March 29, 2024, 12:39 am

Để thấy hóa ra cuộc đời này…

Ra Hà nội lần này dự đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, bên những niềm vui khi thấy ban chấp hành mới của Hội là những tài năng văn học lớn, đầy sung sức, đầy nhiệt huyết, thì cũng không ít nỗi buồn của một cuộc chia tay. Mình bắt tay anh Nguyễn Trí Huân nói: “Nói thật với anh, Việt ra dự đại hội lần này, cái chính là để tiễn anh Thỉnh và anh thôi. Nhưng dù các anh không còn là Chủ tịch, phó chủ tịch Hội nữa, thì tình cảm anh em mình càng phải thêm thắm thiết hơn xưa anh nhé”.

Chiều ấy Đại hội xong, “Quan họ về chúng em ra về”... Những vui buồn đan xen làm mình cứ đi lang thang giữa Hà Nội, “Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” như lời hát của Phú Quang.. Lên một xe taxi, người lái xe hỏi: - Bác đi đâu? Bảo: - Cứ đi. Biết Nhà hát lớn không, cứ đi về hướng ấy…

Nhà hát lớn này ngày xưa mẹ vẫn hát ở đây. Những Xa khơi; Câu hò bên bến Hiền Lương; Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… Về con phố nhỏ Lê Phụng Hiểu, nơi tuổi thơ mình từng sống với ông bà và với mợ Loan yêu quý. Mợ mất rồi, không con mợ giữa Hà Nội, cháu lại thành đứa trẻ mồ côi mợ ạ… Lúc này cháu chính là “cây bàng mồ côi mùa đông, góc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông”... Lại nhớ khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu ấy, năm xưa cũng có một cây bàng, mùa đông lá rụng đỏ sân, ngay trước cửa nhà chị Mai Hương (tức nhà thơ Thảo Phương)… Mùa đông Hà Nội, cây bàng lá đỏ, cây cầu đã gẫy và ly cà phê đắng… Bất chợt rưng rưng khi nghĩ về phận người, phận người nghệ sỹ…

Nữ thi sỹ làm thơ đầy cảm xúc về mùa đông Hà Nội, nhà thơ Thảo Phương; người ca sỹ hát hay vào loại bậc nhất về mùa đông Hà Nội, ca sỹ Ngọc Tân; đều đã “đi về nơi xa lắm”. Còn người nhạc sỹ đã viết tuyệt vời về mùa đông Hà nội, gợi ta nhớ một “Khúc hát nàng Solveig” của Grieg: “Mùa Đông dù trôi qua/ Mang bóng dáng Đông qua Xuân về/ Và nỗi nhớ anh đi chưa về…”, Nhạc sỹ Phú Quang, buồn thay anh vẫn đang phải nặng nề nằm viện và phải thở bằng máy… Anh đã đi qua mùa hạ, hy vọng sẽ vượt qua mùa thu này, và càng hy vọng hơn rồi sẽ hồi sinh ở mùa đông tới…

Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về…”

*

Những ngày Sài Gòn nắng đẹp, ấm áp. Bỗng nhớ Hà Nội đến thế. Cữ này miền Bắc đang bắt đầu lạnh. Trời u ám. Gió thổi buốt giá những hàng cây... Lại nhớ những đêm nằm cùng anh Tất Bình, anh dém chăn cho con nhưng vẫn hất phần chăn còn lại đắp ấm cho mình. Lại nhớ Kiều Minh phóng Mukich lên Tân An (Bắc Giang) thăm con, gió rít bên tai, cứ phải thằng ngồi sau ôm chặt thằng ngồi trước cho ấm. Lại nhớ những đêm lang thang cùng Trần Bình quanh hồ Ha Le. Rồi những đên tụ tập bên cửa ga Hàng Cỏ, nơi Ngọc Tân, Vân Khánh, Huyền Châu, Khôi cóc... đi diễn về, cùng ngồi bên một quán trà nông, hai tay xoa vào nhau đưa lên miệng bốc khói hít hà, khói bay mờ ảo trên mắt… rồi vào ăn một bát phở ở Nam Ngư tương ớt cay xè như có cả mùa hè chói chang nơi đầu lưỡi ...

Và lại nhớ nhà thơ Thảo Phương: “Làm sao về được mùa đông/ Dòng sông đôi bờ cát trắng/ Làm sao về được mùa đông/ Để nghe chuông chiều xa vắng/ Thôi đành ru lòng mình vậy/ Vờ như mùa đông đã về…”

Rồi một lần, ca sỹ Ngọc Tân rủ tôi đến nhà hát Bến Thành xem show mới của anh, có bài hát Nỗi nhớ mùa đông (Nhạc Phú Quang, thơ Thảo Phương) mà anh nói da diết lắm, hát mà cứ trào nước mắt… Và quả đúng như vậy, cho đến tận bây giờ.

Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi”… Phải nói thật đêm ấy Ngọc Tân hát hay lắm. Bao nhiều nước mắt đã lăn trên má những người con Hà Nội xa quê vào sinh sống đất phương Nam. Thấy càng yêu hơn Hà Nội, yêu cây bàng lá đỏ trước sân, yêu cơn gió lạnh rít qua khe cửa, yêu tất tần tật cả đất trời mùa đông Hà Nội… Thế mà giờ tất cả đã xa, tất cả như đã bỏ mình đi mất… “Làm sao về lại mùa đông/ Mùa thu cây cầu đã gẫy...”. Với thời gian, ta yêu, nhưng đã không thể trở lại, cũng như vậy với tình yêu đã mất đi rồi, dù vẫn còn bao nuối tiếc vấn vương mà như cây cầu kia đã gẫy, có nối nhịp lại được chăng?..

Ôi mùa đông Hà Nội… Nhớ những người con Hà Nội đã làm nên tuyệt tác Nỗi nhớ mùa đông giữa Sài Gòn. Phú Quang có lẽ không chịu được nỗi nhớ này, có một ngày đã trở lại sống với mảnh đất nơi anh đã sinh ra. Còn Ngọc Tân và chị Mai Hương – nhà thơ Thảo Phương đều đã như chiếc lá thu vàng đã rụng, một chiều đã bỏ ta đi… Không biết mùa đông Hà Nội còn nhớ họ chăng? Không biết trên những cây bàng mùa này lá đỏ ngày xưa từng treo những chiếc loa công cộng, vẫn thường văng vẳng tiếng hát Ngọc Tân: “Dường như ai đi ngang cửa/ Gió mùa đông bắc se lòng/ Chút lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi…” còn nhớ họ chăng?...

Ôi hạnh phúc. Tiếng hát nhắc ta về mùa đông, về hạnh phúc, như mang niềm khát khao vô bờ bến của con người, bởi thực sự cuộc đời này, hạnh phúc bao giờ cũng là những khát khao...

Nguồn Văn nghệ số 51/2020


Có thể bạn quan tâm