November 30, 2023, 9:23 pm

Để nỗi đau này không lặp lại

Hàng chục bị cáo mà phần lớn là cán bộ trung cấp, cao cấp của Đảng và Nhà nước trong đại án “chuyến bay giải cứu” bị đưa ra xét xử, khiến dư luận hết sức đồng tình và mong muốn pháp luật hãy trừng trị thật nghiêm minh.

Nhưng sao  lời tuyên bố của nhà hành pháp “sẽ còn làm tiếp giai đoạn hai” không làm cho tôi và nhiều người cảm thấy hả hê khi cái xấu, cái ác bị trừng phạt, khi công lý được phục hồi, mà chỉ thấy cay đắng và xót xa. Một nỗi cay đắng không hề nhẹ bởi sự đổ vỡ lớn quá, nỗi mất mát lớn quá.

Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành nhân loại, Nhà nước cho các đội bay bay vào tâm dịch để cứu đồng bào. Một tư tưởng nhân văn như thế đã bị bọn người hư hỏng làm cho mất hết ý nghĩa vốn có của nó, đã hủy hoại lòng tin của nhân dân vào chế độ, khiến người ta ngờ vực nhiều điều… Chiếc mặt nạ rơi xuống, sự trần trụi của sự thực xấu xa lộ ra khiến người ta kinh sợ. Vậy mà người “tham mưu” vụ giải cứu này (thực chất là đầy rẫy mưu tham) đã dám công khai biện bạch trước tòa công lý và tòa lương tâm rằng cô ta và các cộng sự “luôn đặt công tác bảo hộ và lợi ích công dân lên trên tất cả, luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân”. Dù đã bắt mình cảm thông ở một mức nào đó cho tâm trạng bấn bách, biện bạch nhằm chối tội của bị cáo nhưng tôi vẫn không kìm được nỗi ghê sợ trước thái độ dối trá trắng trợn này. Miệng nói “thương cảm, sẻ chia, tình nghĩa”… mà lại nghĩ ra những chiêu trò ăn chặn đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người đang trong cơn hoạn nạn thì quá vô sỉ. Đồng tiền đã làm lóa mắt, khiến họ quên mất đạo lý, bán rẻ lương tâm, dẫm đạp lên tất cả. 54 bị cáo bị xét xử vụ này, có đủ loại người nhưng điều đau xót nhất là nhiều người trong số họ đều được học hành tử tế, con nhà danh giá, chức vụ cũng đến Thứ trưởng, Phó Chủ tịch tỉnh, Thiếu tướng, Cục trưởng… nhưng nghe những lời họ tự bào chữa tại tòa, nghe những lời thanh minh, kiến nghị này khác để giảm án thì nỗi xót xa đã nhường chỗ cho sự phẫn nộ. Bởi ở địa vị ấy, trong hoàn cảnh ấy, những con người ấy vẫn còn có thể nói ra những lời lẽ “khó nghe” mà người bình thường nhưng có liêm sỉ cũng không thể nói. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao “thành thật” khai rằng gần một năm ở tù, đọc hai quyển sách Luật mới biết mình phạm tội chứ trước đó chỉ nghĩ số tiền hơn hai mươi tỷ các doanh nghiệp hối lộ trong vụ giải cứu chỉ là quà “cám ơn” vì mình đã giúp họ “vô tư”. Vị Thiếu tướng công an cũng cho rằng hơn 2,6 triệu đô la anh ta chuyển cho điều tra viên để chạy án đơn giản chỉ là “thương người”. Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ trong thời gian một năm đến 253 lần với tổng số tiền 42 tỷ đồng cũng hồn nhiên khai “không ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền”, đó chỉ là quà cám ơn sau khi đã hoàn thành hồ sơ giúp họ thực hiện chuyến combo giải cứu; mặc dù trước tòa, doanh nghiệp khai khoảng 8 giờ sáng hàng ngày, vị này thường gọi điện giục “thủ trưởng ký rồi, chuyển tiền đi để còn đóng dấu”(!). Tất cả bọn tội phạm này đều nghĩ chúng nhận tiền “xứng đáng” với những gì mà chúng đã “làm ơn” cho những người khốn khổ đang tìm cách về nước trong đại dịch!

Chúng không đủ năng lực nhận thức hay cố tình tỏ ra ngây ngô? Thực ra chúng đã cố tình tạo ra những tình huống để tham nhũng, ăn hối lộ, chúng tham ô từ chính sách chứ không phải tham ô vặt. Chúng thừa biết trong giai đoạn giải cứu nhân đạo, nhiều chuyến bay của nhiều quốc gia từ các châu lục khác vào nước ta để giải cứu công dân của họ thiếu hành khách. Chúng ta hoàn toàn có thể để công dân của mình về nước theo con đường này. Nhưng chính sách giải cứu theo kiểu bay combo đã ngăn cản người Việt ở nước ngoài bay các chuyến bay khác. Nhưng ngay cả khi đã thực hiện các chuyến bay combo rồi thì vẫn có không ít người Việt đã bay các chuyến bay đến Campuchia rồi từ đó về Việt Nam với chi phí rẻ hơn nhiều. Bọn chúng đã lợi dụng kẽ hở hay cố tình tạo ra các quy định để bắt các công dân Việt Nam phải bay theo giá đắt để chúng chia nhau? Chúng chia nhau ở khâu cấp phép bay, cho phép tổ chức chuyến bay và doanh nghiệp lại bắt “người tiêu dùng” phải bù vào cái phần cống nạp cho những kẻ vô lương tâm đó. Quà cáp kiểu gì mà chỉ qua một đợt “giải cứu” như vậy chúng đã kiếm chác gấp bao nhiêu lần lương bổng của một công chức cấp cao đi làm suốt cả một đời. Cay đắng ở chỗ đó, đau xót và phẫn nộ cũng vì lẽ đó!

Theo Luật định thì khá nhiều trong số đó phải chịu mức án tử hình, với những tội trạng đã biết. Có người viết rằng “đó là do tinh thần nhân văn, nhân đạo của Luật pháp và do nhiều kẻ trong số đó đã khắc phục hậu quả”. Nhưng ai và bằng cách nào để hàng vạn gia đình đã phải bòn mót tiền của, đã hao tổn bao nhiêu sức lực, trải qua bao nhiêu khắc khoải để vét những đồng lương tháng hay tích lũy để phòng thân phải đem nộp cho chúng nhằm cứu người thân của họ thông cảm? Mà thông cảm và thể tất cho những kẻ táng tận lương tâm kia à? Số tiền chúng nộp lại ấy có đem trả lại cho những người đã bị chúng lừa gạt không? Dù có làm thế cũng không phải là mọi việc đã xong. Còn nếu không làm thế thì sẽ xử lý thế nào? Tôi không muốn ai bị tử hình cả, nhưng với bọn tội phạm “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” thì tôi tin rằng chỉ khi hình pháp nghiêm thì xã hội mới bớt tội phạm.

Nghĩ đi, nghĩ lại vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: không muốn có tội phạm nhưng tội phạm vẫn không hết, không muốn tử hình ai nhưng không trừng phạt đúng tội, đúng người thì đó là nhân đạo hay thiếu nghiêm minh? Tại sao kỳ họp nào của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỷ luật hàng loạt cán bộ  toàn những người thuộc đội ngũ “ưu tú, rường cột quốc gia” cả? Cái gốc của tình trạng này ở đâu ra? Có lẽ bên cạnh các biện pháp trừng phạt thì phải nghĩ ra những giải pháp nào đó nữa, chứ cứ ở mãi trong vòng luẩn quẩn này thì tội phạm kiểu ấy không bao giờ hết và nỗi đau này cũng sẽ còn lặp lại nhiều lần.

Những kẻ đang bị xử ấy đã từng được hệ thống lựa chọn, sàng lọc, bồi dưỡng, cất nhắc, đãi ngộ cao hơn đại đa số nhân dân. Chúng từng được coi như rường cột nước nhà và nếu không bị lột mặt nạ chúng sẽ còn tiếp tục sắm vai ấy. Qua nhiều chuyện tương tự có thể thấy sai lầm đầu tiên và cũng nghiêm trọng nhất chính là công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ đã bộc lộ những tử huyệt về tư tưởng cán bộ theo lối bao cấp. Đầu tiên là góc nhìn về con người và năng lực cá nhân. Từ góc nhìn chưa chuẩn này đã đẻ ra những quy trình phát hiện, bồi dưỡng, tuyển chọn, bổ nhiệm… để bây giờ nhìn vào đâu cũng thấy có vấn đề. Có lẽ đã đến lúc cần có một thái độ khoa học, thực tế và nghiêm túc hơn trong khâu đánh giá con người nói chung, cán bộ nói riêng, không chỉ cho trước mắt mà cho lâu dài. Nguy cơ không còn ở dạng tiềm năng nữa mà đã bày ra trước mắt vì đã có hàng loạt cán bộ chiến lược bị xử lý vì vi phạm pháp luật hoặc nguyên tắc tổ chức. Chúng ta hay nói rằng đây là loại người thoái hóa biến chất, kém tu dưỡng do tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Điều đó đúng nhưng theo tôi đó không phải là cái gốc của vấn đề. Đã từ lâu trong xã hội đã tồn tại tình trạng loạn chuẩn giá trị. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cái gốc bắt đầu từ chính sách ở tầm vĩ mô. Xã hội đề cao quá đáng giá trị vật chất, quyền lực mà không chú ý đúng mức đến giá trị trí tuệ, giá trị con người. Chúng ta không ra mặt cổ súy cho việc đề cao giá trị vật chất và những gì tạo nên giá trị ấy, nhưng trong thực tế toàn xã hội đã âm thầm chạy theo xu hướng này. Đi học thì chọn những ngành, nghề có thể kiếm được nhiều tiền, đi làm thì phấn đấu để trở thành quan chức, tìm cách để được làm việc ở những cơ quan quyền lực mà từ đó sẽ “đẻ” ra quyền và tiền. Chúng ta nói xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp nhưng trên thực tế những cơ quan quyền lực vẫn luôn được tạo những cơ chế và chính sách hơn hẳn những cơ quan hành chính. Khi đánh giá con người, cơ quan chức năng thường đề cao yếu tố chính trị hơn là yếu tố chuyên môn, năng lực chuyên môn. Mà trong yếu tố chính trị lại coi trọng nhất là lý lịch và bằng cấp chính trị, lập trường chính trị… chứ không phải bản lĩnh giải quyết các vấn đề chính trị từ góc nhìn khoa học và thực tiễn. Việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch để bồi dưỡng đội ngũ kế cận cũng thường lựa chọn những người “tròn trịa”, phục tùng hơn là những người có cá tính hoặc có quan điểm riêng. Trong Đảng dù vẫn nói là tôn trọng tự do, dân chủ nhưng ít khi chấp nhận những ý kiến khác ý lãnh đạo, ý kiến người đứng đầu mà thường cho những người hay “nói ngang” (thực chất là những ý kiến khác ý cấp trên, những ý kiến chưa dễ thống nhất, cần trao đổi để tìm ra chân lý) là loại “có vấn đề”, hoặc chụp cho một cái mũ chống đối. Bởi vậy đã triệt tiêu động lực cạnh tranh, tinh thần đấu tranh để khẳng định cái đúng, loại trừ cái sai, lựa chọn được người có năng lực. Cái vỏ “đoàn kết” đã che đậy nhiều ung nhọt mà những vụ kỷ luật mấy nhiệm kỳ lãnh đạo chủ chốt ở Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Thanh Hóa… là bằng chứng cho tình trạng này.

Một thời gian dài địa phương nào, ngành nào cũng ra những Nghị quyết, xây dựng kế hoạch thu hút dưỡng nhân tài nhưng thực ra trong khi tổng kết đánh giá công tác này, thường chỉ nói được một nội dung không thực chất nhất là “bổ nhiệm đúng quy trình những người trong quy hoạch”(!). Thế cho nên quy trình đã để lọt lưới nhiều người không xứng đáng vào những vị trí quan trọng và họ như thế nào, không cần nói nữa. Một khuyết tật nữa của công tác cán bộ là do công tác đánh giá và giám sát cán bộ thiếu thực chất mà nhiều cán bộ đã sống hai mặt. Để đối phó với xã hội, họ mang danh đạo đức, thường rao giảng và hành xử như những công chức đích thực phục vụ xã hội, phục vụ nhân dân, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Thực chất họ lợi dụng mọi cơ hội để chăm lo cho bản thân và gia đình. Lợi dụng quyền lực, tạo các quan hệ, tác động cả đến tầm chính sách để “dĩ công vi tư”. Họ không chỉ hối lộ và nhận hối lộ mà còn bất chấp cả luật pháp, đạo lý làm người. Họ không phải là một công chức hư hỏng mà còn có nguy cơ làm đổ vỡ xã hội vì họ có quyền lực, có chỗ dựa, có kẻ tung hứng, có kẻ bao che…

Không biết bao nhiêu kẻ đã sống như thế, đã âm thầm phá hoại đất nước bằng những cách như vậy. Đảng đã nhận ra nguy cơ này, đã tích cực phòng, chống tham nhũng, đã đổi mới cơ chế quản lý, đã đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo… nhưng xem chừng đó chỉ là những biện pháp đối phó chứ chưa phải là chiến lược diệt tận gốc tệ tham nhũng - thứ nguy cơ đến sự tồn vong của chế độ như Tổng Bí thư đã nói. Thói tư hữu, chủ nghĩa vị kỷ là thuộc tính của con người, chỉ tuyên truyền vận động không giải quyết được tận gốc mà cần một sự thay đổi căn bản cách nhìn nhận về con người mới có thể đề ra những cơ chế, chính sách ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả tình trạng tham nhũng và xuống cấp đạo đức đang trầm trọng hiện nay. Và như thế thì nỗi đau này mới không lặp lại… 

Phạm Quang Long

Nguồn Văn nghệ số 31/2023


Có thể bạn quan tâm