April 19, 2024, 5:29 am

Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội

 

Vậy làm gì và làm như thế nào để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bằng sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó phải kể đến những thành tựu về văn hóa. 5 năm qua, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội XII, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc không những được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và nhân dân nuôi dưỡng, phát huy; đồng thời có những hình thức phát triển phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu của đất nước; mà văn hóa và giá trị văn hóa còn trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, kết hợp với du lịch, dịch vụ, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Hiệu quả cao nhất mà văn hóa và các giá trị văn hóa mang đến chính là nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, là nhân lên lòng yêu nước, ý chí khát vọng và tinh thần cống hiến của mỗi người dân ra sức thi đua lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu và công tác vì sự phát triển toàn diện của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự trường tồn của dân tộc.

Để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn 

Nói vậy, không có nghĩa là mọi việc, mọi chuyện liên quan đến văn hóa và đời sống văn hóa không còn những điểm cần nghiên cứu, suy xét trong đời sống thực tế của xã hội. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Lĩnh vực văn hóa, xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn”. Từ đánh giá này của Đảng, nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta thấy rằng, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, đời sống văn hóa cần được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ngành nghiêm túc phân tích với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ những hạn chế, khuyết điểm; xác định cho được các giải pháp trong triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Đó là sự xuống cấp khá nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ; đó là sự thờ ơ, vô cảm, thiếu quan tâm, chia sẻ với cộng đồng, thiếu trách nhiệm với xã hội. Đó còn là tư tưởng ngại lao động, thích hưởng thụ, đua đòi, chạy theo lối sống thực dụng, coi trọng giá trị đồng tiền. Đó còn là sự lợi dụng văn hóa để hoạt động mê tín dị đoan; lợi dụng các giá trị trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa... Những hạn chế, thiếu sót nêu trên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc rất cần được cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành quan tâm, nghiên cứu, xem xét trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Như vậy, chúng ta thấy rằng, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh thì thực hiện hiệu quả định hướng phát triển văn hóa của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước. Theo đó, cần nhận thức một cách thống nhất rằng: Còn văn hóa là còn tất cả. Mất văn hóa là mất tất cả.

Đặt vấn đề như vậy để thấy rằng, soi xét vào đời sống thực tế không phải lúc nào, khi nào sự quan tâm đến văn hóa và phát triển văn hóa cũng được cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp, các ngành quan tâm một cách đúng mức. Bởi vậy, cần loại bỏ sớm tư duy, văn hóa và phát triển văn hóa là chuyện riêng của ngành văn hóa và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác văn hóa. Phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Phát triển văn hóa chính là giữ cho được cái gốc, cái còn lại cuối cùng của một quốc gia-dộc tộc. Mặt khác, quan tâm, phát triển văn hóa không đơn thuần là các hoạt động văn hóa văn nghệ, là những buổi biểu diễn, những vở kịch, bộ phim hay một ca khúc, mà văn hóa và giá trị văn hóa len lỏi, chứa đựng trong mọi công việc, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong hoạt động của mỗi con người, mỗi tập thể, trong giá trị của từng sản phẩm hàng hóa... Văn hóa và các giá trị văn hóa còn là nhân cách của mỗi con người, còn là cốt lõi để tạo nên thương hiệu quốc gia, hình ảnh đất nước. Mỗi việc làm dù rất nhỏ nhưng nếu mang đến sự hữu ích cho xã hội, cho đất nước, cho nhân loại đều hàm chứa trong đó những giá trị văn hóa của mỗi con người, của một dân tộc. Văn hóa và phát triển văn hóa còn là một ngành kinh tế mũi nhọn và tạo dựng sự phát triển bền vững của đất nước.

Một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được Đảng ta xác định là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Đây là một trong những nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần quyết tâm cao với những giải pháp đồng bộ và thể hiện rõ trách nhiệm chính trị của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và từng cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

LÊ LONG KHÁNH

Nguồn QĐND

.


Có thể bạn quan tâm