Thời trước, ông Bồi định cư ở đây đâu phải chọn địa thế ẩn mình khi có chiến tranh. Bởi, ông làm chi mà biết trước được cái nạn này. Có lẽ ông tìm nơi vắng vẻ khai cơ lập nghiệp. Ở ngoài đồng rộng Dương Đàn, Đồng Lớn kia đã có địa chủ, phú nông nắm giữ hết cả. Hóc Hiếu, đúng là nơi “chó ăn đá gà ăn muối”. Chốn hóc hiểm này, thời buổi chiến tranh người đời mới thấy quý giá.

Chúng tôi tập kết vào nhà ông Bồi lúc vừa đỏ đèn. Cả nhà đang quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Nhìn thấy bóng người từ mấy thẻo ruộng hóc leo lên các bậc đá trước ngõ, một người phụ nữ độ ba mươi tuổi bỏ đũa chạy ra đón. Ông cả Trác khoác tay, chúng tôi đặt ba lô giữa sân, chào hỏi cả nhà. Đây là gia đình cốt cán, được cán bộ huyện, xã bấm nhỏ trước rồi. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ kháng chiến. Có lẽ là vậy, Cả Trác chưa mở lời thưa gửi, người phụ nữ ấy đã hối chúng tôi đưa đồ đạc vào nhà. Trong ngôi nhà “rội” khá rộng rãi này, bốn thế hệ đang chung sống. Đó là ông bà Bồi; vợ chồng ông hai Bồi, gọi theo tên con là Thái; hai người con gái của ông bà Thái là chị Anh (người ra đón khách lúc nảy) và út Toàn cùng trang lứa với tôi. Chị Anh có người yêu đi tập kết. Đất nước phân chia, người đi biền biệt, bóng nhạn xa vời, vượt qua miệng thế gian, chị đánh liều tự túc được Cả Anh. Và tên của chị cũng được gọi theo tên con. Thằng Anh đã bảy tuổi. Hắn trắng trẻo, khôi ngô lắm. Cả gia đình bốn thế hệ niềm nở đón tiếp chúng tôi bằng một nồi mít hông, khoai chà ngào đường đen với nước chè xanh và những lời hỏi han mộc mạc...

Đợi ăn xong, ông Thái cầm đèn dầu, dẫn chúng tôi ra sau nhà chỉ hầm trú ẩn. Ông dựa vào thế hòn đá lớn mọc ở sườn núi, khoét một cái hầm sâu và rộng đủ vài chục người nấp. Cả Trác bấm đèn pin, chui xuống quan sát. Lên khỏi hầm, Cả vui vẻ cám ơn, sau đó ông Thái vào nhà bố trí cho cả bọn treo võng. Cả Trác bảo hai thằng nhỏ treo võng gần lối thoát ra miệng hầm. Đó cũng là vị trí ưu tiên cho Thịnh và tôi suốt thời gian sau này.

Cho chúng tôi tá túc là rước cục nợ vào nhà. Đây là cơ quan ấn loát của huyện Bắc Tam Kỳ, cho dù cố gọn nhẹ thì giấy tờ, dụng cụ hành nghề cũng khá bề bộn; người ra vào liên hệ công tác thường xuyên; kẻ thù lại có thể giấu mặt ở nhiều nơi..., rủi bị lộ thì cả nhà ông sẽ tiêu tan vì bom đạn, vì quân bộ binh tập kích. Không sợ. Cả nhà ông Thái, từ già Bồi đến cháu gọi bằng cố là Cả Anh mới bảy tuổi, đều là chỗ dựa tin cậy của chúng tôi. Tại nhà ông Thái các tài liệu tuyên truyền, các chỉ thị, chủ trương của huyện ủy và các tổ chúc quần chúng cách mạng được in ấn qua bảng đá li-tô, phát hành đến các thôn xã vùng giải phóng kể cả nơi vùng sâu địch hậu.

Tôi và Đoàn Thịnh từ Kỳ Anh tự lên đây để theo cách mạng. Ông Năm Cần người quê tôi, chỉ huy tiểu đoàn 70 đánh trận Quán Rường. Sau trận đánh, ông tạt qua xóm Chùa, thôn Khánh Tân, nơi chúng tôi tá túc đợi cách mạng lấy quân. Ông thu nhận hai đứa, dắt vào xóm Cây Xoài, Long Sơn. Trong Tiểu đoàn bộ, nhiều người chê chúng tôi còn quá nhỏ, đi theo chỉ vướng chân bộ đội. Họ bí mật hành quân, gửi chúng tôi lại cho ông Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Tuyên huấn và Cả Trác, Trưởng bộ phận ấn loát huyện Bắc Tam Kỳ. Ông Nguyễn Đình Thư, người của Tiểu ban Giáo dục Khu 5 xuống liên hệ tìm người về viết li-tô, in sách giáo khoa. Thấy chúng tôi quyết tâm theo cách mạng, ông thu nhận và gửi lại cho Cả Trác học nghề. Trong lúc chờ ông Thư về Khu báo cáo, gần hai tháng trời chúng tôi không được cách mạng cấp gạo và tiền ăn. Ông bà Thái nhận nuôi luôn hai đứa.

Một hôm, anh Thắng đau quặn thận, Cả Trác phân công tôi đi lấy thuốc Nam về đẩy “trái ké” ra ngoài. Chấp hành lệnh Cả Trác, từ Hóc Hiếu tôi băng ra Đàn Trung, Thạnh Đức, thôn 5 Kỳ Thịnh xuống Chồi Sũng. Vừa đi vừa dò hỏi đường. Vượt đường sắt, tôi rẽ phải đến nhà thầy lang. Đây là vùng tranh chấp. Địch có thể tóm gọn hoặc giết chết tôi bất cứ lúc nào. Thầy lang biết tôi là người của cách mạng, vội đưa ba chai thuốc nước, hối quay lên nhanh. Lúc quay lui, tôi vừa đi vừa chạy, chỉ hơn ba tiếng đồng hồ thì đến nhà. Hôm sau, bà Thái biết được chuyện, la Cả Trác thẳng cánh:

- Sao bậy thế. Hắn còn nhỏ mà bay phân đi xuống vùng giáp ranh. Rủi địch bắt được, không chịu nổi đòn tra thì cả bay và gia đình tau tiêu tan hết. Nếu địch không bắt mà giết chết nó thì tội quá. Đặt trường hợp như vậy, thằng Thắng có hết bịnh cũng sướng ích chi.

Cả Trác cứng miệng. Thịnh đỡ lời:

- Thông không đi thì con đi. Anh Thắng mà đau thì không có người viết tài liệu tuyên truyền. Đấy là nhiệm vụ của bọn con. Bác đừng la anh Cả mà tội cho ảnh.

Bà Thái hạ giận, khen Thịnh còn quá trẻ mà biết nói phải. Bà tiếp lời:

- Tau thương tụi bay như con như cháu. Sốt ruột mà nói vậy thôi. Cả Trác đừng giận nghe. Thời buổi chiến tranh này ai góp được tý gì hay tý ấy. Nghĩ vậy nên tau khiến thằng Cả Anh vừa thả bò vừa quanh quẩn để cảnh giới cho bay làm việc. Hễ thấy hiện tượng chi lạ, chạy ngay về tâu với mẹ, với bà. Thằng Cả Thái, con tau đang tập kết miền Bắc. Tau cũng cố góp phần nhỏ cho đất nước mau hòa bình, thống nhất để được gặp con.

Cả Trác nghe bà Thái mà mắt nhìn mông lung ra phía Hóc Hiếu, rưng rưng lẩm bẩm:

- Khi đất nước hòa bình, thống nhất người ta có chịu hiểu cho việc làm của những đứa trẻ như Cu Anh, của một bà già như bà Thái này không...?

Nhà ông bà Thái có tất cả bảy miệng ăn cộng với năm anh em chúng tôi là đúng một tiểu đội. Trong chúng tôi, ba người có tiêu chuẩn gạo, tiền. Tất cả trút gạo nấu chung. Mà tiêu chuẩn thời chiến thì chả là bao. Gạo của ba người đó chỉ đủ tráng đít nồi. Mỗi bữa bà Thái nấu một nồi cơm độn khoai lang, sắn hoặc mít thật to. Thức ăn thì mắm cái, mắm xổi, cá kho, thỉnh thoảng có vài lát thịt heo. Tôi và Thịnh ăn không của gia đình. Ba người kia cũng ăn lạm của họ. Của tiêu chuẩn làm chi mà đủ…

Tôi và Đoàn Thịnh ở đây gần hai tháng học việc. Ông Thư quay trở lại. Từ biệt gia đình, đồng chí, chúng tôi theo ông Thư vào cơ quan giáo dục Khu 5. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Tôi lưu lạc trên khắp các chiến trường rồi ra miền Bắc chữa bệnh và học tập... Suốt bốn mươi sáu năm rong ruổi đó đây, tôi chưa lần nào quay lại Hóc Hiếu. Về hưu ngẫm lại, thấy mình quá bạc tình. Tháng tám vừa qua, tôi rủ nhà báo Hữu Đổng lên núi My tìm thăm cảnh cũ, người xưa. Bạn người trẻ nghe hỏi ông Bồi, ông Thái tưởng là người thiên cổ. Chúng tôi phải tìm người già lần hỏi. Họ bảo rằng, Nhà ông Thái thời kháng chiến ở tút bên kia. Họ chỉ tay, bên đó mới là Hóc Hiếu, Vườn Cau. Nhà ấy hiện nay chỉ còn cô Tài, con gái của bà Anh. Nhà nó kia kìa! 

Tôi hơi bị bất ngờ. Chị Anh thời đó, không có người con gái nào cả.

Nhà Tài rất gần, chỉ cách có mấy đám ruộng. Nhưng không có đường băng đồng. Tôi và Đổng đánh hon đa chạy vòng đường kênh. Đến nhà, tôi mới biết đích xác Tài là con gái của chị Anh. Một ông cán bộ nào đó theo chị, sinh nó năm 1974. Tôi hỏi ông bà Bồi. Ông cao quá, vợ chồng Tài không biết. Hỏi ông bà Thái. Chúng nó bảo, ông bà chết hồi tụi con còn nhỏ. Hỏi Cả anh. Cả đã chết từ năm 1976 kia. Sau cùng là chị Anh - Mẹ của chúng nó đã chết cách đây 10 năm. Như vậy, nếu chị Anh không đánh liều lần thứ hai thì nhà này làm chi còn được con Tài trên đời. Tôi vội bảo chồng của Tài dẫn đến nền nhà cũ.

Băng đường mòn, qua Vườn Cau, xuống Hóc Hiếu. Cảnh cũ đây rồi mà người xưa vắng bóng. Hòn đá “mọc” ở sườn đồi, nay vẫn sừng sửng trơ gan cùng tuế nguyệt. Các bậc đá xếp trước ngõ còn nguyên. Rẫy thơm ngày xưa, nay đã biến thành đồi bạch đàn khô khốc. Hóc Hiếu cô quạnh lắm. Không một nóc nhà. Ruộng hóc bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Trên nền nhà cũ, Cả Thái từ Nghệ An về huy động Út Toàn, chị Sen, vợ chồng cháu Tài cùng xây cất một ngôi nhà thờ nhỏ, giữ lại dấu xưa. Vào nhà thờ. Nồi hương vắng lạnh, trên tuờng treo ảnh ông Bồi, vợ chồng ông Thái và chị Anh. Ngoài ra không có một bằng sắc nào cả.

Nhìn bàn thờ, nhà báo Hữu Đổng thốt lên:

- Sao lại thế này?

Tôi giật mình, gặng hỏi:

- Nè cháu có biết, sau năm 1965 gia đình ông Thái có bám trụ nơi đây không. Cả nhà có bỏ chạy đi đâu không. Vì chiến tranh quá ác liệt, giữa sự sống và cái chết ông Thái, chị Anh có vướng lỗi chi với cách mạng không. Thằng Anh lớn lên thì làm chi, có cầm súng cho phía nào không. Trời ơi! Những người được nhà ông Thái che dấu, đùm bọc đã chết hết trong chiến tranh rồi sao. Có người nào quay trở lại đây không?

Thằng cháu rể ông Thái điềm tĩnh trong xót xa. Hắn nói một lèo:

- Thưa chú và anh nhà báo, con sinh sau đẻ muộn có biết chi đâu. Nghe mẹ Anh nói, trong chiến tranh chống Mỹ vùng này vô cùng ác liệt. Địch đóng quân dày đặc. Núi My, Dương Cháy, Suối Đá, Dương leo địch đều đóng quân. Ông bà cố thì đã chết từ những năm 1966-1967. Ông bà ngoại, mẹ và Cả Anh bám trụ cả chục năm trên đất này. Năm 1973, bị dồn vào chùa Dương Đàn mấy tháng rồi cũng về vườn cũ. Con nghe làng xóm nói, ông bà ngoại kiên cường lắm. Cả Anh thì được ông nuôi, cho đi học. Nghe đâu anh ấy có tham gia du kích B. Vì thế sau giải phóng liền được tham gia công tác xã. Nhưng rủi quá, Cả lâm bệnh mất sớm. Con chẳng biết tại sao gia đình ni mà chưa được Nhà nước ghi nhận công lao...

Người thời đó, Cả Trác, anh Thắng đã hy sinh. Ông Nguyễn Bình Phương, ông Phạm Quang Bá lãnh đạo Huyện ủy thường lui tới chỉ đạo, động viên bộ phận ấn loát cũng không còn. Hiện nay người được ông Thái cưu mang còn sống cũng không ít: Anh Hoàng, anh Đoàn Thịnh ở Đà Nẵng; ông Hoài Sơn nguyên phó Bí thư Bắc Tam Kỳ, cư trú tại An Mỹ; ông Hùng người Tam Hòa, nguyên phó ban binh vận tỉnh, đang hưu trí ở quê nhà... Chiến tranh đã lùi xa, thời gian hun hút trôi, chuyện kẻ còn người mất, kẻ quên người nhớ là lẽ thường tình. Nhưng tại sao tuyệt đối đến nghiệt ngã thế. Một gia đình bốn thế hệ bám trụ. Rồi cả bốn thế hệ phải lần lượt yên lặng ra đi mà những người còn sống và chịu ơn như tôi không hề hay biết. Cả Trác ơi! Nỗi bâng khuâng của anh, những lời xót xa của anh ngày ấy, sao ngày nay lại buộc đúng vào những người đã từng đùm bọc anh em mình…

Những người còn sống sót sau chiến tranh, những đồng chí của tôi ơi! Biết là cuộc sống chảy trôi, biết là bao lo toan bận rộn, nhưng giờ chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, hãy bỏ chút thời gian, rời nơi thị thành mà trở lại thăm Hóc Hiếu. Hãy trở lại đây mà nghe chim cú kêu. Đấy là một loài chim thiêng. Đêm đêm cú về đậu trên cành cây gọi hồn những số phận bị lãng quên nơi hốc đá, bờ lau của xứ Vườn Cau, Dương Cháy heo hút này. Hãy trở lại đây mà thắp nén hương tạ lỗi và cầu mong cho linh hồn của bốn thế hệ trụ bám, che giấu chúng ta trên chính mảnh đất này, giữa thời lửa đạn, để họ có thể an nhiên, siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng...

Nguồn Văn nghệ số 14/2020


Có thể bạn quan tâm